Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Hai, 12/1/2009 21:8'(GMT+7)

Già làng bản Tày với lời dạy của Bác Hồ

Già làng Xa Văn Thế

Già làng Xa Văn Thế

Đã ở độ tuổi "xưa nay hiếm" nhưng già Thế trông vẫn rất sung sức, dáng người chắc nịch như cây keo, cây nghiến giữa rừng. Ngày nào cũng như ngày nào, già lặn lội hơn chục cây số đường rừng xuống tận trung tâm văn hóa xã đọc sách báo, ghi chép rồi về bản truyền thụ lại kiến thức, kinh nghiệm cho con cháu. Cái lý của già mộc mạc, giản đơn nhưng đầy ý nghĩa "có chữ là có ấm no, thoát nghèo, không khổ nữa...".

Cái chữ thoát nghèo.

Ở cái bản Nhạp này, cuộc sống của đồng bào Tày rất khó khăn, với "cái chữ", còn đầy bỡ ngỡ. Không được đi học, không biết chữ, cuộc sống của họ cứ bình lặng trôi nơi "rừng thiêng nước độc".

Nhưng thiếu cái chữ, họ không biết làm gì. Ði bộ đội cũng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS). Ðời sống cứ thế mà xuôi theo những chuyến đi rừng "tự cấp tự túc" giữa thiên nhiên. Già Thế nhìn con cháu mình mà không đành lòng.

Lúc ấy, ở bản chỉ có duy nhất trường tiểu học, con em trong bản, đứa nào khá lắm cũng chỉ học hết lớp 5. Mà hết lớp 5 rồi lại theo bố mẹ phơi mình trên nương rẫy. Cái nghèo vẫn ở lại. Thế là già làm đơn kiến nghị lên huyện, lên tỉnh cho mở lớp học bậc THCS cấp tốc.

Lớp học với vài bộ bàn ghế mộc được mở. Nhưng lớp mở rồi mà chả có mấy người đi học. Già Thế lại lặn lội làng trên xóm dưới, gõ cửa từng nhà, ngồi tâm sự và khuyên bảo họ đến lớp học. Lớp học rất đặc biệt. Dân bản ai muốn đi học, ai nghe theo lời già Thế là đăng ký học. Thế nên, học trò mỗi người một nghề, độ tuổi nào cũng có. Lớp học bậc THCS bắt đầu với hơn 50 mái đầu, tóc đen có, tóc bạc có...

Ði học có nghĩa là phải gác lại việc đồng áng sang một bên. Vào vụ mùa, lớp học cứ vơi đi, hôm nay ba người, ngày mai năm người, họ vắng mặt và thưa dần những buổi đến lớp. Thấy vậy, già Thế lại cất công đến từng hộ, vận động họ đi học để thoát lạc hậu, chống nghèo.

Không yên tâm, già quyết định đăng ký đi học cho dân bản noi theo, bởi "Mình phải làm trước, làm cho dân thấy đấy là việc nên làm, thì họ mới chịu đi học". Vì thế sĩ số lớp không ngừng tăng lên và ổn định ở con số mơ ước: 64 học sinh. Người trẻ nhất sinh năm 1994. Và già nhất sinh năm 1932, không ai khác chính là già Thế. Ở lớp học, già gương mẫu và chăm chỉ.

Từ thầy cô đến học sinh trong lớp, ai cũng quý mến và kính trọng già. Họ bầu già làm lớp trưởng. Già tâm sự "mới đầu, bố ngại lắm. Nhưng con cháu ai cũng muốn bố làm, nên bố đã giơ tay đồng ý làm lớp trưởng".

Từ đó, phong trào học tập của lớp sôi nổi hẳn lên. Khó nhất là học các môn tự nhiên toán, lý, hóa... thế mà già và cả lớp đều vượt qua. Không những thế, năm học lớp 9, già Thế đưa đội văn nghệ của lớp lên tận huyện dự thi, giành giải nhất.

Sau hai năm đèn sách, kỳ thi tốt nghiệp THCS diễn ra, lớp học đỗ 100%, ai cũng được cấp bằng. Riêng già, ngoài tấm bằng đặc biệt, ghi tốt nghiệp THCS năm 74 tuổi, già còn được nhận thư khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Từ ngày học viên của lớp có tấm bằng tốt nghiệp THCS, rất nhiều thanh niên đủ tiêu chuẩn đi bộ đội.

Có người học lên cao nữa. Họ đã nhận thức đúng đắn về cái chữ, hiểu được những kiến thức in trong sách, báo. Cũng từ lớp học này, nhiều người đã đứng trong hàng ngũ của Ðảng, góp sức dựng xây quê hương. Bí thư chi bộ bản cũng bắt đầu trưởng thành từ mái trường này.

Rừng đã xanh trở lại.

Chung quanh bản Nhạp là màu xanh mướt của rừng. Ðồng Chum có hơn 1.000 ha rừng nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh. Nhưng cũng vì đói quá mà người dân bản nghe theo lời xúi giục của bọn buôn gỗ, chặt phá rừng.

Già vẫn nhớ như in những ngày rừng chảy máu, "Mỗi cây rừng đổ xuống làm già nhói đau. Những cánh rừng đinh, lim, nghiến... trăm tuổi cứ thưa vắng dần, chim chóc cũng không về làm tổ nữa". Một lần nữa, già Thế làm đơn gửi lên xã, lên huyện, rồi lên cả tỉnh đề nghị đưa rừng Pu Canh vào diện tích rừng đặc dụng để tiện khoanh nuôi bảo vệ.

Lúc ấy, trên cương vị là trưởng bản, thành viên HÐND xã kiêm công an viên, già Thế đến từng nhà trò chuyện, tâm tình. Bên cạnh việc tuyên truyền, già còn đứng ra nhận bảo vệ 61 ha rừng. Việc làm thiết thực ấy của già đã được dân bản "cảm". Họ lần lượt nhận bảo vệ cả khu rừng hơn 1.000 ha. "Từng vạt rừng đã xanh trở lại, chim thú đã trở về làm tổ, bố vui lắm!" - già tâm sự.

Nhưng việc già Thế đưa cây ngô đông về bản mới thật sự là bước đột phá. Ðiều đó không những giúp giữ rừng mà còn giúp đời sống dân bản ổn định cuộc sống. "Một lần, bố đi tham quan cánh đồng ngô ở Hòa Bình, thấy nó năng suất, bố đem về trồng thử. Lần ấy, chỉ với 3 kg hạt giống mà bố đã thu hoạch được 1,8 tấn.

Thấy năng suất cao, bà con trong bản bắt đầu "tin và làm theo". Ðến năm 1999, người Tày bản Nhạp đã thu hoạch 80 tấn ngô, vụ vừa rồi, con số đó đã tăng lên hơn 1.000 tấn. Trung bình mỗi yến ngô hạt bán được 40.000 đồng. Bài toán kinh tế so với việc trồng sắn như thế là cao hơn nhiều. Ðời sống dân bản ngày một khấm khá. Bản Nhạp với 150 hộ gia đình, nhà nào cũng có xe máy, có ti vi.

Người dân bản Nhạp vẫn thường nói vui: "Già Thế là người mua việc vào người!". Còn già Thế - người trưởng bản Tày này luôn tâm niệm lời Bác Hồ dạy năm xưa: "Làm việc cho dân thì không cần phải suy nghĩ, đắn đo". Suốt cuộc đời mình, đi bộ đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, về giúp dân dựng xây quê hương, đời sống ấm no. Triết lý ấy tưởng chừng đơn giản mà thật lớn lao, ý nghĩa...!

(Theo:Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất