Sáng 14/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng
ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã
hội và ưu đãi người có công, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, triển
khai cải cách chính sách tiền lương.
"KHÔNG CÓ KIỂU SỐNG LÂU LÊN LÃO LÀNG"
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, triển khai Nghị quyết
27-NQ/CP về cải cách chính sách tiền lương, Thường trực Ban Bí thư đã
giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan xây dựng
khung danh mục vị trí việc làm, mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức
từ Trung ương đến cấp xã để trình Bộ Chính trị. Chính phủ đã ban hành
Nghị quyết 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Nghị quyết 27-NQ/CP.
Những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách chính sách tiền lương trong năm
2019 được Thứ trưởng thông tin là: trình Chính phủ điều chỉnh mức lương
cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang
từ 1/7 theo Nghị quyết của Quốc hội từ 1,39 lên 1,49 triệu
đồng/người/tháng; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với
người lao động trong khu vực doanh nghiệp từ 1/1/2020. Cùng với đó, rà
soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung
ương đến cơ sở, xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ
thống chính trị. Xây dựng chế độ tiền lương mới. Từ 1/1/2019-9/2019, các
bộ, cơ quan được phân công nhiệm vụ xây dựng bảng lương theo vị trí
việc làm, chức danh, chức vụ và bảng phụ cấp theo nghề nếu có.
Nói về vấn đề xây dựng vị trí việc làm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ băn khoăn “tại sao sau khi xây dựng vị trí việc làm thì tất cả các bộ,
ngành đều "đẻ số", tăng thêm biên chế”. Cho rằng có vấn đề về phương
pháp luận, Phó Thủ tướng yêu cầu phải rà soát nguyên lý để thực hiện.
“Có ngành tăng thêm 5.000-6.000 biên chế, trình đi, trình lại Bộ
Chính trị vẫn không duyệt. Sau đó ngành đó xin không tăng mà giữ nguyên
như hiện nay. Như vậy là không giảm được biên chế”, Phó Thủ tướng cho
biết và nhấn mạnh đến hai từ khóa quan trọng trong Nghị quyết 27 là xây
dựng vị trí việc làm phải đảm bảo nâng cao chất lượng cán bộ, công chức,
viên chức và tinh giản biên chế; xây dựng vị trí việc làm để tuyển
dụng, đánh giá, sử dụng và trả lương.
“Anh đang ở trên mà xuống làm việc ở dưới thì hưởng lương dưới, đang ở
dưới mà nhảy lên được bậc trên thì hưởng lên trên, chứ không có kiểu
"sống lâu lên lão làng". Tất nhiên có những van khóa để điều chỉnh chuyện
thâm niên với vị trí việc làm. Xây dựng gì cũng không được đẻ biên chế,
mỗi năm phải giảm 2,5%”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng công chức, trả
lương đúng vị trí, đảm bảo tinh giản biên chế và cho rằng sự phân công, phân cấp phải
gắn với quản lý chứ không phải “thả gà ra đuổi.” Nếu không kiểm soát
chặt chẽ, "đẻ số” ra rồi dùng dằng duyệt hay không duyệt, dẫn đến không
thực hiện được cải cách tiền lương. Học cách xác định tiêu chí việc làm
của thế giới nhưng phải gắn với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Nước nghèo thì phải làm nhiều giờ, làm nhiều việc để tích lũy. Nước giàu
thì làm ít giờ đi. Điều kiện kinh tế, xã hội quyết định vấn đề này.
"Vị trí việc làm cũng vậy. Như trong ngành y, nếu áp tiêu chuẩn của
nước ngoài một bác sỹ có bao nhiêu hộ lý, y tá thì sẽ "đẻ" quân số rất
nhiều. Nhưng khi bệnh viện tự chủ thì bao nhiêu hộ lý là việc của anh.
Còn trong điều kiện hiện nay không thể thực hiện được. Các đồng chí đi
nước ngoài khảo sát về đừng có máy móc áp dụng, vận dụng vào điều kiện
thực tế, có thời gian sai lầm, có vấn đề về lý luận nên các cơ quan làm
cứ "đẻ số", có ngành hơn 10.000 biên chế thì đẻ thêm 5.000-7.000 mà lại
bảo chúng tôi đang làm rất khiêm tốn. Tất cả các cơ quan đều đẻ quân
số", Phó Thủ tướng nói.
Về chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị và bảng phân loại lãnh đạo,
Phó Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết 107 yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với Ban
Tổ chức Trung ương để báo cáo Bộ Chính trị vào quý 3/2019, xin ý kiến
Trung ương vào kỳ họp cuối năm (tháng 10/2019). Như vậy Bộ Nội vụ phải
chủ động chứ không ngồi chờ. Việc này phải nghiên cứu kỹ, đề xuất thời
gian để báo cáo Thủ tướng, để Thủ tướng và Ban cán sự Đảng Chính phủ cho
ý kiến trước.
SĂP XẾP ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Về nguồn lực để cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính thảo luận, tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo nghe trước khi báo cáo Chính
phủ. Bộ Tài chính đánh giá tổng thể nguồn còn dư hiện nay để cải cách
tiền lương nằm ở các bộ, ngành, địa phương, việc sử dụng nguồn dư đó
theo quy định pháp luật và Nghị quyết 27 cùng với nguồn tăng thu của năm
2018 (40% tăng thu của ngân sách trung ương được tích lũy lại để cải
cách tiền lương).
Phó Thủ tướng cho rằng phải “gác chặt” nguồn tăng thu này và phải có
nguyên tắc, không thể mỗi nơi xử lý khác nhau, không cho bất cứ địa
phương nào sử dụng khoản này nếu không đảm bảo nguồn để cải cách tiền
lương từ nay đến năm 2020 và cải cách căn bản vào năm 2021.
Đối với việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng nêu lên
nguyên tắc, chủ trương của Đảng, Nhà nước là không bao giờ để con em
thất học, người bệnh không có nơi để khám chữa bệnh, song, phải tập
trung thực hiện tốt các giải pháp trong Nghị quyết 19-NQ/TW, cơ cấu lại
trong nội bộ để lấy dư địa cho những nơi cần tăng biên chế, cuối cùng
vẫn là phải tiết giảm biên chế 2,5%/năm.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ ngành công an họp về biên chế, tính tới từng
người một, ba năm từ 2015 tới nay không tăng người nào, sắp tới toàn bộ
cán bộ công an xã là chính quy nhưng cũng không tăng thêm biên chế mà
phải cơ cấu lại trong số quân hiện có. Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh
và Xã hội đã thực hiện sắp xếp rất tốt. Hay như Quảng Ninh đã tự rà
soát, sắp xếp mà không cần thêm người. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn
vị sự nghiệp công lập là một trong những biện pháp để cải cách tiền
lương.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã báo cáo một số nội dung
về kế hoạch triển khai, sửa đổi thể chế pháp luật, nguồn lực để cải cách tiền lương./.
(TTXVN)