(TG)- Chiều 14/6, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức
buổi giám sát đối với Ủy ban Nhân dân Thành phố về tình hình triển khai
thực hiện chương trình “Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh” giai
đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội
đồng Nhân dân thành phố, Trưởng đoàn giám sát cho biết trong thời gian
qua, Hội đồng Nhân dân thành phố đã tổ chức giám sát trực tiếp tại một
số sở, ngành, địa phương; kết quả giám sát ghi nhận nỗ lực của Ủy ban
Nhân dân thành phố, các sở, ngành, địa phương trong triển khai công tác
giảm nghèo đa chiều, bền vững trên địa bàn cho dù phải chịu nhiều ảnh
hưởng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021.
Nhất trí với báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố, đoàn giám sát Hội
đồng Nhân dân thành phố cho rằng Chương trình "Giảm nghèo bền vững
Thành phố Hồ Chí Minh" giai đoạn 2021-2025 cơ bản được quán triệt, triển
khai thực hiện đầy đủ theo các nội dung Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND,
đảm bảo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, chịu sự giám sát chặt
chẽ của Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
thành phố và các đoàn thể đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo,
hộ cận nghèo trên địa bàn.
Đánh giá của đoàn giám sát và báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố
cho thấy trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn
thể các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, tập trung chỉ đạo
quyết liệt trong việc lồng ghép triển khai kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội và kế hoạch giảm nghèo; luôn bám sát lộ trình hoàn thành chỉ
tiêu giảm nghèo hàng năm tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng của cả hệ
thống chính trị.
Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác giảm
nghèo bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả tích
cực trên nhiều phương diện. Cụ thể, đầu giai đoạn 2021-2025, toàn Thành
phố Hồ Chí Minh có 58.019 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 2,29% số hộ dân
thành phố, trong đó có 37.772 hộ nghèo và 20.247 hộ cận nghèo.
Qua triển khai công tác giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2021, thành phố đã giảm 1.597 hộ nghèo, 1.378 hộ cận nghèo,
đạt tương ứng 16,85% và 15,76% kế hoạch năm. Thành phố còn 56.226 hộ
nghèo, cận nghèo, trong đó có 36.664 hộ nghèo chiếm 1,45% và 19.562 hộ
cận nghèo, chiếm 0,77% tổng hộ dân thành phố.
Chương trình Giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2021-2025 được quan tâm ưu tiên nguồn ngân
sách thành phố và nguồn xã hội hóa (bố trí hơn 15.144 tỷ đồng) để thực
hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội;
các chính sách giảm các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và
các chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình giúp hộ nghèo tích lũy
thêm thu nhập có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo
như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh
kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm
trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… Ngoài ra, để đảm bảo
cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận chính sách hỗ trợ nhà ở, trong nhiều
năm qua, Ủy ban Nhân dân thành phố luôn quan tâm và ban hành nhiều chủ
trương sử dụng nguồn vận động hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam thành phố và các nguồn lực từ xã hội để sửa chữa, xây dựng nhà tình
nghĩa, nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 10
tỷ đồng trong năm 2021.
Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn
2021-2025 đã nhận được sự phối hợp, tham gia tích cực của Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng các tổ chức thành viên như Liên
đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp Phụ nữ Thành phố… trong
triển khai các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo, người
nghèo, người gặp khó khăn do dịch COVID-19; triển khai nhiều mô hình kết hợp nhằm hỗ trợ hội viên, đoàn viên vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững.
Tại buổi giám sát, đại diện các sở, ngành liên quan đã trao đổi, đề
nghị Ủy ban Nhân dân thành phố đề xuất những kiến nghị nhằm giải quyết
những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chương trình giảm nghèo bền
vững đa chiều tại thành phố.
Trong đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành các
nội dung chính sách và cung cấp kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ
thiếu hụt về dinh dưỡng; đề nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ cho
phép thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo
quốc gia và chuẩn hộ nghèo do địa phương quy định để hộ nghèo được tiếp
cận nguồn vốn ưu đãi cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở từ Ngân hàng Chính
sách xã hội; các chính sách phù hợp để hộ nghèo, hộ cận nghèo được xây
dựng, sửa chữa nhà khi chưa có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất ở.
Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sửa đổi,
bổ sung quy định về điều kiện, thời gian đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện
để được hưởng lương hưu, tăng mức hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo…/.
Xuân Khu