Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 5/4/2014 10:18'(GMT+7)

Gia Lai: Sức lan tỏa từ cuộc thi "60 năm - Âm vang Điện Biên"

Ban tổ chức trao giải cho các cá nhân và tập thể có thành tích cao. Ảnh: Trần Dung

Ban tổ chức trao giải cho các cá nhân và tập thể có thành tích cao. Ảnh: Trần Dung

                                                                                        

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014), Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Gia Lai phối hợp với Ban Tuyên giáo 2 tỉnh Quảng Nam và Điện Biên tổ chức Cuộc thi “60 năm- Âm vang Điện Biên” với hai hình thức thi trắc nghiệm và thi viết nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử  vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, qua đó tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, khơi gợi và phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, đoàn kết, năng động, sáng tạo, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc thi được phát động vào ngày 6/9/2013, kết thúc vào ngày 10/3/2014 (đối với thi viết) và ngày 20/3/2014 (đối với thi trắc nghiệm).

Nhằm đánh giá kết quả Cuộc thi và tôn vinh các cá nhân, tập thể đạt giải, sáng ngày 4/4/2014 tại Hội trường 2/9 thành phố Pleiku, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Gia Lai long trọng tổ chức Lễ tổng kết Cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên. Đến dự có hơn 300 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và đặc biệt là có sự tham dự của các cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Lễ tổng kết đã diễn ra trang trọng và đầy hứng khởi với các tiết mục biểu diễn văn nghệ, phóng sự về Cuộc thi…

Đánh giá kết quả Cuộc thi, đồng chí Thái Thanh Bình-TUV, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Phó Ban chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi nêu rõ: Mặc dù thời gian triển khai Cuộc thi không dài (chỉ chưa đầy 7 tháng kể từ ngày phát động) nhưng đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các giai tầng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ, với hơn 90 ngàn lượt người dự thi trên cả hai hình thức thi trắc nghiệm và thi viết. Có được kết quả này là do có sự chỉ đạo kịp thời của Thường trực Tỉnh uỷ; sự vào cuộc tích cực của các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi trong công tác chỉ đạo, tổ chức, tuyên truyền, triển khai Cuộc thi và đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là giáo viên, học sinh; đoàn viên thanh niên và lực lượng công an. Nhiều cá nhân rất có tâm huyết, trách nhiệm đối với cuộc thi nên có sự đầu tư rất công phu trong bài dự thi của mình. Cụ thể:

Thi trắc nghiệm được tổ chức trên Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Gia Lai  (http://thongtintuyengiaogialai.vn. Qua 7 kỳ thi của 3 đợt: Đợt I “Tây Nguyên hướng về Điện Biên”; đợt II “Bắc Tây Nguyên chia lửa với Điện Biên”; đợt III “Từ Tây Nguyên đến Điện Biên”, Ban Tổ chức đã nhận được trên 80 ngàn bài tham gia dự thi của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Đà Nẵng, Kon Tum, Thừa Thiên -Huế, An Giang, Tây Ninh, TP Đà Lạt (Lâm Đồng)…Điều này cho thấy Cuộc thi đã có sự lan toả đến nhiều địa phương trong cả nước, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần. Các bài tham gia dự thi hầu hết đều trả lời chính xác các câu hỏi về: Những chủ trương, phương châm chỉ đạo, quá trình chuẩn bị chiến cuộc Đông -xuân 1953-1954 của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quyết định chuyển phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Chủ trương của Đảng trong việc huy động toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ; Quá trình triển khai chiến dịch và diễn biến các đợt tấn công của chiến dịch Điện Biên Phủ; Sự phối hợp của chiến trường Liên khu V, Bắc Tây Nguyên, Gia Lai, An Khê, đường 19 và trận tập kích tiêu diệt binh đoàn cơ động 100 (GIM 100) của Pháp trên đường 19 tại dốc Đak Pơ (6/1954)...

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 7 giải nhất (mỗi giải trị giá 1.000.000 đồng); 7 giải nhì (mỗi giải trị giá 700.000 đồng); 14 giải ba (mỗi giải trị giá 500.000 đồng); 35 giải khuyến khích (mỗi giải trị giá 300.000 đồng) cho các cá nhân đạt giải. Đặc biệt trong Cuộc thi này, việc tổ chức Lễ trao giải được tổ chức long trọng hơn, gắn với việc tổ chức giao lưu giữa các cựu chiến sỹ Điện Biên (đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai) với đại diện đoàn viên, thanh thiếu niên, thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh và các cá nhân đạt giải.

Hình thức thi viết được triển khai cùng với thi trắc nghiệm ngay sau lễ phát động. Câu hỏi thi viết được đăng trên trang tin điện tử Tuyên giáo Gia Lai, Báo Gia Lai và Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh. Nội dung câu hỏi tập trung tìm hiểu âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; Chủ trương chiến lược của Trung ương Đảng; Sự phối hợp của chiến trường Bắc Tây Nguyên, Gia Lai; Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ; Kết quả, nguyên nhân, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ; cảm nghĩ của cá nhân về chiến thắng Điện Biên Phủ và liên hệ trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Sau 7 tháng triển khai, đến ngày 10/3/2014, Ban Tổ chức đã nhận được 10.782 bài tham gia dự thi, trong đó có nhiều bài được đầu tư hết sức công phu về nội dung và hình thức. Sưu tầm được nhiều nguồn tư liệu và hình ảnh phong phú liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ, Bộ Chính trị và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều bài trong phần cảm nghĩ và liên hệ thực tế đã trình bày khá sâu sắc việc phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ vào trong bối cảnh tình hình hiện nay, đặc biệt là cảm xúc của bản thân đối với sự hy sinh cống hiến quên mình của các thế hệ cha anh đi trước, nhất là đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kết quả, Ban Tổ chức thống nhất trao 01 giải nhất (trị giá 6.000.000 đồng), 01 giải nhì (trị giá 4.000.000 đồng), 02 giải ba (mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng), 7 giải khuyến khích (mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng) cho những cá nhân có bài dự thi đạt chất lượng tốt nhất và 03 giải cho những tập thể có thành tích trong công tác chỉ đạo và có số lượng bài tham gia dự thi đông nhất (mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 01 giải khuyến khích cho một tập thể trường học trên địa bàn thành phố Pleiku đã có sự sáng tạo về hình thức tham gia Cuộc thi.

Cuộc thi “60 năm -Âm vang Điện Biên” đã khép lại, nhưng chiến thắng Điện Biên vẫn đang âm vang trong mỗi tổ chức, cá nhân tham gia Cuộc thi. Điều này khẳng định, Cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tinh thần yêu nước, về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, về tinh thần quyết tâm, ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân./.

Hải Đăng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất