Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 16/6/2014 8:34'(GMT+7)

Gìn giữ nét thanh lịch của người Hà Nội

Thiếu nữ Hà Nội.

Thiếu nữ Hà Nội.

Sống trên mảnh đất là nơi hội tụ, tích hợp các luồng văn hóa, người Hà Nội có điều kiện thẩm thấu, chắt lọc và tỏa sáng vẻ đẹp của phẩm cách, tâm hồn. Cái thanh, cái đẹp của người Hà Nội xưa thể hiện ở giọng nói phát âm chuẩn mực, nhẹ nhàng; cách phục sức giản dị nho nhã; lối giao tiếp khiêm nhường, mến khách; cách ăn uống thanh cảnh, điềm đạm "ngọn giá cắn đôi" nhưng không kém phần tinh túy, sành điệu làm ra bao món ăn nổi tiếng, trở thành đặc sản chốn kinh kỳ như phở, bún thang, chả cá, cốm vòng... Hà Nội còn mang vẻ đẹp truyền thống của văn hóa, văn học đậm nét Thăng Long, nơi hội tụ tao nhân mặc khách bốn phương, với những địa danh nổi tiếng đã đi vào thơ văn nhiều thế hệ.

Cùng với tốc độ phát triển của một thủ đô, đô thị lớn hiện đại, Hà Nội biến đổi mạnh mẽ về mọi mặt. Người Hà Nội mang phong cách hiện đại, lối ứng xử tự tin, giới trẻ giỏi vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào học tập, nghiên cứu, kinh doanh, sản xuất... "Nếp cũ" còn đó nhưng hủ tục đã giảm, không còn nhiều những hiếu, hỷ rườm rà tốn kém; những lễ nghi, tập tục, ứng xử trong gia đình, họ hàng, xóm phố cũng đơn giản, thông thoáng hơn...

Bên cạnh đó, mặt trái của quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập cũng có những tác động không nhỏ. Đã thấy sự phai nhạt trong ứng xử văn hóa, đạo đức, nét thanh lịch truyền thống qua nhiều biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày ở mọi tầng lớp, môi trường. Đó là phong cách thời trang lai căng, "mát mẻ", phản cảm tràn lan, vào cả học đường; giao tiếp thiếu văn hóa nơi công sở, chỗ đông người hay thói văng tục, chửi thề ở các lứa tuổi, giới tính. Là sự băng hoại về đạo đức, lối sống trong gia đình và nhà trường, ở mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, thầy và trò, dẫn đến không ít hậu quả đáng tiếc. Xu hướng học đòi lố lăng, dị biệt trong quan niệm và sinh hoạt yêu đương, hưởng thụ văn hóa, tinh thần. Ý thức giữ gìn vệ sinh, mỹ quan môi trường, tác phong văn minh lịch sự nơi công cộng thấp kém, mà hiện tượng tiêu biểu là hình ảnh đám đông tranh cướp hoa trong Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ hay phá tan tác cả phố hoa lộng lẫy bên Hồ Gươm mấy năm trước...

Đáng chú ý, văn hóa giao thông và văn hóa du lịch lâu nay luôn là vấn đề "nóng" của dư luận xã hội qua những hình ảnh thường thấy trên đường phố Hà Nội vào giờ tan tầm là người và xe máy tràn ngập trên vỉa hè, mạnh ai nấy đi, vi phạm luật lệ giao thông xảy ra thường xuyên, va quệt xô xát cũng có thể gây án mạng; hiện tượng "chặt chém" vô tội vạ đang diễn ra hằng ngày của hàng rong, ta-xi trong khu phố cổ Hà Nội làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong con mắt du khách quốc tế...

Theo tổng kết, đánh giá của Thành ủy Hà Nội, quá trình phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam ở Hà Nội 30 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây diễn ra trong bối cảnh thời cơ, thách thức đan xen. Trong sự phát triển của cơ chế thị trường, không tránh khỏi có lúc, có nơi vì chạy theo lợi nhuận kinh tế, lối sống thực dụng chà đạp lên những giá trị đạo đức, các giá trị truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội... Việc ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế; phong trào đời sống văn hóa cơ sở có nơi còn nặng về hình thức... Nhìn chung, công tác xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch chưa tương xứng với yêu cầu phát triển văn hóa của Thủ đô. Thực trạng đó không chỉ "đổ lỗi" hoàn toàn do dòng chuyển cư ồ ạt về Hà Nội những năm qua và tác động từ mặt trái kinh tế thị trường mà nguyên nhân quan trọng còn ở những thiếu sót nhất định trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, văn hóa và giáo dục của một thời kỳ nhiều biến động.

Trong nhiều giải pháp được đưa ra của các nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa, có một số quan điểm như cần tiếp tục cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh; thường xuyên đối thoại với người dân, điều tra, nghiên cứu sự chuyển dịch giá trị và hành vi giữa các thế hệ để tìm ra giải pháp. Xây dựng văn hóa người Hà Nội phải từ lời nói hay, việc làm tốt, ứng xử đẹp, do đó bên cạnh việc tuyên truyền, khen thưởng những tấm gương người tốt, việc tốt cũng cần có chế tài ngăn chặn, xử lý các hành vi thiếu văn hóa, không phù hợp với truyền thống.

Và điều đặc biệt quan trọng là vai trò của yếu tố giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, quý IV năm nay sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố. Cùng với nhiều giải pháp khác của các cấp, ngành, hy vọng những chủ trương, chính sách về văn hóa phù hợp, hoàn chỉnh sẽ tiếp thêm sức mạnh để người Hà Nội tiếp tục gìn giữ và tỏa sáng cốt cách truyền thống.

NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN /NhanDan    
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất