(TG)-Đánh giá cán bộ là khâu tiền đề, quyết định trong công tác cán bộ, thời gian qua các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đánh giá cán bộ hàng năm, nhiệm kỳ và trước khi quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, bầu cử theo các quy định.
Tuy nhiên, thực tế công tác đánh giá cán bộ của tỉnh đến nay vẫn là khâu yếu, việc cụ thể hóa tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ chưa cụ thể và thiếu định lượng. Việc đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu chưa lấy hiệu quả công việc, sản phẩm đầu ra làm thước đo, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Xác định được tầm quan trọng của công tác đánh giá cán bộ nên ngay sau Đại hội Đảng bộ lâng thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai việc giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện tại Quyết định số 117-QĐ/TU ngày 13/01/2021 và coi đây là bước đầu việc thực hiện đánh giá cán bộ bằng sản phẩm.
Qua một thời gian triển khai, bước đầu cho thấy hiệu quả rất rõ rệt, nhận thức của cán bộ được giao nhiệm vụ rõ hơn, sâu hơn và tích cực hơn. Nhiều địa phương đã cụ thể hóa nhiệm vụ, xác định nhiệm vụ cụ thể, các vấn đề trọng tâm cần giải quyết, có chỉ tiêu đã đạt và vượt nhiệm vụ được giao như thành lập mới tổ chức đảng trong doanh nghiệp có 4 đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ (Phúc Yên, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường), 1 đơn vị vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ giao (huyện Lập Thạch); tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới là một trong những nhiệm vụ khó trong điều kiện hiện nay đã có 3/9 đơn vị đạt tỷ lệ trên 65% kết nạp đảng viên mới. Việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đã góp phần chấm dứt tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ” “che chắn”, giữ “an toàn”.
Nhằm làm tốt hơn nữa việc đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, Ban Tổ chức tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định thí điểm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và đánh giá người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bằng sản phẩm.
Từ năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thí điểm giao chỉ tiêu nhiệm vụ, đánh giá, xếp loại người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị: Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo; Bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Từ năm 2022, mở rộng đối tượng đánh giá bằng sản phẩm đến cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý theo khung chỉ tiêu nhiệm vụ như: Đối với người đứng đầu các sở thuộc UBND tỉnh: Việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị; Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính và các chỉ số năng lực cạnh tranh của đơn vị; Việc thực hiện các giải pháp đột phá, khơi thông điểm nghẽn của đơn vị; Việc thực hiện các nhiệm vụ mới, đột xuất phải tập trung chỉ đạo.Đối với người đứng đầu các huyện, thành phố:Việc thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh của địa phương (về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; về kinh tế - xã hội; về môi trường; về an ninh - quốc phòng);Việc thực hiện các nhiệm vụ mới, đột xuất phải tập trung chỉ đạo.
Sau khi sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và đánh giá người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bằng sản phẩm sẽ tiến tới triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.
Cụ thể hóa cơ chế đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa ban hành Quy định 371 về giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Quy định được nhiều cán bộ, đảng viên cơ sở đánh giá cao và cho rằng rất thiết thực, cụ thể, rõ vai trò, trách nhiệm.
Dựa trên nguyên tắc cốt lõi lấy phẩm chất chính trị, đạo lức, lối sống làm gốc; lấy kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao làm thước đo đánh giá cán bộ, Quy định 371 chỉ rõ việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong năm 2021, thí điểm giao nhiệm vụ đánh giá người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị và Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Ngay sau khi Quy định 371 được ban hành, nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng, lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định đánh giá cán bộ một cách hệ thống, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian. Như vậy công tác đánh giá cán bộ sẽ đi vào thực chất, điều này vừa làm tăng trách nhiệm của cá nhân vừa nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy.
Cũng theo nhiều cán bộ, đảng viên Quy định 371 là kênh quan trọng để cấp ủy các cấp kiểm tra, giám sát hiệu quả công việc của cán bộ đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, từ đó có sự nhìn nhận đa chiều, xác thực để đánh giá đúng cán bộ, đồng thời là cơ chế, thước đo để đảng viên và Nhân dân giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ.
Đánh giá cán bộ được coi là khâu mở đầu mang tính quyết định trong công tác cán bộ, đánh giá đúng sẽ bố trí đúng người, đúng việc, phát huy được năng lực, sở trường, sáng tạo của cán bộ, giúp bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Quy định giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị cao nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ./.
Song Huế