Chủ Nhật, 22/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Ba, 3/4/2012 21:42'(GMT+7)

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong trường học: cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền

(Ảnh: Duy Phong)

(Ảnh: Duy Phong)

Theo Báo cáo của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH cho biết, kể từ năm 2005 trở lại đây, trung bình hàng năm phát hiện khoảng từ 400-700 trẻ độ tuổi từ 0-10 tuổi nhiễm HIV. Cao nhất là năm 2007 có đến 772 trẻ được phát hiện nhiễm HIV. Tính tới 31/12/2010, có 4.405 em dương tính với HIV, trong đó có 2.553 em đang được điều trị ARV. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 4000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Nếu không được can thiệp, với tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con là 35% thì trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 1.400 trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị nhiễm HIV từ mẹ. Dự báo, đến cuối năm 2012, có khoảng 5.700 em dưới 15 tuổi bị nhiễm HIV.

Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS gồm: trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV (trẻ em mồ côi do bố và mẹ hoặc bố hoặc mẹ chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS; trẻ em sống cùng bố, mẹ hoặc người nuôi dưỡng nhiễm HIV; trẻ em sử dụng ma túy; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em là con của người mua, bán dâm, sử dụng ma túy; ...)
(Theo Kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV và AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020)

Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, trong đó có khó khăn về quyền được đến trường. Thực tế, có nhiều trường học, không nhận trẻ bị ảnh hưởng bởi AIDS vào học. Nếu nhận thì bố trí bàn riêng, học lớp riêng hoặc chịu sự phản ứng gay gắt từ phía các phụ huynh khác, các trẻ em khác không chơi cùng… Đó chính là những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, vi phạm quyền trẻ em trái với đạo đức và pháp luật. Chị H, 23 tuổi, sống ở Hà Nội chia sẻ: “Em thấy cay đắng và uất hận ngay cả khi em đem con đi nhà trẻ. Một hôm cô hiệu trưởng gọi em vào và nói nếu em gửi con em ở đây, sẽ không có ai cho con học ở trường này nữa. Cô ấy khuyên em là khi nào cháu lớn hãy cho đi học và trường sẽ không bao giờ nhận cháu nếu cháu bị nhiễm HIV. Em bị sốc kinh khủng”. Em Nguyễn Thị Thu Phương ở Hưng Yên, vì sự kỳ thị của cộng đồng và nhà trường mà việc theo học của em bị đứt đoạn nhiều lần. Năm nay em 11 tuổi, mới chỉ học lớp hai!

Luật phòng, chống HIV/AIDS có hiệu lực từ ngày 1/1/207 quy định: nghiêm cấm “kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” (Điều 3, Điểm 8). Nghị định 69/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2009, Điều 22 quy định: Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đối với hành vi: “Cản trở hoặc từ chối tiếp nhận trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên vào học trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vì lý do người đó nhiễm HIV hoặc là thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV…” ; Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi: “Kỷ luật, đuổi học sinh sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV hoặc là thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng các quy định này còn nhiều khó khăn. Hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ nhưng việc thực hiện trong thực tế còn vấp nhiều yếu tố khó khả thi.

Quyết định 84/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành kế hoạch hành động quốc gia tới năm 2020, bảo đảm mọi trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đều không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, có quyền được chăm sóc, tiếp cận với giáo dục hoặc được hỗ trợ học nghề, được hưởng các chính sách xã hội theo quy định hiện hành, được sống an toàn cùng bố mẹ, anh chị em.

Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có hơn 40 tỉnh, thành phố có báo cáo, đánh giá kết quả hoạt động. Vẫn còn 20 tỉnh chưa xây dựng Kế hoạch hành động. Điều đó cho thấy, nhận thức của các cấp, các ngành ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế trong vấn đề bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Các đại biểu đều cho rằng, nơi nào lãnh đạo các cấp “thông” về mặt nhận thức và hành động thì nơi đó, công tác bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được làm tốt, còn nơi nào, không “thông” thì rất hạn chế. Huế, Đà Nẵng, được coi là những địa phương có nhiều mô hình tốt, cách làm hay, bởi vì cơ chế chính sách của lãnh đạo rõ ràng, nhận thức của cán bộ quản lý đã tạo thuận lợi cho các cơ quan hữu quan, trong đó ngành giáo dục cũng thuận lợi hơn để tạo điều kiện cho các em đến trường mà không bị kỳ thị.

Bà Hà Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban Điều phối về phòng, chống HIV/AIDS trong ngành giáo dục. Nội dung phòng, chống HIV/AIDS chính thức được đưa vào giảng dạy lồng ghép trong các môn học. Tuy nhiên, chương trình giáo dục chỉ mới chuyển tải được những kiến thức cơ bản nhất về phòng, chống HIV/AIDS. Bà Hà Dung cũng cho hay, công tác truyền thông giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS còn hình thức, chưa hấp dẫn với học sinh, sinh viên; một số Ban chỉ đạo của các sở giáo dục và đào tạo và các cơ sở đào tạo làm việc chưa tích cực và chưa hiệu quả…

Các đại biểu đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông về HIV/AIDS và các chính sách, pháp luật liên quan với tất cả mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt, lãnh đạo các cấp cần tăng cường nhận thức và hành động, phối kết hợp toàn xã hội. Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: “Phối hợp liên ngành, phải có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng”. Ông Nguyễn Văn Tiếp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng cũng đồng tình với ý kiến: “HĐND các cấp cũng phải có sự giám sát cụ thể”. Ông Yasuda Tadashi, cán bộ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho rằng cần phải “tiếp cận đa ngành – hệ thống- bền vững”.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Chu Văn Đạt nhận định, phối kết hợp toàn xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho các em đến trường mà không bị kỳ thị, tuy nhiên, phải có sự chủ trì, cầm trịch để tránh tình trạng “cắt khúc” trong quản lý công tác bảo vệ trẻ em. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo các cấp, “lãnh đạo có thông thì dân mới thông”, từ thay đổi về nhận thức dẫn tới chuyển đổi hành vi.

Hội thảo đã đặt ra nhiều đề cần tiếp tục lấy ý kiến của các ngành, các cấp nhằm đạt tới hiệu quả cao nhất trong việc thực hiện các văn bản pháp lý có liên quan giảm kỳ thị trong trường học.

Thu Thanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất