Thứ Sáu, 27/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 10/11/2010 22:32'(GMT+7)

Phát triển nhân lực khoa học công nghệ là yêu cầu bức thiết

Hội nghị về chiến lược phát triển KHCN 2001 - 2010, đánh giá kết quả hoạt động KHCN giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2011- 2015 vừa được Bộ KHCN tổ chức ngày 10/11 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự hội nghị.

"Chấn hưng" nền khoa học cơ bản

Trong những năm qua, Bộ KHCN đã cụ thể hóa và đưa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược vào kế hoạch hoạt động KHCN giai đoạn 2006-2010. Bộ KHCN đã nghiên cứu, lựa chọn và triển khai thực hiện 14 chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước.

Hàng loạt công nghệ hiện đại đã được ứng dụng thành công như mạng viễn thông số hóa, mạng cáp quang, công nghệ GSM, CDMA, 3G; khai thác có hiệu quả vệ tinh VINASAT-1, đang tiến hành các hoạt động nghiên cứu, chuẩn bị phóng vệ tinh VINASAT-2 vào năm 2012...

Theo nhận định của Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, khoảng thời gian 5 năm vừa qua chính là giai đoạn “chấn hưng” nền khoa học cơ bản Việt Nam để từ đó tiếp tục đẩy mạnh trong những năm tới.

Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đã có những đề xuất quan trọng phục vụ cho quá trình đổi mới.

Đến nay đã có hơn 1.500 tổ chức KHCN (so với 1.100 tổ chức năm 2003), thành lập mới 300 doanh nghiệp KHCN và đã hình thành được nhiều Viện, trung tâm nghiên cứu trong các doanh nghiệp.

Nhân lực KHCN cũng đã có bước phát triển về số lượng, cơ cấu và chất lượng, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, khoa học mới. Số nhân lực đang làm việc trong các tổ chức KHCN hiện nay khoảng 6.000 người.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ KHCN Nguyễn Quân, cần có những điểm đột phá về chính sách, giải pháp trong hoạt động KHCN giai đoạn 2011- 2015.

Trong giai đoạn 2011-2015, ngành KHCN đã đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ, tăng tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tập trung xây dựng được một nền khoa học và công nghệ có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực, tạo tiền đề đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Trên cơ sở những mục tiêu trên, cần triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020; tập trung phát triển mạnh khoa học kỹ thuật và công nghệ để phục vụ trực tiếp cho mục tiêu đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; các kế hoạch khoa học và công nghệ trung hạn 5 năm 2011 - 2015 và các chương trình quốc gia có tác động và tầm ảnh hưởng lớn như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao…

Đáng chú ý, cần hình thành và đưa vào hoạt động Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia…;

Xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm phát triển nhân lực KHCN

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, hiện nay vấn đề ứng dụng KHCN trong các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, đời sống của những người làm công tác nghiên cứu khoa học vẫn còn thấp.

Chính phủ đã có nhiều đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, chẳng hạn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa được giao  thực hiện thí điểm khoán kinh phí nghiên cứu với các đơn vị thuộc Bộ. Tuy nhiên, cơ chế tài chính, thanh toán, hạch toán phân bổ… vẫn có một số điểm nghẽn.

Một vấn đề quan trọng khác, theo Phó Thủ tướng, là cần tăng cường tính liên kết giữa các trung tâm KHCN lớn với nhau, tạo thành mạng lưới KHCN để phát huy hiệu quả đầu tư lan tỏa. Các Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng lớn của Quốc gia cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, có kế hoạch phát triển, đầu tư hợp lý để thúc đẩy việc ứng dụng KHCN vào thực tiễn.

Ngành KHCN cũng cần xác định lĩnh vực nào hiện nay đang có sự phát triển mạnh, lĩnh vực nào còn khó khăn, ngành nào nguy cơ bị “già” hóa với hiện tượng cán bộ đầu ngành đã lớn tuổi trong khi lớp trẻ đầy nhiệt huyết nhưng chưa phát huy hết được năng lực để tiếp tục có các biện pháp tháo gỡ.

Phát triển nhân lực KHCN là một yêu cầu bức thiết, do đó cần xác định rõ những cơ quan chịu trách nhiệm phát triển, theo dõi phát triển nhân lực KHCN. Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương làm quy hoạch nhân lực trong 10 năm tới, trong đó có nhân lực KHCN.

"Cơ chế thông tin cho xã hội về KHCN cũng cần đẩy mạnh để phổ biến những bài học, rút ra những kinh nghiệm. Ví dụ, từ chỗ chưa có gì, Việt Nam đã có những chuyên gia hàng đầu và có tiếng nói nhất định trên thế giới trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng", Phó Thủ tướng nói./.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất