Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 16/4/2016 11:15'(GMT+7)

Hướng về Đất Tổ

Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Dù ai đi ngược về xuôi/  Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba

Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

Theo truyền thuyết dân gian, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Bởi vậy Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt.

Hằng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch, tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng Ba âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Theo sách sử, bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “... Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

Trong di sản văn hóa dân tộc ngày nay, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương luôn luôn và mãi mãi được coi là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ trọng mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng, đầu tư tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự tổ tiên chung của dân tộc. Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng luôn là biểu tượng tôn kính, thiêng liêng, quy tụ và gắn bó người dân đất Việt. Niềm tự hào, tôn kính ấy càng được nhân lên khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 6-12-2012). Đến thời điểm này, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản duy nhất ở loại hình tín ngưỡng của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Lễ hội Đền Hùng gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức vào đầu tháng ba âm lịch hàng năm là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cao nhất của người Việt. Hàng năm, vào dịp lễ hội, Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh lại đón hàng triệu lượt đồng bào về viếng Mộ Tổ, tri ân công đức tổ tiên

Vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, trong tâm khảm của mọi người con đất Việt dù ở trong nước hay Việt Kiều ta ở ngoài nước đều hướng về Đất Tổ.

Năm nay, đúng vào ngày 
16/4, tức 10/3 âm lịch- hàng triệu người con đất Việt lại hành hương về với Đất Tổ, về với cội nguồn.  Sáng nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng nhiều vị lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và hàng triệu người dân khắp mọi miền Tổ quốc đã kính cẩn dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Trong không khí trang nghiêm, thành kính của Giổ Tổ, ông Bùi Minh Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đọc Chúc văn khẳng định ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc Giỗ, ca ngợi công lao các vua Hùng; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các thế hệ người Việt Nam; khẳng định truyền thống yêu nước và lòng biết ơn sâu sắc của con dân đất Việt với các vị vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước.

Trước đó, chiều 15/4, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương, đánh giá cao những kết quả của tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Tổng Bí thư nhấn mạnh: Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, phấn đấu xây dựng Phú Thọ thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Trước mắt, việc tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng cần đảm bảo long trọng, trang nghiêm, thành kính, nêu bật truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức Tổ tiên và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nhân lên niềm tự hào và quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”./.

Anh Đức 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất