Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 5/4/2009 22:17'(GMT+7)

Giải pháp phát triển giáo dục vùng cao.

Giải pháp thật sự hữu hiệu để nâng cao chất lượng từ những khó khăn "cố hữu" vốn đeo đẳng giáo dục vùng cao vẫn luôn luôn là câu hỏi đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp  giáo dục nước nhà.

Tiếng Việt - bài toán nâng cao chất lượng

"Bờ an ban hỏi bản! Lờ ang lang huyền làng! - Bản làng!", tiếng các cháu mầm non của điểm bản Nặm Khiếu đánh vần vang nhẹ giữa núi rừng bạt ngàn. Các cháu đánh vần còn ngọng nghịu lắm nhưng nghe thật ấm lòng. Ở những nơi heo hút lưng chừng núi, khi tiếng Việt là một ngoại ngữ được "khơi thông" sẽ mang đến những tín hiệu vui cho chất lượng giáo dục vùng cao.

Học ngoại ngữ từ buổi đầu tới lớp
 

Tiết học tiếng Việt của các em học sinh
Trường tiểu học Pa Thơm (Điện Biên).

Nặm Khiếu, cái tên mỗi khi được nhắc đến lại như đánh thức nỗi lòng mỗi người dân Bắc Cạn. Bản người Mông của xã Nhạn Môn, huyện Pắc Nặm heo hút nơi "lưng trời", ngày đêm đìu hiu, yên ắng, thưa thớt người qua lại. Từ nơi trung tâm chính của trường, thầy Hoàng Văn Phong gò lưng đạp nổ chiếc xe máy "già nua", đưa chúng tôi vào điểm bản. Chiếc xe máy chốc chốc lại gằn từng tiếng vượt qua mấy con đèo chênh vênh giữa vách núi và vực thẳm. Xe đi được nửa đường phải dừng lại. Chúng tôi phải men theo đường mòn vượt núi vào Nặm Khiếu.

Từ đỉnh núi, nhìn tít tắp qua thung lũng nơi lưng chừng bên kia, điểm trường Nặm Khiếu hiện rõ với lá Quốc kỳ bay phấp phới. Bản Nặm Khiếu có 26 hộ người Mông sống rải rác trên bốn, năm ngọn núi. Ðiểm trường ở đây chỉ có 24 cháu học sinh tiểu học gồm hai lớp ghép và 13 cháu học mầm non. Gọi là lớp cho oai chứ thật ra là nhà tạm bốn bề ghép gỗ mái lợp phi-bờ-rô-xi-măng trống huếch, trống hoác, gió hun hút thổi. Gần trưa mà mây mù bảng lảng, bay cả vào lớp học nơi mấy em học sinh đang cặm cụi đánh vần. Ðể đến được với lớp các em nhỏ phải trải qua một hành trình dài hết sức gian truân. Mỗi ngày "đổ dốc", qua bốn đến năm km từ đỉnh núi xuống rồi lại leo dốc vượt núi về nhà. Với các thầy, cô giáo cũng vậy, việc leo dốc núi từ 15 đến 20 km mỗi ngày để vận động các em đi học là chuyện cơm bữa. Vì ở núi cao nên người dân bản cũng như các em học sinh chủ yếu là sử dụng tiếng mẹ đẻ. Ðể các em biết được tiếng Việt thôi đã là cả một hành trình công  phu lắm. Vậy mà chỉ cần nghỉ một vài buổi, học sinh lại ngại đến lớp và dễ dàng "đánh rơi" con chữ. 

 Tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ ở lớp học Nặm Khiếu, chúng tôi làm quen với các học sinh người Mông. Thấy người lạ, các cháu còn rụt rè lắm. Cháu nói được tên, có cháu mạnh dạn trả lời được một vài câu. Nhiều cháu lại tròn xoe đôi mắt nhìn chúng tôi ngơ ngác. Ngỡ các cháu gặp khách lạ không dám nói. Nhưng không phải vậy. Cô giáo Trung Thị Mến phân trần: Các cháu mới đến lớp cho nên chưa biết tiếng Việt đấy thôi. Cái khó của người giáo viên vùng cao là bất đồng ngôn ngữ với các em người dân tộc thiểu số. Anh thấy đấy, chỉ biết tiếng mẹ đẻ cho nên ngay buổi học đầu đời, các cháu đã phải học môn tiếng Việt như là học ngoại ngữ rồi. Ðiểm Trường mầm non Nặm Khiếu có 13 cháu nhỏ dân tộc Mông nhưng chỉ có tám chín cháu thuộc độ tuổi mẫu giáo lớn được lên lớp từ năm trước là nói được một số câu tiếng Việt. Cho nên, việc dạy chữ cho các em khó bội phần.

Nhớ lại thời gian đầu khi mới lên cắm bản, có lần cô giáo cho các em nghỉ giữa giờ nhưng nói mãi học sinh vẫn không hiểu. Ðến khi ra hiệu lại thấy các em cắp cặp ra về. Cũng may, cô giáo kịp nhận ra, chạy đến lớp tiểu học kế bên nhờ học sinh lớp trên làm "phiên dịch" giúp ra tiếng dân tộc để các cháu ở lại. Sau gần ba năm cô Mến cắm bản thì năm nào học sinh mới đến lớp cũng đều trong tình trạng một chữ tiếng Việt "cắn đôi" không biết. Không chỉ ở cấp học mầm non mà Hiệu trưởng Trường tiểu học Nhạn Môn, thầy giáo Nguyễn Văn Như khi trao đổi ý kiến với chúng tôi cũng trầm tư: Dù chỉ có 201 học sinh với 14 lớp nhưng trường có tới tám điểm lẻ khác nhau. Nhà trường cũng đã tìm nhiều giải pháp nhưng đến nay các em đọc thông, viết thạo tiếng Việt chỉ chiếm 75% - 80%, còn lại 20% - 25% là yếu về tiếng Việt. Vì vậy, việc theo học của các em hết sức khó khăn. Những năm gần đây, học sinh bỏ học của trường hầu như không có, nhưng nguy cơ lúc nào cũng hiện hữu.

Những trăn trở của các thầy giáo, cô giáo vùng cao cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì phần lớn học sinh ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vào lớp một nếu chưa được qua lớp mẫu giáo năm tuổi đều không nói được tiếng Việt. Còn qua lớp mẫu giáo thì nói tiếng Việt cũng rất hạn chế. Kết quả học tập của các học sinh này rất thấp. Cái khó để tiếng Việt đến với các em còn hạn chế là do chương trình tiếng Việt được thiết kế chung cho cả nước, thực hiện theo chuẩn quốc gia. Sách giáo khoa chủ yếu biên soạn cho học sinh học tiếng Việt với tư cách là tiếng mẹ đẻ, các em đã biết nghe, nói tiếng Việt trước khi đến trường. Do đó, một số nội dung, yêu cầu trong sách giáo khoa chưa thật gần gũi và phù hợp với khả năng và thực tế cuộc sống của học sinh người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, thời lượng học môn tiếng Việt hiện vẫn phổ biến là 350 tiết trong một năm. Thời lượng này có thể phù hợp với học sinh người Kinh nhưng  khó khăn với học sinh người dân tộc thiểu số. Không những vậy, phần lớn các em học sinh dân tộc thiểu số vùng cao chủ yếu sử dụng tiếng Việt khi đến trường lớp, còn ở nhà lại nói tiếng mẹ đẻ. Thậm chí, cha mẹ các em cũng không biết hoặc biết nhưng rất hạn chế cho nên không hỗ trợ được việc học tiếng Việt cho các em. Vì vậy không ít học sinh học hết lớp một nhưng vẫn chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt. Nhiều tỉnh miền núi, tỷ lệ trẻ lớp một còn yếu về tiếng Việt khá cao như: Hà Giang 22,48%, Ðác Nông  16,94%, Gia Lai 16,77%...

Ðể tiếng Việt là điểm nhấn khởi đầu

Việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước tuổi đến trường và học sinh tiểu học đóng vai trò trọng tâm, then chốt cho chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số vùng cao. Khó khăn về ngôn ngữ là một trong những nguyên nhân chính làm cho nhiều trẻ em dân tộc thiểu số đi học muộn so với độ tuổi quy định vào tiểu học và là nguyên nhân của chất lượng lớp một của học sinh dân tộc thiểu số thấp hơn hẳn so với chất lượng chung. "Bật mí" bí quyết với chúng tôi, cô giáo mầm non ở điểm trường bản Ngảm Váng (Bắc Cạn) Hoàng Thị Trang cho biết: Khi mới lên điểm bản, lớp có 12 cháu là người Mông không biết tiếng Việt.

Trong khi đó, tiếng dân tộc Mông cô giáo lại cũng không biết. Vậy là ngoài giờ lên lớp cô lại đến từng nhà trong thôn bản vừa vận động học sinh ra lớp vừa tranh thủ học tiếng Mông. Phải chăng, kinh nghiệm của cô giáo Trang cũng chính là "lối thoát" của nhiều thầy giáo, cô giáo giảng dạy tiếng Việt ở vùng cao. Bí thư Huyện ủy Bạch Thông (Bắc Cạn) Triệu Ðức Lân khẳng định với chúng tôi rằng: Từ thực tiễn một huyện miền núi cao như Bạch Thông thì trước hết ngành giáo dục cần có chương trình bồi dưỡng cho giáo viên vùng cao biết tiếng dân tộc thiểu số nơi giảng dạy. Ðiều đó giúp cho giáo viên thuận lợi trong công tác giảng dạy, giao tiếp với học sinh. Mặt khác, qua việc biết tiếng bản địa còn giúp cho giáo viên hiểu được "cái bụng" của học sinh và của bà con dân bản.

Với nhiều chuyên gia giáo dục thì giải pháp điều chỉnh kế hoạch dạy học môn tiếng Việt lớp một từ 350 tiết/năm lên 500 tiết/năm mới đây của Bộ Giáo dục và Ðào tạo là cần thiết. Ðiều đó giúp học sinh dân tộc thiểu số có đủ thời gian để đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng môn tiếng Việt lớp một, giúp giáo viên có điều kiện vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ hai. Không những vậy, trên cơ sở các tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng của cấp học, cần cho phép giáo viên ở các vùng vận dụng linh hoạt vào thực tiễn giảng dạy cho phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh từng địa phương. Có thể tăng thời lượng học trên lớp nhiều hơn hoặc tổ chức học thêm do Nhà nước tài trợ đối với học sinh vùng sâu, vùng xa. Tăng cường việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số theo hướng tập huấn cho giáo viên về dạy tiếng Việt trước khi vào lớp một. Nhất là việc nghiên cứu biện pháp nhằm nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng sư phạm cho cha mẹ học sinh để họ có thể trực tiếp giúp trẻ học tập ở nhà thông qua việc xây dựng tài liệu hướng dẫn, tập huấn ngắn hạn, phổ biến kiến thức trên các kênh truyền thông... Cần có giai đoạn tập nói tiếng Việt để học sinh có thể sẵn sàng học tiếng Việt khi bước vào lớp một... Có như vậy mới tạo cơ hội cho các em học sinh dân tộc thiểu số vùng cao tiếp nhận đầy đủ, tốt hơn các kiến thức được học ngay từ bậc học đầu tiên, giúp các em nhanh chóng hòa nhập, nâng cao kiến thức, xóa dần sự chênh lệch về trình độ giữa học sinh dân tộc thiểu số vùng cao và học sinh các vùng trong cả nước, ngay từ cấp học đầu tiên.
 
Nội trú dân nuôi - gỡ "nút thắt" cho học sinh đến trường
Học sinh tíu tít tranh thủ nấu bữa ăn trưa. Bữa ăn vẫn là món cơm và rau

Dựng phòng ở cho học sinh nội trú
ở Nhận Môn, Bắc Cạn.

luộc nhưng các em rất chan hòa. Khu "ký túc xá" bên cạnh trường với mỗi phòng chỉ rộng từ năm đến bảy m2 nhưng có tới bốn, năm học sinh cùng sinh sống. Dù còn đơn sơ, nhưng cũng là nơi sưởi ấm hành trình đến với con chữ của học sinh các bản làng người Mông, người Tày... "Ký túc xá" giữa rừng Sùng A Dí, người bản Ngảm Váng (Bắc Cạn) năm nay mới học lớp năm nhưng đã phải xa gia đình để bước vào cuộc sống "tự lập" nơi trường lớp. Bản làng cách trường hơn 12 km, đường dốc núi cho nên em không thể đi về trong ngày. Gia đình Sùng A Dí phải dựng lều ở tạm ngay cạnh trường cho con đi học. Câu chuyện với chúng tôi như ấm dần lên. Qua cái rụt rè, ngại ngùng ban đầu, Sùng A Dí tâm sự: Ở đây chúng em phải tự túc tất cả. Trong diện tích không quá mười mét vuông nhưng có tới sáu học sinh cùng trọ học. Khu nhà ở giản đơn như những lán trại lợp tạm. Nhiều khi gặp mưa bão phòng ở còn bị tốc mái. Khi mùa đông về trong phòng lúc nào cũng phải đốt lửa cho ấm. Ấy vậy mà gió rít qua các khe hở khiến cái lạnh vẫn thấu xương. Cuộc sống có những ngày thiếu cả lương thực, thực phẩm. Góc học tập được kê ngay trên đầu giường bằng một mảnh gỗ rồi mỗi em một quyển sách, vở tự học. Cứ cuối tuần lại về nhà lấy gạo rồi góp vào thổi cơm chung. Một nồi cơm được vần trên cái bếp bắc kiềng bằng ba cục gạch đang sôi sùng sục. Thức ăn toàn rau. Phòng kế bên, dù đã bước vào tuổi 16, cái tuổi lẽ ra phải học lớp mười, nhưng Ðặng Văn Hiền, người dân tộc Dao ở bản San Vè mới chỉ theo học lớp sáu bổ túc tại Trường THCS Nhạn Môn.

Không mặc cảm về tuổi tác, khi trò chuyện với chúng tôi, em vẫn rất vui. Bởi vì San Vè là bản vùng cao cách điểm trường chính của xã khoảng 15 km. Mỗi khi đi học, các em học sinh phải vượt núi theo đường mòn và phải qua hai con suối mới tới trường. Vậy là sau khi học lớp năm em đành bỏ học vì không thể đến lớp trong ngày. Hơn ba năm ở nhà lên nương, rẫy giúp cha mẹ, đến khi có sự hỗ trợ về học bổ túc của tỉnh, được nội trú trong trường, dù quá tuổi nhưng em vẫn quyết tâm trở lại hành trình cùng con chữ. Ðã từ lâu, trường phổ thông có nội trú dân nuôi đã tồn tại, phát triển và ngày càng khẳng định tính ưu việt. Các mô hình trường lớp nội trú dân nuôi phổ biến là học sinh tự làm lều lán khu vực chung quanh trường hoặc thuê nhà trọ của đồng bào chung quanh trường để ở. Các em mang lương thực, thực phẩm đến trường tự nấu ăn và sinh hoạt cả tuần. Nhiều đơn vị trường học có nội trú dân nuôi đã trở thành những điểm sáng về giáo dục ở vùng cao. Với thực tiễn của tỉnh miền núi phía tây Tổ quốc, Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Ðiện Biên Nguyễn Mạnh Quân cùng chung quan điểm cho rằng, mô hình nội trú dân nuôi dù còn hạn chế nhưng đã giải quyết một số khó khăn lớn của giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Mô hình nội trú dân nuôi góp phần huy động học sinh tới trường cũng như nâng cao chất lượng giáo dục và nhận thức của cộng đồng. Nhờ được tập trung tại các trường hoặc gần trường, không phải đi xa hoặc bị chi phối bởi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt... các em có thời gian tập trung cho việc học nhiều hơn. Vì vậy, kết quả học tập, rèn luyện của các em có điều kiện nâng lên, khắc phục được hiện tượng lưu ban, giảm tình trạng bỏ học vì đường xa... Việc tổ chức nội trú dân nuôi trong các trường phổ thông đã thúc đẩy phong trào giáo dục ở vùng dân tộc phát triển. Tính đến tháng 3- 2009, cả nước có một nghìn 728 trường phổ thông có nội trú dân nuôi, với 147 nghìn 447 học sinh ở nội trú. Trong đó có 780 trường tiểu học với hơn 51 nghìn học sinh, 855 trường THCS có 79 nghìn 743 học sinh và 93 trường THPT có 18 nghìn 700 học sinh nội trú dân nuôi. Dẫn đầu là tỉnh Nghệ An có hơn 41 nghìn học sinh nội trú dân nuôi ở 112 trường, tỉnh Ðiện Biên có hơn 17 nghìn học sinh nội trú dân nuôi ở 189 trường; Sơn La có hơn 17 nghìn học sinh nội trú dân nuôi ở 83 trường... Những con số đó, dù không biết nói, nhưng phần nào khẳng định tính thiết thực cho giáo dục vùng cao từ mô hình nội trú dân nuôi. Hiện nay, Nhà nước có chính sách hỗ trợ học sinh các lớp thuộc hệ phổ thông do điều kiện trường lớp xa nhà, đi lại khó khăn phải ăn, ở tập trung tại trường, lớp. Mỗi học sinh được hưởng 140 nghìn đồng tiền ăn một tháng trong chín tháng học. Ngoài chính sách chung của cả nước, các địa phương còn có chính sách riêng hỗ trợ học sinh nội trú dân nuôi, như tỉnh Hà Giang trợ giúp mỗi học sinh từ lớp ba đến lớp chín ở nội trú 100 nghìn đồng/tháng, thực hiện trong chín tháng mỗi năm; tỉnh Ðắc Nông trợ giúp mỗi học sinh nội trú dân nuôi 20 nghìn đồng/tháng... Sự vào cuộc của chính quyền địa phương đã góp phần thúc đẩy mô hình trường nội trú dân nuôi phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong cả nước.

Cần có thêm "cú hích"

Bí thư Huyện ủy Bạch Thông (Bắc Cạn) Triệu Ðức Lân, không giấu nổi niềm vui khi nói với chúng tôi rằng, việc hình thành các trường nội trú dân nuôi trong thời gian vừa qua chính là một trong những nguyên nhân để Bạch Thông không có học sinh nào bỏ học. Tuy nhiên, cũng không phải không có những trăn trở khi mà những "ký túc xá" giữa núi rừng của học sinh còn quá sơ sài, tạm bợ tưởng như không thể vững cho "con chữ" bám trụ. Vừa giới thiệu khu trường học đang được xây dựng theo chương trình kiên cố hóa, Bí thư Huyện ủy vừa phân trần: Bên cạnh việc xây dựng trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên, rất cần Nhà nước hỗ trợ địa phương xây dựng các khu nhà ở nội trú dân nuôi cho học sinh. Từ thực tiễn của một tỉnh vùng núi cao, lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo Lào Cai, cho rằng, để loại hình bán trú dân nuôi phát huy hiệu quả, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả cộng đồng trong việc xây dựng trường, lớp bán trú và nội trú dân nuôi, bảo đảm huy động và duy trì số lượng học sinh. Do đó, cần đưa nhiệm vụ huy động, duy trì số lượng học sinh thành chỉ tiêu đánh giá, từng tổ chức đảng, đảng viên và được giao cụ thể cho các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện. Còn các chuyên gia giáo dục thì nhận định: Nội trú dân nuôi là loại hình đang ngày càng khẳng định tính ưu việt nhưng quá trình triển khai loại hình này ở các địa phương còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Cần tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, khu nội trú, như giường nằm, dụng cụ học tập như bàn, ghế, giá sách phục vụ học tập của học sinh. Tránh tình trạng một số lán trại của học sinh được dựng cách xa trường vài km khiến giáo viên và ban giám hiệu không quản lý được các hoạt động ngoài giờ của các em. Cần trợ giúp các em lương thực, thực phẩm,...

Ở phần lớn các tỉnh miền núi hiện nay, việc vượt đèo, băng suối để đến với "con chữ" là chuyện phổ biến với các em học sinh. Tuy nhiên, mỗi lần đến với vùng non cao lại một lần chúng tôi có một nỗi niềm riêng. Bài toán về chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng cao còn nan giải. Tuy nhiên, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó vấn đề dạy tiếng Việt và xây dựng mô hình nội trú dân nuôi đang khẳng định tính ưu việt rõ nét. Bên cạnh đó, các thầy giáo, cô giáo và cả xã hội luôn luôn tìm tòi những giải pháp hiệu quả nhất để các em yên tâm học hành, để cho "con chữ" thắp sáng vùng cao./.

(Theo: Xuân Kỳ/Nhân dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất