1. Thanh niên Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số, là lực lượng luôn có những đóng góp quan trọng trong các giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn đặt niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào lực lượng thanh niên, xác định thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của của đất nước, là một trong những nhân tố quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc; công tác thanh niên là một trong những yếu tố quyết định thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhìn chung, thanh niên nước ta hiện nay có lòng yêu nước nồng nàn, luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh, khẳng định niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; có nhận thức và thái độ chính trị đúng đắn, kiên quyết chống lại những biểu hiện sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình”, các hành vi gây tổn hại đến sự phát triển đất nước của các thế lực phản động, thù địch; quan tâm đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước (1); có ý chí vươn lên trong học tập, lao động và công tác, mong muốn đất nước sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, không thua kém các nước trên thế giới, được cống hiến nhiều nhất cho công cuộc chấn hưng đất nước; sẵn sàng vì lợi ích dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tình nguyện vì cộng đồng. Nhiều thanh niên có ý thức chính trị tốt; tỷ lệ thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tăng(2). Đa số thanh niên nước ta hiện nay có phẩm chất tốt, tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, có ý thức công dân, chấp hành pháp luật, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể, xung kích, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng; sống có nghĩa tình, luôn biết quan tâm, giúp đỡ người khác, tinh thần tương thân tương ái đã được khơi dậy, trở thành xu hướng chủ đạo lôi cuốn và thu hút giới trẻ (3). Nhiều tấm gương thanh niên vượt qua khó khăn của bản thân, gia đình để vươn lên thành những người hữu ích; không ít thanh niên dám đấu tranh quyết liệt với các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội, tỏ thái độ lo lắng, băn khoăn trước các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội, bất bình trước những sai phạm của cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật. Phần lớn thanh niên hiện nay có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, nhu cầu giải trí lành mạnh, lên án những hoạt động giải trí không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Tuy nhiên, hiện nay cũng còn không ít thanh niên không có chí hướng rõ ràng, chưa hiểu biết đầy đủ truyền thống cách mạng của Đảng và dân tộc, ít quan tâm đến tình hình đất nước; một bộ phận thanh niên lười lao động, lười học tập, ngại khó, ngại khổ, chưa làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình ở gia đình, địa phương, đơn vị; không có ý chí vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội, có những thanh niên có biểu hiện giảm sút niềm tin, bản lĩnh non kém, bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên còn lệch lạc, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, đua đòi, xa hoa lãng phí, sùng bái thần tượng thái quá, ít quan tâm đến cộng đồng và những người xung quanh. Một bộ phận thanh thiếu niên thiếu ý thức rèn luyện, không tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội, các phong trào và hoạt động tập thể do nhà trường, địa phương tổ chức; lười học tập, lao động, không dám đấu tranh với sai trái, tiêu cực, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, ích kỷ, bất hiếu với cha mẹ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu quan tâm đến tình hình đất nước; một số thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
2. Với chức năng trường học xã hội của thanh niên, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên là công tác quan trọng, thường xuyên, liên tục của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Trong những năm gần đây, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều đổi mới trong công tác giáo dục thể hiện qua các việc sau:
Thứ nhất, thông qua cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều mô hình phong phú để giáo dục thanh thiếu nhi như viết “Nhật ký làm theo lời Bác”; “Sổ vàng học tập và làm theo lời Bác”, “Sổ tay tự rèn”, cuộc thi “Tôi yêu Tổ quốc tôi, tôi yêu đồng bào tôi”, khẩu hiệu hành động “Mỗi ngày một việc tốt vì nhân dân”... ; xây dựng các tiêu chí về chuẩn mực đạo đức, lối sống cho các đối tượng đoàn viên thanh niên gắn liền với chương trình rèn luyện đoàn viên và tuyên dương, biểu dương các điển hình. Hiện nay, Trung ương Đoàn đã tổ chức trao nhiều giải thưởng cho những điển hình tiêu biểu như: Giải thưởng Sao Tháng giêng cho sinh viên, Giải thưởng Lý Tự Trọng cho học sinh, Giải thưởng Lương Định Của cho thanh niên nông thôn, Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi cho thanh niên công nhân, Giải thưởng Sao đỏ cho doanh nhân, giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, các giải thưởng cho thanh niên quân đội, thanh niên công an...
Thứ hai, Đoàn Thanh niên chú trọng đổi mới phương thức giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên. Trong đó, đẩy mạnh hơn việc giáo dục thông qua phong trào hành động cụ thể, lấy môi trường thực tiễn để bồi dưỡng, rèn luyện, vun đắp những giá trị tốt đẹp cho đoàn viên thanh niên. Đoàn Thanh niên cũng chú trọng “làm mới cái cũ” để phù hợp với thanh niên hơn; làm đồng bộ, đồng loạt để tạo hiệu ứng xã hội lớn hơn. Một hoạt động cũ được “làm mới” trong nhiều năm gần đây được đánh giá mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc và tính sáng tạo cao là hoạt động thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ. Từ sáng kiến của Đoàn, hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa vào chương trình định kỳ hàng năm. Đúng đêm 26-7, tất cả các nghĩa trang liệt sĩ, đền tưởng niệm liệt sĩ đều được được thắp sáng bởi hàng triệu ngọn nến lung linh, nghĩa tình, tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Hoạt động này đã tạo sức lay động mạnh mẽ đối với mỗi đoàn viên thanh niên nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Thứ ba, Đoàn thanh niên cũng chú trọng nghiên cứu, tìm tòi những mô hình mới để giáo dục, rèn luyện thanh thiếu niên như "Học kỳ quân đội" (giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, về ý thức quốc phòng, an ninh; tinh thần đoàn kết, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và các kỹ năng xã hội...); chương trình "Khi tôi 18" giáo dục cho các bạn trẻ ý thức công dân khi bước vào tuổi 18; mô hình 1+1+1 (mỗi cơ sở đoàn mỗi năm giúp đỡ ít nhất một thanh niên chậm tiến tiến bộ)... Đoàn cũng đã có nhiều hình thức sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, phương tiện truyền thông, tiện ích của internet để tạo sân chơi và định hướng các hoạt động lành mạnh cho thanh thiếu niên.
3. Tuy nhiên, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống của Đoàn Thanh niên hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.
Đó là, Đoàn Thanh niên chưa cụ thể hóa nội dung giáo dục phù hợp với các đối tượng thanh thiếu nhi; việc đổi mới phương thức giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều hoạt động giáo dục chỉ đến với thanh niên tích cực. Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận trong thanh niên chưa kịp thời, còn nhiều yếu kém. Việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng tuy diễn ra sôi nổi, đều khắp nhưng có những nơi còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả. Các cấp bộ Đoàn đã làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng nhưng còn lúng túng trong việc nhân ra diện rộng các điển hình tiên tiến. Việc phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn, các phương tiện truyền thông hiện đại vào công tác giáo dục chưa hiệu quả; các ấn phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền còn thiếu, chưa sinh động, hấp dẫn. Chưa phát huy hết các điều kiện, nguồn lực, thiết chế văn hóa phục vụ cho công tác giáo dục; chưa thực sự tạo ra những trào lưu mới, tích cực trong thanh thiếu nhi.
Để những hạn chế, tồn tại đó diễn ra, tổ chức Đoàn nhận thức rõ trách nhiệm của mình như: Nhận thức của một số cán bộ Đoàn về đổi mới phương thức giáo dục của Đoàn chưa sâu sắc dẫn tới việc chưa đầu tư suy nghĩ và sáng tạo những mô hình mới, phù hợp với thanh thiếu nhi và điều kiện của địa phương, cơ sở; công tác chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp bộ Đoàn nhất là cấp Trung ương và cấp tỉnh chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên, sâu sát; Đội ngũ cán bộ Đoàn có kỹ năng, nghiệp vụ, có trình độ chuyên môn, có khả năng tham mưu triển khai công tác giáo dục còn thiếu, chất lượng không đồng đều. Chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn làm công tác tuyên giáo ở nhiều cơ sở Đoàn còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.
Bên cạnh đó, thanh thiếu niên hiện nay đã và đang chịu sự chi phối của rất nhiều những yếu tố khác như: Sự tác động ngày càng mạnh mẽ của thông tin truyền thông trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều thông tin độc hại, ảnh hưởng và gây tác động xấu đến công tác giáo dục thanh niên; những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường dẫn đến những tiêu cực trong xã hội ngày càng nhiều, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch đã và đang nhằm vào đối tượng thanh niên; hệ thống nhà trường còn thiếu những điều kiện, nguồn lực đảm bảo cho học sinh học tập, vui chơi giải trí; nội dung, phương thức giáo dục chậm đổi mới, còn khô cứng, chưa thật gắn kết, phù hợp, hấp dẫn, lôi cuốn thanh niên; một số gia đình, cha mẹ còn thiếu kiến thức, phương pháp giáo dục, sự quan tâm chăm sóc, quản lý con em.
Để công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống đạt được kết quả tích cực hơn trong thời gian tới, Trung ương Đoàn tập trung các giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện những tiêu chí cụ thể để rèn luyện trong từng đối tượng đoàn viên, thanh niên và xem đây là công việc thường xuyên hàng ngày của mỗi người.
Thứ hai, tăng cường quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến kiến thức về pháp luật, lý luận chính trị, kiến thức và các kỹ năng xã hội cho đoàn viên, thanh thiếu niên.
Thứ ba, thường xuyên phát hiện người tốt, việc tốt, nêu gương điển hình, xây dựng và nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, lấy “xây” để “chống”, làm cho các giá trị tốt đẹp có sức lan tỏa trong cộng đồng thanh niên. Phát huy hiệu quả hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn cũng như của các đơn vị khác để làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên.
Thứ tư, bản thân tổ chức Đoàn cần tự đổi mới mình làm cho phong trào của Đoàn có sức hấp dẫn hơn đối với thanh niên, qua đó, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, đưa thanh niên vào tổ chức Đoàn, tổ chức Hội và các phong trào, hoạt động của đoàn, Hội, xem đây là môi trường để giáo dục, rèn luyện thanh thiếu niên. Thực tiễn cho thấy, giáo dục Đoàn viên thanh niên thông qua các phong trào lớn và hành động cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững.
Mặt khác, giáo dục thanh niên không phải là nhiệm vụ riêng của Đoàn, mà cần sự vào cuộc, chung tay, chung sức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, xã hội. Do vậy, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý văn hóa, kịp thời ngăn chặn tác động xấu của các sản phẩm không lành mạnh đến thanh niên. Tạo điều kiện, khuyến khích để các cơ quan văn hóa, văn học nghệ thuật, điện ảnh… sáng tác và phổ biến nhiều công trình, tác phẩm có giá trị giáo dục tốt cho thanh thiếu niên. Đồng thời siết chặt quản lý với những ấn phẩm, trang mạng, game online có nội dung không lành mạnh, ảnh hưởng không tốt đến thanh thiếu niên. Tấn công mạnh mẽ vào các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh hơn cho tuổi trẻ. Quan tâm đầu tư thỏa đáng những thiết chế văn hóa để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho thanh thiếu niên. Ngành giáo dục cần có những biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận trong thi cử, đảm bảo dân chủ, công bằng, bình đẳng trong giáo dục đi đôi với đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, tu dưỡng, rèn luyện của học sinh, sinh viên; chống bạo lực học đường, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên; tăng cường đầu tư, đổi mới nội dung giáo dục thể chất, kỹ năng xã hội, các hoạt động vui chơi giải trí cho học sinh, sinh viên.
Đảng ta xác định công tác thanh niên là công tác chiến lược có ý nghĩa sống còn của dân tộc. Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác giáo dục thanh niên của Đoàn. Ngoài vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn, cần có sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của cả hệ thống chính trị để đảm bảo xây dựng được một lớp thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ lớn lao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Dương Văn An
Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
(1) Theo kết quả khảo sát, 74,2% số thanh niên được hỏi cho biết họ cơ bản quan tâm hoặc rất quan tâm đến tương lai, vận mệnh của đất nước (Phạm Hồng Tung: “Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế”, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.283).
(2) Năm 2008: kết nạp 105.435 đảng viên /236.527 ĐVƯT, chiếm 66,6% tổng số đảng viên mới kết nạp. Năm 2009: kết nạp 116.711 đảng viên /271.482 ĐVƯT, chiếm 67,5% tổng số đảng viên mới kết nạp. Năm 2010: kết nạp 121.105 đảng viên /293.675 ĐVƯT, chiếm 67,7% tổng số đảng viên mới kết nạp. năm 2011: kết nạp 130.323 đảng viên /231.228 ĐVƯT, chiếm 56% tổng số đảng viên mới kết nạp. 6 tháng đầu năm 2012, kết nạp 52.424/115.506 ĐVƯT.
(3) Trong những năm gần đây, các đội hình thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích; các chương trình hoạt động về nguồn; phong trào đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn...; các cuộc vận động giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, bão lụt v.v... ngày càng có đông đảo thanh niên tự nguyện tham gia. Phát huy truyền thống “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, thiếu nhi Việt Nam có ý thức học tập, rèn luyện, ra sức thi đua làm “Nghìn việc tốt”./.