Chủ Nhật, 13/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 12/10/2009 22:23'(GMT+7)

Giảm nhẹ thiên tai để phát triển bền vững

Trong 5 năm gần đây, mỗi năm nước ta có khoảng 400 người chết do thiên tai. Cũng do thiên tai mà hàng nghìn hộ gia đình bị đẩy  xuống mức đói nghèo và thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 1% đến 1,5% tổng sản phẩm xã hội. Do vậy, việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam để phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, bên cạnh hàng chục trận dông lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất… đã có 10 cơn bão hoạt động trên Biển Đông. Đặc biệt, cơn bão số 9 là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, đã tàn phá khốc liệt các tỉnh miền Trung, Tây nguyên. Thiên tai ở nước ta đang là một trong những tác nhân gây cản trở trực tiếp tới sự phát triển bền vững kinh tế xã hội, làm gia tăng đói nghèo.

Lũ lụt ở Hương Khê, Hà Tĩnh

Chủ động phòng tránh thiên tai

Nhận thức sâu sắc về hiểm họa này, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã ưu tiên cho công tác phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai. Mỗi năm, hàng nghìn tỷ đồng được chi cho việc nâng cấp, xây dựng các công trình phòng chống lụt bão, hệ thống dự báo, cảnh báo, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và tuyên truyền, vận động toàn dân chung sức chung lòng phòng chống thiên tai. Các địa phương cũng chủ động cải tạo cơ sở hạ tầng, chuyển dân khỏi vùng nguy hiểm, quy hoạch  lại các cụm dân cư gắn với phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh việc bảo vệ, khoanh nuôi và tái sinh rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn xen biển….

Ông Hoàng Hiếu Nghĩa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết: “Để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Nghệ An thực hiện nhiều biện pháp, trước mắt chúng tôi xây dựng các công trình cần thiết như; đề, hồ đập và các công trình liên quan đến giảm nhẹ thiên tai. Bên cạnh đó chúng tôi cũng quan tâm đến công tác tuyên truyền, để bà con nhận thức được thảm họa thiên tại để tự phòng tránh…”

Trong Chiến lược Quốc gia về Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 11/2007, vùng Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ xây dựng chương trình giảm nhẹ thiên tai theo phương châm “phòng chống lũ triệt để”. Khu vực duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và hải đảo với phương châm “chủ động phòng tránh nhưng thích nghi để phát triển”. Còn vùng đồng bằng sông Cửu Long- “sống chung với lũ”. Riêng với khu vực miền núi và Tây Nguyên, phương châm đặt ra là “chủ động phòng tránh bão lũ”.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các địa phương gặp không ít khó khăn như: thiếu nguồn lực để đầu tư lâu dài, đội ngũ cán bộ chuyên môn còn hạn chế, năng lực phản ứng còn chậm do sự phân cấp chưa cao… Ông Đào Ngọc Hường, Phó Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lai Châu nói: “Những khó khăn của chúng tôi trong việc phòng chống thiên tai là: địa bàn rất là rộng, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn. Cơ sở hạ tầng ở nhiều xã bản còn chưa có đường giao thông đến nơi. Khi bắt đầu có sự cố, thì cái dự trữ trong 4 tại chỗ là còn yếu. Bên cạnh đó, việc khắc phục hậu quả giúp bà con còn rất khó khăn do kinh phí của tỉnh rất hạn hẹp. Đặc biệt khi di dân thì không phải dễ, toàn tỉnh chủ yếu là địa hình dốc nên khó ổn định cuộc sống cho người dân”

Những ngày qua, thiên tai bão lũ, động đất, sóng thần đã xảy ra liên tiếp tại Việt Nam, Philippines, Indonesia và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế đã và đang có nhiều nỗ lực để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do thiên tai gây ra. Tại Diễn đàn Quốc gia về Giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Marageta Womstrom, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về giảm nhẹ thiên tai, kêu gọi Chính phủ các nước cần hành động khẩn trương nhằm giải quyết mối nguy cơ về thiên tai và biến đổi khí hậu.

Bà Marageta Womstrom nói: “Đây là lúc chúng ta chuyển từ “nói” sang “làm” nhiều hơn, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc học hỏi lẫn nhau về những biện pháp giảm nhẹ thiên tai hữu hiệu. Trước hết, cần học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức, chuyển giao kỹ thuật công nghệ… Chúng ta cũng cần phải có những cách thức mới để phối hợp và lồng ghép một cách có hiệu quả giữa các ngành, giữa chính phủ và xã hội dân sự, giữa nghiên cứu khoa học và hoạch định chính sách...”

Phát huy vai trò các phương tiện thông tin đại chúng

Trong quá trình phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, vai trò của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Đài TNVN và Đài THVN là rất quan trọng. Đài TNVN và hệ thống đài phát thanh từ tỉnh xuống đến quận - huyện, xã – phường, nhiều năm nay đã đóng vai trò rất tích cực trong việc tuyên truyền các hiểu biết về thiên tai, nguyên nhân xảy ra và cách phòng chống.

Đặc biệt, khi có những cơn bão lớn, hoặc xảy ra sự cố do thiên tai, Đài TNVN trở thành chỗ dựa tin cậy của nhân dân, có lúc là phương tiện truyền thông duy nhất mà người dân đi biển, người dân vùng sâu vùng xa nghe được. Những bản tin dự báo thời tiết được cập nhật hàng giờ, những thông báo, chỉ thị nêu ra các biện pháp ứng phó với thiên tai được phát nhanh, liên tục đã giúp cho việc phòng chống thiên tai ở các địa phương được nhanh hơn, có hiệu quả hơn. Chương trình phủ sóng phát thanh ở biển Đông vừa hoàn thành giai đoạn 1 đã đem tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với ngư dân Việt Nam ở những vùng biển xa nhất, giúp họ ứng phó kịp thời với thiên tai.

Bà Hoàng Minh Nguyệt, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN nêu rõ: “Trong thời gian tới, Đài TNVN vẫn duy trì các chương trình về môi trường, khoa học, công nghệ, và tăng cường những chương trình tin tức, đưa thông tin nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn. Đồng thời chất lượng tin, bài về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai được nâng cao hơn. Mở rộng vùng phủ sóng để đưa thông tin đến người dân mọi miền Tổ quốc…”

Có một thực tế là, nhiều chính sách lớn mà Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện như trồng cây, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ rừng đầu nguồn, phòng chống thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, tham gia cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ bầu sinh quyển... đã thành công một bước. Tuy nhiên, trong việc ứng phó với thiên tai, nhiều địa phương còn tỏ ra bị động, lúng túng; hệ thống dự báo, cảnh báo hoạt động thiếu hiệu quả; cơ sở hạ tầng chưa đủ kiên cố, dễ bị tổn thương khi có thiên tai xảy ra… Để giảm nhẹ rủi ro thiên tai; cần xây dựng bộ máy ứng phó với thiên tai thật sự dẻo dai ngay từ địa phương. Đặc biệt, huy động mọi nguồn lực và lồng ghép các hoạt động giảm nhẹ thiên tai vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng lĩnh vực, vì một Việt Nam phát triển an toàn và bền vững.

Trong các tình huống biến đổi khí hậu do tình trạng trái đất nóng lên, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy bên cạnh việc tích cực tham gia vào công cuộc chống biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu, Đảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng nghiên cứu giải pháp khoa học – công nghệ để giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra. Bên cạnh cố gắng chung của toàn xã hội, mỗi người dân Việt Nam phải tự nâng cao ý thức, có thái độ ứng xử thân thiện với thiên nhiên, cần tích cực tham gia ở những phần việc nhỏ nhất như: hạn chế việc dùng các thiết bị, đồ dùng có nhiều khí thải, trồng cây xanh, đặc biệt là bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển trên các dòng sông… Những việc chúng ta làm hôm nay cũng là vì con cháu mai sau./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất