Thứ Ba, 17/9/2024
Xã hội
Thứ Tư, 15/4/2020 6:0'(GMT+7)

Giải quyết tốt các mục tiêu về dân số và phát triển, góp phần đẩy lùi dịch bệnh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm chỉ đạo: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ DS/KHHGĐ sang Dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững”. Những điều này cho thấy quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng về mối quan hệ hữu cơ giữa dân số và phát triển với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Mật độ dân số cao và ảnh hưởng của dịch bệnh

Trước đây, chúng ta thường chú trọng đến các mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, lần này qua dịch bệnh COVID-19, có thể thấy rõ thêm mối quan hệ giữa dân số và phát triển với các yếu tố quốc phòng, an ninh đảm bảo phát triển bền vững.

Dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Ngày 11/3, Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Dịch này nguy hiểm nhất là khả năng lây lan rất nhanh, khiến số quốc gia có số người mắc tăng lên nhanh chóng. Điều này ít liên quan đến nước đông dân hay ít dân, nhưng liên quan chặt chẽ đến mật độ dân số.

Dịch xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó đã lan rộng ra hơn 200 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, châu Âu đang là tâm điểm lây lan dịch trong cộng đồng, đặc biệt là nước Ý khi số người mắc và tử vong vì COVID-19 đã vượt Trung Quốc và cao thứ hai thế giới, sau Mỹ. Mặc dù dân số nước Ý chỉ 60,48 triệu người so với dân số Trung Quốc (nước đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người), nhưng mật độ dân số của Trung Quốc là 153 người/km2 thì mật độ dân số nước Ý là 206 người/km2.

Có thể thấy, những vùng, thành phố là tâm điểm bùng phát dịch thường là những nơi có mật độ dân số cao. Mật độ dân số chung của Trung Quốc khoảng 150 người/km2 nhưng mật độ dân số của tỉnh Hồ Bắc cao gấp đôi là 319 người/km2, mật độ dân số tâm dịch là thành phố Vũ Hán lớn gấp gần 7 lần là 1152 người/km2. Nước Ý cũng vậy, dịch bệnh lây lan nhanh nhất ở vùng Lumbardia - vùng đông dân nhất và cũng giàu nhất nước này, có mật độ dân số gấp đôi của cả nước là 420 người/km2.

Dịch bệnh lan nhanh ở một số vùng của một số nước châu Âu cũng tương tự. Ở Anh có mật độ dân số 280 người/km2 nhưng tâm dịch ở thủ đô London đông gấp hơn 10 lần với 2.966 người/km2. Ở Pháp mật độ dân số 119 người/km2 nhưng ở thủ đô Paris là 20.137 người/km2 thuộc hàng cao nhất trong số thủ đô các nước châu Âu. Tây Ban Nha là nước có tốc độ lây lan dịch bệnh chỉ sau Ý có mật độ dân số chung chỉ 94 người/km2, nhưng ở thủ đô Madrid - tâm dịch – mật độ dân số lớn gấp 57 lần với 5.403 người/km2. Nước Nga có mật độ dân số rất thấp, chỉ 9 người/km2 nhưng hiện cũng có tốc độ dịch bệnh lây lan nhanh và 2/3 số ca bệnh là ở thủ đô Moscow - nơi có mật độ dân số đông nhất cả nước với 160,16 người/km2.

Hiện nay điểm nóng của dịch bệnh là Mỹ, với tâm dịch là thành phố New York. Mật độ dân số của Mỹ là 36 người/km2, nhưng ở New York là 10.606 người/km2. Những điều này cho thấy, mật độ dân số có mối quan hệ mật thiết với khả năng lây lan dịch bệnh COVID-19.

Việt Nam cũng vậy, giai đoạn đầu cho thấy chúng ta nhanh chóng khống chế và dập dịch ở Vĩnh Phúc. Nhưng hiện nay ở 2 thành phố có mật độ dân số đông nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM thì khó khăn lớn hơn nhiều. Đấy là chưa kể đến những nơi như sân bay, bến tàu xe, trường học, bệnh viện, sân vận động, lễ hội… có mật độ dân số tập trung rất lớn.

Già hoá dân số - nhóm nguy cơ cao bị tổn thương

Biến số thứ hai chịu sự tác động của dịch bệnh là già hóa. Tỷ lệ tử vong do dịch bệnh cao thường là ở những quốc gia đã có dân số già, tỷ lệ người cao tuổi đông.

Theo công bố của WHO thì 2/3 số ca tử vong do dịch bệnh là người cao tuổi. Hiện nay số người tử vong cao nhất là ở nước Ý, cũng là nước có dân số già nhất châu Âu với tuổi thọ bình quân 82,5 tuổi. Một số nước có số người tử vong cao vì dịch bệnh COVID-19 đều có tuổi thọ bình quân cao như: Anh (80,46 tuổi), Pháp (81,66 tuổi), Mỹ (79,56 tuổi)… Ngay như ở Trung Quốc là nước có tuổi thọ bình quân thấp trong số các nước có số người chết cao do dịch bệnh nhưng tuổi thọ bình quân cũng là 75,5 tuổi, tức là nước đã có dân số già.

Nhiều nước đã phải có những giải pháp riêng trong phòng chống dịch cho người cao tuổi. Ví dụ, Bộ trưởng Y tế Anh đã xác nhận kế hoạch cách ly tất cả những người trên 70 tuổi trong 4 tháng ở thời điểm SARS-COV-2 đang lây lan mạnh. "Việc cách ly những người già nằm trong kế hoạch. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn vào đúng thời điểm. Điều này được thực hiện nhằm bảo vệ họ", Bộ trưởng Y tế Anh cho hay. Trước đó, biên tập viên Robert Peston của đài ITV cũng cho biết, chính quyền Anh nhiều khả năng sẽ áp dụng các biện pháp kiểu thời chiến và nhiều công cụ khẩn cấp khác, bao gồm cả việc cách ly những người già. Ở Việt Nam, tuy chưa có người tử vong do dịch bệnh COVID-19 nhưng đã có những khuyến cáo đặc biệt về phòng chống dịch cho người cao tuổi.

Một trong những biến số quan trọng nữa liên quan đến dịch bệnh COVID-19 là biến động cơ học của dân số, tức là sự di chuyển. Dịch bệnh ở một số nước đã xử lý được ở những ổ dịch đơn lẻ, nhưng trong giai đoạn bùng phát lớn đều do các luồng di cư. Ngoài việc số người di chuyển gây nguy cơ lây nhiễm lớn từ nhiều nguồn khác nhau thì một trong những nguyên nhân là ngay khi tham gia di chuyển, những nơi như sân bay, bến tàu, bến xe hoặc ngay trên các phương tiện vận chuyển cũng tập trung mật độ dân số rất lớn, tập trung rất nhiều người có khả năng bị lây nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau.

Ngoài những nước ở châu Âu, Mỹ và một số nước có lượng người di chuyển nhiều thì hiện nay ở Trung Quốc là nơi đã xử lý rất tốt dịch bệnh khi phong tỏa tỉnh Hồ Bắc và tâm điểm là TP Vũ Hán. Tuy nhiên, hiện nay cũng đang có nhiều người mắc COVID-19 do di chuyển đến Trung Quốc và có khả năng bùng phát dịch giai đoạn hai. Cần lưu ý là trong di cư, ngoài số người đi và đến còn những người di cư "con lắc", tức là đi đến những vùng có dịch và sau đó lại trở về nước. Đây không chỉ là những người có nguy cơ mắc bệnh mà còn có nguy cơ cao về khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Ở Việt Nam hiện nay, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch quốc gia cũng đã có những giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa những khả năng bùng phát dịch bệnh.

Trên đây mới điểm qua một số nhân tố tác động trực tiếp chính đến dịch bệnh COVID-19, ngoài ra cũng còn những nhân tố gián tiếp khác như phân bố dân cư (nêu thực hiện được mục tiêu phân bổ dân cư hợp lý giữa các vùng, đơn vị quản lý hành chính); nâng cao chất lượng dân số (thể lực, trí lực của con người)…

Như vậy chúng ta thấy rõ, nếu giải quyết tốt các mục tiêu về Dân số và Phát triển trong Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới sẽ tạo nền tảng tốt ngay trong việc xử lý hiệu quả khi đất nước phải đối mặt với những dịch bệnh lớn, dịch bệnh toàn cầu như dịch bệnh COVID-19, hoặc trong những khủng hoảng lớn khác. Đúng như quan điểm chỉ đạo "Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước" như Nghị quyết đã nêu./.

TS Nguyễn Quốc Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất