Thứ Năm, 9/5/2024
Khoa học
Thứ Ba, 26/3/2019 13:57'(GMT+7)

Phát triển hệ thống hải đồ biển ngang tầm thế giới

Đoàn Đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển (Quân chủng Hải quân) thả thiết bị khảo sát, lấy mẫu phục vụ nghiên cứu biển. Ảnh: Báo QĐND

Đoàn Đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển (Quân chủng Hải quân) thả thiết bị khảo sát, lấy mẫu phục vụ nghiên cứu biển. Ảnh: Báo QĐND

Từ nhiệm vụ ban đầu khảo sát địa hình ven bờ, cửa sông, luồng lạch  phục vụ chiến đấu những năm 1955 - 1975 với công nghệ, trang bị lạc hậu, đến nay đo đạc - bản đồ biển hải quân đã thực hiện khảo sát, đo đạc và thành lập các hệ thống hải đồ biển phủ kín vùng biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng.
Nhiệm vụ của ngành đo đạc - bản đồ biển hải quân là thu thập các số liệu về biển như độ sâu, chất đáy, dòng chảy, thủy triều, thông tin về khí tượng thủy văn biển, xây dựng hệ thống bản đồ biển... Các nhiệm vụ này nhằm bảo đảm an toàn hàng hải cho các tàu bè dân sự cũng như quân sự đi lại trên biển và ra vào cảng qua các luồng lạch, cung cấp thông tin về biển cho các ngành kinh tế quốc dân như khai thác dầu mỏ, đặt cáp ngầm phục vụ bưu chính viễn thông, khai thác hải sản...

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ đo vẽ địa hình đáy biển đã không ngừng phát triển và có nhiều đổi mới. Hệ thống định vị, hệ thống đo sâu hồi âm đơn tia, đa tia, dò thủy âm quét sườn… đã giúp tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian và dần đáp ứng được nhu cầu xây dựng, khai thác tài nguyên trên biển.

Công tác ứng dụng công nghệ khảo sát biển trong Quân chủng Hải quân đã có những bước phát triển vượt bậc, như: Đã thành lập bản đồ biển tỷ lệ 1:100 000 ven biển Việt Nam, gồm 37 mảnh với tổng diện tích 237.000 km2; thành lập bản đồ khu vực Trường Sa và DK1; thành lập hệ thống bản đồ biển, các khu vực cửa sông, cảng biển phục vụ nhiệm vụ phòng thủ của hải quân và nhiệm vụ quản lý biển của các bộ, ngành, địa phương liên quan phủ trùm diện tích 819.500 km2; thành lập bản đồ từ trường khu vực Quần đảo Trường Sa...

Cùng với nhiệm vụ đo đạc, thành lập mới bản đồ biển, Quân chủng Hải quân đã đo đạc, thành lập mới các loại bản đồ biển tỷ lệ 1:25.000 (50 mảnh) các khu vực cửa sông, cảng biển nhằm đảm bảo an toàn hàng hải cho các tàu thuyền đi lại trên tuyến luồng ra vào cảng, khu trú đậu tránh gió bão. Quân chủng cũng thành lập các loại bản đồ tỷ lệ lớn phục vụ cho các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, bảo đảm an ninh quốc phòng trên hướng biển.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học của ngành thường xuyên được quan tâm nên đã thu hút một lượng cán bộ lớn có trình độ cao tham gia. Kết quả nghiên cứu đạt được phản ánh thông qua một số đề tài ứng dụng thực tiễn như: Xây dựng mô đun ký hiệu số thuộc tính đối tượng phục vụ xây dựng hải đồ điện tử, Xây dựng phần mềm công cụ xử lý số liệu từ trường, Xây dựng kho dữ liệu đo đạc - bản đồ, khí tượng - hải dương và phần mềm truy xuất dữ liệu phục vụ thành lập hải đồ số và bản đồ thủy âm, Xây dựng phần mềm quản lý và phân phối dữ liệu hải đồ điện tử, Xây dựng phần mềm Atlas hải đồ số vùng biển Việt Nam...

Hướng đến hiện đại hóa ngang tầm thế giới

So với nhiều quốc gia có bề dày phát triển ngành đo đạc biển trên 300 năm, ngành do đạc - bản đồ biển Việt Nam hiện nay còn non trẻ.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại khoa học công nghệ tiên tiến, ngang tầm với các quốc gia trong khu vực và thế giới, ngành đo đạc - bản đồ biển cần có định hướng phát triển đúng đắn, có sự đầu tư hợp lý. Trên cơ sở tham khảo các mô hình phát triển ngành đo đạc - bản đồ biển của một số nước phát triển (Nga, Pháp, Australia, Ấn Độ…), Quân chủng Hải quân xác định và định hướng phát triển ngành cho các kế hoạch phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế ở nước ta.

Theo đó, tiếp tục đầu tư phát triển về mọi mặt, hiện đại hóa trang bị, phương tiện, thiết bị trong công tác đo đạc khảo sát biển, phấn đấu xây dựng lực lượng, phương tiện, trang bị và công nghệ đo đạc khảo, nghiên cứu biển tiên tiến hiện đại trong khu vực.

Hoàn thiện đo đạc khảo sát thành lập các loại bản đồ biển trong phạm vị vùng biển Việt Nam; đo đạc thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy biển trên toàn Biển Đông phục vụ yêu cầu xây dựng bản đồ các loại tỷ lệ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO). Cùng với đó, Quân chủng triển khai nghiên cứu, khảo sát đo đạc các đối tượng thuộc lĩnh vực địa vật lý biển, hải văn phục vụ các mục đích dân sự và quân sự.

Ngành đo đạc - bản đồ biển hải quân sẽ mở rộng hợp tác với các cơ quan nghiên cứu biển trong nước khảo sát nghiên cứu các thông tin về biển; hội nhập với các nước là thành viên của IHO; hiện đại hóa phương tiện và thiết bị đo đạc bản đồ; đa dạng hóa các loại hình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ đo đạc và bản đồ với lộ trình thích hợp, ưu tiên các chương trình, đề tài thiết thực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên và môi trường.

Lựa chọn, tiếp thu các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện trong nước; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động đo đạc và bản đồ. /.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất