Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 16/5/2016 14:51'(GMT+7)

Giáo dục kỹ năng sống cho thanh - thiếu niên

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Điển hình như: Vụ 9 học sinh lớp 6B, Trường THCS xã Nghĩa Hà, (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bị đuối nước trên sông Trà Khúc ngày 15/4; vụ 3 học sinh lớp 11C, Trường THPT Tô Hiến Thành (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) bị đuối nước khi đi tắm biển vào chiều 8/5; hoặc vụ 5 nữ sinh lớp 9, Trường THCS xã Sin Súi Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) bị một đối tượng lừa bán sang Trung Quốc… Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến những vụ việc trên đã được chuyên gia xã hội học chỉ ra, đó chính là tình trạng “hổng” trong việc giáo dục kỹ năng sống cho lứa tuổi thanh-thiếu niên ở nước ta hiện nay. 

Kỹ năng sống, theo cách hiểu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa, đó là khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có năng lực đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày. Kỹ năng sống quan trọng nhất là kỹ năng tự bảo vệ mạng sống và giúp người khác bảo vệ mạng sống trong những tình huống nguy hiểm. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm nay chính phủ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… đã giao cho Trung tâm Điều hành tình trạng khẩn cấp của quốc gia nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ việc dạy cho học sinh từ độ tuổi mẫu giáo trở lên cách đối diện và đương đầu với các tình huống có thể gây thảm họa như động đất, cháy nhà, bão lụt… Bởi khi có được kỹ năng tự bảo vệ mạng sống và giúp người khác bảo vệ mạng sống trong những tình huống nguy hiểm, con người mới thêm yêu quý cuộc sống, mới có ý thức giữ gìn mạng sống của chính mình, từ đó biết trân trọng cuộc sống và mạng sống của người khác.

Ở nước ta, giáo dục kỹ năng sống cho lứa tuổi thanh-thiếu niên tuy không phải là vấn đề hoàn toàn mới, nhưng vẫn đang là một trong những câu chuyện rất đáng quan tâm. Theo giáo trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thì việc giáo dục kỹ năng sống cho thanh-thiếu niên là một phần của môn học Giáo dục công dân trong trường học. Ở đó, học sinh sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng rèn luyện thể chất, kỹ năng thoát hiểm và bảo vệ tính mạng, kỹ năng sống đồng thuận với cộng đồng, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm… Tuy nhiên có một thực tế hiện nay, đó là việc tổ chức dạy và học môn Giáo dục công dân đang dần bị xem nhẹ hơn so với các môn học khác ở hầu hết các nhà trường vì đây là môn học không dùng để thi lên lớp, chuyển cấp cũng như trong các kỳ thi vào các trường đại học, cao đẳng… Do vậy mà cả phụ huynh, học sinh và nhà trường đều có tâm lý xem nhẹ môn học này.

Để hạn chế tối đa những vụ việc thương tâm tương tự như trên xảy ra, trước hết cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các nhà trường và tổ chức đoàn thể cần tăng cường công tác chỉ đạo quản lý học sinh, thiếu nhi, tổ chức các hoạt động hè an toàn, không để xảy ra tai nạn. Đồng thời chú trọng đến công tác giáo dục, hướng dẫn các kỹ năng cho thanh-thiếu niên. Nói như thế không có nghĩa là chỉ có sự vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền địa phương mà thiếu sự quan tâm, định hướng của gia đình. Do đó, các bậc phụ huynh, mỗi gia đình cần chú trọng và chủ động hơn nữa trong việc giáo dục kỹ năng sống, nhất là kỹ năng bơi lội, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm, kỹ năng tự vệ. Có như vậy, mỗi thanh-thiếu niên mới tự tin, biết cách tự ứng phó và bảo vệ an toàn tính mạng của mình mỗi khi gặp nguy hiểm./.

Mai Chu Anh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất