Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 13/11/2013 10:9'(GMT+7)

Những cuốn sách hay về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

1. Những chặng đường lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cuốn sách Những chặng đường lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện. Với hơn 600 trang sách, cuốn sách gồm hai tập Hồi ức: Từ nhân dân mà raNhững năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nội dung đề cập đến hai thời kỳ đấu tranh cách mạng có quan hệ đến sự tồn vong của dân tộc - chuẩn bị giành chính quyền và năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám 1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ở thời điểm lịch sử trọng đại đầy khó khăn thử thách ấy, tác giả đã tái hiện bức tranh lịch sử hoành tráng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn cách mạng mà có lúc vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, một trong những học trò xuất sắc, cộng sự thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh "không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ XX và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại”. Tên tuổi và sự nghiệp của vị Đại tướng huyền thoại gắn liền với Bác Hồ, với những năm tháng lịch sử hào hùng nhất của dân tộc ta.

Không chỉ là một vị tướng, một nhà chính trị - quân sự tài năng, Đại tướng còn là một nhà sử học - tác giả của nhiều công trình, bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đảng, về quân đội, về chiến tranh cách mạng Việt Nam với nhiều bộ Hồi ký có giá trị như: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng… Những bộ Hồi ký này đã tái hiện một cách sinh động, có hệ thống những giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc trong hành trình đấu tranh giải phóng.

2. Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời của TS. Alain Ruscio

Alain Ruscio là tiến sĩ sử học, một chuyên gia về lịch sử hiện đại Việt Nam, từng là phóng viên thường trú của báo L, Humanité trong nhiều năm tại Việt Nam. Đã nhiều lần được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tại nhà riêng, những cuộc trò chuyện cho phép tác giả có được một cách nhìn rất riêng về một trong những người có trách nhiệm chính đối với các sự kiện của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua.

Năm 1979, Alain Ruscio, được phái sang Hà Nội làm phóng viên thường trú giữa lúc Việt Nam đang sôi nổi chuẩn bị kỷ niệm 25 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một dịp tốt để cho nhà báo Pháp, hơn nữa là một nhà sử học chuyên nghiên cứu về quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, đưa ra đề nghị được phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi (25-8-1911-25-8-2011), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời, được dịch từ cuốn “Võ Nguyên Giáp, Une vie”, Nhà xuất bản Indes Savantes của giáo sư sử học người Pháp Alain Ruscio. Cuốn sách được biên soạn dựa trên cuộc phỏng vấn giữa giáo sư Alain Ruscio với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1979 đến 2008.

Cuộc trò chuyện giữa ông và Đại tướng được ghi lại như một thước phim sống động về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng trong tiến trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong cuốn sách, tác giả cũng đã đưa ra những suy nghĩ, đánh giá của riêng ông, của các học giả phương Tây về một số nhân vật và sự kiện có liên quan tới Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam... Để thuận tiện cho bạn đọc khi nghiên cứu, tham khảo, cuốn sách đã giữ nguyên các luận chứng của giáo sư và coi đây là các quan điểm riêng.

Cuốn sách được dàn thành 6 tiểu mục, bao quát toàn bộ cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sẽ là một tài liệu hết sức quý cho những ai muốn viết lại tiểu sử chính trị của Huyền thoại sống Võ Nguyên Giáp cũng như những người muốn nghiên cứu cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam chống lại hai lực lượng xâm lược của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ.

3. Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh của Đại tá Trần Trọng Trung

Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, nhà quân sự trong nước viết sách về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ca ngợi chiến lược và chiến thuật quân sự của ông. Có thể thấy, tài năng cầm quân và đạo đức cách mạng "dĩ công vi thượng", trong sáng, thuỷ chung của Đại tướng qua thời gian càng chói sáng, chiếm trọn niềm tin yêu của Đảng, của quân đội, của nhân dân và bạn bè quốc tế…Với tư cách là một nhà nghiên cứu am tường lịch sử chiến tranh cách mạng và là người trong cuộc, bằng những tư liệu lịch sử chân thực của cả phía ta và phía đối phương, từ thực tế xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, tác giả trình bày quá trình Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã chỉ huy toàn quân đánh thắng đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp.

Với bố cục gồm 10 chương, được sắp xếp theo tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng - Tổng Tư lệnh, cuốn sách đã làm sống dậy cả một thời kỳ hào hùng của dân tộc, tuy đầy hy sinh, mất mát nhưng cuối cùng đất nước cũng đã giành được độc lập, tự do. Xuyên suốt cuốn sách là hình ảnh vị Đại tướng - Tổng Tư lệnh trí dũng song toàn, với tầm nhìn chiến lược đã chỉ huy quân đội ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, tác giả đã dành hẳn chương X để xây dựng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới nhiều góc độ từ nhà chính trị cho đến “Một thống soái quân sự cỡ lớn”, từ “Cái “tôi” trong mối quan hệ với tập thể” đến “Cây đại thụ rợp bóng nhân văn”... Có thể nói, tác giả đã xây dựng rất thành công chân dung Đại tướng - Tổng Tư lệnh, nhà chính trị, quân sự kiệt xuất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, nhà sử học, chính trị gia, nhà quân sự và đông đảo bạn đọc khi nghiên cứu, tìm hiểu về chặng đường đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp cũng như lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đọc cuốn sách cũng là cách để các thế hệ công dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về những đóng góp to lớn cho dân cho nước của bậc nhân tài xuất chúng - vị Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

4. Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự cộng tác nhiệt tâm của một số cán bộ quân sự từng công tác tại Bộ Quốc phòng.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước suốt 21 năm ròng rã, kết thúc cuộc trường chinh 30 năm không nghỉ vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, nhiều tướng lĩnh, sĩ quan dày dạn trận mạc, rất tài năng của quân đội ta đã hồi tưởng lại những năm tháng gian khổ và oanh liệt đã qua, viết một số cuốn hồi ký đáng chú ý. Năm tháng qua đi, nhưng ký ức chiến tranh, với những chiến thắng hào hùng và sự hy sinh vô bờ bến của dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai vẫn tươi rói, vẹn nguyên trong tâm khảm những người trong cuộc - vừa là nhân chứng lịch sử, vừa góp phần làm nên chiến thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, liên tục trong một thời gian dài được Đảng và Bác Hồ phân công phụ trách quân sự, được các thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ trìu mến gọi là người Anh Cả của quân đội. Sau khi thôi giữ những trọng trách của đất nước, Đại tướng dành nhiều thời gian chuyên tâm nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và viết một số cuốn Hồi ức. Sự trăn trở về dân tộc vĩ đại, Đảng quang vinh, quân đội anh hùng, nhớ lại sự chỉ đạo rất nhạy bén, sáng suốt của Bộ thống soái tối cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn cuối cùng đã thôi thúc Đại tướng viết cuốn Hồi tưởng này.

Với 10 chương sách, Đại tướng dành 9 chương viết về các sự kiện lịch sử lớn và chương cuối cùng, trình bày những điều tâm huyết, đúc kết cuộc đời cầm quân quang vinh của mình qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh… Trong đó, những quyết sách chiến lược của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh - Bộ thống soái tối cao - từ việc hoạch định chính sách đến việc chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện ở chiến trường và huy động sức mạnh của cả dân tộc nhanh chóng kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất là sản phẩm trí tuệ của một tập thể tài năng, đồng thời đó còn là tài năng của cá nhân các nhà lãnh đạo. Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... các tướng lĩnh như Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Chu Huy Mân, Hoàng Minh Thảo, Vương Thừa Vũ, Trần Văn Trà... luôn được Đại tướng trân trọng nhắc đến. Đọc những trang hồi ức hấp dẫn của người trong cuộc, mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ thấy rõ hơn bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ở những thời điểm lịch sử quyết định: nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, nắm bắt thời cơ và tạo ra thời cơ lớn, nỗ lực cao độ để quyết đánh và quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược.

5. Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Cuốn sách Điện Biên Phủ là tập hợp những bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Điện Biên Phủ như: Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta;  Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu;  Quyết định khó khăn nhất; Điện Biên Phủ (kèm theo những suy nghĩ nhân dịp kỷ niệm 25 năm); Bài học thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ; Phụ lục (thay đổi, bổ sung)...

Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học quý, trong đó có kinh nghiệm về chỉ đạo chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội, tinh thần phục vụ tiền tuyến của nhân dân và "Chính con đường đấu tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đã đưa dân ta đến chiến thắng Điện Biên Phủ". Con đường đoàn kết đấu tranh đó nhất định sẽ đưa dân ta đến những thắng lợi mới to lớn hơn, trong sự nghiệp xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà"...

Theo Đại tướng, "chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại sẽ mãi mãi cổ vũ nhân dân ta, dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, kiên quyết tiến lên giành những thắng lợi mới ngày càng to lớn. Với các thế hệ mai sau, Điện Biên Phủ sẽ sống mãi". "Bí quyết thắng lợi lớn nhất của dân tộc ta, của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm là đường lối đúng đắn, độc lập tự chủ và sáng tạo của Đảng ta, là sự kết hợp hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng với tinh thần quyết chiến và trí thông minh sáng tạo của quân và dân cả nước, giữa tinh thần cách mạng tiến công triệt để của giai cấp công nhân với truyền thống đoàn kết đấu tranh bất khuất của dân tộc, là sự phát triển ngày càng hoàn chỉnh của khoa học và nghệ thuật quân sự đánh giặc, cứu nước của nhân dân ta, là sự kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh của cả dân tộc được tổ chức lại ở trình độ ngày càng cao với sức mạnh to lớn của thời đại mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo, đánh thắng mọi kẻ thù, giành lại độc lập và tự do cho Tổ quốc"…

Cuốn sách Điện Biên Phủ đã được đông đảo bạn đọc hoan nghênh nhiệt liệt. Đây là một tác phẩm có giá trị về sử học, khoa học quân sự và về văn học.

Thanh Mai

Phản hồi

Các tin khác

Xuất bản sách phục vụ học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8

1. Nghiên cứu so sánh Hiến pháp các quốc gia ASEAN do TS. Tô Văn Hòa, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội biên soạn. Việt Nam tuy mới gia nhập ASEAN từ năm 1995 song đã có sự hội nhập một cách chủ động và hiệu quả, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu và kết quả về hợp tác, phát triển của ASEAN đã đạt được trong thời gian vừa qua. Trong quá trình tham gia ASEAN, để phát huy vị trí, vai trò của nước ta trong hoạt động của tổ chức này, việc tìm hiểu và nắm vững về pháp luật, đặc biệt là về Hiến pháp của các thành viên ASEAN là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân vì mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh. Nội dung cuốn sách gồm tám chương, góp phần nâng cao hiểu biết của bạn đọc về Hiến pháp của các quốc gia trong khối ASEAN, đặc biệt là về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và cách xử lý các vấn đề quan trọng của Luật Hiến pháp ở các nước thành viên ASEAN, qua đó có thể nghiên cứu kinh nghiệm của các nước ASEAN trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nước ta. 2. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Trung tướng Bế Xuân Trường và Đại tá Nguyễn Bá Dương Trên cơ sở phân tích, làm rõ một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cuốn sách tập trung trình bày mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng quân đội; xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học quân sự và sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt nhằm tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; vai trò quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; vai trò của việc giác ngộ ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho mọi người dân. Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích phục vụ Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vận dụng vào đào tạo đại học hiện nay do TS. Hoàng Anh chủ biên Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà còn có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động và thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa "hồng" vừa "chuyên", có tri thức, có khả năng tư duy sáng tạo, chuyên môn sâu và vững, có lý tưởng, đạo đức, có sức khỏe và thẩm mỹ... làm thay đổi căn bản vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tư tưởng đó là hình mẫu sinh động của con người toàn diện cho hiện tại và cho cả tương lai. Tư tưởng phát triển con người toàn diện của Người đã, đang và sẽ cho chúng ta những chỉ dẫn sáng suốt để xây dựng thành công chiến lược con người toàn diện trong điều kiện mới ở nước ta, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Nội dung cuốn sách trình bày nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục theo từng thời kỳ gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người cũng như đất nước. Cuốn sách phân tích tương đối toàn diện, có hệ thống nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và nêu bật tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay. Từ việc phân tích một số vấn đề trong công tác đào tạo đại học hiện nay như chất lượng sinh viên, đội ngũ giảng viên, nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, các tác giả đã đề xuất một số giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay. 4. Các bản Hiến pháp làm nên lịch sử do P. Blaustein cùng với các giáo sư, sinh viên của Trường Đại học Chicago (Hoa Kỳ) tuyển chọn. Hiến pháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia, được coi là đạo luật cơ bản, đạo luật "gốc" của nhà nước. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phù hợp với thực tiễn lịch sử và yêu cầu phát triển của đất nước, lợi ích của giai cấp cầm quyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tất cả các quốc gia. Cùng với sự ra đời và phát triển của nhân loại, nhiều bản hiến pháp đã được thông qua, trong đó có những bản hiến pháp mang tính thời đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển của chủ nghĩa lập hiến. Ngoài các bản Hiến pháp phương Tây (Các Hiến pháp Connecticut năm 1638/1639, Hiến pháp Virginia năm 1776, Hiến pháp Pennsylvania năm 1776, Hiến pháp Đức năm 1848,..., cuốn sách còn giới thiệu một số bản Hiến pháp của phương Đông như Hiến pháp Trung Hoa dân quốc năm 1912, Hiến pháp Meiji (Nhật Bản) năm 1889. Bên cạnh các bản hiến pháp tư sản, cuốn sách còn giới thiệu Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga năm 1918 và một số bản Hiến pháp ra đời trong bối cảnh cách mạng vô sản. Mỗi bản Hiến pháp trong cuốn sách thể hiện một giai đoạn quan trọng của quá trình cách mạng liên tục của việc thể hiện tinh thần của chủ nghĩa lập hiến, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự trừu tượng của những tư tưởng chính trị đương thời vào hiện thực cụ thể. Với 18 bản Hiến pháp tiêu biểu được lựa chọn từ các nền lập hiến khác nhau, cuốn sách cung cấp cho các nhà soạn thảo Hiến pháp và độc giả Việt Nam một cái nhìn toàn cảnh về các dòng chảy Hiến pháp, các khuynh hướng Hiến pháp trên thế giới qua các thời đại. Cuốn sách thật sự là một tài liệu tham khảo có giá trị trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Nam Anh

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất