Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 7/4/2019 6:55'(GMT+7)

Giỗ Tổ Hùng Vương trang trọng tại Lào

Đại biểu và kiều bào dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Lào, ngày 6/4. (Ảnh: nhandan.com.vn)

Đại biểu và kiều bào dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Lào, ngày 6/4. (Ảnh: nhandan.com.vn)

Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước Sổm-ôk Kinh-xạ-đa, Giám đốc Sở Nội vụ Thủ đô Vientiane Boun-nạ Pha-thom-ma-vông và đại diện chính quyền địa phương. Đông đảo kiều bào Lào và các nước, cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, các cơ quan đại diện Việt Nam bên cạnh Đại sứ quán và thành viên Ban vận động Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu cùng tham dự.

Buổi lễ trang trọng bắt đầu bằng nghi thức hô thần nhập tượng sau khi tượng Vua Hùng mang từ Việt Nam sang được chuyển giao và an vị trang trọng tại phòng họp lớn trong trụ sở Tổng hội người Việt Nam tại Lào với sự có mặt của Thượng tọa Thích Minh Quang, Trụ trì chùa Phật Tích tại Lào.

Tiếp đến, Chủ lễ, ông Nguyễn Duy Trung, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào trong bộ lễ phục cúng tế mầu hồng tía và các Phụ lễ thành kính dâng lễ, thực hành nghi thức đánh trống một hồi chín tiếng, thắp hương thành lễ. Trong bầu không khí trang nghiêm và linh thiêng Lễ Giỗ Tổ, nhớ về cội nguồn đất nước, Chủ lễ thành kính đọc bài Tế Lễ Giỗ Tổ 10-3, kính cáo anh linh các Vua Hùng, bày tỏ lòng biết ơn Tổ tiên và các vị tiền nhân dân tộc đã dựng và giữ nước.

Bài Tế Lễ Giỗ Tổ có đoạn: “Lật trang sử ngàn năm nước Việt/ Mỗi một trang đều thấm máu hồng/ Từ Bà Triệu, Bà Trưng/ Đến Ngô Quyền, Lê Lợi/ Tiếng chiêng trống rền vang bốn cõi/ Khí ngất trời, cờ Sát Thát giương cao/ Kẻ trước tiếp bước người sau/… /Vậy nên: Thắp nén hương thơm/ Dạy răn con cháu/ Không được nguôi quên, dù ở nơi đâu/ Phải biết trọng sơn hà, xã tắc/ Chữ nghĩa nhân phải đội lên đầu/ Nhớ lấy câu, bí phải thương bầu/ Người Việt Nam chung một dòng máu đỏ/ Cây có gốc, phải tìm về cội rễ/…/ Chúng con nguyện: Thề trước anh linh/ Các bậc tiền nhân, tiền liệt/ Góp sức chung tay dựng xây cơ đồ đất Việt/ Hơn bốn triệu người con yêu sống xa Tổ quốc/ Với nước non không thể tách rời/ Phong tục, ngữ ngôn xin gìn giữ đời đời/ Cho dòng máu Lạc Hồng thắm mãi/ Trên đất người vẫn đơm hoa, kết trái/ Cùng sánh vai nhân loại, ngẩng cao đầu.

Phần nghi lễ dâng 18 mâm lễ của 18 đoàn đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Ban điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào, đại diện kiều bào các quốc gia, đại diện kiều bào Lào, các hội, hiệp hội cộng đồng người Việt Nam tại Lào. Mỗi đoàn dâng mâm lễ gồm bánh chưng, bánh dày, bánh dẻo, xôi gà và các vật phẩm và tuần tự thắp hương, tế lễ Quốc tổ, ghi tạc công đức to lớn của các Vua Hùng đã có công khai phá và dựng xây non sông Việt Nam gấm vóc.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng ban Ban vận động Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu chia sẻ, khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận năm 2012 là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, không chỉ đồng bào trong nước, mà kiều bào ta ở nước ngoài cũng hết sức tự hào và vui mừng.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, thờ cúng Hùng Vương đã dần dần trở thành tín ngưỡng thiêng liêng của toàn dân, các triều đại phong kiến Việt Nam từ sớm đã quyết định lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch là Ngày Lễ trọng đại và ngày này đã trở thành ngày Lễ chính thức của đất nước. Tại nước ngoài, chính đồng bào ta định cư đã đưa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến nước sở tại, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát huy giá trị lich sử, văn hoá của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhằm gắn kết cộng đồng, gắn bó với quê hương, nguồn cội và làm cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với nhân dân nước sở tại.

Theo nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến, sinh sống tại Áo, tác giả chính Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu cho biết, Lào là nước đầu tiên Dự án thực hiện được cả ba nội dung chính mà tại các nước khác chưa làm được là tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội thảo khoa học về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam đến nước sở tại.

Nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến cho rằng, Lễ Giỗ Tổ tại Lào tổ chức khá thành công, bởi thứ nhất, ban tổ chức đã tổ chức được ba phần đầy đủ; thứ hai, là đã lan toả được giá trị văn hoá không chỉ đối với cộng đồng mà đối với người dân nước sở tại, bởi có cả những cán bộ của Lào đến dự, tất nhiên tình cảm giữa Lào và Việt Nam như anh em rồi, nhưng hôm nay, tôi nghĩ, họ mới được biết đến tín ngưỡng văn hoá thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - di sản văn hoá tín ngưỡng duy nhất trên thế giới. Đây là thành công kép trong hoạt động triển khai Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tại Lào.

Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được tiến hành tại nhiều nước, theo một chương trình chung, một nghi lễ chung, nhằm tạo nên một sự kiện văn hóa đặc biệt, nối liền các dân tộc Việt trên khắp năm châu, nhằm khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết, gắn bó lẫn nhau trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các hoạt động trong Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu mà nội dung chính là lễ Giỗ Tổ Vua Hùng càng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các thế hệ người Việt sống xa Tổ quốc hiểu biết thêm về nguồn gốc và tổ tiên của mình.

Các hoạt động trong khuôn khổ Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tổ chức từ ngày 5 đến 6/4/2019 tại Lào đã góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và ủng hộ rộng rãi của cộng đồng kiều bào tại Lào./.

(Theo: nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất