Thứ Năm, 21/11/2024
Lý Luận
Thứ Sáu, 3/8/2018 10:49'(GMT+7)

Giá trị công bằng - Yêu cầu nội tại của chủ nghĩa xã hội

Công bằng xã hội là sự tiếp cận và xử lý đúng đắn không thiên lệch các mối quan hệ cơ bản giữa các cá nhân, tổ chức trong xã hội (1).

Cần có sự phân biệt giữa công bằng xã hội và bình đẳng xã hội. 

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (xuất bản năm 1995), "bình đẳng" được định nghĩa là sự được đối xử như nhau về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa không phân biệt thành phần và địa vị xã hội, trong đó trước tiên và cơ bản nhất là bình đẳng trước pháp luật. Do đó, bình đẳng xã hội thừa nhận và sự thiết lập các điều kiện, các cơ hội và các quyền ngang nhau cho sự tồn tại và phát triển của các cá nhân, các nhóm xã hội.

Trái ngược với bình đẳng xã hội, bất bình đẳng xã hội là sự không bình đẳng, không ngang bằng nhau về các cơ hội hoặc lợi ích đối với những cá nhân khác nhau trong một nhóm hoặc nhiều nhóm xã hội.

Bất bình đẳng xã hội không phải là một hiện tượng tồn tại một cách ngẫu nhiên giữa các cá nhân trong xã hội. Xã hội có bất bình đẳng khi một số nhóm xã hội kiểm soát và khai thác các nhóm xã hội khác. Qua những xã hội khác nhau đã tồn tại những hệ thống bất bình đang xã hội khác nhau.

Công bằng xã hội và bình đẳng xã hội gắn bó mật thiết, hữu cơ với nhau. Công bằng xã hội và bình đẳng xã hội là một quá trình xã hội, cần thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội để từng bước tiến tới bình đẳng xã hội. Bình đẳng xã hội phải được thực hiện trên nền tảng công lý, pháp luật.

Công bằng xã hội được cụ thể hóa thành các nguyên tắc ứng xử và được thể chế hóa thành các quy định pháp luật hoặc thành các quy tắc bất thành văn. Công bằng xã hội theo pháp luật là phương thức, là cơ chế để thực hiện bình đẳng xã hội thực chất. Công bằng xã hội thường được thể hiện trong ứng xử giữa các tổ chức, các nhóm xã hội.

Công bằng xã hội khác với bình quân chủ nghĩa. Nếu đồng nhất công bằng xã hội với chủ nghĩa bình quân thì sẽ triệt tiêu động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Công bằng xã hội không phải là một khái niệm bất di bất dịch. Nó mang tính tương đối và phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Tách khỏi hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà nói tới công bằng thì sẽ không hợp lý và khó trở thành hiện thực. Nói cách khác, mỗi xã hội đều có chuẩn mực riêng của mình về công bằng xã hội do hoàn cảnh lịch sử của xã hội đó quy định.

Trong chế độ xã hội công xã nguyên thủy, công bằng xã hội là mọi người đều tuân theo trật tự đã được cộng đồng thừa nhận, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt. Khi xuất hiện sở hữu tư nhân thì nội dung của khái niệm công bằng xã hội cũng thay đổi. Sự công bằng ở đây được xem xét trong mối quan hệ với địa vị xã hội. Theo Aristotle, công bằng là sự bình đẳng giữa những người có cùng địa vị xã hội. Còn sự bất bình đẳng giữa những người không có cùng địa vị xã hội cũng được Arisotle coi là công bằng. Quan điểm này thực tế đã trở thành quan điểm chủ đạo trong suốt lịch sử tồn tại của xã hội phân chia giai cấp.

Dưới chủ nghĩa tư bản, nội dung của khái niệm công bằng cũng thay đổi. Quan hệ trao đổi hàng hóa được gọi là công bằng khi chúng thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Trong xã hội, mọi người được tuyên bố là bình đẳng trước pháp luật. Dĩ nhiên, đó là một hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ trước hết cho giai cấp thống trị đương thời. Các nhà lý luận của chủ nghĩa tư bản không đề cao giá trị công bằng mà đề cao giá trị "dân chủ" "tự do" (theo kiểu chủ nghĩa tư bản). Họ đồng nhất bình đẳng (bình đẳng hình thức, bình đẳng một số phương diện nhất định) với công bằng xã hội.

Với chủ nghĩa xã hội, công bằng xã hội được thể hiện trong nguyên tắc phân phối theo lao động. Theo C.Mác, sau khi đã khấu trừ đi những khoản cần thiết nhất để duy trì sản xuất, tái sản xuất cũng như để duy trì đời sống của cộng đồng, toàn bộ số sản phẩm xã hội còn lại sẽ được phân phối theo nguyên tắc: mỗi người sản xuất sẽ nhận trở lại từ xã hội một số lượng vật phẩm tiêu dùng trị giá ngang với số lượng lao động mà anh ta đã cung cấp cho xã hội (sau khi đã khấu trừ số lao động của anh ta cho các quỹ xã hội). Đây là một nguyên tắc phân phối công bằng vì ở đây tất cả những người sản xuất đều có quyền ngang nhau tham dự quỹ tiêu dùng của xã hội khi làm một công việc ngang nhau.

Nguyên tắc phân phối theo lao động phản ánh: chủ nghĩa xã hội là chế độ đầu tiên trong lịch sử được xây dựng trên nguyên tắc công bằng xã hội. Chủ nghĩa xã hội hướng tới mục tiêu: xóa bỏ áp bức, bất công và những cơ sở nảy sinh áp bức bất công, xây dựng các điều kiện để con người phát triển tự do và toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Công bằng xã hội quan hệ mật thiết với dân chủ, đòi hỏi dân chủ vì dân chủ là điều kiện tiên quyết để thực hiện công bằng xã hội.

Nội dung cơ bản nhất của công bằng xã hội là xử lý hợp lý nhất quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Để phản ánh được nội dung cơ bản này, các nhà kinh tế học thường phân biệt hai khái niệm khác nhau về công bằng xã hội đó là: công bằng xã hội theo chiều ngang (horizontal justice) nghĩa là đối xử như nhau đối với những người có đóng góp như nhau và công bằng xã hội theo chiều dọc (vertical justice) theo nghĩa là đối xử khác nhau với những người có những khác biệt bẩm sinh, trình độ, năng lực hoặc có các điều kiện sống khác nhau.

Công bằng theo chiều ngang đòi hỏi phải đối xử bình đẳng giữa những người có cùng năng lực và cống hiến, hưởng thụ như nhau. Công bằng theo chiều dọc thể hiện ở việc nhà nước có chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện, mở rộng khả năng tiếp cận cho người nghèo, những nhóm người dễ bị tổn thương đến với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm, nguồn vốn, mạng lưới an sinh xã hội,...

Thực hiện công bằng xã hội

Thực hiện công bằng xã hội ở nước ta không chỉ là hướng tới mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà còn là một động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một yêu cầu bức thiết của công cuộc đổi mới, chấn hưng đất nước.

Công bằng xã hội thường được xét ở nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, pháp quyền, đạo đức, văn hóa, giáo dục, y tế ... Công bằng xã hội trên lĩnh vực kinh tế là cơ sở, là điều kiện cốt lõi của công bằng xã hội nói chung. Nhưng công bằng về kinh tế chỉ có thể được bảo đảm thực hiện trên phạm vi toàn xã hội như một thể chế, một chế độ nếu đạt tới một phương thức sản xuất công bằng, đó là "một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu" (2). 

Vậy thế nào là công bằng trong xã hội Việt Nam hiện nay? Công bằng là một loại quan điểm giá trị quan trọng, có nội hàm sâu sắc. Thông thường công bằng là đối đãi với người và vật với thái độ không thiên lệch, không kỳ thị.

Nhìn chung, nói tới công bằng là nói tới quyền lợi công bằng, cơ hội công bằng, quy tắc công bằng. Đại hội XII của Đảng chỉ ra: Dần dần xây dựng quyền lợi công bằng, cơ hội công bằng, quy tắc công bằng làm nội dung chủ yếu của hệ thống bảo đảm công bằng xã hội, nỗ lực tạo ra môi trường xã hội công bằng, bảo đảm cho quyền lợi tham dự bình đẳng và phát triển bình đẳng của nhân dân. Cụ thể, công bằng bao quát mấy nguyên tắc dưới đây:

Thứ nhất, nguyên tắc bảo đảm quyền lợi. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Mỗi cá nhân có quyền cơ bản, như quyền sinh sống, quyền bảo đảm xã hội, quyền nhận được sự giáo dục. Nguyên tắc bảo đảm quyền lợi là quốc gia và xã hội đối với các quyền cơ bản của công dân đều phải được duy trì và bảo vệ, bảo đảm mỗi công dân đều được tôn trọng. Những năm gần đây nước ta ra sức bảo vệ nhân quyền, quy định quyền vận hành quyền lực công, bảo đảm cho người dân không bị xâm phạm các quyền lợi hợp pháp, lấy bảo đảm cuộc sống dân chúng làm cơ sở cho các chính sách xã hội, ra sức bảo đảm cho quyền lợi kinh tế của người dân; đối với thành thị và nông thôn, bảo đảm các quyền được sinh sống với một hệ thống y tế công cộng, bảo đảm nghề nghiệp và pháp luật pháp quy, bảo đảm quyền được sống, quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, quyền phát triển của nhân dân, bảo đảm trên mọi trình độ sự công bằng trong xã hội.

Thứ hai, nguyên tắc công bằng về cơ hội. Công bằng về cơ hội bao hàm 3 tầng ý: một là, bình đẳng, phàm là con người sinh ra đều giống nhau; hai là, thực hiện quá trình bình đẳng trong quá trình thực hiện cơ hội tất yếu loại trừ các yếu tố không chính đáng, can dự đặc quyền; ba là, thừa nhận và tôn trọng sự khác biệt tự nhiên trong quá trình phát triển về phương diện tiềm năng của con người, do đó trong quá trình phát triển mang đến các phương diện "không bình đẳng", nguyên tắc bình đẳng cơ hội có ý nghĩa quan trọng, bình đẳng cơ hội ảnh hưởng trực tiếp đến các thành viên trong xã hội, trong tình trạng cụ thể của phân phối, cơ hội không giống nhau sẽ dẫn đến kết quả phát triển không giống nhau.

Thứ ba, nguyên tắc phân phối theo sự cống hiến. Trong sản xuất và sinh hoạt, mỗi một cá nhân đầu tư vào chất lượng và số lượng lao động, yếu tố sản xuất của đầu tư hoàn toàn không giống nhau, do đó cống hiến cụ thể trong xã hội cũng có sự khác biệt. Trong phân phối người ta căn cứ theo cống hiến, thể hiện ra tính khác biệt của phân phối. Năng lực và cống hiến không giống nhau, thu nhập sẽ khác biệt, đó là công bằng. Phương thức phân phối cũng có lợi cho sự điều động tính tích cực của con người, có lợi cho hình thức sức hoạt động của chỉnh thể xã hội.

Thứ tư, nguyên tắc quan tâm đến người yếu thế. Một xã hội quá cường điệu sự bình đẳng khó tránh khỏi rơi vào bình quân chủ nghĩa, sẽ tổn hại nghiêm trọng đến tính tích cực của người lao động, rơi vào hiệu suất thấp, không phù hợp với nguyên tắc công bằng. Nhưng do kết quả là không bình đẳng, vị trí xã hội của lợi ích các nhóm yếu thế do sự khác biệt về giàu nghèo cũng tạo thành hiện tượng không công bằng. Do đó, chính sách xã hội cần phải hướng về các nhóm yếu thế, bảo đảm lợi ích cho các nhóm này, thực hiện người người đều chung hưởng, tất cả đều nhận được lợi ích.

Vậy, chúng ta theo đuổi công bằng như thế nào?

Công bằng là tiêu chí quan trọng của tiến bộ, văn minh xã hội, cũng là cơ sở phát triển xã hội. Nhân loại đối với việc theo đuổi giàu có phong phú, tất yếu xây dựng cơ sở của công bằng, ngược lại xã hội không có chế ước đạo đức sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn, bất ổn.

C.Mác đã xây dựng cơ sở khoa học để xây dựng và thực hiện, chỉ rõ căn nguyên của xã hội không công bằng là chế độ áp bức bóc lột của chế độ tư bản chủ nghĩa, nhận ra rằng chỉ có cải tạo chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ tư hữu, thực hiện chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, mới có thể thực hiện công bằng chân chính. Chính vì vậy, lấy việc thực hiện công bằng nhân loại là chỉ ra tiền viễn cảnh của văn minh sáng lạn.

Công bằng là giá trị cơ bản của văn minh nhân loại, là theo đuổi giá trị chung của nhân loại và là quan điểm giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của văn minh nhân loại.

Công bằng là yêu cầu nội tại của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng. Thực hiện công bằng là yêu cầu bản chất của chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện đổi mới, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công bằng là thúc đẩy sự phát triển, xúc tiến quá trình phát triển lành mạnh hài hòa; tiến hành sắp xếp chế độ và căn cứ dựa vào sáng tạo xã hội mới, là nguyên tắc cơ bản điều tiết quan hệ giữa các tầng lớp trong xã hội, cũng là tăng cường sức nghi tụ xã hội, ngọn cờ quan trọng để tụ hợp và hiệu triệu xã hội. Chỉ có thực hiện công bằng người dân mới có thể phát triển, các quan hệ xã hội mới có thể được điều tiết, tính tích cực, tính chủ động, tính sáng tạo của người dân được phát huy, xã hội mới có thể hài hòa ổn định, toàn thể nhân dân mới có thể đồng tâm hiệp lực xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện xã hội công bằng là mục tiêu đấu tranh và chủ trương nhất quán của Đảng ta. Đất nước phát triển trong đổi mới và hội nhập càng cần phải theo đuổi mục tiêu công bằng. Thực hiện thắng lợi dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân, không ngừng tăng cường sức mạnh tổng hợp, nâng cao mức sống trung bình của nhân dân, thực hiện công bằng. Ngay từ khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao công bằng "Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng..." xây dựng chế độ kinh tế cơ bản, chế độ văn hóa cơ bản, chế độ chính trị cơ bản đều bao hàm sự theo đuổi công bằng. Trong thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới, chủ trương đổi mới tư duy, giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất, bài trừ phân hóa hai cực, trên cơ sở đó để thực hiện giàu có chung, từ đó mà thực hiện yêu cầu và bản chất của xã hội chủ nghĩa là công bằng, vấn đề cơ bản của xã hội là lấy giải quyết thông qua chính sách, chế độ để bảo đảm và thỏa mãn lợi ích của đông đảo nhân dân. Phát triển xã hội công bằng trở thành mục tiêu quan trọng và đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa, là ý niệm xã hội chủ nghĩa, là quy tắc và là quá trình thực hiện có hệ thống mục tiêu công bằng.

Trong xã hội không có công bằng đối với một cá nhân hay cả xã hội sẽ dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Đối với cá nhân sẽ bị mất lòng tin. Đối với xã hội sẽ trì trệ, phân biệt, đối kháng thậm chí rơi vào tình trạng hỗn loạn. Đối với quốc gia sẽ phủ định mục tiêu phát triển duy nhất cơ sở chấp chính của đảng, tạo ra nguy cơ đối với địa vị lãnh đạo của đảng. Vậy thì làm thế nào để thực hiện và duy trì xã hội công bằng.

Trong giai đoạn hiện nay, để duy trì và thực hiện chế độ công bằng điều quan trọng là xây dựng được nội dung chủ yếu công bằng quyền lợi, công bằng cơ hội và công bằng quy tắc làm hệ thống bảo đảm công bằng xã hội.

Thứ nhất, cần có năng lực sáng tạo duy trì môi trường chế độ của công bằng quyền lợi. Thiết thực duy trì và thực hiện các quyền lợi của công dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm toàn thể các thành viên trong xã hội đều được bảo đảm quyền lợi nhận được sự giáo dục, quyền lợi có nghề nghiệp, sinh hoạt chính trị xã hội và tham dự sinh hoạt chính trị, mỗi thành viên trong xã hội theo quyền lợi được quy định trong Hiến pháp, pháp luật để nỗ lực thực hiện cơ hội phát triển công bằng. Kiên trì sự bình đẳng của tất cả mọi người trước Hiến pháp và pháp luật, mọi người đều không có đặc quyền vượt quá quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

Thứ hai, chấp nhận sự khác biệt về thu nhập trong phạm vi hợp lý giữa các thành viên trong xã hội. Sự khác biệt về thu nhập nếu không nỗ lực giải quyết sẽ mất đi tính tích cực, ảnh hưởng đến sự đoàn kết ổn định trong xã hội. Điều chỉnh hợp lý chế độ phân phối thu nhập quốc dân, tích cực thúc đẩy đổi mới chế độ phân phối, mở rộng tỷ trọng nguồn thu nhập trung và cao, nâng cao nguồn thu nhập thấp, điều tiết có hiệu quả phân phối thu nhập, kiểm soát và bài trừ thu nhập phi pháp, nỗ lực giải quyết sự khác biệt thu nhập giữa các khu vực và giữa các thành viên trong xã hội.

Thứ ba, quan tâm đến sinh hoạt sản xuất của quần chúng nghèo khổ, thiết thực giải quyết thực tế nghèo khổ của người dân. Trước mắt, thể hiện không ngừng quá trình chuyển đổi giải quyết vấn đề thất nghiệp lao động ở nông thôn, giúp đỡ các nhóm yếu thế, tạo thành sự quan tâm chung của toàn xã hội.

Thứ tư, xây dựng và kiện toàn chế độ an sinh xã hội. An sinh xã hội là điều tiết phân phối, hóa giải các mâu thuẫn trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xúc tiến quốc gia thịnh trị lâu dài. Chúng ta cần tiến một bước hoàn thiện chế độ y tế, chế độ nhà ở, chế độ dưỡng lão để dân tin và để làm lợi cho nhân dân.

Chúng ta cần nhận thức rằng, thực hiện công bằng là một quá trình. Cho dù hiện còn tồn tại nhiều hạn chế trong giải quyết vấn đề công bằng, trong quá trình phát triển khó tránh khỏi phát sinh những vấn đề khó giải quyết nhưng nhìn từ điểm mấu chốt nhân dân được nhà nước quan tâm. Chúng ta có lý do để tin rằng giá trị công bằng được theo đuổi, vấn đề khó khăn được không ngừng nỗ lực để giải quyết và xã hội chúng ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn./.

-----------------------------------------

(1) Lê Ngọc Hùng: Xã hội học giáo dục, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 194
(2) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.8

PGS, TS. Mai Hải Oanh
Tạp chí Cộng sản

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất