Thứ Ba, 1/10/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 31/5/2010 10:52'(GMT+7)

Phía lưỡi bén của con dao thuốc tây

Nghiên cứu của bệnh viện Nhi Trung ương chỉ ra nguyên nhân gây xơ hoá cơ delta là do tiêm kháng sinh peniciline

Nghiên cứu của bệnh viện Nhi Trung ương chỉ ra nguyên nhân gây xơ hoá cơ delta là do tiêm kháng sinh peniciline

Theo TS Liêm, ở lứa tuổi 1 – 5, cơ delta dễ bị xơ hoá bởi ở giai đoạn đó cơ delta chưa phát triển, thuốc kháng sinh tiêm vào nhiều lần nhưng lại tan chậm, tạo áp lực cao trong cơ, gây xơ cơ. Bệnh viện Nhi Trung ương đã nghiên cứu hơn 3.400 bệnh nhân, cho thấy tỷ lệ mắc bệnh trên nhóm có tiền sử tiêm thuốc kháng sinh cao gấp bốn lần nhóm không tiêm. Hiện những ca mắc đã được mổ, tập luyện để trở về cuộc sống bình thường.

16.000 trẻ bị “xệ cánh”

Ngày 28.5 vừa qua, tại buổi lễ giới thiệu dự án Tăng cường thực hành an toàn thuốc, bài phát biểu của TS Jean Marc – Olive, trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã nêu một ví dụ: Năm 2006, bộ Y tế Việt Nam đã cảnh báo về chứng xơ hoá cơ delta. Tiền sử chứng xơ hoá cơ delta chứng minh đã có sự xuất hiện của các sai sót về thuốc và phản ứng phụ. Ước tính 16.000 trẻ em Việt Nam đã bị teo hoá cơ delta do tiêm một lượng lớn kháng sinh vào các cơ đang phát triển, dẫn đến hậu quả trẻ em bị suy nhược và tiêu tốn lượng tiền lớn của Nhà nước và gia đình bệnh nhân.

TS Jean Marc – Olive đưa ra ví dụ này để minh chứng cho việc sử dụng thuốc không an toàn. Hiện tại chưa có thông tin về mức độ sai sót thuốc ở các bệnh viện tại Việt Nam nhưng tại Mỹ, hàng năm sai sót về thuốc dẫn đến khoảng 1,3 triệu người bị ảnh hưởng và 180.000 người tử vong, tiêu tốn ít nhất 3,5 tỉ USD. “Nhiều cơ sở y tế đã từ chối thừa nhận có sai sót về thuốc và gây ra những nguy hại nhất định. Lý do là vì các cán bộ y tế lo sợ bị khiển trách và phạt nếu xảy ra sai sót. Tác dụng của thuốc sẽ không được phát huy tối đa nếu xảy ra sai sót trong kê đơn, phân phát và quản lý thuốc”, TS Jean Marc – Olive nói.

“Đánh nhau” trên toa thuốc

Tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã có những khảo sát về tình trạng dùng thuốc hiện nay. TS Trần Nhân Thắng, phó khoa dược, trưởng đơn vị thuốc bệnh viện Bạch Mai đưa ra ví dụ: một đơn thuốc gồm chín loại là cefoperarol, digoxil, furocemid, verospiron, kalium chloratum, nitromint, renitec, levomel, diamicron thì có đến 13 cặp tương tác. Trong đó có hai loại thuốc lợi tiểu, có thể bỏ một, có một thuốc giữ kali, một thuốc bù kali, có thể bỏ thuốc giữ kali và thuốc hỗ trợ gan chỉ định sai. Chỉ cần bỏ thuốc hỗ trợ gan thì đã giúp loại trừ ba cặp tương tác thuốc.

Hay đơn giản như trường hợp một bệnh nhân bị sốt, đau khắp người, được bác sĩ kê đơn gồm Di-antalvic, Efferalgan 500mg, vitamin C, B6… Tuy nhiên, Di-antalvic và Efferalgan 500mg đều là thuốc giảm đau, hạ sốt và là hai biệt dược có cùng hoạt chất Paracetamol. Đó là chưa kể việc bác sĩ ghi nhầm tên thuốc như thuốc Levonor (thuốc giúp tăng huyết áp, dùng cho bệnh nhân bị truỵ mạch) lại ghi thành Levonox (thuốc chống đông máu).

Ngộ độc thuốc đứng thứ ba trong số các ca cấp cứu ở đây.

Ngộ độc thuốc đứng thứ ba

Trên thực tế đã không ít trường hợp ngộ độc Paracetamol phải vào cấp cứu tại trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai. Theo số liệu của trung tâm này trong vòng ba tháng đầu năm 2010 đã có 40 ca ngộ độc thuốc an thần, thuốc ngủ, Paracetamol.

Sự nguy hiểm của tương tác thuốc sẽ có hại cho người bệnh và gây tốn kém không đáng có. Chính vì vậy, đại học Dược Hà Nội đã phối hợp với bệnh viện Bạch Mai thực hiện dự án Tăng cường thực hành an toàn thuốc với hy vọng hạn chế tối đa những sai sót không đáng có trong quá trình kê đơn, điều trị bệnh. TS Thắng cho biết, tình trạng sử dụng thuốc không hợp lý là một vấn đề có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp ở mọi cấp độ chăm sóc y tế, là nguyên nhân làm tăng đáng kể chi phí cho người bệnh, nhưng trước hết việc sử dụng thuốc không hợp lý có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Theo TS Phạm Duệ, giám đốc trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc thuốc đứng thứ ba trong số các ca cấp cứu ở đây, dĩ nhiên gồm nhiều kiểu ngộ độc. Kê nhiều thuốc sẽ làm tăng khả năng tương tác của thuốc, vì vậy bác sĩ nên xem kỹ thuốc để cân nhắc giảm liều hoặc theo dõi chặt bệnh nhân trong quá trình điều trị. Các nhà sản xuất thuốc đều ghi rõ hướng dẫn sử dụng khi dùng, do đó bác sĩ cũng như người bệnh phải xem kỹ. Ngày nay y học phát triển, người bệnh có nhiều sự lựa chọn khi dùng thuốc nhưng cũng có nhiều nguy cơ tương tác thuốc.

Theo Lệ Hà (Sài Gòn Tiếp Thị)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất