Thứ Sáu, 11/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 23/3/2009 20:11'(GMT+7)

Giải toả việc xâm phạm di tích phải có sự kết hợp chặt chẽ và quyết tâm cao của các địa phương

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn UBTVQH ngày 20.3

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn UBTVQH ngày 20.3

Mặc dù chỉ nhận được tám chất vấn của đại biểu tập trung vào nội dung xâm phạm di tích, quản lý lễ hội hiện nay nhưng Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nêu bật những kết quả, hạn chế cũng như các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Đi thẳng vào vấn đề quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích hiện nay, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng kháng chiến, danh lam thắng cảnh là một bộ phận quan trọng của di sản văn hoá dân tộc. Hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh là những thông điệp của cha ông truyền tới cho thế hệ hôm nay và mai sau, vì thế chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần phát triển đời sống kinh tế-xã hội. Hiện cả nước có bốn vạn di tích, trong đó khoảng ba vạn di tích đã được xếp hạng. Trong nhiều thập kỷ qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hàng ngàn di tích các loại đã được tu bổ, tôn tạo, phục dựng và chống xuống cấp; nhiều di tích có giá trị đặc biệt quan trọng đã thoát khỏi tình trạng phế tích, mai một. Các cấp chính quyền địa phương ngày càng quan tâm đầu tư, chăm sóc di tích, biến nơi đây trở thành những địa chỉ văn hoá tâm linh, giáo dục truyền thống văn hoá, cách mạng.

Nhận diện tình hình xâm phạm di tích, danh lam thắng cảnh hiện nay, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã chỉ ra một số biểu hiện như do lịch sử để lại (đơn cử như nhiều người dân sau khi đi vùng kinh tế mới trở về đã tự ý vào đình, chùa để ở); nhiều đình chùa ở vùng nông thôn đã bị người dân tự ý sửa chữa, nâng cấp làm sai lệch hoặc biến dạng giá trị lịch sử, văn hoá và kiến trúc; một số chính quyền địa phương do chưa nhận thức đầy đủ về các quy định của Luật Di sản văn hoá nên đã cho xây dựng những công trình kinh tế-xã hội lấn át, thậm chí vào trong khu vực bảo vệ di tích. Đề cập nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thẳng thắn cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hoá chưa hiệu quả, chưa thật sự thấm sâu vào đời sống của người dân. Quản lý nhà nước về di sản văn hoá có nơi còn lỏng lẻo, chưa kịp thời phát hiện những vi phạm để chấn chỉnh, giải quyết. Một bộ phận cấp uỷ, chính quyền và người dân chưa có nhận thức sâu sắc về giá trị của di tích. Nhấn mạnh đến các giải pháp khắc phục những tình trạng trên, Bộ trưởng cho rằng trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tổ chức triển khai và tuyên truyền Luật Di sản văn hoá nhằm nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền địa phương; tiếp tục phân cấp quản lý di tích; đã và đang thực hiện việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá cho phù hợp với thực tiễn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ trưởng cho biết, tới đây có một số vi phạm sẽ đề nghị xử lý hình sự để răn đe.

Người dân được cấp sổ đỏ, sống trong khu vực bảo vệ di tích đình Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, HN từ hàng chục năm nay. Đây là một khó khăn vượt ra ngoài tầm giải quyết của riêng ngành VH, TT & DL. Ảnh: NT

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết về “lộ trình giải quyết những di tích đang bị xâm phạm”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, đây là vấn đề đang gây nhiều trăn trở cho toàn ngành. “Hiện nay Chính phủ đã có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Những năm qua, chương trình này tập trung kinh phí đầu tư chống xuống cấp và tu bổ, tôn tạo di tích chứ chưa có kinh phí dành cho việc giải toả những hộ dân ở trong vùng bảo vệ di tích. Đơn cử, ở trong Hoàng thành Huế có hai nghìn hộ dân đang sinh sống, khu di tích thành Cổ Loa có 500 hộ. Đó là chưa kể đến nhiều di tích khác. Để giải toả các hộ dân này nhằm trả lại nguyên trạng cho di tích thì đòi hỏi một khoản kinh phí rất lớn. Vì thế, các cơ quan Bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm cao mới có thể giải quyết được. Thêm vào đó, hằng năm trong kế hoạch phân bổ ngân sách của mình các địa phương cũng nên dành một kinh phí cho việc  giải toả các hộ dân đang sinh sống trong di tích”, Bộ trưởng nói. Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, “Đến nhiều di tích thấy thực đáng buồn là hệ thống hàng quán lấn sát vào di tích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian, cảnh quan của di tích”, Giải tỏa việc xâm phạm ...

Bộ trưởng thẳng thắn cho biết: Trong Luật Di sản văn hoá đã quy định rõ các khu vực bảo vệ của di tích. Trong Quy chế tổ chức lễ hội cũng có điều khoản quy định quy hoạch hàng quán dịch vụ không được làm ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan kiến trúc của di tích. Việc để xảy ra tình trạng hàng quán lấn chiếm di tích là trách nhiệm của chính quyền địa phương, Ban tổ chức lễ hội. “Tới đây sẽ tổ chức kiểm tra và có thái độ kiên quyết trong việc chấn chỉnh lại quy hoạch hàng quán trong di tích và lễ hội”, Bộ trưởng nêu rõ.

Có hay không việc lễ hội đang diễn ra tràn lan, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết hiện cả nước có gần 8 nghìn lễ hội các loại, trong đó lễ hội dân gian chiếm 80%. So với 5 năm trước thì số lượng lễ hội tăng không đáng kể. Ngoài việc bảo tồn các giá trị văn hoá thì tổ chức lễ hội cũng là hình thức quan trọng để quảng bá giới thiệu bản sắc văn hoá địa phương, theo đó thu hút khách tham quan du lịch. Tuy nhiên, có một thực tế kịch bản của một số lễ hội giống nhau, chưa tạo được điểm nhấn gây ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Đề cập đến sự lãng phí, tốn kém trong tổ chức lễ hội, Bộ trưởng cho rằng cần có cái nhìn đúng mức về vấn đề này. Điều quan trọng là, các đơn vị, địa phương khi tổ chức lễ hội cần cân nhắc kỹ về nội dung kịch bản, quy mô, thời gian diễn ra lễ hội để đảm bảo lợi ích giữa kinh tế và văn hoá.

Đại biểu Lê Thị Thu Ba nêu chất vấn, hiện nay đang tồn tại hiện tượng người dân đi chùa sắp mâm lễ và để tiền trên đó. Hay như gần đây báo chí nêu người dân đi lễ cứ nhét tiền vào tượng này, cây kia trong di tích gây phản cảm. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, Bộ rất đồng tình với phản ánh này của đại biểu và dư luận báo chí và cho rằng đây là hiện tượng rất khó chấp nhận. Tới đây Bộ sẽ cùng với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc để chấn chỉnh. Để quản lý, sử dụng tiền công đức được công khai, minh bạch và đúng mục đích tại di tích và lễ hội, trong thời gian tới Bộ sẽ  phối hợp với Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất hình thức phù hợp với thực tiễn.

Với câu hỏi, số lượng lễ hội như hiện nay có quá nhiều hay không, Bộ trưởng cho biết lễ hội mới du nhập vào nước ta trong những năm trở lại đây không nhiều và đây cũng là nhu cầu chung của xã hội. Về loại hình lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội lịch sử văn hoá, cách mạng đã tồn tại từ trong lịch sử như một dòng chảy không ngừng phản chiếu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân. Và lễ hội là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc, và chúng ta phải có trách nhiệm kiểm kê, bảo tồn và phát huy giá trị của nó trong đời sống hôm nay. Để quản lý được tốt lễ hội, căn cứ vào hoàn cảnh thực tiễn Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống. 

Theo Lâm Sơn - VanHoa Online       

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất