Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 15/11/2013 22:56'(GMT+7)

Lâm Đồng: Vận dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến vào bài giảng lý luận chính trị

Trong những ngày cuối tháng 10 năm 2013, tại thành phố Đà Lạt, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng phối hợp với Trường Chính trị tỉnh long trọng tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Lâm Đồng năm 2013 cho đội ngũ  giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Đây là dịp để các giảng viên, báo cáo viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong giảng dạy, tìm ra phương pháp giảng dạy tiên tiến và việc vận dụng các phương pháp giảng dạy vào thực hành bài giảng lý luận chính trị cũng như những yêu cầu chuẩn bị để thực hiện bài giảng; giúp cho đội ngũ giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố, đội ngũ báo cáo viên các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy nâng cao khả năng chuẩn bị một bài giảng, đi sâu vào cải tiến phương pháp, áp dụng phương pháp dạy-học tích cực; nâng cao hơn nữa tinh thần, ý thức trách nhiệm trong giảng dạy lý luận chính trị.

Từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2013, 12/12 huyện, thành phố, các đảng ủy trực thuộc đã tổ chức Hội thi hoặc tổ chức thao giảng để chọn ra những giảng viên đạt giải cao tham gia dự hội thi cấp tỉnh. Ðược chuẩn bị chu đáo từ cấp huyện nên hội thi cấp tỉnh đã thu hút được 31 thí sinh là giảng viên chuyên trách và kiêm chức của 12 trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và 1 đảng ủy trực thuộc (Đảng ủy khối cơ quan tỉnh) tham dự. Nội dung thi gồm các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị thực hiện ở trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành. Mỗi thí sinh đã trải qua 3 phần thi: soạn giáo án; giảng một nội dung trong bài soạn; trả lời trực tiếp câu hỏi liên quan đến bài giảng do thành viên hội đồng giám khảo nêu ra.

Nhìn chung, các giảng viên đã xây dựng nội dung bài giảng sát đặc điểm đối tượng, biết lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp, có tác dụng rèn luyện phong cách suy nghĩ độc lập, sáng tạo cho người học, truyền thụ được những kiến thức cơ bản có hệ thống. Nhiều thí sinh đã kết hợp khá nhuần nhuyễn phương pháp giảng dạy tích cực với việc sử dụng thuần thục các thiết bị dạy học hiện đại để câng cao chất lượng bài giảng, tạo nên sự hấp dẫn đối với người học. Một số giảng viên đã lồng được các clip, nhiều tư liệu vào bài giảng, làm phong phú thêm tiết học…

Kết thúc hội thi, giải Nhất đã thuộc về thí sinh Nguyễn Xuân Hảo-Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Đơn Dương, giải Nhì được trao cho thí sinh Phan Thị Hoài Thanh-Phó Trưởng ban tuyên giáo huyện Đơn Dương và Nguyễn Thị Vân-Phó Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Đạ Tẻh, 3 giải Ba được trao cho thí sinh thuộc các đơn vị Đức Trọng, Đam Rông, Di Linh và 4 giải khuyến khích cho các thí sinh thuộc các đơn vị Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đà Lạt, Đức Trọng. Đồng thời, Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho 20 thí sinh đạt giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Lâm Ðồng năm 2013.

Qua đây, có thể thấy, Hội thi không chỉ là dịp đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm chức của trung tâm bồi  dưỡng chính trị các huyện, thành phố, đội ngũ báo cáo viên của đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; mà đã tìm ra phương pháp giảng dạy tích cực, hiệu quả, sử dụng các phương tiện hiện đại vào giảng dạy. Đồng thời cập nhật kiến thức theo quan điểm, tư duy của Đại hội lần thứ XI của Đảng, các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)  một cách đúng đắn, phù hợp. Kết quả hội thi còn là cơ sở để các cấp ủy địa phương đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên tại các trung tâm hiện nay; đồng thời tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, từ đó góp phần nâng cao hơn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hồng Vĩnh

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng

Phản hồi

Các tin khác

Xuất bản sách phục vụ học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8

1. Nghiên cứu so sánh Hiến pháp các quốc gia ASEAN do TS. Tô Văn Hòa, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội biên soạn. Việt Nam tuy mới gia nhập ASEAN từ năm 1995 song đã có sự hội nhập một cách chủ động và hiệu quả, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu và kết quả về hợp tác, phát triển của ASEAN đã đạt được trong thời gian vừa qua. Trong quá trình tham gia ASEAN, để phát huy vị trí, vai trò của nước ta trong hoạt động của tổ chức này, việc tìm hiểu và nắm vững về pháp luật, đặc biệt là về Hiến pháp của các thành viên ASEAN là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân vì mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh. Nội dung cuốn sách gồm tám chương, góp phần nâng cao hiểu biết của bạn đọc về Hiến pháp của các quốc gia trong khối ASEAN, đặc biệt là về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và cách xử lý các vấn đề quan trọng của Luật Hiến pháp ở các nước thành viên ASEAN, qua đó có thể nghiên cứu kinh nghiệm của các nước ASEAN trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nước ta. 2. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Trung tướng Bế Xuân Trường và Đại tá Nguyễn Bá Dương Trên cơ sở phân tích, làm rõ một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cuốn sách tập trung trình bày mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng quân đội; xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học quân sự và sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt nhằm tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; vai trò quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; vai trò của việc giác ngộ ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho mọi người dân. Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích phục vụ Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và vận dụng vào đào tạo đại học hiện nay do TS. Hoàng Anh chủ biên Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà còn có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động và thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa "hồng" vừa "chuyên", có tri thức, có khả năng tư duy sáng tạo, chuyên môn sâu và vững, có lý tưởng, đạo đức, có sức khỏe và thẩm mỹ... làm thay đổi căn bản vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tư tưởng đó là hình mẫu sinh động của con người toàn diện cho hiện tại và cho cả tương lai. Tư tưởng phát triển con người toàn diện của Người đã, đang và sẽ cho chúng ta những chỉ dẫn sáng suốt để xây dựng thành công chiến lược con người toàn diện trong điều kiện mới ở nước ta, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Nội dung cuốn sách trình bày nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục theo từng thời kỳ gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người cũng như đất nước. Cuốn sách phân tích tương đối toàn diện, có hệ thống nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và nêu bật tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay. Từ việc phân tích một số vấn đề trong công tác đào tạo đại học hiện nay như chất lượng sinh viên, đội ngũ giảng viên, nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, các tác giả đã đề xuất một số giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào nâng cao chất lượng đào tạo đại học hiện nay. 4. Các bản Hiến pháp làm nên lịch sử do P. Blaustein cùng với các giáo sư, sinh viên của Trường Đại học Chicago (Hoa Kỳ) tuyển chọn. Hiến pháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia, được coi là đạo luật cơ bản, đạo luật "gốc" của nhà nước. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phù hợp với thực tiễn lịch sử và yêu cầu phát triển của đất nước, lợi ích của giai cấp cầm quyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tất cả các quốc gia. Cùng với sự ra đời và phát triển của nhân loại, nhiều bản hiến pháp đã được thông qua, trong đó có những bản hiến pháp mang tính thời đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển của chủ nghĩa lập hiến. Ngoài các bản Hiến pháp phương Tây (Các Hiến pháp Connecticut năm 1638/1639, Hiến pháp Virginia năm 1776, Hiến pháp Pennsylvania năm 1776, Hiến pháp Đức năm 1848,..., cuốn sách còn giới thiệu một số bản Hiến pháp của phương Đông như Hiến pháp Trung Hoa dân quốc năm 1912, Hiến pháp Meiji (Nhật Bản) năm 1889. Bên cạnh các bản hiến pháp tư sản, cuốn sách còn giới thiệu Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga năm 1918 và một số bản Hiến pháp ra đời trong bối cảnh cách mạng vô sản. Mỗi bản Hiến pháp trong cuốn sách thể hiện một giai đoạn quan trọng của quá trình cách mạng liên tục của việc thể hiện tinh thần của chủ nghĩa lập hiến, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự trừu tượng của những tư tưởng chính trị đương thời vào hiện thực cụ thể. Với 18 bản Hiến pháp tiêu biểu được lựa chọn từ các nền lập hiến khác nhau, cuốn sách cung cấp cho các nhà soạn thảo Hiến pháp và độc giả Việt Nam một cái nhìn toàn cảnh về các dòng chảy Hiến pháp, các khuynh hướng Hiến pháp trên thế giới qua các thời đại. Cuốn sách thật sự là một tài liệu tham khảo có giá trị trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Nam Anh

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất