Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 16/11/2013 8:15'(GMT+7)

Gia Lộc: Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở

Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lộc tặng Giấy khen cho các Bí thư chi bộ có thành tích xuất sắc.

Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lộc tặng Giấy khen cho các Bí thư chi bộ có thành tích xuất sắc.

Đảng bộ huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương có 7.360 đảng viên, trong đó có tới 6.574 đảng viên (chiếm 89,3%) sinh hoạt tại 234 chi bộ thôn, khu dân cư thuộc 23 Đảng bộ xã, thị trấn. Thực hiện Chỉ thị số 10- CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương về tăng cường sự chỉ đạo và nâng cao chất lượng chế độ thường vụ huyện, thành uỷ làm việc trực tiếp với chi bộ thôn, cụm dân cư; về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giao ban bí thư chi bộ cụm, Huyện ủy Gia Lộc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện.

Phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở

Những năm qua, trên cơ sở chỉ đạo của Huyện uỷ Gia Lộc, các chi bộ thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện đã nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bám sát vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, các chi bộ thôn, khu dân cư trong huyện Gia Lộc đã luôn giữ vững và phát huy vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ và Đảng uỷ; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương. Trách nhiệm của ban chi uỷ, của đồng chí Bí thư chi bộ trong duy trì sinh hoạt được nâng cao. Chế độ sinh hoạt của chi bộ dần đi vào nền nếp, đại đa số các chi bộ thôn, khu dân cư đều tổ chức sinh hoạt một tháng một lần theo quy định của Điều lệ Đảng (ngày 06 đến 10 hàng tháng), nhiều chi bộ đã thường xuyên tổ chức được các cuộc họp chi bộ theo chuyên đề; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ trung bình đạt trên 80%.

Nội dung sinh hoạt đã có sự chuẩn bị tốt hơn, phân công trách nhiệm của các đồng chí cấp uỷ viên rõ ràng. Hình thức sinh hoạt đã được đổi mới theo hướng thiết thực, dành nhiều thời gian để kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của chi bộ, của Đảng uỷ tháng trước, thảo luận thống nhất những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo trong thời gian tới nhằm phát huy tích cực vai trò lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên trong các công việc của địa phương như: việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất; thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước; công tác giảm nghèo và các hoạt động nhân đạo, từ thiện; thực hiện chính sách đối với người có công và nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và cuộc vận động xây dựng thôn, khu dân cư; công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn; bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng, tạo nguồn phát triển đảng viên ở khu dân cư và việc quản lý đảng viên đi làm ăn xa; đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác với các phong trào thi đua yêu nước...

Việc thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, việc bàn và ra nghị quyết lãnh đạo được ban chi uỷ chú trọng, qua đó đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi đảng viên, làm cho mọi đảng viên nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Một số vấn đề trọng tâm, những bức xúc trong tư tưởng, những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống của nhân dân được chi bộ thảo luận để đi đến thống nhất. Ý thức của đảng viên trong sinh hoạt, trong phát biểu tham gia ý kiến xây dựng nghị quyết đã có nhiều tiến bộ. Kết thúc buổi sinh hoạt chi bộ, các vấn đề đưa ra thảo luận cơ bản được tóm tắt, thống nhất thành nghị quyết, phân công, phân nhiệm cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.

Ngay sau Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, các cấp uỷ Đảng trên địa bàn huyện Gia Lộc đã quan tâm xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá, hằng năm. Qua thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ đảng, đã phát hiện, uốn nắn kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm của các tổ chức đảng và đảng viên; những vấn đề nổi cộm phát sinh được xem xét giải quyết ngay từ cơ sở hoặc báo cáo kịp thời với Thường trực, Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo giải quyết. Đảng uỷ các xã, thị trấn định kỳ nghe và cho ý kiến về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng của các chi bộ trực thuộc. Tập trung chỉ đạo việc quán triệt, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng. Công tác xử lý kỷ luật Đảng luôn được coi trọng, cấp uỷ các cấp đã kịp thời xem xét đưa ra khỏi Đảng những đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng. Cụ thể, năm 2011, đưa ra khỏi Đảng 19 đồng chí; năm 2012, đưa ra khỏi Đảng 25 đồng chí...

Hạn chế và giải pháp khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, Huyện ủy Gia Lộc cũng chỉ ra những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện, đó là: Một số tổ chức đảng sinh hoạt không đảm bảo quy trình, vẫn còn tình trạng chi bộ trước khi sinh hoạt không họp chi uỷ để thống nhất nội dung, chương trình, thời gian sinh hoạt; năng lực điều hành của người chủ trì của một số chi bộ còn hạn chế, còn lúng túng, bị động; sau thảo luận, không kết luận được vấn đề hoặc có kết luận nhưng chưa rõ ràng, không quy định thời gian hoàn thành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện; chưa có biểu quyết thông qua Nghị quyết; trong sinh hoạt, số tham gia phát biểu ý kiến thường chỉ tập trung chủ yếu vào đảng viên cao tuổi. Tính chiến đấu trong sinh hoạt ở một số chi bộ chưa được phát huy, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn hạn chế, thậm chí còn mang tính cục bộ, thiếu tính xây dựng. Một số chi bộ chưa tích cực đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt; chuẩn bị nội dung sinh hoạt còn sơ sài, nghèo nàn, nặng về phổ biến; quá trình duy trì sinh hoạt chưa gắn kết chặt chẽ việc sinh hoạt định kỳ với giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan thiết thực đến đời sống của nhân dân để bàn và giải quyết.

Trong đó, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt ở một số chi bộ còn thấp, việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Một số chi bộ chưa kiểm điểm vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của bí thư, cấp uỷ cũng như tính tiền phong gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Công tác quản lý đảng viên ở một số tổ chức đảng còn chưa chặt chẽ, nhất là công tác quản lý đảng viên đi làm kinh tế ở xa, đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công tác tạo nguồn và bồi dưỡng phát triển đảng viên mới ở một số tổ chức đảng chưa được quan tâm đúng mức, việc kết nạp đảng trong chi bộ nông thôn đạt tỷ lệ thấp, có chi bộ 3 đến 4 năm không kết nạp được đảng viên mới, cá biệt có chi bộ 5 năm không phát triển được đảng viên mới...

Trước thực trạng trên, để phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế trong sinh hoạt chi bộ thôn, khu dân cư trên địa bàn, vừa qua, Ban thường vụ Huyện ủy Gia Lộc đã triển khai áp dụng nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, Chỉ thị số 10- CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy Hải Dương nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cấp uỷ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ.

Hai là, duy trì sinh hoạt chi bộ định kỳ một tháng một lần theo quy định của Điều lệ Đảng và tổ chức vào đầu tháng; sinh hoạt chuyên đề mỗi quý một lần; việc đánh giá, khen thưởng chi bộ gắn với việc thực hiện nghiêm nền nếp 12 kỳ sinh hoạt trong năm.

Ba là, đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ đảm bảo tính thiết thực và phù hợp. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải thực hiện đúng nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu; gắn việc nâng cao chất lượng sinh hoạt với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo từng chủ đề và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Kịp thời biểu dương những đảng viên tiền phong gương mẫu, có thành tích xuất sắc và giúp đỡ, giáo dục, xử lý những đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên. Đối với sinh hoạt định kỳ, kịp thời phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chú trọng những vấn đề mới, những vấn đề nổi cộm trong dư luận xã hội để cung cấp những thông tin có định hướng cho đảng viên.

Bốn là, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay''. Mở rộng và phát huy dân chủ, tạo không khí cởi mở, chân thành để đảng viên thể hiện chính kiến và bộc lộ tâm tư, nguyện vọng của mình; tạo điều kiện để đảng viên được trao đổi, thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của đảng viên.

Năm là, đề cao trách nhiệm của bí thư chi bộ đối với hoạt động của chi bộ và sinh hoạt chi bộ. Bí thư chi bộ cần nắm vững phương pháp điều hành, chức năng, nhiệm vụ, tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên, quần chúng ở địa phương mình và gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức… Các cấp ủy đảng thường xuyên kiện toàn đội ngũ chi ủy có số lượng đủ, chất lượng tốt, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ bí thư chi bộ và chi ủy viên nhằm cập nhật, thông tin những kiến thức mới cho chi ủy.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên cơ sở, cấp ủy cấp trên trực tiếp của cơ sở thường xuyên kiểm tra việc chấp hành chế độ sinh hoạt của các chi bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Định kỳ sáu tháng một lần, các đảng ủy kiểm tra về việc sinh hoạt chi bộ; nghe các chi bộ phản ánh tình hình và kiểm tra sổ biên bản, nghị quyết. Tổng kết hằng năm của các đảng bộ có nội dung kiểm điểm, đánh giá về việc duy trì nền nếp sinh hoạt và thực hiện nghị quyết về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Phấn đấu trong mỗi nhiệm kỳ, 100% chi bộ được các đảng ủy kiểm tra, giám sát về nền nếp, chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Bảy là, chú trọng xây dựng và thực hiện tốt quy chế và những điều kiện cần thiết đảm bảo hoạt động của chi bộ; xác định rõ mối quan hệ của chi ủy và đứng đầu thôn, khu dân cư và các đoàn thể. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; thống nhất hệ thống sổ sách của mỗi chi bộ gồm: Sổ nghị quyết ghi nội dung sinh hoạt chi bộ, sổ theo dõi, quản lý đảng viên (kể cả danh sách đảng viên về giữ mối liên hệ với tổ chức đảng nơi cư trú theo Quy định 76); sổ theo dõi công văn đi, công văn đến; sổ theo dõi thu, chi đảng phí, kinh phí hoạt động của chi bộ; sổ theo dõi, xử lý giải quyết ý kiến phản ánh, đơn thư, khiếu nại, tố cáo của đảng viên./.

Ths. Đoàn Thêu

 Phó trưởng BPCT 03- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương

Phản hồi

Các tin khác

Xuất bản sách phục vụ học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8

1. Nghiên cứu so sánh Hiến pháp các quốc gia ASEAN do TS. Tô Văn Hòa, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội biên soạn. Việt Nam tuy mới gia nhập ASEAN từ năm 1995 song đã có sự hội nhập một cách chủ động và hiệu quả, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu và kết quả về hợp tác, phát triển của ASEAN đã đạt được trong thời gian vừa qua. Trong quá trình tham gia ASEAN, để phát huy vị trí, vai trò của nước ta trong hoạt động của tổ chức này, việc tìm hiểu và nắm vững về pháp luật, đặc biệt là về Hiến pháp của các thành viên ASEAN là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân vì mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh. Nội dung cuốn sách gồm tám chương, góp phần nâng cao hiểu biết của bạn đọc về Hiến pháp của các quốc gia trong khối ASEAN, đặc biệt là về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và cách xử lý các vấn đề quan trọng của Luật Hiến pháp ở các nước thành viên ASEAN, qua đó có thể nghiên cứu kinh nghiệm của các nước ASEAN trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nước ta. 2. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Trung tướng Bế Xuân Trường và Đại tá Nguyễn Bá Dương Trên cơ sở phân tích, làm rõ một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cuốn sách tập trung trình bày mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng quân đội; xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học quân sự và sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt nhằm tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; vai trò quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; vai trò của việc giác ngộ ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho mọi người dân. Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích phục vụ Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vận dụng vào đào tạo đại học hiện nay do TS. Hoàng Anh chủ biên Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà còn có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động và thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa "hồng" vừa "chuyên", có tri thức, có khả năng tư duy sáng tạo, chuyên môn sâu và vững, có lý tưởng, đạo đức, có sức khỏe và thẩm mỹ... làm thay đổi căn bản vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tư tưởng đó là hình mẫu sinh động của con người toàn diện cho hiện tại và cho cả tương lai. Tư tưởng phát triển con người toàn diện của Người đã, đang và sẽ cho chúng ta những chỉ dẫn sáng suốt để xây dựng thành công chiến lược con người toàn diện trong điều kiện mới ở nước ta, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Nội dung cuốn sách trình bày nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục theo từng thời kỳ gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người cũng như đất nước. Cuốn sách phân tích tương đối toàn diện, có hệ thống nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và nêu bật tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay. Từ việc phân tích một số vấn đề trong công tác đào tạo đại học hiện nay như chất lượng sinh viên, đội ngũ giảng viên, nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, các tác giả đã đề xuất một số giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay. 4. Các bản Hiến pháp làm nên lịch sử do P. Blaustein cùng với các giáo sư, sinh viên của Trường Đại học Chicago (Hoa Kỳ) tuyển chọn. Hiến pháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia, được coi là đạo luật cơ bản, đạo luật "gốc" của nhà nước. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phù hợp với thực tiễn lịch sử và yêu cầu phát triển của đất nước, lợi ích của giai cấp cầm quyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tất cả các quốc gia. Cùng với sự ra đời và phát triển của nhân loại, nhiều bản hiến pháp đã được thông qua, trong đó có những bản hiến pháp mang tính thời đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển của chủ nghĩa lập hiến. Ngoài các bản Hiến pháp phương Tây (Các Hiến pháp Connecticut năm 1638/1639, Hiến pháp Virginia năm 1776, Hiến pháp Pennsylvania năm 1776, Hiến pháp Đức năm 1848,..., cuốn sách còn giới thiệu một số bản Hiến pháp của phương Đông như Hiến pháp Trung Hoa dân quốc năm 1912, Hiến pháp Meiji (Nhật Bản) năm 1889. Bên cạnh các bản hiến pháp tư sản, cuốn sách còn giới thiệu Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga năm 1918 và một số bản Hiến pháp ra đời trong bối cảnh cách mạng vô sản. Mỗi bản Hiến pháp trong cuốn sách thể hiện một giai đoạn quan trọng của quá trình cách mạng liên tục của việc thể hiện tinh thần của chủ nghĩa lập hiến, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự trừu tượng của những tư tưởng chính trị đương thời vào hiện thực cụ thể. Với 18 bản Hiến pháp tiêu biểu được lựa chọn từ các nền lập hiến khác nhau, cuốn sách cung cấp cho các nhà soạn thảo Hiến pháp và độc giả Việt Nam một cái nhìn toàn cảnh về các dòng chảy Hiến pháp, các khuynh hướng Hiến pháp trên thế giới qua các thời đại. Cuốn sách thật sự là một tài liệu tham khảo có giá trị trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Nam Anh

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất