Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 18/5/2014 14:28'(GMT+7)

"Hồ Chí Minh - Nhân văn và Phát triển"- Tư tưởng, triết lý và tầm ảnh hưởng

Tiếp theo cuốn sách đầu tiên Hồ Chí Minh - Tâm và tài của một nhà yêu nước ra mắt độc giả năm 2010, năm 2014, TS. Nguyễn Đài Trang, một nhà nghiên cứu Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Canađa đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Hồ Chí Minh - Nhân văn và Phát triển. Có thể nói, đối với một người thuộc thế hệ sau chiến tranh, sống ở nước ngoài hơn 20 năm và theo học ở phương Tây, trong điều kiện không được tiếp xúc với đầy đủ nguồn tài liệu, công trình, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và về Người, thì việc cho ra đời hai cuốn sách trên của TS. Nguyễn Đài Trang là một điều rất đáng trân trọng.

Cuốn sách Hồ Chí Minh - Nhân văn và Phát triển được chia thành 7 chương với những nội dung và chủ đề riêng biệt, nhưng về tổng thể, độc giả sẽ thấy được những nội dung cơ bản của lý tưởng sâu xa Hồ Chí Minh và sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đất nước Việt Nam, một dân tộc nghèo, bị áp bức nhưng đã đoàn kết đánh thắng các cường quốc thực dân trong thế kỷ XX, cũng như ý nghĩa áp dụng trong bối cảnh phát triển đất nước hiện nay.

Trong số 7 chương sách, 2 chương đầu tiên được coi như đặt nền móng để phát triển những chương sau. Chương 1: “Một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” định vị Hồ Chí Minh trong bối cảnh thế giới, phân tích những ảnh hưởng ban đầu trong việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời gian đầu Người ở nước ngoài tìm đường cứu nước và khi về nước lãnh đạo cách mạng. Chương 2 với tiêu đề “Mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội” làm rõ lý tưởng sâu xa Hồ Chí Minh bao gồm các vấn đề về độc lập dân tộc, hòa bình, tiến bộ xã hội, quan điểm “lấy dân làm gốc” và phát huy dân chủ của Hồ Chí Minh. Chương 3: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cho thấy, để tiến đến mục tiêu phát triển, trước tiên một dân tộc phải giành lại độc lập và tự do từ các thế lực thực dân và đế quốc. Chương 4: “Lấy yếu thắng mạnh” phân tích việc một nước nhỏ cần phải đề ra các chiến lược để đối phó và thương lượng với các nước mạnh hơn, từ quân sự đến chính trị và phát triển kinh tế. Chương 5: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” bàn về tầm quan trọng của sự phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường để tiến tới phát triển bền vững. Chương 6: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc” đó là đem lại hạnh phúc cho nhân dân và phát triển con người - đây cũng chính là mục tiêu cao nhất của phát triển. Chương 7: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” đề cập vai trò quan trọng của sự lãnh đạo vững chắc trong việc đoàn kết toàn dân để phục vụ lợi ích dân tộc, và đoàn kết với các dân tộc để xây dựng một thế giới trong đó mọi người có cùng cơ hội được tự do và hạnh phúc.

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh - Nhân văn và Phát triển, tác giả đi sâu nghiên cứu lý tưởng sâu xa Hồ Chí Minh, đó là độc lập dân tộc, hòa bình, tiến bộ và công bằng xã hội, những mục tiêu cao cả nhất mà nhân loại đang theo đuổi- sự phát triển bền vững. So với cuốn sách đầu tiên, Hồ Chí Minh - Tâm và tài của một nhà yêu nước, thì cuốn sách này, Hồ Chí Minh - Nhân văn và Phát triển, trình bày với độc giả một quan điểm rộng hơn của tác giả Nguyễn Đài Trang về Hồ Chí Minh trong các vấn đề liên quan đến những giá trị cơ bản và giải phóng dân tộc. Thông qua cuốn sách, độc giả, đặc biệt là người nước ngoài sẽ hiểu hơn về tư tưởng, nhân cách, đạo đức và triết lý Hồ Chí Minh đã và đang cống hiến cho sự nghiệp phát triển của Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung. Về bản chất, chính là tổng thể một con người với ước vọng và hành động đóng góp cho nhân loại - con người của nhân văn. 

Để có thể tiếp cận vấn đề một cách chân xác nhất, tác giả cuốn sách đã sử dụng kết hợp cả hai nguồn tài liệu phương Tây và Việt Nam, đặc biệt, tác giả đã đọc, nghiên cứu rất chi tiết các bài viết, các chủ đề trong bộ sách đồ sộ Hồ Chí Minh Toàn tập. Sự đa dạng của các chủ đề trong bộ sách kết hợp với sự tìm tòi, phân tích những ảnh hưởng có tác động đến tư tưởng Hồ Chí Minh của cá nhân tác giả đã đem lại hiểu biết rộng lớn, linh hoạt, phong phú và sinh động về “một vĩ nhân với một nhân cách vượt thời gian” - chính là một điểm hấp dẫn của cuốn sách này.

Hệ thống quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh rất rộng lớn, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực trong xã hội, nhưng tác giả lại chọn hai khía cạnh nhân văn và phát triển để nghiên cứu? Như chị chia sẻ, trong hai thập niên qua, chị đã theo học và làm việc trong các ngành liên quan tới phát triển kinh tế, và trên con đường tìm kiếm câu trả lời cho sự phát triển của các nước thường được gọi là Thế giới thứ ba, trong đó có quê hương Việt Nam, chị đã về lại với Hồ Chí Minh - một người mà chị cho là “nhà lãnh đạo chiến lược sáng suốt và đầy sức lôi cuốn”, để rồi từ những nghiên cứu sâu của mình về lý tưởng sâu xa Hồ Chí Minh, chị nhận thấy một con đường mở ra phương hướng để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Chị viết: “Con đường dẫn tôi đến lý tưởng sâu xa Hồ Chí Minh là một sự khám phá có ý nghĩa lớn nhất về mặt lý thuyết cũng như thực tế trong việc tìm kiếm các giải pháp phát triển cho các nước đang phát triển”.

Là một người sống và làm việc ở phương Tây từ nhiều năm, nên có thể nói, cách tư duy, cách nhìn, cách cảm và cả cách diễn đạt của TS. Nguyễn Đài Trang về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện trong cuốn sách, có nhiều điểm khá đặc biệt. Chỉ một điểm như tác giả có khá nhiều liên hệ với tư tưởng, quan điểm, sự nghiệp của nhiều vị lãnh tụ khác, các triết gia hay những nhân vật nổi tiếng thế giới cũng đã khiến cho tác phẩm trở nên sinh động hơn rất nhiều. Như Giáo sư, Tiến sĩ Richard R. Barichello, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Trường Đại học British Columbia nhận xét: "Cuốn sách đã chứa đựng các điểm quý báu... về tư tưởng và những lời tuyên bố của Hồ Chí Minh, có thể gây cho độc giả sự lý thú bất ngờ, càng làm cho cuốn sách trở nên đáng đọc hơn".

Linh Chiểu


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất