(TCTG)-Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song (GS.VS) đã đột ngột ra đi ngay khi vừa hoàn thành bài phát biểu tại Hội thảo kết thúc dự án “Nghiên cứu hệ thống y tế” vào 11h05 ngày 8/11/2011. TCTG trân trọng giới thiệu bài viết “ Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song - Một cuộc đời vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân” của Thầy thuốc nhân dân - PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ y tế.
Nhà chiến lược và quản lý y tế xuất sắc
GS.VS Phạm Song đã thấm đẫm tinh thần người chiến sĩ cộng sản vì nhân dân phục vụ, 19 tuổi đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng sau đó trở thành sinh viên Đại học Y khoa trong kháng chiến năm 1952.
Trong kháng chiến GS.VS vừa học, vừa tham gia phục vụ bộ đội và nhân dân, phục vụ chiến dịch Điện Biên, và các công tác y tế khác. Năm 1955, GS.VS trở về Trường đại học Y khoa hoàn thành các chương trình học và tốt nghiệp bác sĩ xuất sắc chuyên khoa tim mạch vào năm 1956. Theo giới thiệu của GS. Tôn Thất Tùng và cán bộ của ngành y tế, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã yêu cầu GS.VS chuyển sang chuyên khoa Truyền nhiễm, với lời giải thích hết sức ngắn gọn và chiến lược :"Bệnh nhiễm trùng hiện nay là bệnh hàng đầu của nước ta. Tôi cần một cán bộ trẻ sang làm ngành này đáp ứng trước mắt và lâu dài ”. GS.VS đã phấn đấu hoàn thành tốt mong muốn của GS.VS Phạm Ngọc Thạch, trở thành giáo sư giỏi đầu ngành về truyền nhiễm.
Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế từ năm 1984 đến 1988 và làm Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1988 đến năm 1992. GS. VS Phạm Song là nhà lãnh đạo y tế sáng suốt và để lại nhiều chiến lược xương sống của ngành y tế, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Giáo sư đã chỉ đạo xây dựng để trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân và trình Chính phủ ban hành Chiến lược bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 1990-2000. Ngay từ những năm 90, GS.VS đã học hỏi kinh nghiệm của các nước có nền y tế tiên tiến và đề xuất chủ trương thu một phần viện phí tiến tới đề xuất Nhà nước ban hành chính sách Bảo hiểm y tế. Đó là cơ sở quan trọng để Chính phủ ban hành Luật bảo hiểm y tế ngày nay.
Là người đề xuất thành lập Chương trình Tiêm chủng mở rộng, GS.VS đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong công tác phòng bệnh, là cơ sở để thanh toán các bệnh dịch cơ bản của đất nước ở thập niên 90 được Thế giới đánh giá cao. GS.VS là người củng cố lại hoạt động hệ thống Trạm y tế xã, tạo cơ sở quan trọng hình thành mạng lưới y tế rộng lớn sau này.
Một nhà khoa học lớn
GS.VS Phạm Song là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực truyền nhiễm của Việt Nam. Những công trình khoa học của GS.VS được nhiều thế hệ bác sĩ xem như loại "sách gối đầu giường" trong cuộc đời làm khoa học của họ. Ở tuổi 80 nhưng GS.VS vẫn không ngừng nghiên cứu để tiếp tục cho ra đời những công trình khoa học có giá trị cao. GS. Phạm Song đã đề nghị và được Đảng và Chính phủ cho phép phát động phong trào di thực thanh hao hoa vàng từ Lạng Sơn về các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Sau 9 năm, Bộ Y tế đã hướng dẫn kỹ thuật sử dụng Artemisin và các dẫn xuất sản xuất trong nước, Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận chọn Artemisin là thuốc hàng đầu để điều trị sốt rét do Plasmodium Falciparum. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu Artesiminin về dẫn xuất và cả nguyên liệu sang các nước Châu Phi và châu Âu với lượng khá lớn. Công trình của GS.VS đã tập hợp rất nhiều đơn vị khoa học và hàng chục bác sĩ tham gia, đã được tặng Giải thưởng khoa học công nghệ Hồ Chí Minh năm 2000.
GS.VS Phạm Song còn là chủ nhiệm chương trình khoa học nhà nước về chống nhiễm khuẩn 1990-2000 mã số KYO1 và đã đề nghị thành lập Uỷ ban quốc gia phòng chống HIV/AIDS khi chưa có ca HIV(+) nào ở Việt Nam. GS.VS cũng là người khởi xướng vận động xây dựng Chiến lược toàn diện về phòng chống Viêm gan virus B, C và đái tháo đường.
GS.VS Phạm Song là đồng chủ biên với PGS. TS. Nguyễn Hữu Quỳnh với sự cộng tác của 120 Giáo sư, Tiến sĩ y học nhiều thế hệ để biên soạn 4 tập Bách khoa thư bệnh học, được khởi công từ năm 1990 và hoàn thành năm 2004. Hiện nay, bách khoa toàn thư bệnh học đã tái bản đến lần thứ ba. Từ năm 2009, đến nay Giáo sư đang cùng các đồng nghiệp chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa y học Việt Nam. GS.VS là tác giả nhiều cuốn sách giá trị trong ngành như các cuốn: “ HIV/AIDS tổng hợp, cập nhật và hiện đại ”; “ Những vấn đề cơ bản và mới về bệnh viêm gan virus ”; “ Lâm sàng và điều trị sốt rét ”, “ Những vấn đề cơ bản về y tế, kế hoạch hoá gia đình, vệ sinh môi trường 1980-2000 ” và nhiều sách khác... Ngoài ra, GS.VS. Phạm Song là nhà báo đầy nhiệt huyết, đã viết trên 900 bài báo với nhiều chủ đề khác nhau cho hàng chục tờ báo ở trong và ngoài nước. Các tài liệu GS.VS viết có sức lôi cuốn và cổ vũ mạnh mẽ người đọc, với văn chương trong sáng, chặt chẽ, lập luận logic đã phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Một tấm gương về đạo đức và lối sống
GS.VS Phạm Song luôn sống nguyên tắc và giản dị. Trong tâm niệm của GS.VS, để có được thành công, Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song cho rằng con người ông thấm đẫm 4 yếu tố: Nho giáo, Phật giáo (từ truyền thống gia đình), tinh thần cộng sản vì nhân dân phục vụ và sự kỷ luật của giáo dục phương Tây mà ông đã được tiếp thụ trong cả cuộc đời mình. Một ngày làm việc của GS.VS bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc vào 22 giờ đêm. Mỗi tuần GS.VS chỉ nghỉ ngơi đúng vào sáng thứ 7, thời gian còn lại GS.VS viết sách, viết tham luận khoa học và lướt web tìm kiếm thông tin... GS.VS có những nguyên tắc sống cho từng giai đoạn. Nhưng ở giai đoạn nào GS.VS cũng tâm niệm "Hiểu biết, kỷ luật và ứng xử".
Đối với vấn đề y đức, Giáo sư Phạm Song cho rằng, nghề y là nghề đặc biệt theo xu hướng nhân đạo chứ không phải là nghề để làm giàu, ngành y ở bất cứ xã hội nào, thời đại nào thì tố chất của người theo ngành y là phải có chữ nhân, chữ tâm và không ngừng học hỏi.
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song đã có một cuộc đời vinh quang với sự nghiệp rất vẻ vang, luôn phấn đầu không ngừng cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. GS.VS đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cùng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân; Huân chương lao động hạng nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và nhiều huân, huy chương khác. Năm 2000, GS.VS Phạm Song là Viện sĩ Viện hàn lâm Y học Liên bang Nga về hệ thống và biện chứng. Năm 2006, GS.VS được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ tặng danh hiệu “Nhà khoa học tiêu biểu” của năm vì những cống hiến trọn đời cho y học.
GS.VS. Phạm Song, một đảng viên ưu tú 61 năm tuổi đảng, một trí tuệ uyên bác với trái tim nhân hậu, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp khoa học và nền y tế Việt Nam, GS.VS đã đi xa, nhưng hình ảnh của GS.VS còn mãi trong tim của các thế hệ học trò ở khắp mọi miền đất nước và đồng nghiệp trên thế giới./.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ y tế