Cử chỉ, hành động của lãnh đạo có sức thuyết phục hơn nhiều lần so với
việc chỉ hô khẩu hiệu hay dùng lời nói suông. Hơn thế nữa, khi hành động
hợp lòng dân, khiến dân tin thì công việc sẽ có kết quả rất tốt đẹp.
Ngày 5/5, trong chuyến thăm và thị sát tình hình khô hạn, ngập mặn ở các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Jan Eliasson đã nếm thử nước từ bể chứa nước của một gia đình nông dân tỉnh Bến Tre để đánh giá độ nhiễm mặn của nguồn nước. Hành động đó có lẽ chẳng có gì đáng nói nếu không phải từ một người ngoại quốc và là vị quan chức cao cấp của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới. Tận mắt chứng kiến vị lãnh đạo LHQ cầm gáo múc nước từ trong bể, nếm nước để đo độ mặn, người dân địa phương đi từ ngạc nhiên tới thán phục và cảm thấy ấm lòng, vì dường như, khó khăn của họ đã được thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ.
Sau hành động hết sức dân dã, đời thường của vị Phó tổng thư ký LHQ, người dân địa phương không còn tâm lý xa lạ, e ngại mà bắt đầu “dốc bầu tâm sự” với “ông Tây” lần đầu gặp mặt. Vì thế mà, chuyến thị sát tình hình khô hạn, ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long của phái đoàn LHQ do Phó tổng thư ký Jan Eliasson dẫn đầu thu được kết quả ngoài mong đợi.
Một hành động khác diễn ra cuối tuần trước cũng tạo ấn tượng và hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Trong những ngày cuối tháng 4, khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt dọc theo ven biển miền Trung thì kẻ xấu tung tin biển miền Trung “bị nhiễm độc nặng”, “ăn hải sản sẽ bị ung thư, thậm chí ngộ độc chết người”… Những tin đồn thất thiệt đã gây ra tâm lý hoang mang cho không chỉ người dân ven biển miền Trung mà còn lan ra khắp đất nước, vượt cả khỏi biên giới đến khu vực và thế giới. Trước tình hình đó, thay vì xuất hiện trên phương tiện đại chúng để trấn an dư luận như ở địa phương khác, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, từ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND đến các giám đốc sở, ban, ngành đồng loạt đi tắm biển và ăn hải sản ngay tại bãi biển trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua. Những hành động cụ thể đó đã góp phần ổn định cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương và du khách yên tâm đến với bãi biển Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ.
Từ hai sự việc kể trên có thể thấy, cử chỉ, hành động của lãnh đạo có sức thuyết phục hơn nhiều lần so với việc chỉ hô khẩu hiệu hay dùng lời nói suông. Hơn thế nữa, khi hành động hợp lòng dân, khiến dân tin thì công việc sẽ có kết quả rất tốt đẹp. Ở sự việc thứ nhất, cho dù là một “ông Tây” nhưng nếu biết hòa mình với người dân bằng những cử chỉ, hành động chân thành thì vẫn chiếm được cảm tình, nhận được sự tin tưởng của dân. Trong khi đó, việc đội ngũ lãnh đạo địa phương đi tắm biển, ăn hải sản chính là thông điệp mãnh mẽ, ấn tượng gửi tới người dân và khách du lịch; đồng thời là sự phản bác hiệu quả nhất đối với những kẻ xấu tung tin đồn nhảm về sự “ô nhiễm chết người” của biển miền Trung.
Hai sự việc có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều để lại bài học đáng suy ngẫm cho đội ngũ lãnh đạo các cấp về phong cách của người cán bộ lãnh đạo. Đó là, khi cán bộ lãnh đạo có tâm với dân, thấu hiểu dân, có ý thức, nỗ lực phục vụ dân thì sẽ có hành động đúng; khi lãnh đạo có hành động đúng thì sẽ nhận được sự tin yêu, ủng hộ của dân và khi đã được người dân ủng hộ, hưởng ứng thì công việc ắt sẽ đạt kết quả tốt./.
Quang Hùng (QĐND)