(TG) - Sáng 25/10, Hội thảo Khoa học “Giải pháp đột phá thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài cấp nhà nước mã số KX.04.28/11-15.
Dự và chủ trì Hội thảo có PGS. TS. Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những hoạt động đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 đang diễn ra hiện nay. Đồng chí nhấn mạnh: Khởi động nào cũng có những xáo trộn về tâm lý, những khó khăn trong quá trình thực hiện. Đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đòi hỏi sự cách mạng về cả chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách, hoạt động của từng cơ quan liên quan … và tác động lớn tới nhiều hoạt động khác trong xã hội. Do vậy, tâm huyết của các nhà khoa học cần được lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu.
Hội thảo tập trung vào 3 phần: Thể chế đối với giáo dục và đào tạo; Tái cơ cấu giáo dục sau trung học; Tự chủ nhà trường và thi, tuyển sinh.
PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã phân tích và làm rõ thể chế phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế và một số vấn đề về cơ sở giáo dục vì lợi nhuận và cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận. Từ kinh nghiệm các nước trên thế giới và trong khu vực, các chuyên gia cũng đã đưa ra khuyến nghị cho chính sách giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam. Khó khăn, trở ngại và những định hướng đổi mới đối với với hệ thống quản lý giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay cũng đã được nhìn nhận và phân tích như: giáo dục thiếu một cơ chế quản lý chỉ đạo phù hợp để biến những chủ trương đúng thành hiện thực; hệ thống quản lý giáo dục đào tạo còn nặng quản lý hành chính, không bám mục tiêu quản lý chất lượng; nguồn lực con người của hệ thống quản lý giáo dục đào tạo chưa được lựa chọn, bồi dưỡng, đãi ngộ tương xứng...
Về tái cơ cấu giáo dục sau trung học, GS.TSKH Đặng Ứng Vận nhấn mạnh: Tái cơ cấu không phải là một sự thay đổi căn bản và toàn diện, cũng không phải là sự làm mới từ đầu, cũng không đòi hỏi những biến đổi có tính cách mạng mà chú trọng đến việc thay đổi các mối quan hệ giữa các thành phần hoặc các yếu tố khác nhau của một tổ chức, một hệ thống nhằm dẫn tới sự ổn định, thực hiện tốt hơn mục tiêu, sứ mạng của mình. Nghị quyết 29 đã đề xuất những vấn đề chiến lược cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Riêng với giáo dục sau trung học bao gồm hầu hết các chương trình, loại hình, phương thức và cơ sở giáo dục, có rất nhiều ý tưởng mới, nhiệm vụ đổi mới được đặt ra và nhiều giải pháp đề nghị được thực hiện đòi hỏi việc tái cơ cấu như một yêu cầu tất yếu.
Một số kinh nghiệm về đổi mới công tác tuyển sinh và kiểm định chất lượng giáo dục để đảm bảo trong quá trình hội nhập quốc tế cũng đã được nêu tại Hội thảo. Điều đó yêu cầu phát huy quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo giáo dục, đổi mới đánh giá kết quả giáo dục nhằm đáp ứng quá trình hình thành, phát triển phẩm chất năng lực của học sinh phổ thông...
Hơn 20 tham luận cùng những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của các nhà khoa học về giáo dục đã thảo luận, phân tích và bình luận sâu việc lựa chọn giải pháp, táp động, hệ lụy, lộ trình, bước đi trong đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
TG