Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 2/5/2018 11:43'(GMT+7)

Giáo dục dạy nghề thời cách mạng công nghiệp 4.0

Bấp bênh đời sống lao động giá rẻ

Chị Nguyễn Thị Ly, 34 tuổi, quê ở Cao Bằng chuyển đến làm việc tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh được 3 năm nay. Chị kể, từ khi đến khu công nghiệp này làm việc, chị đã chuyển 3 công ty. “Ở đây họ tuyển người liên tục, mình thấy hợp thì làm, không hợp thì nghỉ” - chị cho biết.

Học viên trường Cao đẳng Việt Hàn trong buổi thực hành. Ảnh: Bùi Tư

 

Hiện tại, chị Ly đang làm công nhân tại một nhà máy điện tử. Công ty của chị chuyên làm hàng phụ trợ là các sản phẩm bao bì cho công ty Sam Sung, cụ thể là đóng gói và dán mác sản phẩm pin điện thoại. Phân xưởng của chị năm ngoái có 50 công nhân, nhưng từ sau Tết công ty sa thải bớt nhân sự, chỉ còn giữ lại 13 người. Chị may mắn là một trong số những người được ở lại.

Theo chị Ly, từ tháng 1 đến tháng 4 là thời điểm các doanh nghiệp ở đây ít việc. Các doanh nghiệp lớn cho người lao động nghỉ việc tạm thời, hưởng 70% lương. Còn các doanh nghiệp nhỏ thì cho công nhân nghỉ hẳn. “Công nhân cần việc làm, còn doanh nghiệp thì liên tục tuyển lao động, đồng thời cũng đào thải lao động.”

Với công việc hiện tại đang làm, thu nhập của chị Ly khoảng 4 triệu đồng/tháng. Những công nhân làm cùng chị muốn có thu nhập cao hơn thì phải tăng ca làm đêm, mỗi ngày 12 tiếng, thu nhập có thể lên đến 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, phần lớn những người đó chỉ làm được 1 thời gian, bởi sức khỏe khó mà “trụ” nổi. 

Trên thực tế, những người như chị Ly tại KCN này rất nhiều. Họ vẫn đang miệt mài làm việc, nhưng cũng không biết tương lai công việc của mình sẽ ra sao.

Nếu như cách đây mấy năm, lao động giá rẻ là lợi thế của Việt Nam, thì ngày nay đó lại là thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Theo thống kê của Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện dân số nước ta ước tính đạt khoảng 94 triệu người vào năm 2018. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,61 triệu người, chiếm 59,5%. 

Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “dân số vàng”, với nguồn cung lao động dồi dào và ổn định. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao… nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập.

Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế thế giới mới công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao.

Cũng theo báo cáo, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines. Việt Nam chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia.

Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, đáp ứng CMCN 4.0

Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, giải pháp đưa ra là đẩy mạnh cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, ưu tiên cho các ngành khoa học kỹ thuật; đào tạo, hướng nghiệp gắn với việc làm và theo nhu cầu của xã hội. Để có thể thích nghi với sự thay đổi, những tri thức cơ bản về toán học và tin học là cần thiết cho mọi người, cho hầu hết mọi ngành nghề.

Ở thời kỳ chuyển đổi số, với sự phổ biến của các công nghệ số trong những năm tới đây, hầu hết người lao động phải hiểu và quen biết với các con số, dữ liệu, việc sử dụng máy tính và các công cụ phân tích dữ liệu được tạo ra trên máy tính.

Trao đổi với phóng viên TBTCO, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại người lao động thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, đồng thời tham gia xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (nội dung về cơ chế, chính sách đối với GDNN) do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, trong đó tập trung vào một số giải pháp chính.

Thứ nhất, đổi mới quản lý GDNN, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Theo đó, Tổng cục sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, bộ máy quản lý nhà nước về GDNN theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, gắn với trách nhiệm; giảm dần sự can thiệp của các cơ quan chủ quản vào các hoạt động đào tạo và quản trị nhà trường; chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản lý GDNN ở các cấp, nhất là ở cấp địa phương; tăng cường các công cụ quản lý.

Thứ hai, đổi mới chương trình, tổ chức hoạt động đào tạo. Cụ thể, sẽ xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến khích các cơ sở GDNN xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học thuật và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong dạy học cho các cơ sở GDNN.

Thứ ba, nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong môi trường mới, đội ngũ nhà giáo GDNN phải có những năng lực mới, năng lực sáng tạo và do đó đòi hỏi phải có những phẩm chất mới trên cơ sở chuẩn hóa, thông qua các hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy học và những kỹ năng mềm cần thiết khác.

Thứ tư, gắn kết với doanh nghiêp trong hoạt động đào tạo. Đẩy mạnh phát triển đào tạo tại doanh nghiệp, phát triển các trường trong doanh nghiệp để đào tạo nhân lực phù hợp với công nghệ và tổ chức của doanh nghiệp. Mặt khác, tăng cường việc gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của cơ sở GDNN, nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp./. 

Bùi Tư/ thoibaotaichinhvietnam.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất