Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 15/6/2014 8:29'(GMT+7)

Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh góp phần giáo dục thanh niên hiện nay


                                                               
Chăm lo, tạo điều kiện để thanh niên được phát triển toàn diện là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Dù ở bất cứ giai đoạn nào thì nhiệm vụ đó luôn được đặt lên hàng đầu và giữ vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của mọi mặt đời sống kinh tế xã hội đất nước kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó “môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục… làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên rất đáng lo ngại”(1). Vì vậy, để có được thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước có đức - tài, “vừa hồng, vừa chuyên” thì việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho thanh niên là một trong những giải pháp hữu hiệu, thiết thực nhất hiện nay.
 Nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra những thời cơ, thuận lợi và không ít những khó khăn, thách thức mới. Một trong nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với nước ta trong lúc này chính là sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ thanh niên. Trước những tác động mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội thì thanh niên luôn là lực lượng phải chịu tác động, ảnh hưởng nhiều nhất. Lứa tuổi thanh niên là giai đoạn phát triển quan trọng với nhiều biến đổi cả về tâm, sinh lý. Trong giai đoạn này, họ có nhiều ước mơ, khát khao, hoài bão và năng lực sáng tạo đặc biệt. Do vậy, bên cạnh những tác động tích cực do quá trình đó mang lại thì chúng ta cần phải thẳng thắn thấy được những “hạt sạn” cũng đang xâm nhập rất mạnh mẽ vào tư tưởng và hành động của thanh niên hiện nay.
Thanh niên nước ta hiện nay cơ bản được sống, học tập và rèn luyện trong môi trường tốt, được phát huy hết khả năng và trí tuệ của mình. Nhiều người đã thành danh trên các lĩnh vực và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong xã hội, thực trạng thanh niên tham gia vào các tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, cá độ, mại dâm, đua xe, trộm cắp, game online… ngày càng gia tăng dẫn họ vào con đường phạm tội. Chính thực trạng đó đã đặt ra những mối quan ngại đối với từng gia đình và xã hội. Hiện nay, các bậc phụ huynh không thể quản lý con cái bằng mệnh lệnh “nghe dạ, bảo vâng” như trước và cũng không thể “cấm vận” con cái đi học, đi làm hay giao lưu, gặp gỡ bạn bè… Trong khi đó, bên ngoài xã hội, các điểm vui chơi lành mạnh thì ít nhưng những tụ điểm ăn chơi trác táng chứa đựng các tệ nạn xã hội thì ngày càng mọc ra như nấm là môi trường thuận lợi dễ khiến một bộ phận thanh niên sa ngã. Mặt khác, chúng ta vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến chăm lo xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh để tạo điều kiện bồi dưỡng nhân cách cho thanh niên. Ở nhiều địa phương, các nhà máy, khu công nghiệp, nhà chung cư cao tầng được đầu tư xây dựng, thi nhau mọc lên nhưng những khu vui chơi, giải trí công cộng cho thanh thiếu niên lại chưa được quan tâm. Hoạt động của các tổ chức đoàn, hội nhiều nơi còn kém hiệu quả, không thu hút, lôi kéo được thanh thiếu niên tham gia… Vì vậy, trước những biểu hiện phát triển lệch lạc, méo mó về nhân cách của thanh niên như: dao động về mục tiêu lý tưởng; thờ ơ với chính trị, thời cuộc, vận mệnh quốc gia, dân tộc; sống dựa dẫm, ỷ lại, buông thả, sống vội, sống gấp, sống thử diễn ra tương đối phổ biến; trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội còn thấp…chúng ta càng khó kiểm soát.
Không phải bây giờ chúng ta mới đề cập đến vai trò của môi trường văn hóa mà ngay tư tưởng của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định: “Bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”(2). Con người vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, giữa con người và hoàn cảnh có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đối với chúng ta, ở một góc độ nhất định thì tinh thần trên cũng đã thể hiện trong chính lời dạy của ông cha “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến môi trường văn hóa với tư cách là một mặt của môi trường xã hội. Lịch sử nhân loại luôn chứng minh rằng, sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc bao giờ cũng gắn liền với sự cải thiện môi trường văn hoá của con người và cộng đồng trong quốc gia, dân tộc đó. Do vậy, có thể hiểu môi trường văn hoá lành mạnh là tổng hoà các giá trị văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần tác động tích cực đến con người trong một không gian và thời gian xác định. Môi trường văn hoá lành mạnh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống con người, làm cho văn hoá thực sự trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Xuất phát từ những vấn đề trên, để xây dựng được môi trường văn hoá lành mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát triển toàn diện cần quán triệt sâu sắc tinh thần Đại hội lần thứ XI của Đảng, trong thời gian tới phải “củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng... Tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa… ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, bạo lực, gây rối trật tự công cộng, mại dâm, ma túy, cờ bạc… góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hoá, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ” (3). Quán triệt và cụ thể hóa chủ trương trên, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, nâng cao hiểu biết cho mọi người trong toàn xã hội về vai trò của môi trường văn hoá lành mạnh đối với sự phát triển toàn diện của thanh niên. Trách nhiệm này thuộc về mọi cấp, mọi ngành và mọi tổ chức chính trị xã hội. Để xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho thanh niên trước tiên cần nâng cao hiểu biết sâu sắc, toàn diện về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của môi trường văn hoá lành mạnh đối với sự phát triển toàn diện của thanh niên cho mọi người và toàn xã hội. Đó là cơ sở để hình thành nên hệ thống nhu cầu, động cơ, thái độ, trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức đối với nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Đồng thời, đây cũng là quá trình làm cho mọi người biết trân trọng, lựa chọn những giá trị văn hoá phù hợp với sự trưởng thành và phát triển của thanh niên.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị-xã hội mà tổ chức đoàn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho thanh niên. Nhu cầu phát triển toàn diện của thanh niên hiện nay là hết sức chính đáng. Vì vậy, cần tạo môi trường thuận lợi để họ có thể phát huy hết tài năng và trí tuệ của mình. Đây là trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, cũng như mọi tổ chức chính trị xã hội, trong đó tổ chức đoàn là lực lượng nòng cốt. Tổ chức đoàn các cấp cần phát huy vai trò và chức năng của của mình thông qua những phong trào cụ thể như: phong trào thanh niên tình nguyện, mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, hiến máu tình nguyện, thanh niên xây dựng lối sống công nghiệp, thanh niên làm chủ khoa học - kỹ thuật, thanh niên làm chủ cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thanh niên xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, thanh niên xây dựng phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, thanh niên bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá… Tất cả những hoạt động trên để góp phần tạo ra những sân chơi bổ ích và một môi trường đậm chất văn hoá, nhân văn để thanh niên có thể trải nghiệm khả năng của mình. Quá trình đưa văn hoá đến với thanh niên và thanh niên tham gia xây dựng môi trường văn hoá mới thực chất là một quá trình đưa cái Chân, Thiện, Mỹ vào đời sống của tuổi trẻ, đồng thời, đó cũng là quá trình gạt bỏ những cái cũ, lỗi thời, lạc hậu để xây dựng cái mới, tiến bộ và tốt đẹp hơn.
Ba là, giữ gìn và phát triển hệ thống những giá trị văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho thanh niên. Trong tình hình hiện nay, khi quá trình giao lưu, hội nhập diễn ra với tốc độ chóng mặt, chúng ta phải đối mặt với sự xâm lấn của những dòng chảy văn hóa bên ngoài, việc tiếp tục giữ gìn và phát triển hệ thống những giá trị văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc có ý nghĩa vô cùng to lớn. Bên cạnh những mặt tích cực mà văn hóa bên ngoài mang lại đó là sự hiện đại, thời thượng, tiến bộ thì tiềm ẩn phía sau là cả một hệ quả khó lường như lối sống ích kỷ, cơ hội, đua đòi, thực dụng, coi trọng giá trị vật chất, bất chấp dư luận xã hội... Chúng ta đang tập trung xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tức là muốn khẳng định sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Trong văn hoá truyền thống Việt Nam, tinh thần cởi mở trong học hỏi, tiếp thu, cải biến văn hoá từ bên ngoài là một giá trị đáng quý, khiến văn hoá, dân tộc Việt Nam có sức sống trường tồn, vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt của lịch sử. Chính giá trị này đã và đang là sức mạnh giúp chúng ta học tập, đi tắt, đón đầu các trào lưu tiến bộ của nhân loại trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được đúc kết qua hàng ngàn năm đã nuôi dưỡng con người Việt Nam trưởng thành qua các thế hệ. Những giá trị văn hoá trong nền văn hoá dân tộc ngay từ khi hình thành đã thấm đậm tinh thần nhân văn và kết tinh trong đó những giá trị văn hoá cao đẹp hợp thành điều kiện, tiền đề thuận lợi để tiếp tục phát triển hệ thống những quan hệ văn hoá trong môi trường văn hoá lành mạnh hiện nay. Đó là quan hệ sâu nặng giữa con người với quê hương, đất nước; lối cư xử thấu tình đạt lý trong mọi mối quan hệ; tinh thần đại đoàn kết, tương thân, tương ái; những quan hệ đời thường song luôn in đậm chất nhân văn... Đến nay, những giá trị đó vẫn còn nguyên tác dụng và sẽ không bao giờ là sai lầm khi chúng ta biết gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đó trong quá trình tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của thanh niên hiện nay.
Bốn là, nâng cao trình độ học vấn, thị hiếu thẩm mỹ, văn hoá ứng xử và nếp sống văn minh cho thanh niên. Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế tri thức đang trở thành xu hướng mạnh mẽ trên thế giới và điều đó tất yếu đòi hỏi phải có những con người được chuẩn bị về tri thức trong mỗi quốc gia, dân tộc. Đối với nước ta, trong quá trình xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho thanh niên, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ quan điểm của Đảng ta về nhiệm vụ của giáo dục đào tạo: "Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”(4). Chúng ta chỉ có thể xây dựng được môi trường văn hoá lành mạnh một cách khoa học khi phát huy được vai trò sáng tạo của những con người có tri thức khoa học, thị hiếu thẩm mỹ trong sáng. Chính điều đó sẽ góp phần tạo ra những con người có khả năng thẩm thấu và sáng tạo những giá trị văn hóa mới, biết ứng xử có văn hoá. Vì vậy, mỗi thanh niên hiện nay cần trau dồi, rèn luyện, giữ đúng vị thế xã hội của mình, tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ học vấn, bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ, văn hoá ứng xử và lối sống văn minh, lịch sự phù hợp với thuần phong mỹ tục góp phần xây dựng nên một thế hệ thanh niên thời kỳ mới có “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn” đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

   Lê Thế Phong    


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất