Tham dự buổi hội thảo, tại văn phòng Cục có ông Quách Tuấn Ngọc (Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GDĐT) họp trực tuyến với điểm cầu TP.HCM gồm ông Lê Trung Việt (Tổng biên tập Tạp chí Thế giới Vi tính), ông Thân Trọng Phúc (Tổng giám đốc Intel Việt Nam và Đông Dương), ông Phạm Thiện Nghệ (Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam), ông Lê Văn Lực (Hiệu trưởng trường THCS Phước Long, Q.9, TP.HCM) và gần 20 phóng viên báo đài.
Năm học 2008-2009 được đánh giá là năm học CNTT, có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động CNTT trong các cơ sở GDĐT. Mục đích của buổi tọa đàm phần nào cho thấy hiện trạng, những đóng góp ý kiến cho giải pháp tiếp cận CNTT và Internet cho giáo viên (GV), sinh viên học sinh (SVHS). Qua đó, góp phần cùng đưa chủ trương của Bộ GDĐT vào thực tế, góp ý kiến để xóa điểm trắng, vùng lõm về Internet, CNTT; thúc đẩy các hoạt động ứng dụng CNTT trong việc đổi mới phương pháp và nâng cao hiệu quả giảng dạy…
Hoàn thành cơ bản hạ tầng CNTT
Năm học 2008-2009 được ngành GDĐT chọn là năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Theo số liệu tổng hợp điều tra, khảo sát của Cục CNTT (Bộ GDĐT), hiện nay, cả nước có khoảng 556 trường không có điện lưới, 11.954 trường chưa kết nối Internet và 4.832 trường không thể nối cáp do khó khăn về địa hình.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GDĐT với Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel, Viettel sẽ hỗ trợ Bộ GDĐT kết nối đến tất cả 64 sở GDĐT, gần 600 trường ĐH, CĐ bằng băng thông rộng thực hiện qua phương tiện truyền dẫn cáp quang phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý, điều hành của toàn ngành giáo dục. Cam kết bao gồm cung cấp miễn phí dịch vụ Internet, miễn phí phần lắp đặt thiết bị ban đầu, miễn phí cước sử dụng hằng tháng cho hơn 39.000 trường phổ thông và mầm non trong cả nước.
Ông Quách Tuấn Ngọc cho biết, việc kết nối Internet băng thông rộng đến 64 sở GDĐT đã hoàn thành trong tháng 10/2008. Cục CNTT, các Sở GDĐT địa phương và Viettel phối hợp lên danh sách các cơ sở khó khăn để có chính sách hỗ trợ. Việc kết nối đến các trường ĐH, CĐ, trung cấp và dạy nghề trong cả nước tính đến tháng 7/2009 là khoảng 18.000 trường, hoàn thành kết nối Internet miễn phí qua sóng di động của Viettel cho các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo như Điện Biên, Đắc Lắc, Cà Mau… Dự kiến, cuối năm 2009 sẽ có 75% tất cả các trường được kết nối và dự án này hoàn thành vào năm 2010.
Ngoài ra, Bộ GDĐT sẽ tổ chức cuộc thi GV làm bài giảng điện tử theo công nghệ e-learning, GV dạy giỏi ứng dụng CNTT nhằm mục đích khuyến khích, động viên GV tiếp cận công nghệ mới cũng như chia sẻ kinh nghiệm. Bộ trưởng sẽ là Trưởng ban chỉ đạo, Cục CNTT chủ trì tổ chức, phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý GD và các dự án. Phát động cuộc thi “Mỗi GV góp mỗi năm 1 bài giảng” và sẽ có 1 triệu bài giảng trong 1 năm. Bộ GDĐT huy động các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ, THCN cùng tham gia, đóng góp các bài giảng điện tử và sẽ tạo thành một thư viện trên trang web của Bộ để chia sẻ, dùng chung.
Đối với việc tin học hoá quản lý GD, Cục CNTT có trách nhiệm tuyển chọn, cung cấp miễn phí các phần mềm quản lý học tập của HS, quản lý GV, hỗ trợ sắp xếp thời khoá biểu, quản lý thư viện trường học… cũng như cung cấp phần mềm e-learning cũng như các phần mềm khác qua một số quỹ chương trình CNTT…
Cần hỗ trợ nhiều hơn…
Theo ông Thân Trọng Phúc, việc kết nối mạng đến các trường đã cơ bản hoàn thành. Mạng Internet trong thế kỷ 21 được ví như mạng điện của thế kỷ 20, nhiệm vụ kế tiếp là khuyến khích sử dụng máy tính, việc sử dụng máy tính được xem như “bóng đèn” đem tri thức đến với mọi người.
Hiện nay, Intel cùng với Bộ GDĐT đang thực hiện chương trình Intel Teach to the Future (Dạy học cho tương lai) nhằm hỗ trợ đào tạo hàng năm cho khoảng 50.000 GV Việt Nam và chương trình đến năm 2012 đảm bảo mỗi GV, SVHS có 1 máy tính. Tuy nhiên, so với hơn 700.000 GV trên cả nước thì chương trình này cần hơn 12 năm thực hiện, do đó, cần phải có sự hỗ trợ của các ngành, các cấp tham gia.
Ông Phạm Thiện Nghệ đề nghị Intel, Bộ GDĐT tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn và giảng dạy qua mạng với 3 hình thức: qua truyền hình, qua web và qua đàm thoại. Mở rộng áp dụng hình thức này cho công tác đào tạo và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, tập huấn thanh tra viên, tuyển sinh... để tiết kiệm thời gian, kinh phí, công sức đi lại.
Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học như triển khai áp dụng CNTT trong dạy và học, hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, tích hợp ứng dụng CNTT ngay trong mỗi môn học một cách hiệu quả và sáng tạo ở những nơi có điều kiện thiết bị tin học; xây dựng nội dung thông tin số phục vụ giáo dục.
"Cần phát huy tính tích cực tự học, tự tìm tòi thông tin qua mạng Internet của người học; tạo điều kiện để người học có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, tìm được nội dung học phù hợp; xóa bỏ sự lạc hậu về công nghệ và thông tin do khoảng cách địa lý đem lại", ông Nghệ cho biết thêm.
Tuy nhiên, không phải tất cả GV, SVHS trên cả nước đều đã được tiếp cận với máy tính và Internet. Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này, nhưng một trong những lý do cơ bản là giá máy tính và cước Internet còn cao so với thu nhập của nhiều GV, SVHS, nhất là những người ở những vùng khó khăn như vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Hầu hết, các diễn giả, đều cho rằng cần phải có chính sách hỗ trợ giá, cho vay tín dụng với lãi suất thấp cho các đối tượng GV, SVHS hoặc cho vay tín chấp dành cho các đối tượng này thông qua sự bảo lãnh của nhà trường, phụ huynh… Và hơn lúc nào hết, cần sự hỗ trợ từ các ngân hàng chính sách.
Theo ông Lê Văn Lực, GV là những người rất coi trọng đạo đức và họ hoàn toàn ý thức nhất là việc vay nợ mua đồ dùng giảng dạy. Về phía nhà trường, Phước Long cam kết, hỗ trợ bảo lãnh cho GV có nhu cầu mua máy tính sử dụng…
Để phát huy hiệu quả sử dụng máy tính và Internet, tránh lãng phí, ông Thân Trọng Phúc cho rằng cần phải khuyến khích đưa nội dung, các chương trình lên mạng GD để chia sẻ cho mọi người, thiết lập hội nghị truyền hình (video conference) trên toàn quốc, sử dụng email miễn phí Google tên miền Việt Nam, phát triển nội dung thông tin số: giáo trình học, phát triển nghiên cứu và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở, phần mềm phục vụ quản lý và nghiên cứu giảng dạy…
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) và Công ty Thương mại ACS (một công ty tài chính Nhật Bản) đang có chương trình cho vay ưu đãi mua máy tính với lãi suất từ 1,1% đến 1,5%/tháng.
Mục tiêu phải đạt được từ nay đến năm 2010 là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GDĐT theo “4 chuẩn”:
- Chuẩn trong nhận thức của cán bộ quản lý về lợi ích của việc ứng dụng CNTT
- Xác định được chuẩn kỹ năng tối thiểu về CNTT
- Chuẩn về cơ sở hạ tầng
- Chuẩn công cụ dùng để ứng dụng CNTT.
|
(Theo Thế Giới Vi Tính)