Lấy học sinh làm trung tâm
Phóng viên (PV): Giáo sư có thể nêu những lý do cụ thể vì sao chúng ta cần phải thay đổi chương trình, SGK hiện hành?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Với tư cách là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, tôi chỉ xin nói về chương trình Sinh học ở bậc phổ thông để minh họa cho tính vừa nặng lại vừa không chuyên sâu của chương trình, SGK hiện hành. Chương trình môn học này hiện nay đúng như một chương trình đại học sư phạm thu nhỏ lại. Có đủ cả động vật không xương, động vật có xương, giải phẫu - sinh lý người và động vật, thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao...
Nặng mà sâu thì còn đi một nhẽ, nhưng ở đây kiến thức lại rất nông, có nhiều nội dung không cần thiết. Liệu rằng một học sinh 12 tuổi có nhớ nổi sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như vỏ, tầng sinh vỏ, thịt vỏ, mạch rây? Học sinh 13 tuổi có thể nhớ các bộ phận thùy khứu giác, hành tủy, tủy sống của con thằn lằn?
Thêm vào đó, ngành giáo dục nước ta hiện đang chỉ chú trọng phần giáo dục kiến thức, chưa quan tâm tới phần giáo dục đạo đức, kỹ năng sống…
PV: Vậy theo giáo sư, chủ trương xây dựng một chương trình, nhiều SGK được nêu trong Đề án sẽ khắc phục được hạn chế nêu trên?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi hết sức hoan nghênh chủ trương lấy thay đổi chương trình và SGK làm công việc ưu tiên trong việc Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta.
Tôi cho rằng chủ trương xây dựng chương trình, SGK đã được Nhà nước xác định là rất hợp lý. Mục tiêu giáo dục là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Đồng thời, việc thay đổi này nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, phát triển khả năng sáng tạo và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đặc biệt chương trình mới, SGK mới lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy giáo, cô giáo.
Cần bàn thấu đáo việc phân ban
PV: Theo đề án, chương trình mới được xây dựng, thẩm định và ban hành trước làm cơ sở cho việc biên soạn SGK. Theo giáo sư, chúng ta cần chuẩn bị những gì để có được một chương trình chuẩn?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Khi đã có một chương trình chuẩn đáp ứng các tiêu chí này rồi thì việc biên soạn SGK chỉ còn là công việc của đông đảo người biên soạn và các nhà xuất bản. Tuy nhiên theo tôi, muốn làm chương trình trước hết phải bàn xem nên phân ban từ lớp nào và phân ban sâu đến mức nào.
Theo Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông: Chương trình mới cũng sẽ phân ra hai giai đoạn tương ứng của giáo dục phổ thông. Giai đoạn một là tiểu học và trung học cơ sở trang bị kiến thức nền tảng. Giai đoạn hai là giáo dục định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn. Nhưng trước đây chúng ta đã từng thất bại trong việc phân ban. Vậy, bây giờ có nên phân ban ngay từ lớp 10 với quá nhiều sự lựa chọn phân ban như dự kiến hiện nay hay không?
Tôi đã hỏi rất nhiều giáo viên phổ thông. Họ cho rằng cách phân ban như vậy cùng với việc thi tốt nghiệp chỉ có 4 môn sẽ không thể tránh khỏi tình trạng học lệch. Trên thế giới người ta chủ trương học gì thi nấy, nhưng chúng ta lại tạo điều kiện tâm lý cho học sinh là thi gì học nấy. Những giáo viên dạy các môn được coi là "môn phụ" đang băn khoăn về vấn đề phân ban này.
Tôi xin nhấn mạnh lại, khi chưa bàn xong chuyện phân ban từ lúc nào, phân ban sâu đến đâu thì chuyện tổ chức biên soạn, chương trình mới, SGK là bất cập.
PV: Theo Giáo sư, việc biên soạn chương trình chuẩn nên giao cho ai đảm nhiệm?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Chúng ta có đầy đủ các hội phụ trách về lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngôn ngữ, Lịch sử, Địa lý… Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao việc này cho các hội khoa học chuyên ngành đảm nhiệm dưới sự chỉ đạo của bộ. Các hội sẽ lựa chọn được các nhà khoa học tốt nhất và sẽ lựa chọn cả các giáo viên có thâm niên trong từng môn học.
Chương trình sau khi biên soạn xong cần đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi trước khi thông qua một hội đồng quốc gia đầy đủ tín nhiệm.
PV: Vậy theo giáo sư, quá trình từ đổi mới chương trình đến đổi mới SGK sẽ được thực hiện ra sao?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Như tôi đã nói ở trên, khi đã có một chương trình chuẩn đáp ứng các tiêu chí này rồi thì việc biên soạn SGK chỉ còn là công việc của đông đảo người biên soạn và các nhà xuất bản. Theo tôi, SGK trong nền kinh tế thị trường phải được coi là hàng hóa, là loại hàng hóa đặc biệt, phải tuân thủ những quy định thống nhất. Đã là hàng hóa thì phải có cạnh tranh. Với SGK, sự cạnh tranh đó chính là chất lượng nhằm phục vụ có hiệu quả nhất cho người dạy và người học. Việc Chính phủ và Quốc hội quyết định có nhiều bộ SGK cho từng môn học là hết sức xác đáng và rất cần thiết để thực hiện chủ trương Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tôi nghĩ rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thể chọn chuyên gia làm một bộ SGK nhưng các tác giả và nhà xuất bản không được lấy kinh phí từ Nhà nước, mà bán được nhiều hay ít, lãi hay lỗ đều bình đẳng như các tác giả và các nhà xuất bản khác (không phải do bộ tổ chức).
Tôi không lo không có cuốn SGK do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động biên soạn thì không có bộ sách nào khác. Bản thân tôi cũng như nhiều nhà khoa học khác, nếu thấy có một chương trình hợp lý chắc chắn sẽ bắt tay vào biên soạn SGK.
Một vấn đề khác, tôi không đồng ý là các bộ SGK cần có nhiều ban bệ thẩm định theo quá nhiều tiêu chí. Tôi cho rằng chỉ cần thẩm định theo duy nhất một tiêu chí. Đó là có theo đúng chương trình đã được thông qua hay không? Bộ sách tối ưu nhất bởi sự lựa chọn của số đông giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
Theo QĐND