Thứ Hai, 14/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 25/12/2013 22:49'(GMT+7)

Giáo dục lối sống văn hoá cho sinh viên ở Thanh Hoá hiện nay

Thanh Hóa là một tỉnh có dân số đông. Quê hương cách mạng anh hùng và thấm đấm văn hóa Xứ Thanh hun đúc qua chiều dài lịch sử đã ảnh hưởng đến tình cảm, lối sống sinh viên các trường đại học, cao đẳng của tỉnh. Hiện nay Tỉnh Thanh Hóa có 03 trường đại học, 04 trường cao đẳng với tổng số 22.831 đoàn viên thanh niên. Bức tranh chung có thể nhận diện được là sinh viên Thanh Hóa có lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới đất nước. Đại bộ phận sinh viên Thanh Hóa năng động, sáng tạo, ham học hỏi, quyết tâm học tập, rèn luyện để lập thân, lập nghiệp và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, trong thời đại thông tin đa chiều và tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường một bộ phận sinh viên còn có biểu hiện sống thực dụng, đua đòi, xa hoa, thiếu văn hóa, quan hệ tình bạn, tình yêu lệch lạc. Trong các nhà trường có một số hiện tượng như: bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, lối sống buông thả, không lành mạnh, đề cao những yếu tố hiện đại, coi nhẹ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lối sống văn hoá cho sinh viên ở Thanh Hoá, góp phần xây dựng lớp sinh viên với những phẩm chất mới nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa , phấn đấu đến năm 2020 đưa Thanh Hoá trở thành một trong những tỉnh tiên tiến, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Đảng ủy,, Ban giám hiệu các trường đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện lối sống văn hóa cho sinh viên

Trước hết cần nhận thức sâu sắc và phải quán triệt đến từng đảng viên, tới tất cả cán bộ giảng viên trong trường về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục lối sống văn hóa cho sinh viên. Phải thực sự coi đây là một nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu và là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng. Tránh tình trạng hình thức, nửa vời trong nhận thức và trong hành động của một số cấp ủy đối với công tác này. Lãnh đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định về công tác giáo dục phẩm chất, chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong các  học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ban hành theo quyết định số 50/2007/QĐ- BGDĐT ngày 29/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quy định về đạo đức nhà giáo ban hành theo quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/04/2008 của Bộ trưởng BGiáo dục và Đào tạo. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kiểm tra, đánh giá nghiêm túc tất cả những chủ trương của Đảng, các qui định, các cuộc vận động lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên. Phải xây dựng được một môi trường giáo dục mà trong đó thực sự “thầy ra thầy, trò ra trò”, có như vậy hoạt động giáo dục lối sống văn hóa cho sinh viên mới đạt được hiệu quả cao nhất. Thực hiện tốt công tác quản lí sinh viên trong cả thời gian lên lớp và tự học, đặc biệt là sinh viên ngoại trú. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc, công bằng, khách quan, công khai quy trình đánh giá, phân loại sinh viên theo tinh thần của quyết định số 60/ 2007 QĐ- BGDĐT về quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học và trường trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy.Tạo niềm tin, động lực tốt để sinh viên phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện. Làm tốt công tác khen thưởng, kỉ luật sinh viên tạo động lực khuyến khích sinh viên phấn đấu vươn lên, đồng thời răn đe, ngăn ngừa những hành vi gian lận, sai trái trong sinh viên.

Mặt khác, cần tạo điều kiện cho Đoàn thanh niên, Hội sinh viên xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giáo dục đoàn viên, sinh viên. Tổ chức thực hiện tốt phong trào Xây dựng đời sống văn hóa trong nhà trường, tạo ra môi trường lành mạnh cho sinh viên học tập, rèn luyện. Định kì lãnh đạo Đảng ủy, nhà trường phải tổ chức tốt các hội nghị đối thoại trực tiếp với sinh viên để kịp thời nắm bắt được diễn biến tư tưởng của sinh viên, giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của họ, tạo niềm tin, động lực để họ học tập, rèn luyện và cũng là để định hướng cho công tác giáo dục lối sống văn hóa cho sinh viên.

Thứ hai, cần hiểu rõ giáo dục lối sống văn hóa là một quá trình lâu dài, phải bền bỉ, kiên trì và nhẫn nại.

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng, lối sống mới không phải từ trên trời sa xuống mà được hình thành thông qua con đường giáo dục và tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi người. Thực chất của việc giáo dục lối sống là làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi. Đó là một quá trình lâu dài có lắm khó khăn, phức tạp bởi vì cái tốt giống như lúa phải vun trồng, chăm sóc rất khó nhọc thì mới tốt tươi được. Còn cái xấu ví như cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Chính vì thế, việc giáo dục lối sống văn hóa cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không được xem nhẹ hoặc xao nhãng. Giáo dục hình thành lối sống văn hóa cho sinh viên đòi hỏi các lực lượng tham gia giáo dục phải nhận thức rõ điều này. Phải tận tâm, tận lực, kiên trì, bền bỉ, không ngừng tìm tòi các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục.

Thứ ba, phát huy ý thức tự giáo dục, rèn luyện của sinh viên

Trong lĩnh vực giáo dục lối sống văn hóa, các giải pháp của gia đình, nhà trường và xã hội dẫu có làm thật tốt cũng không thể thay thế yếu tố tự giáo dục, rèn luyện của bản thân sinh viên. Do đó, cùng với giáo dục thì cần phải biết khích lệ, phát huy ý thức tự giáo dục, tự tu dưỡng, tự rèn luyện của sinh viên. Tự giáo dục, rèn luyện lối sống văn hóa là quá trình mà trong đó sinh viên tự hoàn thiện, tự biến đổi, tự thích nghi với môi trường và điều kiện sống, là khả năng biết tự kiềm chế, tự khuôn mình vào những chuẩn mực xã hội để vươn tới nhân cách mà xã hội đặt ra. Muốn tự giáo dục thành công, sinh viên phải có ý thức tự giác cao, phải luôn biết lục vấn lương tâm, có ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên, phải biết xấu hổ và cương quyết đấu tranh với những thói hư, tật xấu của bản thân, phải biết biến những tri thức văn hóa đã tiếp thu được từ gia đình, nhà trường, xã hội thành sự hiểu biết của bản thân thành tình cảm, niềm tin văn hóa và được thể hiện ở hành vi văn hóa của chính mình. Để việc tu dưỡng, rèn luyện của sinh viên có kết quả, ngoài nỗ lực của bản thân sinh viên thì cần có sự quan tâm, định hướng, giáo dục và hỗ trợ kịp thời từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.

Thứ , tăng cường và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục lối sống văn hóa cho sinh viên.

Quá trình giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội có những đặc trưng riêng, ưu thế riêng. Sự thống nhất biện chứng giữa giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội là yếu tố quyết định quá trình hình thành lối sống văn hóa cho sinh viên. Sự bất cập ở mỗi yếu tố đều có thể dẫn đến sự xuất hiện những nhân cách mà xã hội không mong muốn. Tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phối hợp quản lý, giáo dục sinh viên, nhất là sinh viên ngoại trú.

Thứ năm, kết hợp chặt chẽ học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn.

Thực hiện phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn trong công tác giáo dục lối sống văn hóa cho sinh viên nên bắt đầu từ việc xây dựng một chương trình “tổ chức giáo dục ngoài giờ lên lớp” với các yêu cầu và nội dung nhất định nhằm củng cố nhận thức, hình thành niềm tin, rèn luyện hành vi, kỹ năng, thói quen ứng xử có văn hóa phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: giao lưu dã ngoại, tham quan du lịch, các hoạt động xã hội từ thiện, mùa hè xanh, đền ơn đáp nghĩa ... Các hoạt động này giúp sinh viên liên hệ thực tiễn, tránh được sự nặng nề, thụ động của phương pháp giáo dục truyền thống. Trong môi trường thực tiễn, sinh viên có dịp thực hành các bài giảng đạo đức, lối sống trên lớp thông qua hành vi của mình. Nhờ đó, giáo viên có thể phát hiện và kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và hành động của sinh viên. Hơn nữa, chính những hoạt động thực tiễn thiết thực sẽ tạo điều kiện cho quá trình tự giáo dục của sinh viên, giúp quá trình hình thành những phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp ở sinh viên nhanh hơn, phong phú và sâu sắc hơn.

Thứ sáu, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho sinh viên.

Tổ chức các hoạt động sinh hoạt, vui chơi giải trí lành mạnh cho sinh viên là nhân tố quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên. Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khoá sinh viên hiểu biết về xã hội, về pháp luật, về truyền thống, phát huy năng khiếu, sở thích, hình thành và phát triển tính cộng đồng, ý thức tập thể, định hướng cho mối quan hệ cá nhân, tập thể xã hội, từ đó điều chỉnh hành vi của bản thân cho phù hợp với chuẩn mực xã hội, bớt đi tính cá nhân vị kỷ. Tham gia sinh hoạt đoàn thể, giao lưu văn hóa còn là phương tiện để đưa sinh viên vào hoạt động chính trị xã hội, tạo điều kiện phát triển toàn diện, học tập và rèn luyện tốt hơn.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, có thể trong thời gian ngoại khóa như nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm, nhất là các ngày lễ của tuổi trẻ như ngày thành lập Đoàn 26/3, ngày học sinh, sinh viên toàn quốc 9/1 hay những ngày sinh hoạt chính trị đầu năm, đầu khóa…song phổ biến và thường xuyên là vào thời gian rỗi của sinh viên. Nội dung hoạt động phải phong phú, hấp dẫn, lành mạnh, có tác dụng giáo dục cao như: tổ chức các hoạt động khai trí; các hoạt động câu lạc bộ theo sở thích, năng khiếu, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giữa các trường; tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch thắng cảnh, di tích lịch sử và các hoạt động mang tính chất từ thiện. Đưa sinh viên vào hoạt động ngoại khóa là hình thức quan trọng góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống văn hóa trong sinh viên. Các cấp lãnh đạo cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của mảng hoạt động này, coi công tác này cũng là một trọng tâm của giáo dục và đào tạo từ đó nâng cao tầm lãnh đạo và sự quan tâm, đầu tư trí tuệ nhiều cho công tác này. Ngoài các nguồn kinh phí cho đào tạo nói chung, cần bổ sung kinh phí từ các nguồn thu nhập khác để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của sinh viên. Xây dựng thêm và cải tạo các khu văn hóa thể thao của các nhà trường nhằm tạo ra môi trường nâng cao chất lượng hoạt động ngoại khóa để thu hút sinh viên vào các hoạt động tích cực, hữu ích hạn chế các hiện tượng tiêu cực. Một trong những công cụ quan trọng phục vụ cho công tác ngoại khóa là tổ chức hoạt động của nhà văn hóa và sân bãi thể thao cùng với các điều kiện vật chất kèm theo cho hoạt động.

Thứ bảy, đổi mới nội dung, phương pháp và đa dạng hóa hình thức giáo dục lối sống văn hoá

Để nâng cao chất lượng giáo dục lối sống văn hóa cho sinh viên, cùng với việc đổi mới nội dung không thể không đổi mới phương phápđa dạng hóa giáo dục đạo đức, lối sống văn hoá cho sinh viên. Do đó phải tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục lí luận chính trị cho sinh viên theo hướng sau:

Chuyển từ quan điểm “lấy giáo viên làm trung tâm” với phương pháp giảng dạy độc thoại đang còn phổ biến hiện nay sang quan điểm “lấy học sinh làm trung tâm” với phương pháp dạy học tích cực. Phương pháp dạy học tích cực là giảng viên cung cấp tri thức cơ bản, sinh viên thu nhận; giảng viên nêu vấn đề mở rộng, sinh viên tự tìm cách giải quyết vấn đề với sự giúp đỡ của giảng viên, cuối cùng giảng viên và sinh viên cùng đánh giá.Với phương pháp này sinh viên sẽ có điều kiện thể hiện vốn sống, sự hiểu biết cuả mình. Được vận dụng lí luận để phân tích làm sáng tỏ những vấn đề của thực tiễn. Được tiếp nhận tri thức không phải do áp đặt mà trên cơ sở tranh luận khoa học. Từ đó sẽ giúp cho sinh viên hiểu sâu sắc tri thức và biến tri thức thành niềm tin vững chắc. Phương pháp này đòi hỏi khả năng tự học rất cao của sinh viên.

Ngoài ra đổi mới phương pháp giảng dạy đòi hỏi giáo viên cần tăng cường, sử dụng các trang thiết bị phục vụ trợ giảng. Đó là các phương tiện tranh, ảnh, hệ thống nghe, nhìn…Hình thức giáo dục cũng phải hết sức đa dạng. Giáo dục lối sống văn hóa cho sinh viên không chỉ bó hẹp ở việc lên lớp, giảng bài, thảo luận mà cần mở rộng kết hợp nhiều hình thức khác như: thuyết trình, tọa đàm, giao lưu với những điển hình tiên tiến trong nhà trường và ngoài xã hội…

 Thứ tám, đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng trong các hoạt động của nhà trường

Đảng ủy, Ban giám hiệu các trường đại học, cao đẳng phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của năm học, căn cứ vào nội dung, chương trình hoạt động của từng thời điểm để chỉ đạo các tổ chức, bộ phận có liên quan phát động thi đua trong cán bộ, nhân viên, giảng viên và học sinh, sinh viên trong trường, phát động phong trào như : “mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” trong giáo viên, phát động “văn hóa học đường” trong sinh viên…

Ngoài ra các nhà trường còn xây dựng, bổ sung, hoàn thiện, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy chế về đào tạo, rèn luyện, quản lí sinh viên; quy định về khen thưởng, kỉ luật như: tổ chức các hội nghị tuyên dương, khen thưởng hàng năm đối với những tập thể, cá nhân đạt kết quả xuất sắc trong năm học. Trao các giải thưởng, học bổng khuyến khích học tập cho những sinh viên có nhiều thành tích trong học tập và công tác, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi. Thưởng điểm rèn luyện cho những sinh viên tham gia hoạt động tích cực và đạt nhiều thành tích trong các hoạt động tập thể. Trừ điểm rèn luyện, khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập, buộc thôi học đối với những sinh viên vi phạm các nội quy, quy chế, quy định của nhà trường, và của các tập thể; ban hành quy định về việc xây dựng nếp sống văn hóa trong sinh viên.

 Bên cạnh việc phát động thi đua phải tổng kết, đánh giá biểu dương và khen thưởng kịp thời. Song để thi đua - khen thưởng thực sự trở thành động lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo thì thi đua - khen thưởng phải đi vào thực chất, phải là động lực thúc đẩy mọi hoạt động của các đơn vị trường học và của từng cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên. Để làm được điều đó thì đòi hỏi phải có tiêu chí đánh giá chính xác, khoa học, đồng thời phải tổ chức bình xét trung thực, khách quan, công khai theo một quy trình chặt chẽ, đánh giá đúng thực chất những phấn đấu, rèn luyện, đóng góp của từng cá nhân trong mọi hoạt động của nhà trường.

Thứ chín, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn và từng đoàn viên gắn với các phong trào thi đua và các phong trào văn hóa trong trường học

Giáo dục, xây dựng lối sống lành mạnh trong sinh viên là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội do Đảng lãnh đạo, trong đó Đoàn là tổ chức trực tiếp triển khai thực hiện. Đồng thời lối sống văn hóa lành mạnh của sinh viên trước hết phải được thể hiện sinh động ở các cơ sở đoàn, ở từng đoàn viên.

Để phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong việc giáo dục, xây dựng lối sống lành mạnh cho sinh viên cần phải xây dựng đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nâng cao chất lượng của tổ chức đoàn và từng đoàn viên, sinh viên để Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực sự là hạt nhân chính trị của phong trào thanh niên sinh viên. Đổi mới hoạt động của đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, lợi ích của sinh viên, các phong trào, các cuộc vận động phải xuất phát từ sinh viên, của sinh viên, vì sinh viên và gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Thứ mười, giáo dục tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, lối sống cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo dục nhân cách Hồ Chí Minh là một giải pháp quan trọng nhằm hình thành đạo đức, lối sống mới cho sinh viên hiện nay. Giáo dục nhằm giúp sinh viên hiểu, ngẫm nghĩ về đạo lý làm người của Hồ Chí Minh, để học tập tấm gương đẹp đẽ của Người, sinh viên cần học tập, noi gương Ngườitinh thần suốt đời kiên trì đấu tranh cho độc lập tự do, cho CNXH và CNCS.

Tuyên truyền các hình tượng mẫu mực trong xã hội: những lãnh tụ hết lòng vì nước vì dân tài đức vẹn toàn, các nhà khoa học lỗi lạc, các nhà giáo tiêu biểu, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, người tốt việc tốt. Đồng thời chú trọng giáo dục thông qua nêu gương người tốt, việc tốt ngay trong chính đội ngũ sinh viên.

 Bên cạnh việc nêu cao những tấm gương sáng, gương tốt để sinh viên noi theo, thiết nghĩ hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn nhiều nếu chúng ta biết kết hợp với việc chỉ ra và phê phán những gương mờ, gương xấu để sinh viên biết mà không mắc phải. Ngoài ra, cũng nên tổ chức cho sinh viên giao lưu với những người một thời lầm lỡ nhưng lại biết hoàn lương làm lại cuộc đời, có ý chí nghị lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Chính tiếng nói của những người trong cuộc là lời cảnh tỉnh đối với sinh viên, giúp họ tránh đi vào vết xe đô của người trước.

Lê Thị Nguyệt Linh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất