Thứ Hai, 25/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Sáu, 23/9/2011 9:24'(GMT+7)

Giai điệu hào hùng ra đời trong ngày Nam bộ kháng chiến

Tác phẩm Nam bộ kháng chiến. Ảnh: Phạm Kỉnh

Tác phẩm Nam bộ kháng chiến. Ảnh: Phạm Kỉnh

Bên cạnh những bài ca phổ biến từ trước và trong Cách mạng Tháng Tám, còn có những bài ra đời ngay sau khi nổ ra tiếng súng kháng chiến của quân dân Nam bộ. Đó là sáng tác của các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Tạ Thanh Sơn… động viên khí thế nhân dân cả nước cùng quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.

Khi quân dân Nam bộ đứng lên cầm súng chống kẻ thù xâm lược, cũng chính là lúc cả nước sôi nổi hết lòng ủng hộ chi viện Nam bộ kháng chiến. Hàng vạn thanh niên miền Bắc, miền Trung gia nhập đoàn quân Nam tiến xung phong vào miền Nam chiến đấu. Trong bối cảnh đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vừa tròn 23 tuổi, rộn ràng cảm xúc sáng tác 2 bản hành khúc để tặng các bạn trẻ. Bài thứ nhất là Đường trường vô Nam viết theo “điệu Rê thứ”, giai điệu trầm hùng, sâu lắng:

Đường trường vô phương Nam
Tiếng súng thét vang vang…
Bài thứ hai là Tiếng súng Nam bộ, theo “điệu Rê trưởng” vui khỏe, sôi nổi:
Tiếng súng vang sông núi miền Nam
Ầm đất nước Việt Nam
Tiếng súng vang lừng khắp non sông
Giục ta ra tranh đấu…


Cả hai bài đều được Đoàn quân nhạc thủ đô Hà Nội hồi đó biểu diễn do nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Tiếng hát hùng tráng, tiếng kèn, tiếng trống cái ầm ầm giả làm tiếng súng, tiễn đưa các chiến sĩ “Nam tiến” theo đường xe lửa vào Nam chiến đấu.

Khi đó ở thành phố Đà Nẵng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vừa bước vào tuổi 21, ngày ngày thấy các đoàn xe lửa từ miền Bắc chở quân chi viện cho Nam bộ, nối đuôi nhau tạm dừng ở ga. Anh thường nghe các chiến sĩ Nam tiến cất cao tiếng hát Một ra đi là không trở về, lòng tráng sĩ thề không nao núng…, sáng tác của Lương Ngọc Châu, lòng chàng trai xứ Quảng trào dâng xúc động, thế là anh sáng tác bài ca Giải phóng quân:

Đoàn Giải phóng quân một lần ra đi
Là có sá chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui…

Bài hát nhanh chóng đến với quần chúng Đà Nẵng và cả những chiến sĩ Nam tiến đang tạm dừng chân ở đây. Cứ chiều chiều khi đoàn tàu đến ga, là lúc anh chị em ở Phòng Thông tin Đà Nẵng lần lượt lên tàu, đi từ toa xe này đến toa xe khác, phổ biến bài Giải phóng quân. Bài hát theo chân các chiến sĩ Nam tiến vào tận chiến trường Nam bộ và nhanh chóng nổi tiếng cả nước.

Trong lúc đó ở Nam bộ, khi tiếng súng địch trong nội thành Sài Gòn nổ ran cũng là lúc quân dân Nam bộ đứng lên chiến đấu bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, kể cả các loại rất thô sơ như tầm vông, giáo mác. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng hồi đó, 2 nhạc sĩ Nam bộ nổi tiếng lúc bấy giờ là Lưu Hữu Phước và Nguyễn Mỹ Ca đã phải chấp hành một nhiệm vụ không liên quan đến âm nhạc là đứng lên thành lập Binh công xưởng để cung cấp vũ khí cho lực lượng kháng chiến. Chính trong thời gian đó, Lưu Hữu Phước vẫn không quên âm nhạc, đã viết nên ca khúc Đoàn quân ma ngợi ca những người du kích lúc ẩn lúc hiện trong đêm trường tìm mọi cách tiêu diệt địch:

Vì nước suốt canh thâu trong đêm dài, chân lần đi
Lướt qua muôn bóng mờ ta xông pha
Lướt qua hầm, qua hố, qua giông tố mưa gió ầm ĩ
Ta thề nguyền quân tham giết không tha…

Sau này, bài hát được đổi đầu đề thành Đoàn quân du kích.

Bước sang năm 1946, một bài hát khác ra đời có âm điệu và ca từ tuy giản dị, mộc mạc nhưng lại chân thành, nhiệt tình, phản ảnh rõ nét tinh thần quyết chiến của quân dân Nam bộ đứng lên chống quân xâm lược:

Mùa thu rồi, ngày hăm ba
Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến
Rền khắp trời lời hoan hô
Dân quân Nam nhịp chân tiến đến trận tiền...


Đó là bài hát Nam bộ kháng chiến của tác giả Tạ Thanh Sơn, quê ở Trà Ôn, Vĩnh Long, khi bước vào tuổi 25. Lúc học phổ thông chàng trai này từng tham gia hoạt động văn nghệ học sinh và phong trào hướng đạo, trong Cách mạng Tháng Tám 1945, là đội viên Thanh niên Tiền phong, sau đó tham gia lực lượng kháng chiến.

Năm 1946, Tạ Thanh Sơn sáng tác bài Nam bộ kháng chiến tại làng Mỹ Xương, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp sau khi anh vừa dự xong một khóa huấn luyện chính trị và được cử tham gia vào đội tuyên truyền của Khu 8. Ra đời trong khí thế sôi sục của Nam bộ và cả nước quyết chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bài hát đã dễ dàng đi vào lòng người, nhanh chóng phổ biến trong quần chúng và sống mãi theo thời gian.

Đã hơn nửa thể kỷ qua, những giai điệu hào hùng ra đời trong những ngày bùng nổ tiếng súng Nam bộ kháng chiến vẫn như còn vang lên trong lòng chúng ta gợi nhớ một thời vô cùng gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào, một thời cả nước hành quân ra tuyến lửa./. 

Nhạc sĩ Trương Quang Lục

(Nguồn: SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất