VĂN HÓA GIA ĐÌNH TỪ THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG - KHỞI NGUỒN XÂY TẠO HỆ GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM
Truyền
thuyết dân gian vùng Trung châu từ nhiều nghìn năm qua vẫn lưu giữ
những câu chuyện về sự chăm lo của Vua Hùng với dân (dạy dân cấy lúa,
dạy dân dệt vải, dạy dân đi săn,...) và ngược lại, những câu chuyện và
lễ hội đón vua về làng ăn Tết, đón Vua Hùng vui xuân cùng làng bản, lễ
rước chúa gái, mang cuốc, thuổng theo Thánh Gióng đánh giặc,... đã tích
hợp lại và sinh thành nên tín ngưỡng tri ân, tôn vinh các thế hệ tiền
nhân từ phạm vi gia đình đến cộng đồng thể hiện qua thực hành nghi lễ
thờ cúng tổ tiên, lễ hội. Và như vậy, bức tranh văn hóa buổi đầu dựng
nước của dân tộc đã “xác lập và tô đậm thành thói quen những hoạt động
đời thường, theo những chuẩn mực văn hóa - xã hội được cộng đồng chấp
thuận, duy trì từ thế hệ này đến thế hệ khác”(1).
Những
cứ liệu khoa học chính xác, đích thực (khảo cổ học) cùng các cứ liệu
phong tục, nghi lễ và văn chương dân gian, nảy sinh từ thời đại Vua Hùng
(hoặc phản ánh về thời đại đó) cho phép chúng ta nhận diện bước đầu:
Gia đình các thế hệ người Việt - Mường thời các Vua Hùng được hình thành
và tồn tại trong một không gian văn hóa đặc sắc là vùng trung du và
châu thổ Bắc Bộ. Qua thử thách va đập với các mối quan hệ tự nhiên - xã
hội đã dần định hình nếp sống và phong cách sống phù hợp để tồn tại và
phát triển. Đồng thời, tạo ra những nét tính cách của người Việt cổ xưa -
biết thính nhạy với mọi ứng xử quan hệ để cùng tồn tại. Đó là một thứ
“gia phong” sâu rễ, bền gốc, đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của
gia đình người Việt thuở ban đầu dựng nước và giữ nước, hình thành nên
những nét truyền thống quý báu, khởi nguồn cho hệ thống giá trị văn hóa,
được truyền lại cho đời sau kế thừa, gìn giữ, phát huy. Minh giải bởi
sắc thái “gia phong” được xác lập như những chuẩn mực mang giá trị văn
hóa có cội rễ từ rất sớm này, chúng ta mới có thể góp phần lý giải cho
hàng nghìn năm lịch sử về sau, người Việt vẫn giữ được nếp sống địa
phương mang giá trị đạo đức với sắc thái riêng của mình, chống được tư
tưởng đồng hóa và thống trị về văn hóa của các thế lực ngoại xâm phương
Bắc và phương Tây(2).
Như
vậy, trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, nếu như đặc trưng
của nền văn hóa lúa nước Việt là văn hóa làng, thì tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương đã xác lập được giá trị khai phá, khâu nối, liên kết sức sống
của văn hóa làng trong không gian văn hóa cộng đồng quốc gia đa tộc
người. Liên kết cộng đồng là hạt nhân tạo ra sức mạnh cho khối đại đoàn
kết toàn dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử, được các triều đại quân
chủ phong kiến khai thác, bồi đắp và nâng lên thành các thiết chế văn
hóa - chính trị, trở thành sợi dây thiêng gắn kết cá nhân - gia đình -
làng xã - Tổ quốc, tạo ra giá trị đạo đức chung cho cộng đồng và tinh
thần đoàn kết bền vững mang bản sắc Việt Nam là sống theo đạo lý “uống
nước nhớ nguồn”, tri ân những người có công với dòng tộc, đất nước trong
quá khứ. Đồng thời, chính thực trạng khép kín, tự cung, tự cấp của đời
sống kinh tế - văn hóa làng mà cộng đồng sống trong không gian văn hóa
đó đã sớm có ý thức tự lập, tự cường, tự rèn luyện để hun đúc nên ý chí
tự cường dân tộc - một phẩm chất/giá trị vô giá mỗi khi đất nước gặp họa
lũ lụt hoặc nạn ngoại xâm, như nhận định: “gia đình Việt Nam chính là
cái lò tạo nên tinh thần yêu nước của dân tộc”(3). Những giá
trị văn hóa gia đình đã tích hợp trong văn hóa dòng họ, văn hóa làng xã
và tồn tại một cách sinh động trong đời sống xã hội, góp phần bảo tồn và
phát huy những giá trị cao đẹp, thiêng liêng của cộng đồng quốc gia -
dân tộc trong tiến trình lịch sử.
VĂN HÓA GIA ĐÌNH THỜI PHONG KIẾN - TÍCH HỢP VÀ SINH THÀNH GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG TỪ CÁC TÔN GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG ĐỊA PHƯƠNG
Nhìn
lại quá trình xây dựng nhà nước Việt Nam thời kỳ chống xâm lược, đồng
hóa của ngoại bang phương Bắc và ngót mười thế kỷ xây dựng nhà nước
phong kiến độc lập, tự chủ, Phật giáo hướng vào chủ thể là bản ngã con
người và mối liên kết của con người trong xã hội, tích hợp với di sản
văn hóa địa phương, mang lại nhiều đóng góp nền tảng cho giáo dục trong
gia đình. Hạt nhân cơ bản của thuyết giáo nhà Phật là chữ Thiện
được tiếp biến và biểu hiện sinh động qua quá trình hòa nhập với đời
sống tâm linh và đời sống văn hóa tinh thần cũng như vật chất của người
dân địa phương, gắn kết với những hành vi, ứng xử trong gia đình. Tính
thiện ở Phật giáo luôn gắn với chữ tâm, chữ hiếu. Tu theo nhà Phật là tu
tại gia, tu tại tâm. Đường tu tại gia đồng nhất với tín ngưỡng địa
phương coi trọng và đề cao sự thành kính với tổ tiên, hiếu thảo với cha
mẹ, hòa nhã với anh em, bè bạn, thuận nghĩa tình vợ chồng, đưa con người
vào khuôn phép của tập tục họ tộc, làng xã, cộng đồng... Điều thiện
của nhà Phật đã được các triều đại phong kiến cụ thể hóa để mỗi người
nhìn nhận và tuân theo. Đạo đức Phật giáo như một triết lý sống góp phần
xây đắp nền tảng gia phong trong gia đình phong kiến Việt Nam ngày một
vững chắc. Đây cũng là đặc trưng độc đáo của nếp sống văn hóa gia đình
Việt Nam thời phong kiến. Chính vì thế, nhiều nét biểu hiện cụ thể của
gia phong trong gia đình người Việt đã được ghi lại trong các hương ước hoặc gắn với các phong tục, tập quán (dù bất thành văn) và được con cháu các đời lưu giữ, noi theo, tuân theo.
Nho
giáo - thực chất khởi nguồn là học thuyết của Khổng Tử, tuy truyền bá
vào Việt Nam muộn màng, nhưng đã sớm bộc lộ sự quan tâm đến mọi vấn đề
của gia đình, biết cách định vị và tạo cho gia đình có một diện mạo rõ
nét và đa dạng, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử xã hội quân chủ phong
kiến. Nho giáo xây dựng cho gia đình cái lý chặt chẽ, chuẩn mực theo cách nhìn nhận của xã hội phong kiến (gia pháp, gia lễ) và cái tình
mềm dẻo trong ứng xử (gia giáo, gia huấn, gia phong). Đó là nét tích
cực nhất của Nho giáo đã được các gia đình truyền thống người Việt tiếp
nhận, sàng lọc và tiếp thu.
Nhìn
theo trục lịch sử, có thể nhận thấy nếp gia phong truyền thống của gia
đình bình dân (hiện chiếm số lượng lớn nhất trong hệ thống gia đình
người Việt) được thu nhận và tiếp biến từ hai nguồn văn hóa chủ đạo: 1)
Lấy cái căn cốt địa phương là cần cù, chịu khó, có ý thức hy sinh vì họ
tộc, cộng đồng để rộng đường tiếp thu một cách hồn nhiên cái mềm dẻo,
cái từ thiện và cái nhân quả của nhà Phật (cái tình) nhằm phục vụ cho
chức năng giáo dục trong gia đình (hiếu - nhân); 2) Lấy cái ổn định, nền
nếp của những nét gia phong đã định vị trong gia đình để nhận biết và
tiếp thu các giáo lý của Nho phong (lễ - nghĩa) làm khuôn phép cho mọi
mối quan hệ (cái lý) từ phạm vi gia đình hạt nhân đến gia đình mở rộng
(gia tộc) và đời sống xã hội (làng - nước).
Như
thế, trong gia đình phong kiến người Việt (đại diện đông đảo và phổ
biến nhất là gia đình bình dân, làm nông nghiệp), cái mềm dẻo nhân tính
của đạo đức địa phương và Phật giáo cùng những khuôn phép của thuyết lý
Nho giáo, với những chuẩn mực cụ thể và mang tính lịch sử tích cực của
nó luôn tồn tại song hành. Và, mặc cho sự tác động của các tôn giáo và
văn hóa ngoại lai đã và đang xâm nhập, môi sinh của văn hóa gia đình
Việt Nam vẫn bền vững với văn hóa làng bản, mang tính khép kín cả về vật
chất lẫn tinh thần. Cũng nhờ đó mà, mỗi khi có họa ngoại xâm, sự cố kết
của quan hệ huyết thống từ gia đình đến dòng họ đã liên kết các thành
viên của cộng đồng làng, bản, tạo nên những pháo đài kiên định chống
giặc, sẵn sàng hy sinh cho xóm, làng, quê hương. Chính vì thế, khi xã
hội chuyển qua bước đột biến quan trọng trong quá trình giao lưu với văn
hóa Tây phương với sự tiếp cận truyền giáo của các giáo sĩ và sự ra đời của báo chí
cùng với sự ra đời của hệ thống giáo dục do người Pháp đặt ra cho cộng
đồng người Việt theo kiểu phương Tây thì ảnh hưởng của quá trình giao
lưu và du nhập văn hóa phương Tây ở Việt Nam chủ yếu và bước đầu chỉ
được thể hiện ở các đô thị gắn với buôn bán, thương mại và chính quyền
đô hộ thực dân. Đối với không gian văn hóa làng - xã, nền nếp của gia
đình phong kiến vốn đã định hình qua nhiều thế kỷ vẫn giữ được sự bền
vững. Những yếu tố mang giá trị cốt lõi của gia phong, gia lễ, gia pháp
trong gia đình người Việt gần như vẫn được duy trì, bảo lưu và truyền
dạy qua các thế hệ(4).
GIÁ TRỊ VĂN HÓA GIA ĐÌNH VỚI GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG TIẾP BIẾN VÀ HỘI NHẬP
Từ
đầu thế kỷ XX đến năm 1945, xã hội Việt Nam đã bước sang trang, khi có
sự xuất hiện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của Đảng Cộng sản
Đông Dương, giao lưu với văn hóa phương Tây đã được hướng sang vùng đất
mới. Đó là quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga và tư tưởng Mác -
Lê-nin. Lý tưởng cộng sản và “hơi thở” của nền văn hóa cách mạng đã được
tiếp nhận và chào đón tại một nước phong kiến nửa thuộc địa. Truyền
thống dân tộc, nếp sống của gia đình Việt Nam vốn hàng nghìn năm được
sinh thành và tồn tại trong “bầu sữa” của văn hóa làng với các giá trị
độc đáo, bền vững sẵn có đã được thức tỉnh và nâng cấp bởi ánh sáng của
chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là
biểu tượng cho sự kết hợp giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và
tinh hoa văn hóa nhân loại, giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương
Tây. Sự xuất hiện và du nhập tư tưởng mới, tiến bộ thông qua
các lãnh tụ cách mạng và được vận hành, thể chế hóa qua các thiết chế
văn hóa mới là cơ sở quan trọng tạo ra bước ngoặt trong đời sống xã hội
Việt Nam nói chung và sinh hoạt văn hóa trong gia đình Việt Nam nói
riêng.
Trên
tiến trình hình thành và tồn tại của gia đình Việt Nam, đặc biệt là gần
chục thế kỷ trải qua chế độ quân chủ phong kiến, người Việt Nam luôn
giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra được sắc thái văn hóa độc đáo,
phong cách riêng biệt trên cơ sở tiếp nhận, sàng lọc những yếu tố văn
hóa Đông - Tây, thông qua những định hướng, thiết chế và chính sách phát
triển văn hóa - xã hội của bộ máy nhà nước mới. Những chuẩn mực văn hóa
của một giai đoạn lịch sử hàng nghìn năm luôn gắn với các mối quan hệ
của gia đình, có chức năng điều tiết và định hướng theo phong cách dân
tộc đã bước đầu kết hợp với những tinh hoa văn hóa thế giới. Có thể nói,
sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã hội Việt Nam đã có bước phát triển
mới với sự xuất hiện và củng cố những tư tưởng và hành vi hiện đại, phù
hợp với sự vận động phát triển của đời sống xã hội đương thời, cả về
nhận thức và hành động trong gia đình (hạt nhân hay mở rộng). Nhiều tư
tưởng của lễ giáo nho gia vốn ràng buộc, thống trị tư tưởng con người
nhiều thế kỷ đã được xem xét lại, chuyển hóa theo cách cảm, cách nghĩ
mới. Trong quan hệ vợ - chồng, tư tưởng “tại gia tòng phụ” - nhất nhất
mọi thứ phải tuân thủ theo chồng đã chuyển dần sang: “Gái có công, chồng chẳng phụ”; “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Đó cũng là bước dậm đà để quan hệ vợ chồng hướng tới sự “bình đẳng”
trong xã hội hiện đại. Trong quan hệ bố mẹ - con cái, tư tưởng “Kim chỉ phải có đầu”; “Cá không ăn muối cá ươn”; “Con chống lời cha là nhà vô phúc”,... đã chuyển dần sang nhận thức coi trọng cá nhân, tự chịu trách nhiệm về mình: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”; “Con hơn cha là nhà có phúc”. Song
hành với sự nối kết và vận động tri thức, hành vi từ văn hóa truyền
thống sang chế độ xã hội mới, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
cùng các nhà lãnh đạo, chí sĩ yêu nước đã sớm được truyền bá vào môi
trường sinh hoạt văn hóa gia đình, góp phần tạo ra những quan hệ tiến
bộ, giải phóng mọi ách áp bức thân thể và tư tưởng, khai thông cho tự do
sáng tạo, đề cao nhân cách cá nhân để phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Sự
vận động hướng theo lối sống - đạo đức cách mạng đã được coi là khuôn
mẫu của một thứ “gia phong mới” trong xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự khai mạc Ngày hội Gia đình Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Trong
quá trình phát triển, xã hội Việt Nam nói chung và gia đình Việt nói
riêng đứng trước những thách thức trong phát triển kinh tế, chính trị và
văn hóa thời hội nhập toàn cầu(5), đặc biệt là sự coi trọng
phát triển kinh tế thuần túy đã vô tình làm cho một bộ phận không nhỏ cá
nhân tự nhận thức và hành động vì đồng tiền, bỏ qua những quan hệ xã
hội tuân theo nền nếp văn hóa truyền thống tích cực, những cặp quan hệ
khuôn mẫu từ ông bà - cháu chắt đến cha mẹ - con cái, anh - em, bạn bè -
đồng nghiệp, thầy - trò... Trong khi đó, sự hội nhập về văn hóa (qua
các phương tiện truyền thông, sách báo) và hội nhập về giáo dục (qua con
đường học tập, lao động, du lịch,...) là những tác nhân vừa đem lại
những nhận thức hiện đại, tích cực, vừa lây lan những nhận thức và hành
vi phản văn hóa, không phù hợp với truyền thống đạo đức và lối sống của
dân tộc. Từ sự vận động của thực trạng đời sống xã hội, gắn với các
không gian văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội, các thiết chế văn hóa
cũng thường xuyên được sửa đổi để ứng xử phù hợp với môi trường văn hóa
nhân văn của xã hội hiện tại. Giờ đây, văn hóa trong phạm vi không gian
gia đình lại càng có vai trò quan trọng, giữ vị thế hạt nhân cho quá
trình thực hiện hương ước, quy ước văn hóa mới gắn với chiến lược xây
dựng nông thôn mới, vừa đảm trách nhiệm vụ bảo vệ những giá trị văn hóa
vốn có, vừa tiếp thu những nét văn minh, hiện đại, những tinh hoa văn
hóa từ nước ngoài để làm cho đời sống văn hóa gia đình, dòng họ, làng
bản thêm sinh động, văn minh. Tình yêu làng xóm, gia đình giờ đây không
còn bó hẹp trong sinh kế và môi sinh văn hóa hạn hẹp làng, bản, mà trở
thành ý thức cống hiến để tăng cao thu nhập kinh tế gia đình, góp phần
xây dựng quê hương đất nước. Những giá trị được chưng cất từ lòng hiếu
thảo, tình làng nghĩa xóm, ý thức cộng đồng đến giai đoạn vận động hội
nhập và phát triển của xã hội đã kết tinh thành “sức mạnh mềm”, góp phần
tạo nên động lực xây đắp cho giá trị văn hóa quốc gia - dân tộc, hiện
tại và lâu dài.
Tại
Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 24/11/2021, Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu đặc biệt quan trọng, trong đó,
thêm một lần khẳng định sự đúng đắn trong quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo sự
nghiệp phát triển văn hóa của Đảng những năm qua, đồng thời nêu ra sáu
giải pháp thiết thực, trong đó, giải pháp thứ hai đã được nhấn mạnh:
“Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với
những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia
đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, kết
hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia - dân tộc và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”(6)./.
GS. TS. Bùi Quang Thanh
Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam
________________________
(1) Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới, hội nhập, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H, 2013, tr. 254.
(2)
Xem: Phần thứ ba “Thể chế xã hội và chính trị”, mục Tổ chức xã hội
(tiểu mục Gia đình) và phần thứ tư “Đời sống văn hóa”, in trong sách Thời đại Hùng Vương (Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng), Nxb. Văn học, tái bản năm 2007, H, tr.120,171.
(3) Phan Ngọc: Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn học, H, 2002, tr.56-57.
(4) Xem: Bùi Quang Thanh: “Từ gia phong trong gia đình phong kiến (trước 1945) đến gia đình người Việt đương đại”, in trong sách: Văn hóa gia đình trong xã hội đương đại (Từ Thị Loan tuyển chọn - giới thiệu), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2019, tr. 8 - 27
(5) Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới, hội nhập, Sđd, tr.342.
(6)
Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị
đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 979, tháng 12-2021, tr.10-11.
(Nguồn: TC Cộng sản)