Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Chủ Nhật, 24/4/2016 11:11'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm

Đại diện chính quyền huyện Văn Bàn và các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện ký cam kết đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm

Đại diện chính quyền huyện Văn Bàn và các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện ký cam kết đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 7/1/2016 của Văn phòng Chính phủ; Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-  BNN-QLCL ngày 02/03/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc Ban hành Kế hoạch hành động Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; Căn cứ thực tế công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua và dự báo diễn biến tình hình năm 2016. Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về VSATP ban hành Kế hoạch số 241/KH-BCĐTƯVSATTP ngày  22 /03/2016 về việc triển khai 

“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2016 (sau đây gọi tắt là Tháng hành động). Cụ thể như sau: Chủ đề Tháng hành động năm 2016: “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”; Thời gian: 15/04/2016 đến 15/5/2016, nhằm: 

Một là, giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.

Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối, cung ứng rau, thịt, nông sản.

Ba là, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất an toàn thực phẩm.

Theo đó, các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” (ATTP) năm 2016 nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp và người lãnh đạo quản lý; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP. 

Phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016" 

* Tây Ninh: Sáng ngày 20/04/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016.  Buỗi lễ có sự tham dự gần 350 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các Sở, Ban, ngành, các đoàn thể, đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia diễu hành Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016.

Đến dự và chỉ đạo buổi lễ có Ông Nguyễn Thanh Ngọc, PCT Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh. Tại buỗi lễ lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh đã phát biểu khai mạc và phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Thanh Ngọc PCT Thường trực UBND tỉnh đã khẳng định ATTP không chỉ có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người và còn góp phần phát triển kinh tế xã hội. ATTP đã trở thành những vấn đề được quan tâm hàng đầu của người dân, nhiệm vụ cấp bách, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, liên tục và kiên quyết.

Với chủ đề  "tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn". Đồng chí kêu gọi và đề nghị các Sở ,ban, ngành, UBND các cấp, các tổ chức, cá nhân đặc biệt là người sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau, củ, quả, và thịt hãy tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATTP.

Sau lễ phát động, các lực lượng đã tham gia diễu hành rầm rộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với các xe loa cổ động, băng ron- khẩu hiệu hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016. Góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP đối với rau, thịt. 

* Lào Cai: Sáng 20/4, tại huyện Văn Bàn, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016. Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 với chủ đề: “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, với mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước và người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm; sớm rà soát, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạo thuận lợi cho công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, trường học có bếp ăn tập thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Hưởng ứng “Tháng hành động”, đồng chí Trần Thị Việt, Phó chủ tịch UBND huyện, trưởng Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện Văn Bàn đại diện cho cấp uỷ, chính quyền cấp cơ sở phát biểu nêu cao vai trò trách nhiệm của UBND các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân.

Phát biểu tại buổi lễ còn có đại diện các cơ sở sản xuất, chê biến kinh doanh thực phẩm cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo qui định của pháp luật nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm. Cũng tại buổi lễ, đại diện chính quyền huyện Văn Bàn và 9 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện đã ký cam kết đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

* Ninh Bình:  Ngày 23/4, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016" với chủ đề "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn". 

Lễ phát động có mục đích tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Ninh Bình, những năm qua công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại Ninh Bình được quan tâm và đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó đã thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm theo chiều hướng tốt hơn. Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm được quan tâm, góp phần phát hiện, cảnh báo nguy cơ các thực phẩm không an toàn cho người tiêu dùng, phòng chống ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra. Hiện vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng các vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm như: tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng trong trồng trọt, chăn nuôi; ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng chưa cao. 

Để đạt được mục đích quan trọng của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Ninh Bình đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người; quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Các ngành hữu quan tập trung giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm một cách quyết liệt, bài bản, từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn; xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi... Ngay sau Lễ phát động, đoàn viên, thanh niên của các đơn vị tổ chức diễu hành tuyên truyền về Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên các trục đường chính của thành phố Ninh Bình.

Thanh tra, kiểm tra, đình chỉ cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống gây ngộ độc 

* Bình Phước:
Cục An toàn thực phẩm cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể chung của 3 công ty gồm: LISHENG, XINREN và SUNGJU (tại Khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) làm hàng trăm công nhân ngộ độc và phải nhập viện điều trị, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo xử lý. 

Kết quả bước đầu ghi nhận, đơn vị cung cấp suất ăn gây ngộ độc chưa có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, điều đó cho thấy có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, đã có văn bản đề nghị Chánh văn phòng UBND tỉnh và Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước chỉ đạo, tổ chức khám, cấp cứu và điều trị kịp thời cho số công nhân bị ngộ độc. Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống của cơ sở gây ngộ độc thực phẩm; điều tra, xác định rõ nguyên vụ ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm nghi ngờ gây ra ngộ độc; triển khai các biện pháp xử lý hiệu quả nhằm ngăn chặn, không để xảy ra thành dịch trên địa bàn. 

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở gây ra ngộ độc thực phẩm theo quy định pháp luật, công khai tên cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn

* Hà Nam: Ông Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh Hà Nam đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm gồm các cơ quan chức năng như y tế, nông nghiệp, công an và quản lý thị trường để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016. 

Tỉnh Hà Nam cũng chỉ đạo các Đoàn thanh tra xử lý nghiêm, hoặc đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm vượt quá thẩm quyền giải quyết của Đoàn theo quy định của pháp luật. Đồng thời giao Giám đốc Sở Y tế tỉnh chỉ đạo, theo dõi, giúp Chủ tịch UBND tỉnh xử lý hoặc trình Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền kiến nghị của các Đoàn thanh tra. Các Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm với số lượng lớn như vùng sản xuất, chăn nuôi an toàn, chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, cơ sở nhập khẩu thực phẩm; ngăn chặn, phòng ngừa cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và sử dụng nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo an toàn... 

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 (từ ngày 14/4-15/5), với chủ đề "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn", tỉnh Hà Nam cũng tập trung tuyên truyền về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh rau; cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh thịt; chính quyền các cấp, ban quản lý chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở tiêu dùng rau, thịt (nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…) và người tiêu dùng thực phẩm nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với rau, thịt là sản phẩm tiêu thụ hàng ngày.  Năm 2015, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của tỉnh Hà Nam đã có những chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, hạn chế trùng lặp, chồng chéo, xử lý nghiêm, kịp thời những cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Tỷ lệ vi phạm về an toàn thực phẩm giảm từ 49,2% năm 2014 xuống 45,5%; trên địa bàn tỉnh không xảy ra tử vong do ngộ độc thực phẩm.

* Hòa Bình: Giám đốc Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hoà Bình Bùi Quang Huấn cho biết: Những năm qua, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hoà Bình đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra liên ngành nhân "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” theo chủ đề hàng năm. Qua triển khai các hoạt động, nhận thức của người tiêu dùng và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nâng lên, việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong “ Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” này , đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hoà Bình sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất tại các điểm kinh doanh thực phẩm trong các khu danh lam, thắng cảnh thu hút đông du khách như: Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; đền Bờ, huyện Cao Phong và Đà Bắc; quần thể di tích Núi Đầu Rồng, huyện Cao Phong...

Hiện nay, Hoà Bình có trên 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh về dịch vụ ăn uống, thực phẩm chức năng, nước uống đóng bình, chai; gần 2.000 cơ sở sản suất kinh doanh nguồn thực phẩm động vật, thủy sản, thực vật, vật tư nông nghiệp và trên 1.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm các loại. Trong năm qua, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hoà Bình đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hơn 800 cơ sở; ký cam kết với 15 bếp ăn tập thể; phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ, lao động làm trong nghề chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tổ chức được hơn 400 đoàn kiểm tra và đã kiểm tra được trên 7.600 cơ sở, trong đó có gần 2.000 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, phạt tiền gần 300 triệu đồng. Do đó, số cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm giảm, trật tự dịch vụ thức ăn đường phố được lập lại, tạo mỹ quan đô thị và an tâm cho khách tham quan du lịch; số cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngày một tăng, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe người dân và thúc đẩy kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, sự đồng tình của các ngành, các cấp và người dân trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp phát hiện nhanh các sai phạm, xử lý kịp thời để bảo vệ người tiêu dùng, người sản xuất chân chính và nghiêm trị các hành vi không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Để định hướng cho các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2016, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hoà Bình đã tập trung công tác truyền thông về bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch thành lập các đoàn thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, bằng hình ảnh trực quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng... 

Nhân rộng mô hình điểm an toàn thực phẩm


* Hà Nội: Để tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và văn minh đô thị, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình điểm về an toàn thức ăn đường phố, mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn và đảm bảo an toàn thực phẩm tại 30 tuyến phố văn minh đô thị. Đặc biệt, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, các đơn vị chức năng trong quản lý cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết xử phạt khi có vi phạm an toàn thực phẩm theo phân cấp. 

Theo báo cáo của UBND, thành phố hiện đã triển khai thí điểm quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố từ năm 1998 và đến nay, ở 100% xã, phường, thị trấn. Phường Trung Liệt, tuyến phố Núi Trúc và 30 tuyến phố văn minh của 30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố với nhiều biện pháp để tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với dịch vụ kinh doanh ăn uống và thức ăn đường phố. 

Qua quá trình triển khai đến nay, đã có 99% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã ký cam kết đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm với chính quyền địa phương; kiến thức thực hành các nhóm đối tượng tăng so với năm 2013 (người quản lý tăng từ 59,1% lên 86,8%; người kinh doanh, chế biến tăng từ 58% lên 82,9%; người tiêu dùng tăng từ 72,6% lên 83,5%). Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm chưa đảm bảo 10 tiêu chí vẫn còn khá nhiều. Vi phạm nhiều nhất là chế biến, bày bán ngay trên vỉa hè không che đậy, cơ sở chật hẹp, chung với nơi sinh sống của gia đình. Nhiều điểm bán hàng rong không có dụng cụ đảm bảo vệ sinh, bán hàng ngay cạnh rãnh thoát nước. Nhiều chủ cơ sở chưa tuân thủ quy định đảm bảo an toàn thực phẩm, vì lợi nhuận coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. 

Để khắc phục những tồn tại, Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm quận, huyện, thị xã định kỳ 6 tháng kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm của xã, phường, thị trấn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do xã, phường quản lý. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trực thuộc liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai quyết liệt các công tác như đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tới các nhóm đối tượng, trọng tâm là người chủ cơ sở và người chế biến… Bên cạnh đó, huy động các cơ quan chức năng, lực lượng liên ngành phối hợp kiểm tra đảm bảo mỹ quan đô thị, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, nêu tên các cơ sở vi phạm trên đài phát thanh xã, phường để người tiêu dùng biết không sử dụng; chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… 

Sở Y tế là cơ quan thường trực giúp UBND thành phố triển khai kế hoạch, hướng dẫn chuyên môn cho các quận, huyện, thị xã quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai mô hình điểm về cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới. Đồng thời, tăng cường phối hợp với đơn vị chức năng tuyến quận, huyện kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do quận, huyện, xã, phường quản lý. Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng kiểm soát chất lượng, nguồn gốc thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu cho chính quyền tổ chức tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, dẹp bỏ các cơ sở lấn chiếm vỉa hè, bán hàng tại các điểm không được phép, các hàng rong cổng trường học, bệnh viện, chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

TG tổng hợp

 

 

 

 

 

 

 

 



 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất