Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nêu rõ kinh tế tư nhân là
động lực quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa
đất nước.
Đây được cho là bước tiến trong nhận thức về vai trò và vị trí của khu
vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước. Mặc dù vậy, câu
hỏi được đặt ra là khu vực này đã đủ sức để trở thành đầu tàu của nền
kinh tế hay chưa và đâu là giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân thực sự
trở thành động lực của nền kinh tế.
Đây cũng là nội dung trao đổi của phóng viên với phó giáo sư-tiến
sỹ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư.
- Với tư cách là người tham gia soạn thảo Văn kiện này, ông có thể nói
rõ hơn về quan điểm cũng như định hướng chính sách của Đảng về vấn đề
này?
Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Tất Thắng: Nếu Đại hội Đảng lần
XI cho rằng phải có chính sách cho kinh tế tư nhân để nó trở thành một
trong những động lực phát triển kinh tế thì Văn kiện Đại hội Đảng lần
XII khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng.
Hơn nữa, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII có nêu doanh nghiệp Việt Nam
phải trở thành một lực lượng nòng cốt đi đầu trong việc thực hiện công
nghiệp hóa, hiện đại hóa. Như vậy, có thể khẳng định rằng trong quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tới đây, doanh nghiệp Việt Nam nói
chung và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói riêng phải là lực lượng nòng
cốt đi đầu. Như vậy, vai trò to lớn và lâu dài của nó trong điều kiện
chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường đã được xác nhận hoàn toàn.
- Xin ông đánh giá khái quát về vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân sau 30 năm Đổi mới?
Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Tất Thắng: Có thể nói trong 30
năm Đổi mới vừa qua, kinh tế tư nhân Việt Nam đã đi từ giai đoạn đầu gần
như là số 0 trong bối cảnh kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Trong quá
trình cởi trói cho kinh tế tư nhân phát triển thì nó phát triển rất
nhanh.
Đến giai đoạn 5 năm gần đây (2011-2015), riêng khu vực kinh tế tư nhân
đã giải quyết việc làm cho 86% lực lượng lao động. Khu vực sản xuất tư
nhân đã sản xuất ra được 47-48% GDP bình quân cho 5 năm vừa rồi, còn cả
hai khu vực nhà nước và FDI cộng vào cũng chỉ trên 52-53%/năm. Rõ ràng,
xét về tương quan lực lượng, kinh tế tư nhân đã tạo ra lượng GDP rất lớn
cho xã hội.
Và một điểm cần chú ý nữa, đó là, trong khi khu vực tư nhân chiếm tới
86% lao động và đã đầu tư vào tổng đầu tư nền kinh tế khoảng 36-38%. Với
một lượng đầu tư ít mà phải giải quyết cho một lượng lao động lớn và
sản xuất ra gần một nửa GDP thì xét ở một chừng mực nào đó, có thể coi
khu vực này tạo ra sự ổn định cho xã hội về việc làm và đời sống chung.
- Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù Việt Nam đã có những nỗ lực
rất lớn trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực
kinh tế tư nhân song khu vực này vẫn chưa thực sự có được môi trường
kinh doanh bình đẳng so với các khu vực kinh tế khác. Quan điểm của ông
về vấn đề này?
Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Tất Thắng: Trong dư luận và qua
điều tra thực tế, người ta thấy rằng có khá nhiều lĩnh vực vẫn còn tồn
tại sự bất bình đẳng giữa các khu vực kinh tế. Trước đây, trong quá
trình xây dựng kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khu vực kinh tế nhà nước
được tạo điều kiện tối đa để hoạt động.
Đến nay, chúng ta đang bình đẳng hóa tất cả các thành phần kinh tế thì
vẫn còn đâu đó những ưu đãi cũ. Khu vực đầu tư nước ngoài, chúng ta có
nhiều chính sách trải thảm đỏ nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước,
theo nhiều ý kiến chưa được hưởng những điều kiện như vậy. Kinh tế tư
nhân chưa được hoàn toàn bình đẳng, đặc biệt trong việc tiếp cận với các
nguồn lực phát triển như nguồn vốn vay hay các chính sách khác liên
quan đến điều kiện lao động, tiếp cận vốn, xuất nhập khẩu chưa thực sự
bình đẳng.
- Sau 30 năm phát triển, nhất là sau khi có Luật Công ty và Luật Doanh
nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn chưa thể cất cánh. Việt Nam
vẫn thiếu các doanh nghiệp tư nhân lớn, vậy việc định hướng phát triển
một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn cần đặt ra như thế nào thưa ông?
Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Tất Thắng: Bất kỳ một quốc gia nào muốn
công nghiệp hóa thành công cũng cần có trong tay một lực lượng các tập
đoàn tư nhân lớn. Việt Nam cũng phải có một số tập đoàn tiêu biểu như
những biểu tượng phát triển kinh tế thị trường. Nhằm mục tiêu đó, chúng
ta cần thiết kế những chính sách để hỗ trợ, đảm bảo cho ra đời những tập
đoàn có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các tập đoàn kinh tế lớn cũng có xu hướng độc quyền. Nếu
không có chính sách cạnh tranh lành mạnh và minh bạch sẽ dẫn đến tình
trạng các tập đoàn này sẽ khuynh đảo quá trình phát triển kinh tế và thị
trường không có lợi cho người tiêu dùng và xã hội. Vì vậy, các nước đều
phải có luật cạnh tranh lành mạnh, rõ ràng và minh bạch. Chúng ta cũng
sẽ phải như vậy.
Nhưng trong giai đoạn này, khi chúng ta chưa có các tập đoàn lớn, thì
song hành với luật cạnh tranh, chúng ta phải có những chính sách đủ mạnh
để hỗ trợ cho những tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam.
- Theo ông, để đạt được mục tiêu như văn kiện Đại hội XII đưa ra với
kinh tế tư nhân, Đảng và Nhà nước đã có định hướng chính sách gì để khu
vực kinh tế tư nhân có thể phát huy hết tiềm năng?
Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Tất Thắng: Tôi cho rằng muốn
cho kinh tế tư nhân phát triển phải có môi trường kinh doanh thực sự hỗ
trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển tự do của doanh nghiệp theo tinh
thần Điều 33 của Hiến pháp.
Điều đầu tiên chúng ta phải làm là xác lập một môi trường thể chế phù
hợp. Trong đó, luật pháp phải rõ ràng, minh bạch và quyền sở hữu, quyền
tài sản phải được pháp luật bảo hộ.
Thứ hai, những dòng đầu vào của sản xuất như vốn hay lao động phải được
tự do di chuyển. Nếu nói đến tự do di chuyển lao động, chúng ta phải cải
cách chế độ hộ khẩu, hộ tịch. Nói đến quyền tiếp cận vốn thì phải có
chính sách về cả vay vốn ngân hàng lẫn thị trường chứng khoán. Ngoài ra,
đầu ra của sản phẩm cần có luật pháp, chính sách rõ ràng, minh bạch, có
hiệu lực.
- Thưa ông, tổng kết 30 năm Đổi mới, chúng ta có thể rút ra những
bài học kinh nghiệm gì về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cho
giai đoạn phát triển tiếp theo?
Phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Tất Thắng: Báo cáo chính trị
Đại hội Đảng lần thứ XII phân tích, tổng kết quá trình 30 năm Đổi mới
kinh tế ở Việt Nam và rút ra 5 bài học lớn. Trong đó, có ba bài học có
thể vận dụng cho phát triển kinh tế tư nhân.
Trước hết, đó là bài học Đổi mới phải lấy dân làm gốc. Đây là một bài
học tổng quát chung. Vận dụng vào phát triển kinh tế, dân làm gốc thì
kinh tế dân doanh phải là gốc. Có nghĩa Việt Nam phải khuyến khích mạnh
mẽ sự phát triển của mọi thành phần kinh tế mà như số liệu lúc đầu phân
tích thì phần lớn là kinh tế tư nhân.
Bài học thứ hai là đổi mới toàn diện và đồng bộ có bước đi phù hợp với
quy luật khách quan và tình hình thực tế. Trong bối cảnh Việt Nam từ sản
xuất nhỏ đi lên, chúng ta còn đang thiếu rất nhiều đội ngũ doanh
nghiệp. Vì vậy, để phù hợp với quy luật khách quan, chúng ta cần thúc
đẩy mạnh mẽ, khuyến khích nhiều hơn nữa việc hình thành doanh nghiệp tư
nhân.
Bài học tiếp theo, đó là đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết để
đánh giá sự phát triển. Các chính sách phải lấy lợi ích quốc gia dân tộc
lên hàng đầu. Xét về khía cạnh này trong tương quan kinh tế thế giới,
chúng ta cần có lực lượng doanh nghiệp của chính người Việt Nam làm chủ.
- Xin cảm ơn ông./.
Quốc Huy (TTXVN)