Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 2/6/2010 22:15'(GMT+7)

Giữ an toàn cho trẻ là trách nhiệm của người lớn

 
Đã đến lúc chúng ta không thể chỉ hô hào một cách chung chung mà cần có Pháp lệnh về phòng chống TNTT cho trẻ em, tiến tới xây dựng thành luật về vấn đề này. Trách nhiệm phòng chống TNTT là của toàn xã hội, của chính mỗi người dân và của nhiều cấp, bộ, ngành. 
 
Vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng

Theo báo cáo về phòng chống TNTT trẻ em ở Việt Nam được công bố mới nhất hồi tháng 4/2010, TNTT trẻ em là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng trên toàn thế giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 830 nghìn trẻ em tử vong do TNTT không chủ định, tương đương với khoảng 2.000 trẻ tử vong mỗi ngày.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng chống TNTT, qua việc triển khai cộng đồng an toàn trên toàn quốc, triển khai chương trình trường học an toàn, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe máy khi tham gia giao thông… Tuy nhiên, hiện nay, TNTT vẫn là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi ở Việt Nam. Trong đó tử vong do đuối nước chiếm 50%, do tai nạn giao thông chiếm hơn 20%, còn lại là do ngộ độc, ngã, bỏng và động vật cắn.

Theo số liệu báo cáo, chỉ riêng năm 2007 nước ta có 7.894 trẻ em và người chưa thành niên tuổi từ 0 đến 19 bị tử vong do TNTT. Đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc, ngã, bỏng và động vật cắn là những nguyên nhân chính gây ra các vụ TNTT dẫn tới tử vong đối với trẻ em. Mỗi ngày, trung bình có hơn 20 trẻ em và người chưa thành niên tử vong do tai nạn thương tích.

Bên cạnh đó, chưa kể hàng ngàn trẻ em khác bị TNTT tuy không tử vong nhưng tàn tật suốt đời. Tai nạn bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh cũng là mối nguy hiểm thường trực đối với trẻ em tại nhiều nơi.

Nhất là trẻ vị thành niên, đây là lứa tuổi hiếu động và cần có những quan tâm chăm sóc rất đặc biệt. Theo Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trên thế giới, cứ 5 người thì có 1 người là trẻ vị thành niên và 85% trẻ vị thành niên sống tại các nước đang phát triển. Gần 2/3 các ca chết trẻ và 1/3 trong tổng số gánh nặng bệnh tật ở người lớn có liên quan đến các điều kiện phát triển và các hành vi trong giai đoạn vị thành niên, bao gồm việc sử dụng thuốc lá, không hoạt động thể chất, quan hệ tình dục không an toàn, nạn bạo lực và cả tai nạn thương tích.

Quyền được sống an toàn là quyền của mọi trẻ em

“Quyền được sống an toàn là quyền của mọi trẻ em”, trách nhiệm phòng chống TNTT là của toàn xã hội, của chính mỗi người dân và của nhiều cấp, bộ, ngành.

Những nghiên cứu và báo gần đây cũng chỉ ra rằng, TNTT ở Việt Nam chủ yếu xảy ra do thiếu ý thức, kiến thức và kỹ năng của người dân về phòng chống TNTT và do môi trường sống không an toàn (môi trường này có thể là cả môi trường gia đình và cộng đồng).

Rõ ràng, để nâng cao nhận thức cho người dân hiểu và có các kỹ năng sống để có thể thích ứng, đối phó và phòng chống TNTT cho trẻ em nói riêng trước hết phải có trách nhiệm của ngành giáo dục sau đó là nhiều ngành khác như: ngành xây dựng thì liên quan đến công tác thiết kế xây dựng sao cho đảm an toàn cho trẻ nhỏ, ngành y tế phải đảm bảo chính sách chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, ngành giao thông, ngành tư pháp…

Cũng đến lúc nhiều gia đình cần thay đổi nhận thức trong cách giáo dục con trẻ. Hiện trong mỗi gia đình không phải cha mẹ nào cũng có ý thức phòng chống tai nạn, đảm bảo an toàn cho trẻ. Sự sơ suất của người lớn còn quá nhiều dẫn đến trẻ bị thương tích. Việc chủ động và dạy cho con các kỹ năng sống tối thiểu là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình cha mẹ dồn ép con cái học hành quá nhiều gây nên những tổn thương tâm lý cho trẻ. Theo GS. TS. Trần Thị Tâm Đan, Nguyên chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, rõ ràng đây chính là quan điểm sống, quan điểm giáo dục của mỗi gia đình, đã đến lúc nên chăng có cách đào tạo và giáo dục con trẻ khác đi.

Pháp luật Việt Nam hiện nay, bên cạnh Quyết định số 197/2001/QĐ-TTg ngày 27/12/2001 ban hành Chương trình quốc gia về Phòng chống TNTT từ năm 2002 - 2010 thì chưa có văn bản có giá trị pháp lý cao điều chỉnh riêng về lĩnh vực này. Các quy định về phòng chống TNTT trong đó có trẻ em nằm rải rác hoặc chưa chỉ thể hiện gián tiếp trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản có giá trị pháp lý cao (Pháp lệnh hoặc Nghị định) về phòng chống TNTT trẻ em để từ đó có sự chỉ đạo thống nhất và thực hiện tốt công tác này.

Như quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lứa tuổi từ 10 - 19 tuổi là độ tuổi vị thành niên. Thanh thiếu niên trong độ tuổi này có những nhu cầu phát triển sức khoẻ cụ thể và phải đối mặt với những thách thức có thể tác động đến quá trình phát triển. Nếu trẻ bị đói nghèo hoặc bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ y tế, môi trường không an toàn, lành mạnh sẽ phải đương đầu với gánh nặng bệnh tật, thương tích. Nếu chúng ta có những can thiệp kịp thời, hữu hiệu có thể cứu sống và nuôi dưỡng một thế hệ trẻ có ích cho tương lai.

Thuỳ Minh - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất