Kính lễ với người thầy là truyền thống đạo lý tốt đẹp của
người Việt ta. Từ xa xưa người Việt hầu như ai từng đi học cũng đều
thuộc câu ca: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy
thầy”. Yêu kính thầy cô, quý trọng tri thức và vì thế vị trí của người
thầy luôn được đặt rất cao trong nấc thang xã hội.
Theo đà phát triển của xã hội, một số quan niệm không còn phù hợp
trong xã hội hiện đại; trong đó liên quan đến môi trường giáo dục, người
học có thêm nhiều phương thức, tự do hơn trong học tập. Vai trò, vị thế
của người thầy và quan hệ giữa thầy cô với học sinh, với cha mẹ học
sinh cũng có những thay đổi. Giáo dục không còn đơn thuần một chiều, thụ
động.
Tư duy mới và hiện đại đã coi học sinh là trung tâm của quá trình
giáo dục, khác với trước kia người thầy là hạt nhân duy nhất, và sự dịch
chuyển này là tất yếu và kéo theo nhiều kết quả. Người thầy truyền dạy
kiến thức nhưng vẫn phải tôn trọng người học, mọi hành vi bạo lực đều bị
nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, thậm chí ngôn từ dùng với học
sinh cũng cần thận trọng, đúng mực; nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm.
Tuy nhiên cùng với đó, chúng ta cũng chứng kiến tình trạng gia tăng
những hiện tượng đáng buồn như học sinh vô lễ, hành hung giáo viên ngay
trên lớp hoặc cha mẹ học sinh đến tận trường đôi co với thầy cô, mắng
chửi, xô xát thậm chí hành hung người đang dạy dỗ con em mình. Những
hình ảnh, hiện tượng phản cảm, tiêu cực ấy không chỉ gây sốc với cộng
đồng giáo dục mà còn gây bức xúc trong xã hội. Đây thật sự là những hồi
chuông báo động về sự xuống cấp của đạo lý tôn sư trọng đạo.
Quan sát tâm lý xã hội có thể nhận thấy không ít bậc cha mẹ và học
sinh nhìn nhận về vai trò của người thầy khá phiến diện, cụ thể là những
người “cung cấp dịch vụ giáo dục”. Chính vì vậy họ cho rằng khi trả
tiền cho dịch vụ thì phải được hưởng những quyền lợi đương nhiên của
mình.
Nhà trường là nơi đào tạo ra những học sinh có tri thức, nên ở một
khía cạnh nào đó, coi đây là một dịch vụ cộng đồng cũng không sai. Bằng
chứng là có rất nhiều hình thức giáo dục được phát triển, các trường tư,
trường quốc tế,… mở ra khắp nơi, cùng với đó là các loại hình giảng dạy
phong phú như gia sư, bảo mẫu, huấn luyện viên riêng… ngày càng phát
triển, đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng của các cá nhân.
Cha mẹ học sinh hoặc chính người học có thể chi trả những khoản học
phí cao để có được những điều kiện học tập tốt nhất, những người thầy
giỏi nhất, có kinh nghiệm và uy tín nhất. Thậm chí có nơi người học được
phép chọn trường, chọn thầy hoặc đưa ra các yêu cầu riêng và đề nghị
được đáp ứng theo khả năng chi trả của mình.
Nhưng giáo dục là một ngành đặc thù, nếu mặc nhiên coi đó là một loại
dịch vụ thuần túy, giống như một số ngành nghề khác sẽ kéo theo những
hệ lụy rất nguy hiểm. Học sinh sẽ không còn tôn trọng và kính lễ với
thầy cô hay cha mẹ học sinh tùy tiện trong giao tiếp, quan hệ, đối xử
với thầy cô dưới góc độ là những người cung cấp dịch vụ thuần túy. Đây
có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến các hành vi thiếu văn
minh, lỗ mãng thậm chí là vi phạm pháp luật với những người đang đứng
trên bục giảng có chiều hướng gia tăng thời gian qua.
Tôi đã nhiều năm dạy học và hiểu rằng, điều quan trọng nhất để học
sinh và cha mẹ học sinh kính trọng thầy cô là bởi họ có niềm tin rằng
thầy, cô giáo là những người có tri thức, đạo đức, trình độ, uy tín cũng
như kỹ năng sư phạm để truyền dạy kiến thức và giáo dục thế hệ trẻ, là
những người có thể tin tưởng để giao phó con em mình. Tất nhiên vẫn có
những người thầy đứng trên bục giảng nhưng không làm tròn chức trách và
nhiệm vụ của mình, có những hành vi sai trái, vi phạm nội quy của ngành,
đạo đức nhà giáo, đạo đức công dân và luật pháp. Nhưng hiện tượng ấy
chỉ là cá biệt, nghề giáo vẫn là nghề cao quý, được coi trọng trong xã
hội Việt Nam cũng như trong tâm thức cộng đồng.
Hiện nay, hầu hết các gia đình thường chỉ có một hoặc hai con và sự
đầu tư, quan tâm cho con em mình rất lớn so với các thế hệ trước. Ở mặt
nào đó, cha mẹ học sinh có quyền đòi hỏi cao hơn và họ cũng sẵn sàng chi
trả các khoản học phí tương ứng để con em mình được thụ hưởng những gì
tốt nhất. Nhưng không có nghĩa là học sinh hay cha mẹ học sinh sẽ được
đáp ứng vô điều kiện mọi nguyện vọng hay được phép có thái độ không đúng
mực với các thầy cô giáo, bởi điều ấy đi ngược truyền thống văn hóa của
dân tộc và thực tế cũng trái quy định của pháp luật.
Trong giao tiếp, ứng xử giữa học sinh, cha mẹ học sinh với thầy cô
giáo và nhà trường đôi khi xảy ra những mâu thuẫn và những vấn đề cần
giải quyết. Khi ấy cần sự bình tĩnh, đúng mực của cả hai bên, nhất là
cần có sự trao đổi kịp thời và tôn trọng lẫn nhau. Những hiện tượng đáng
tiếc xảy ra trong môi trường học đường thời gian qua một phần vì thiếu
sự trao đổi, phối hợp giữa nhà trường và gia đình, sự quan tâm thực sự
của thầy cô và cha mẹ học sinh.
Hiện nay có rất nhiều cách để gia đình liên lạc với các thầy cô của
con mình như qua điện thoại, Facebook, nhóm Zalo... Các thông tin của
học sinh về học lực, hạnh kiểm, các vấn đề tâm lý sẽ được thầy cô chia
sẻ kịp thời. Trước kia có khi cả một kỳ học cha mẹ học sinh mới gặp thầy
cô giáo dạy con mình một lần thì bây giờ hằng tuần, thậm chí hằng ngày,
hai bên đều có thể liên lạc, trao đổi để nắm được tình hình của trẻ
nhanh nhất, kịp thời nhất. Nếu sự trao đổi và phối hợp này nhịp nhàng,
duy trì thường xuyên và hiệu quả thì những vấn đề của học sinh sẽ được
giải quyết kịp thời, tránh xảy ra các hiện tượng đáng tiếc làm buồn lòng
và tổn thương cả gia đình, giáo viên và nhà trường.
Dù vậy, hiện vẫn có không ít cha mẹ học sinh phó mặc hoàn toàn việc
học tập và tu dưỡng đạo đức của con mình cho các thầy cô. Thực tế, các
em cũng chỉ ở trường học nhiều nhất là một phần ba thời gian trong toàn
bộ quỹ thời gian của một ngày. Bởi vậy việc trút toàn bộ gánh nặng trách
nhiệm lên vai người thầy là điều bất khả và thiếu trách nhiệm.
Thực tế, việc học tập trên lớp chỉ hiệu quả khi các em được trau dồi,
chuẩn bị tốt ở nhà và có sự giám sát, động viên của cha mẹ. Các hoạt
động bên ngoài khuôn viên nhà trường cũng cần sự quan tâm, trách nhiệm
của cả cộng đồng và gia đình bởi thầy cô cũng không thể theo sát các em
từng bước được.
Nhà trường và thầy cô có trách nhiệm chính yếu trong việc truyền đạt
kiến thức và giáo dục học sinh; giữ vai trò vô cùng quan trọng trong
việc giáo dục kiến thức và nhân cách của trẻ. Các hành vi sai trái của
học sinh (nếu có) đương nhiên có trách nhiệm liên đới tới thầy cô và nhà
trường, kể cả sự việc không xảy ra trong phạm vi trường học.
Các vụ việc học sinh đánh nhau, trộm cắp và hay các hành vi vi phạm
khác, nhà trường cần có trách nhiệm ngăn chặn, giải quyết; nhưng nếu đổ
lỗi hoàn toàn cho nhà trường hoặc cha mẹ học sinh thì hết sức phiến
diện. Gần đây hiện tượng một số cha mẹ học sinh đến trường học bắt vạ,
đôi co, xúc phạm các thầy cô, đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường và thầy cô
đã gây ra sự bức xúc trong cộng đồng xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi
trường giáo dục.
Mối quan hệ giữa thầy cô và cha mẹ học sinh, học sinh nên hài hòa và
hợp tác, tôn trọng và có trách nhiệm. Thầy cô, nhà trường cần kịp thời
quan tâm tới học sinh; ngoài vấn đề học tập thì yếu tố tâm lý, hành vi
cá nhân của các em cũng rất cần được quan tâm, theo dõi, phát hiện kịp
thời những dấu hiệu bất thường để có biện pháp tác động hiệu quả. Nếu
thầy cô chỉ chú ý duy nhất tới việc truyền đạt kiến thức thì rất dễ bỏ
qua những hành vi, tâm lý lứa tuổi và mối quan hệ của các em với bạn bè
và môi trường chung quanh, mà điều này lại tác động, ảnh hưởng không nhỏ
đến việc học tập và sự phát triển bình thường của các em.
Tôn sư trọng đạo là truyền thống lâu đời của dân tộc và về phía ngành
giáo dục, thầy cô và nhà trường cũng cần có những phương pháp và cách
thức phù hợp để đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng cao trong một xã
hội phát triển.
Khi học sinh đến trường với sự thoải mái và niềm vui, phụ huynh học
sinh tin tưởng, tôn trọng thầy cô cũng như nhà trường, thầy cô làm hết
trách nhiệm của mình, là tấm gương của đạo đức, tri thức và liên kết này
được bồi đắp bằng mối quan hệ đúng mực, thường xuyên, kịp thời, chúng
ta sẽ thực sự tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh, tiến bộ; người thầy
được kính trọng và người học, cha mẹ học sinh được bảo đảm những quyền
lợi và nhu cầu chính đáng của mình một cách hài hòa, văn minh./.