Theo hướng dẫn, Giải báo chí Quốc gia năm 2012
gồm năm loại giải với 13 giải chính thức. Trong đó, báo in có ba giải:
giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn; giải xã luận, bình luận, chuyên luận,
tiểu phẩm báo chí; giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi
chép; giải ảnh báo chí có hai giải. Báo phát thanh có ba giải: giải tin,
bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm; giải phóng
sự, phóng sự điều tra, bút ký; giải chuyên đề phát thanh tổng hợp. Báo
hình có ba giải: giải tin, phóng sự, ký sự; giải bình luận, giao lưu,
tọa đàm; giải phim tài liệu truyền hình. Ðối với báo điện tử có hai
giải: giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận; giải phóng sự, phóng
sự điều tra, ký báo chí, ghi chép.
Ðiều kiện dự giải: Về tác giả:
Là công dân Việt Nam, bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên
nghiệp, có tác phẩm báo chí xuất sắc được đăng tải trên các phương tiện
thông tin đại chúng (báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện
tử...) do Bộ Văn hóa - Thông tin (trước đây) và nay là Bộ Thông tin và
Truyền thông cấp phép. Tác giả dự giải báo chí không vi phạm các Quy
định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm
Luật Báo chí và luật pháp khác. Về tác phẩm: Là tác phẩm đã được sử dụng
từ ngày 1-1-2012 đến 31-12-2012, trên các phương tiện thông tin đại
chúng đã được nêu ở trên. Mỗi tác phẩm báo in là một tin hoặc một loại
tin (không quá năm tin), một bài, hoặc một loạt bài (không quá năm kỳ)
của cùng một tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự
kiện, cùng một đề tài và thực hiện cùng một thể loại báo chí. Ðối với
báo nói: Mỗi tác phẩm là một (hoặc một loạt) tin, bài về một chủ đề, một
sự kiện hoặc một đối tượng, phát một kỳ hoặc nhiều kỳ (thời lượng tác
phẩm dài không quá 60 phút). Ðối với báo hình: Ở cả ba loại giải báo
hình, thời lượng tác phẩm dài không quá 60 phút. Ðối với ảnh báo chí:
Mỗi tác phẩm không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời
điểm xuất bản. Ðối với báo điện tử: Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một
loạt tin (không quá năm tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá năm
kỳ).
Về số lượng tác giả, tác phẩm, mỗi Hội Nhà báo tỉnh, thành
phố chọn gửi 25 tác phẩm của 25 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó có
ít nhất năm tác phẩm của tác giả không phải là hội viên Hội Nhà báo Việt
Nam). Riêng các Hội Nhà báo Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chọn gửi 60 tác
phẩm của 60 tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó có ít nhất 15 tác phẩm
của tác giả không phải là hội viên). Các Hội Nhà báo TP Ðà Nẵng, TP Cần
Thơ, TP Hải Phòng chọn gửi 30 tác phẩm của 30 tác giả hoặc nhóm tác giả
(trong đó có ít nhất bảy tác phẩm của tác giả không phải là hội viên).
Mỗi Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội chọn gửi 30 tác phẩm của 30
tác giả hoặc nhóm tác giả (trong đó ít nhất năm tác phẩm của tác giả
không phải hội viên). Mỗi Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội hoặc
cơ quan báo chí (chưa có Chi hội) chọn gửi chín tác phẩm của chín tác
giả hoặc nhóm tác giả (trong đó có ít nhất ba tác phẩm của tác giả không
phải là hội viên hoặc không phải phóng viên, biên tập viên trong cơ
quan báo chí đó). Ở những nơi không có đủ số tác phẩm của tác giả không
phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam theo quy định trên, không được lấy
tác phẩm của hội viên để thay thế. Hội đồng giải báo chí đề nghị các cấp
Hội, các cơ quan báo chí quan tâm nhiều hơn đến các tác phẩm ảnh báo
chí, tác phẩm phát thanh thuộc loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình
luận, chuyên luận, tọa đàm trên sóng phát thanh.
Mỗi tác giả hoặc
mỗi nhóm tác giả chỉ được chọn gửi một tác phẩm dự giải và mỗi tác giả
chỉ được đứng tên ở một tác phẩm hoặc một trong nhóm tác giả (tác giả là
người quay phim, được đứng tên tối đa trong ba nhóm tác giả). Hội đồng
giải báo chí sẽ không giải quyết các khiếu nại, đề nghị về việc thay đổi
hoặc bổ sung tên tác giả hoặc nhóm tác giả đối với các tác phẩm đoạt
giải.
Thời hạn cuối cùng gửi tác phẩm dự giải báo chí về Trung
ương Hội là ngày 5-4-2013 (theo dấu bưu điện). Ðịa chỉ: Ban Thư ký Tổng
hợp Giải Báo chí Quốc gia - Hội Nhà báo Việt Nam, 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội.