(TG)-Giáo dục thanh niên vừa “hồng”vừa “chuyên” là quan điểm nhất quán trong tư trưởng “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy để xây dựng thế hệ thanh niên như lời căn dặn của Người trong thời đại mới luôn là câu hỏi thường trực của các trường phổ thông, đại học.
Giáo dục học sinh qua những việc làm thiết thực
Việt Nam đang đứng trước sự vận động không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò xung kích với sức sáng tạo, trí tuệ và bản lĩnh. Sau 50 năm, lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc của Người về vai trò của thanh niên vẫn còn nguyên giá trị trên con đường tiến tới bắt kịp xu thế thời đại.
Tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Hà Nội, việc trang bị các chuyên đề về đạo đức, lối sống và các chủ đề hoạt động của Đoàn thanh niên luôn được đề cao.
Thầy Nguyễn Hữu Quyết, Phó Bí thư đoàn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội cho biết: “Dạy đạo đức, lối sống của học sinh thanh niên ở bất kỳ thời điểm nào cũng là vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết. Không chỉ quan trọng về mặt giáo dục lý luận mà còn quan trọng trong việc giáo dục thực tiễn để hình thành lối sống, đạo đức, tác phong, hình thành phẩm chất, năng lực của một công dân trong thời đại mới. Nhưng làm sao để hoạt động không chỉ dừng lại ở phong trào mà thấm nhuần vào việc làm của mỗi học sinh luôn là bài toán tôi đặt ra”.
Theo thầy Quyết, việc thiết thực nhất là học sinh được tham gia làm chính những sản phẩm truyền thông, phù hợp với lứa tuổi của các em.
Những năm qua, thầy Nguyễn Hữu Quyết cùng học trò trong trường làm các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền, giáo dục học sinh về đạo đức lối sống. Đồng thời, tích hợp những buổi toạ đàm về đạo đức, lối sống của học sinh thời nay vào các môn khoa học xã hội.
Bản thân thầy Nguyễn Hữu Quyết cũng là “cây sáng tạo” trong hoạt động chuyên môn. Công trình “Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học cho học sinh phổ thông” của thầy Quyết vừa xuất sắc lọt vào top 15 công trình, sáng kiến sẽ tham gia tranh tài tại vòng chung khảo chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020. Thầy Nguyễn Hữu Quyết chia sẻ: “Thông qua đó, tôi muốn giáo dục học sinh nhận thức về môi trường xung quanh. Từ đó, học sinh bằng sức lực, hiểu biết tự làm ra sản phẩm có ích trong học tập. Bài học đạo đức, lối sống cũng từ đó mà ra”.
Từ những mô hình đầu tiên về chủ quyền biển đảo, các bộ phận cấu thành của lãnh thổ Việt Nam, mô hình bản đồ Việt Nam đến sa bàn về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng hay đại thắng mùa xuân năm 1975, đến nay hầu hết các bộ môn khoa học xã hội ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đều được thầy Quyết cùng học trò sáng tạo ra những mô hình học tập trực quan, sinh động. Nguyên liệu rất đặc biệt là được lấy từ rác thải.
Cách làm của thầy Quyết là một trong rất nhiều mô hình thiết thực mà nhiều Đoàn trường phổ thông đang nỗ lực hiện thực hoá nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện thông qua hoạt động dạy học các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành qua các chương trình lồng ghép, tích hợp trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục như giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục các vấn đề về giới, bình đẳng giới, giáo dục bảo vệ môi trường; thông qua các hoạt động, lao động sản xuất, hoạt động tập thể, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí; thông qua vai trò nêu gương của cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè và những tấm gương về đạo đức được rút ra từ sách vở, từ lịch sử, từ cuộc sống, giáo dục đạo đức, lối sống qua di sản văn hóa.
PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông mới đã chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh được thực hiện thông qua tất cả các môn học, hoạt động giáo dục. Môn đạo đức ở bậc tiểu học, giáo dục công dân ở bậc trung học trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được tăng cường cả nội dung và thời lượng”.
Mềm hoá hoạt động bồi dưỡng chính trị, tư tưởng
Ở các trường đại học, việc bồi dưỡng chính trị, tư tưởng cho sinh viên được “mềm hoá” thông qua các hoạt động thiết thực trong sinh viên.
Tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, những cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thu hút được nhiều sinh viên tham gia. Ở nội dung này, 5 năm qua, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 liên tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cho đơn vị đạt thành tích xuất sắc.
TS Cao Bá Cường, Trưởng phòng Công tác Chính trị - Học sinh sinh viên, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: “Nắm bắt được những vấn đề thời sự đang diễn ra trong xã hội cũng như đời sống sinh viên, nhà trường lồng ghép vào các hoạt động chính trị, tư tưởng. Cụ thể, trường triển khai tuyên truyền giáo dục sinh viên về Luật an ninh mạng và các kỹ năng, quy định khi sử dụng internet và mạng xã hội, chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng an ninh, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước, lợi ích quốc gia, dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ thông qua gương người tốt, việc tốt. Hàng năm, những tấm gương như: Đảng viên trẻ tiêu biểu, các tập thể xuất sắc đều được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương, khen thưởng”.
Bồi dưỡng chính trị, tư tưởng cho sinh viên cũng còn thể hiện trong việc triển khai các phương thức nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng trong sinh viên. TS Cao Bá Cường cho biết: “Từ năm học 2017-2018, Nhà trường thành lập “Tổ sinh viên tự quản khu vực nội trú, ngoại trú”, “Tổ dư luận sinh viên” kịp thời nắm bắt những thông tin tại khu vực sinh sống của sinh viên. Bên cạnh đó, Hội nghị “Hiệu trưởng, Trưởng khoa đối thoại với đại diện sinh viên” được tổ chức hàng tháng, mạng lưới cán bộ Đoàn – Hội cũng góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thông tin 2 chiều giữa nhà trường với sinh viên, đảm bảo tinh thần dân chủ trong trường”.
Theo anh Nguyễn Đồng Anh, Phó bí thư Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao, để giáo dục lý tưởng cho thanh niên trong thời đại công nghệ thông tin cần những cách làm mới, dễ tiếp cận. Chẳng hạn có thể lồng ghép nội dung lý tưởng cách mạng vào các thông điệp truyền thông hiện đại. Để các thông điệp đến được với thanh niên cần đúng và trúng nhóm đối tượng. Cần tận dụng công nghệ để thiết kế các thông điệp với nội dung hấp dẫn, có thể dưới dạng các video, trò chơi trực tuyến, các bài báo tương tác đa phương tiện... trên cơ sở những thống kê, nghiên cứu về cách tiếp cận đối tượng công chúng đặc thù là "thanh niên" trong môi trường mạng xã hội, internet”.
Nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là việc giáo dục học sinh, sinh viên khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội một cách hiệu quả. Đây cũng là mục tiêu của ngành giáo dục 2021 khi coi chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện nhiệm vụ giáo dục của ngành./.
TG