Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 29/5/2014 23:11'(GMT+7)

"Kiến trúc xanh Việt Nam" qua lăng kính KTS Nguyễn Tấn Vạn

KTS Nguyễn Tấn Vạn

KTS Nguyễn Tấn Vạn

Cuộc trao đổi giữa PV Tạp chí với ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã làm sáng tỏ hơn sự phát triển và định hình của kiến trúc Việt Nam trong những năm qua.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn,
bộ mặt kiến trúc Việt Nam hôm nay có sự góp phần không hề nhỏ của giới kiến trúc sư trẻ đầy tài năng. Hiện nay, cả nước có khoảng 4500 hội viên Hội kiến trúc Việt Nam, riêng Hà Nội là 800 hội viên, TP Hồ Chí Minh có 1500 hội viên đang ngày ngày góp phần tạo nên sự “thay da đổi thịt” của đô thị.

KTS Nguyễn Tấn Vạn đưa ra cho chúng tôi dẫn chứng về mô hình đô thị điển hình trên thế giới trở thành hình mẫu  - đó là thành phố Curitiba ở Braxin. Một thành phố đáng sống với lối sống văn mình, hiện đại và thân thiện với môi trường. Ở đây, người ta nhận thức rõ được vai trò của người dân tham gia vào xây dựng đô thị. Từ việc bảo vệ thành phố bằng cách không xả rác, người dân sẵn sàng hiến đất đai để nhà nước xây dựng các công trình công cộng…Rồi ở Singapore, việc xả rác là một tội bị phạt rất nặng và người dân ở đây đều rất có ý thức về việc không vất rác bữa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, việc xây dựng một đề án về Kiến trúc xanh có lộ trình là thực sự cần thiết.

Việt Nam hiện là 1 trong 5 quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất về thay đổi khí hậu nhà kính, hằng năm trung bình có khoảng 12 cơn bão nhiệt đới tàn phá gây thiệt hại về người và của. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc bảo vệ “Ngôi nhà của chính chúng ta” khỏi các tác nhân ô nhiễm, Hội Kiến trúc sư Việt Nam mà đi đầu là KTS Nguyễn Tấn Vạn đã đề xuất xây dựng một đề án về “Kiến trúc xanh Việt Nam” nhằm tạo lập môi trường sống bền vững cho con người hiện nay và trong tương lai. Hội KTS Việt Nam vận động cộng đồng, xã hội và giới kiến trúc sư cùng vào cuộc từ hơn 2 năm nay.

KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết hiện trên thế giới “công trình xanh” đã có từ rất lâu đời và được áp dụng ở nhiều công trình lớn song khái niệm về “Kiến trúc xanh” thì mới chỉ có ở Việt Nam. Điểm khác biệt giữa Việt Nam và thế giới chính là tính dân tộc trong thiết kế và tính xã hội – nhân văn bền vững. Tức là các công trình phải đảm bảo sự kế thừa, bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống, đặc trưng dân tộc vùng miền, kiến trúc còn cần đáp ứng yếu tố hòa nhập với môi trường nhân văn như: truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, nếp sống…Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn thì việc đáp ứng đầy đủ những tiêu chí ấy ở một công trình là rất khó song không phải không thực hiện được. Hiện nay Hội KTS duy trì việc hai  năm tổ chức một lần cuộc thi thiết kế Kiến trúc xanh Việt Nam. Bước đầu đã có một số công trình được thực hiện thử nghiệm cho kết quả rất tốt.  

Hội KTS Việt Nam thường xuyên tổ chức nhiều hội trại, các khóa tập huấn với các hội viên nhằm nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, hướng tới một đô thị thân thiện với môi trường.

KTS Nguyễn Tấn Vạn chia sẻ: “Với tôi, kiến trúc xanh là phải đảm bảo tính dân tộc trong đó, việc giữ lại những di sản mà cha ông để lại chính là sự ghi nhận và kế thừa truyền thống. Tôi luôn mong muốn học hỏi những kiến thức lịch sử, văn hóa bởi ở đó cho tôi tri thức về cội nguồn mà ông cha ta từ bao đời đúc kết, gây dựng”. Ông chỉ cho tôi những con phố cổ, những ngôi nhà ở đây chính là kiến trúc Việt theo hình ống san sát nhau đặc trưng của người Việt xưa. Ông nói tiếp: “Cơ chế thị trường đâu đâu cũng thấy kinh doanh, tấc đất tất vàng, phố cổ cũng không tránh khỏi xu thế ấy. Bây giờ, người ta đi thăm quan phố cổ cốt yếu là tìm thấy cái hồn khí của phố xưa, cảnh buôn bán được tái hiện phần nào qua việc khôi phục chợ đêm…chứ giờ đây nét kiến trúc xưa đã bị các khung thép nhà cao tầng che lấp.” ông trầm ngâm một hồi lâu.

Khi tôi tới gặp ông cũng là lúc ông đang phác thảo lại bản thiết kế xây mới Liên hiệp VHNT Việt Nam tại số 51 Trần Hưng Đạo. Nhìn những nét vẽ bằng tay mà không cần thước kẻ vẫn thẳng thớm của ông tôi lại thầm cảm phục người KTS tuổi đã ngoài 60 nhưng vẫn còn hăng say với công việc. Ông nói vui:“Quen vẽ tay rồi, lớp trẻ giờ công nghệ máy tính thành thạo nhưng các công trình cần có cả tâm huyết của KTS đặt vào trong đó. Tôi luôn tâm niệm phải sống hết mình vì công việc thì thành quả đạt được sẽ trả xứng đáng. Thành công sẽ chỉ tới với người luôn biết tìm tòi và miệt mài với công việc”.  

Chia tay KTS Nguyễn Tấn Vạn, tôi lại thấy ông cặm cụi với những bản vẽ, như một con ong thợ ngày ngày góp những “viên gạch” vào xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam hôm nay.

Tuấn Anh 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất