Giải thưởng văn chương ở nước ta từ xưa đến nay luôn là sự kiện được mọi người quan tâm. Có người quan tâm vì sự hiếu kì muốn biết thông tin, thử xem ai sẽ là người có được cái vinh dự to lớn trong năm. Lại có người muốn biết thông tin về tác phẩm được coi là có chất lượng tốt hàng đầu trong năm, để từ đó mà tìm đọc và hưởng thụ tác phẩm ấy. Đối với độc giả yêu văn chương, đây rõ ràng là một phương án khả quan bởi nó tiết kiệm được rất nhiều thời gian công sức khi muốn đi tìm tác phẩm tốt để thưởng thức.
Nhưng cho dù tác phẩm đã đoạt giải thưởng rồi, thì đời sống của mỗi tác phẩm đoạt giải sau đó không hề giống nhau. Có tác phẩm được đọc đi đọc lại, được người yêu văn chương tìm kiếm, được tái bản nhiều lần, có nhiều bài phân tích, đánh giá, bình luận được đăng tải công khai trên những ấn phẩm sách báo uy tín, lại có tác phẩm chìm khuất theo thời gian, không còn được mấy người nhắc đến nữa.
Như vậy, việc đoạt giải thưởng và sự nổi tiếng của một tác phẩm không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với nhau. Nhìn lại giải thưởng văn chương được coi là danh giá nhất trong nước - giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam trong khoảng vài ba chục năm trở lại đây, có thể suy ngẫm và rút ra nhiều điều thú vị.
1. Xin được bắt đầu với 3 tiểu thuyết cùng đoạt giải Hội Nhà văn Việt Nam đầu thập niên 1990, đó là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Bến không chồng
của Dương Hướng. Có lẽ trong lịch sử trao giải cho tiểu thuyết của tất
cả những năm về sau này, chưa bao giờ có một thành tích được lặp lại
vang dội như thế.
Cả 3 tiểu thuyết trên, như chúng ta đều biết, đã có
một sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, không chỉ tạo tiếng vang
trong nước mà còn vượt khỏi biên giới của Việt Nam. Chỉ tính đến năm
2011, Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch và giới thiệu ở 18 quốc
gia trên thế giới. Tác phẩm cũng đã được nhiều đạo diễn ngỏ ý muốn mua
tác quyền để chuyển thể sang điện ảnh. Bến không chồng cũng
được tái bản đến 14 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng và hai lần được
chuyển thể thành phim vào năm 2000 và 2017, giành các giải Bông sen Bạc
và Cánh diều Vàng. Mảnh đất lắm người nhiều ma tuy chưa được
dịch sang tiếng nước ngoài nhưng đã được chuyển thể thành phim truyền
hình Đất và người (24 tập) gây tiếng vang lớn, được khán giả hưởng ứng
nồng nhiệt.
Cho đến lúc này, 3 tiểu thuyết vừa nhắc ở trên vẫn được coi
là các tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp văn học của 3 nhà văn.
Điều gì đã làm nên sự thành công của những tác phẩm ấy? Nhận định về sự
thành công của một tác phẩm bao giờ cũng phải xét đến cả hai khía cạnh
nội dung và nghệ thuật.
Về mặt nội dung, cả 3 tác phẩm nói trên đều đề
cập đến những vấn đề lớn, mang những giá trị nhân bản, giá trị văn hóa
cốt lõi được cả cộng đồng quan tâm. Với Nỗi buồn chiến tranh,
đó là những góc nhìn khác biệt của một người đã từng tham gia cuộc
chiến, trở về với cuộc sống thời bình mà vẫn còn mang nặng những ám ảnh
khôn nguôi. Khi chiến tranh kết thúc, trong khi những người xung quanh
chủ yếu nhắc tới những niềm hân hoan chiến thắng thì Bảo Ninh lại kể về
những đau xót, mất mát, bi kịch mà không gì có thể bù đắp được. Tình
yêu, tuổi trẻ, sự phản bội, những ngang trái trớ trêu và thứ quan trọng
nhất là tính mạng con người, trong những khoảnh khắc nào đấy đều vượt
khỏi tầm kiểm soát.
Về mặt nghệ thuật, Nỗi buồn chiến tranh đặc biệt thành công bởi lối viết dòng tâm tưởng, tạo nên một hệ thời gian phi tuyến tính theo dòng hồi ức của nhân vật chính. Bến không chồng
cũng là một tiểu thuyết được bắt nguồn từ chiến tranh, nhưng xoáy sâu
hơn vào những câu chuyện hậu chiến, đó là bi kịch của những người phụ nữ
có chồng, có con đi lính. Đó là bi kịch cô đơn, lạc lõng của những
người lính sau khi từ chiến trường trở về. Những di chứng chiến tranh
nằm lại mãi mãi trên cơ thể của những người lính anh hùng mà có khi họ
hoàn toàn không hề hay biết. Tiểu thuyết của Dương Hướng đã được viết từ
chính những câu chuyện có thật ở vùng quê Thụy Liên, Thái Thụy, Thái
Bình của tác giả.
Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc
Trường lại mang đến những câu chuyện nhức nhối ở nông thôn Việt giữa
thời bình. Đó là cuộc tranh chấp quyền lực và ruộng đất giữa hai dòng
họ, cũng là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác.
Bút pháp miêu tả sống động, chân thực cùng nghệ thuật xây dựng nhân vật
đã làm cho những trang văn của Nguyễn Khắc Trường sống mãi trong tâm trí
độc giả nhiều thế hệ. Khép lại cuốn tiểu thuyết mà những nhân vật như
ông Hàm, ông Thủ, ông Phúc, bà Son, ông Quềnh vẫn hiện lên như những con
người bằng xương bằng thịt, tạo nên sức khái quát và điển hình lớn,
khiến mỗi người đọc cảm giác có thể gặp những con người như thế ở bất cứ
làng quê Bắc Bộ nào.
Sau
thành tựu của 3 tiểu thuyết kể trên, còn có thể nhắc đến một số tác
phẩm văn xuôi khác cũng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và tạo
được tiếng vang trong đời sống văn nghệ, chẳng hạn tập truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư giành giải thưởng năm 2006, tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng đoạt giải năm 2007, tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh đoạt giải năm 2011 hay Một ví dụ xoàng
của Nguyễn Bình Phương đoạt giải năm 2021...
Có thể thấy một điều, tác
phẩm đoạt giải phải mang theo nó thông điệp lớn, phải hướng đến những
giá trị phổ quát, nhân bản, phải gây được niềm xúc động mạnh mẽ cho
người đọc. Tập Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư gồm 13
truyện ngắn, nhưng chỉ cần với một truyện có tên được chọn làm tên chung
cho cả tập sách, đã đủ khẳng định về một tầm vóc, về sự xuất hiện độc
đáo của một văn tài. Trên bối cảnh sông nước mênh mang của miền Tây,
chưa bao giờ vấn đề thân phận và nhân phẩm của người phụ nữ lại được đặt
ra trong những tình huống xa xót và dữ dội, nghiệt ngã và day dứt đến
như vậy. Cánh đồng bất tận sau đó đã được chuyển thể thành kịch
và phim, trong đó bộ phim đã giành bốn giải Cánh diều Vàng và một giải
Cánh diều Bạc năm 2010. Ấn phẩm Cánh đồng bất tận cho đến trước khi được chuyển thể thành phim đã bán hết hàng trăm ngàn bản, được dịch sang tiếng Hàn và tiếng Thụy Điển.
Đội gạo lên chùa
của Nguyễn Xuân Khánh mang trong nó những câu chuyện của cả chiến tranh
và thân phận, hiện thực và đức tin, tình yêu và lòng thù hận, trong đó
thấm đẫm một nhân sinh quan Phật giáo như một mạch ngầm xuyên chảy,
hướng đến lòng từ bi và nhân ái.
Một
số tác phẩm văn xuôi đoạt giải khác đều hướng đến các đề tài kinh điển
như đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử. Chẳng hạn Lính trận của Trung Trung Đỉnh và Minh sư của Thái Bá Lợi đoạt giải năm 2010, Mưa đỏ của Chu Lai đoạt giải năm 2016, Thông reo ngàn hống của Nguyễn Thế Quang đoạt giải năm 2015, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75
của Trần Mai Hạnh đoạt giải năm 2014…
Cũng có những tác phẩm văn xuôi
với đề tài lạ, thuyết phục được Ban giám khảo cũng như người đọc bằng
giọng điệu mới mẻ, giàu hơi thở đời sống, như trường hợp tập truyện ngắn
Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí đoạt giải năm 2013.
2.
Ở trên, tôi đã điểm lại một số tác phẩm văn xuôi tiêu biểu đoạt giải
thưởng Hội Nhà văn Việt Nam trong khoảng vài ba chục năm trở lại đây.
Giờ xin tiếp tục bàn đến các tác phẩm thơ đoạt giải.
Khác với văn xuôi,
thơ kiệm lời hơn và là thể loại đòi hỏi sự trau chuốt, tỉ mỉ, kì công về
ngôn từ, lại phải mang trong nó vẻ đẹp của nhạc tính, thể hiện qua vần
và nhịp. Chỉ với 14 bài, tập Hoa của Lãng Thanh đã nhận được
giải cao nhất của hạng mục thơ năm 2003. Những câu thơ tài hoa, kinh dị,
đầy dự cảm và nỗi cô đơn của tuổi trẻ song vô cùng thiết tha với cái
đẹp, với cuộc đời đã in dấu sâu đậm trong nhiều độc giả: Những đóa hoa đánh con đau quá/ Con trở về nhà băng vết máu đầy tay ("Thư pháp"); Em đến lao đao như lá rụng/ Ngày xanh là nghĩa thế nào/ Về bên anh khi đã chết rồi sao ("Thơ trước tuổi 21", khúc 4); Cánh
cò trắng muốt cắt đôi bầu trời/ Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà/
Bầu trời bên phải kéo cha mẹ trở về ruộng đất quê tôi ("Những mảnh vỡ")…
Có những tập thơ đoạt giải của lớp nhà thơ tham gia giai đoạn cuối của
cuộc kháng chiến chống Mĩ, các tác phẩm nổi bật của họ chủ yếu xuất hiện
trong giai đoạn sau 1975. Đó là Hoàng Nhuận Cầm với Xúc xắc mùa thu đoạt giải năm 1993, Trầm tích của Hoàng Trần Cương đoạt giải năm 2000, Tổ quốc nhìn từ biển
của Nguyễn Việt Chiến đoạt giải năm 2016.
Hoàng Nhuận Cầm gần như đã
tạo ra cả một trường phái thơ cho một lớp các cây bút trưởng thành từ
phong trào thơ sinh viên ở các trường đại học. Những bài thơ thấm đẫm
cảm xúc lãng mạn, giàu nhạc điệu, tạo được bất ngờ về thi ảnh và những
liên tưởng đã nằm trong sổ tay của nhiều thế hệ sinh viên. Có thể kể đến
những tác phẩm tiêu biểu như Chiếc lá đầu tiên, Hò hẹn mãi cuối cùng em
cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu, Mây rất thờ ơ…
Hoàng Trần Cương và
Nguyễn Việt Chiến với phong cách thơ vẫn đi theo lối cổ điển nhưng chinh
phục được người đọc bằng cảm xúc mạnh mẽ, tha thiết và những độc đáo
trong xây dựng hình tượng thơ. Những bài thơ nổi tiếng nhất của Hoàng
Trần Cương và Nguyễn Việt Chiến đều là những bài thơ về chủ đề quê hương
đất nước: Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành
dải lụa sông Lam/ Miền Trung/ Tấm lưng trần đen sạm/ Những đốt sống
Trường Sơn lởm chởm giăng màn/ Thoáng bóng giặc núi bửa thành báng súng/
Những đứa con văng như mảnh đạn/ Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi ("Miền Trung" - Hoàng Trần Cương); Nếu
Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp
lớp ùa lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không ("Tổ quốc nhìn từ biển"
- Nguyễn Việt Chiến).
Có những tác giả hơn một lần giành giải thưởng
thơ, nhưng không phải tác phẩm đoạt giải nào cũng tạo dấu ấn sâu đậm như
nhau trong đời sống văn học sau đó. Chẳng hạn sau tập Trầm tích đoạt
giải năm 2000, đến 2015 nhà thơ Hoàng Trần Cương lại đoạt giải với
trường ca Long mạch, nhưng công chúng vẫn nhớ nhiều hơn cả là những câu
thơ trong tập Trầm tích của ông: Bữa tôi chào đời trời rạch chớp
xanh/ Nước sông Lam đã trèo vào cổng ("Cật tre"); Chiều chiều mẹ ra sông
mót cá/ Tôi tha thẩn khắp vườn bòn mấy quả mận xanh…/ Đâu biết có bà vẫn
lần theo canh chừng gai góc/ Lụi hụi dáng lưng còng lóng ngóng vịn cơn
mưa ("Đất mật"); Gió Lào/ Thổi khô nước mắm/ Mẹ giấu biệt trong buồng mà
gió chẳng buông tha ("Địa linh").
Cũng có những tập thơ từng giành
giải thưởng Hội Nhà văn nhưng sau này không thấy được nhắc nhớ gì nhiều
trong đời sống văn học...
Tuy
thế, dù là thơ hay văn xuôi, khi đã giành được giải thưởng danh giá,
theo tôi quan sát, đều cần đạt đến những chuẩn mực nhất định cả về nội
dung và nghệ thuật. Về nội dung, cần hướng đến những giá trị phổ quát,
nhân bản, cốt lõi. Về nghệ thuật, cần tạo ra một giọng điệu riêng, độc
đáo và mới mẻ, giàu mĩ cảm và rung động.
Giải thưởng là một thước đo
quan trọng, ghi nhận lao động sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút, tuy
nhiên giải thưởng chắc chắn không phải là mục đích sau cùng của mỗi nhà
văn, nhà thơ. Bởi khi bắt tay vào viết một tác phẩm lại nghĩ ngay đến
việc giành giải thưởng thì e rằng sự chi phối cảm xúc này sẽ khó có thể
mang lại những trang văn để đời. Mỗi nhà văn, nhà thơ khi hoàn thành một
tác phẩm thì hạnh phúc đầu tiên là nhìn thấy đứa con tinh thần của mình
đã đủ hình hài và được gửi đứa con tinh thần ấy đến với công chúng.
Nhìn
lại dòng chảy văn học Việt Nam khoảng 3 thập niên trở lại đây, có
những tác giả chưa hề được nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt
Nam nhưng giá trị và sức ảnh hưởng từ các tác phẩm của họ lại vô cùng
to lớn. Điển hình như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp. Như vậy, giải thưởng
cao quý nhất phải chăng chính là đời sống của tác phẩm ấy trong lòng
đông đảo bạn đọc./.
ĐỖ ANH VŨ (vannghequandoi.com.vn)