Thứ Năm, 19/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 9/7/2009 9:30'(GMT+7)

“Thước đo chuẩn" cho nhân lực CNTT - Viễn thông

Một giờ học lý thuyết tại Học viện.

Một giờ học lý thuyết tại Học viện.

1+n = Cử nhân, kỹ sư toàn diện

Chuẩn đầu ra được xây dựng trên quan điểm Chiến lược đào tạo của Học viện đối với mỗi sinh viên đó là 1+n: Một bằng đại học cùng với n chứng chỉ. Nếu như tấm bằng đại học chứng minh năng lực chuyên ngành thì n chứng chỉ chứng minh những kiến thức, kỹ năng phụ trợ mà sinh viên đó được trang bị để đáp ứng tốt nhất công việc khi ra trường.

Theo Tiến sĩ Lê Hữu Lập - Phó Giám đốc Học viện, hiện nay không chỉ riêng Học viện mà sinh viên của các trường Đại học trong nước sau khi ra trường một số kỹ năng mềm đòi hỏi trong làm việc thực tế còn rất yếu như các kỹ năng soạn thảo, trình bày văn bản. Sinh viên Việt Nam ra trường khả năng làm việc nhóm rất yếu. Khả năng thuyết trình cũng cần phải được đào tạo.

Với những môn học, module học ngoài quy định khung chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phát triển thêm những môn học bổ trợ cho các cơ sở ngành. Hướng vào những môn học mà tên tuổi và nội dung đã được quốc tế hoá, được nhiều trường đại học trên thế giới đã áp dụng.

Đặt ra tới sáu tiêu chí được đặt ra và cam kết với người học: Kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, năng lực, hành vi và ngoại ngữ, với phương thức đào tạo theo chuẩn đầu ra này, sinh viên của Học viện khi ra trường ngoài việc đã được trang bị các kiến thức chuyên môn sâu, có thực tiễn và luôn được cập nhật trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT… còn được trang bị thêm các kỹ năng mềm (có chứng chỉ riêng) như làm việc theo nhóm, khả năng thuyết trình… đồng thời sẽ phải đạt trình độ Tiếng Anh từ 450 điểm TOEIC trở lên.

“Không còn cách nào khác là phải trang bị cho sinh viên những kỹ năng mềm này. Học viện bố trí trong tất cả các chương trình của bốn hệ đào tạo này sẽ xếp lịch đào tạo vào các học kỳ cuối với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia thuộc từng lĩnh vực. Sau khi hoàn thành các khoá học này, Học viện không cấp chứng chỉ mà các tổ chức chuyên biệt từng lĩnh vực đứng ra kiểm tra và cấp chứng chỉ” - ông Lập nói.

Học phí giữ nguyên nhưng chất lượng tăng

Không phải đóng thêm học phí mà được sự hỗ trợ của nhà trường, sinh viên thuộc bốn chuyên ngành Công nghệ thông tin, Viễn thông, Kỹ thuật Điện - Điện tử và Quản trị Kinh doanh của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vẫn được học theo một chuẩn đào tạo thực sự chuyên nghiệp.

Lãnh đạo Học viện khẳng định, khi chuẩn đầu ra này chính thức được áp dụng, học phí của sinh viên sẽ không thay đổi. Thậm chí là những chương trình bổ trợ của học viện: như bồi dưỡng về kỹ năng mềm hay một số kỹ năng cần thiết khác còn có thể được miễn phí.

Với một số chương trình, khóa học nâng cao, Trung tâm bồi dưỡng của Học viện cũng sẽ hỗ trợ sinh viên tối thiểu là 50% và tối đa là 90-100% học phí. Chẳng hạn như sắp tới học viện sẽ triển khai các khóa đào tạo tiếng Anh theo chuẩn của chương trình TOEIC test 450, một trong những cách thức học sẽ được áp dụng là E-learning. Học viện đã làm việc với nhiều đối tác và họ có cam kết rất mạnh trong việc hỗ trợ học viện trang bị tiếng Anh cho sinh viên. Có những đơn vị hỗ trợ tới 80% học phí.

Thêm vào đó, Học viện lại có mối quan hệ tốt với nhiều doanh nghiệp trong ngành BCVT-CNTT nên rất nhiều doanh nghiệp muốn tài trợ, hỗ trợ sinh viên Học viện thông qua các hoạt động tại trường. Nhiều doanh nghiệp còn tìm kiếm nhân lực cho đơn vị mình ngay từ khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Nếu sinh viên có năng lực và có quyết tâm thì sẽ có nguồn tài trợ. Đơn cử như, nhiều viễn thông, bưu điện tỉnh có nhu cầu “đón” những sinh viên của tỉnh mình đang học tại Học viện để đầu tư.

Thầy cô cũng phải đạt chuẩn

Tiên phong trong việc đào tạo theo nhu cầu của xã hội, những người làm công tác giảng dạy của Học viện hiểu rằng, thay vì cách đào tạo truyền thống trước đây lấy thầy là trọng tâm, giờ, khi sinh viên phải bỏ tiền chi phí, họ có quyền đòi hỏi chất lượng bài giảng tốt hơn. Điều này tạo sức ép cho nhà trường cần phải đổi mới phong cách giảng dạy của giáo viên, đặc biệt là khi nhà trường thêm một lần khẳng định cam kết của mình bằng các chuẩn đầu ra.

Rất chú trọng giải pháp nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ giảng viên, đòi hỏi họ phải thực sự phải đổi mới, cải tiến, đòi hỏi của cách đào tạo mới là phải đưa đội ngũ giáo viên này vào cuộc, để họ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Học viện vừa ban hành quy định đối với giảng viên: định kỳ hàng năm mỗi giảng viên phải đăng ký kế hoạch nghiên cứu khoa học cụ thể: thực hiện bao nhiêu đề tài khoa học, viết bao nhiêu bài báo, tham gia bao nhiêu hội thảo, chủ trì bao nhiêu dự án...

Quy định này được xây dựng trên quan điểm nếu như giảng viên không đổi mới cách đào tạo, tham gia mạnh mẽ nghiên cứu khoa học thì khó có thể đổi mới. Có nghiên cứu khoa học thì mới nâng cao được khả năng thực tế, giảng dạy mới tốt hơn. Học viện cũng bố trí nguồn kinh phí cho các đề tài giảng viên thực hiện ,tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ giảng viên nghiên cứu khoa học.

Có thể nói, là một môi trường đào tạo đại học được gắn kết giữa công tác đào tạo và sản xuất kinh doanh của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ phát huy tốt nhất khả năng đào tạo, cho “ra lò” những đội ngũ kỹ sư, cử nhân chất lượng cao. Áp dụng thành công chuẩn đầu ra, thay vì tỷ lệ sinh viên của Học viện có việc làm phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp đang đạt mức 98,6%, mốc 100% không phải là quá khó khăn./.

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất