Để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp
tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo ba trục sản phẩm gồm nhóm chủ lực
quốc gia, nhóm chủ lực cấp tỉnh, nhóm đặc sản địa phương theo mô hình
“mỗi xã phường một sản phẩm”; xây dựng các chuỗi giá trị đối với sản
phẩm chủ lực để mở cửa và phát triển thị trường cho phù hợp, ưu tiên chỉ
đạo sản xuất tốt các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu như lâm sản, thủy
sản, gạo và trái cây.
Toàn ngành tập trung cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý,
cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực đầu tư vào
lĩnh vực nông nghiệp sản xuất. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính
thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn
nữa cho người dân, tổ chức trong việc sản xuất, kinh doanh. Phối hợp các
cơ quan chức năng đẩy mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc
gia, tiến tới hài hòa với quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực
và trên thế giới; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia,
phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy
xuất nguồn gốc, qua đó tạo tiền đề vững chắc cho các mặt hàng nông sản
của Việt Nam đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế.
Đồng thời tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản
phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất
lượng cao.
Cùng với việc duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc,
mở rộng xuất khẩu nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với
Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên hiệp châu Âu, Trung Đông,…
Các ngành, địa phương cần lựa chọn và đưa sản phẩm phù hợp vào các thị
trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN... Đồng thời đẩy
mạnh khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các
nước mà Việt Nam đã ký FTA, tăng cường tuyên truyền và tận dụng tốt
những cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, nhất là CPTPP để
thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản. Mặt
khác tiếp tục đàm phán các hiệp định như: Hiệp định FTA Việt Nam -
I-xra-en; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP; tăng cường
các biện pháp tháo gỡ rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại của các
nước; chủ động phối hợp, triển khai các nhiệm vụ xúc tiến thương mại, hỗ
trợ xúc tiến đầu tư, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông sản là
thế mạnh của Việt Nam ra thị trường thế giới nhằm tạo điều kiện thuận
lợi cho hàng hóa nông sản của Việt Nam thâm nhập vào thị trường các
nước.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp
phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt
Nam, ngành nông nghiệp cần kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết
liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản
xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường. Nhất là theo dõi sát biến động
của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến xung đột thương mại Mỹ -
Trung Quốc để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy
xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu. Cơ
quan chức năng cần tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để
bảo vệ hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những
vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, hiện có nguy cơ
leo thang trở lại./.
Tâm Thời (nhandan.com.vn)