Thứ Năm, 10/10/2024

Phát huy nội lực văn hóa để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đánh thử nhạc cụ dân tộc Việt Nam trong tiệc chiêu đãi trọng thể chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ngày 1/3/2019, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đánh thử nhạc cụ dân tộc Việt Nam trong tiệc chiêu đãi trọng thể chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ngày 1/3/2019, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì. (Ảnh: TTXVN)

Xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, quy mô lớn, tác động tới tất mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… đã và đang tạo điều kiện cho các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau, hiểu biết, bổ sung, làm phong phú và hỗ trợ lẫn nhau trên lĩnh vực văn hoá. Thực tế cho thấy, tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có thể khiến một quốc gia vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao kinh tế, kỹ thuật, công nghệ trong vòng vài ba chục năm; tuy nhiên, để trở thành một quốc gia phát triển về văn hoá thì lại khác. Một quốc gia giàu có về kinh tế, trong khoảng một thập kỷ có thể đổi mới, nâng cấp toàn bộ hạ tầng cơ sở, vật chất, kỹ thuật, nhưng cũng trong khoảng thời gian đó rất khó - thậm chí là không thể - thiết lập được một cơ sở hạ tầng văn hoá tiến bộ và phát triển, nếu quốc gia đó thiếu một nền tảng văn hóa làm “bệ đỡ”.

Văn hóa có mối quan hệ tương quan, biện chứng với chính trị, kinh tế, xã hội… Muốn đánh giá một nền văn hóa phát triển thì không thể không xét đến những khía cạnh, lĩnh vực liên quan đến đời sống con người. Có rất nhiều vấn đề đặt ra hiện nay khi xem xét, đánh giá thực trạng đời sống văn hoá nước ta trước tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Có người thì bi quan, cho rằng, trong khi đời sống kinh tế phát triển, con người có điều kiện tiếp cận, giao lưu với văn hoá của nhiều nước trên thế giới, nhưng đời sống tinh thần thì lại có những biểu hiện sa sút nghiêm trọng. Ngược lại, có người lại lạc quan, cho rằng mọi sự đều tốt đẹp, những hiện tượng tiêu cực, ngoại lai là “lẽ tự nhiên” và không đáng kể. Thật ra, bức tranh không chỉ có một màu, hoặc toàn tối hoặc toàn sáng.

Trước hết, cần khẳng định, trước tác động của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, đời sống văn hoá, xã hội của đất nước ta đã đạt nhiều kết quả và có những tiến bộ rõ rệt. Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, thiết thực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc. Phát triển toàn diện con người Việt Nam từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người được chú trọng(1)… Những kết quả và tiến bộ đó đã góp phần giữ gìn văn hoá dân tộc trước tác động của quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế cũng tạo nên những hệ lụy đối với văn hoá dân tộc. Đó là tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị vǎn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp... Trước những biến động chính trị phức tạp trên thế giới, một số người hoài nghi, phủ nhận lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; mơ hồ, bàng quan, mất cảnh giác trước những luận điệu thù địch xuyên tạc. Trong sáng tác và lý luận, phê bình, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu vǎn học cách mạng và kháng chiến làm cho chức nǎng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học nghệ thuật bị thu giảm. Giao lưu vǎn hóa với nước ngoài chưa tích cực và chủ động, còn nhiều sơ hở...

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thành tựu và hạn chế, vấn đề đặt ra là dù hội nhập ở mức độ nào, có bị tác động ra sao, về góc độ văn hóa chúng ta phải luôn bảo đảm nguyên tắc “hoà nhập chứ không hoà tan”. Muốn làm được điều đó, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế chúng ta phải luôn phát huy được nội lực văn hoá dân tộc. Theo đó, cần chú ý đến một số phương diện cơ bản sau:

Thứ nhất, nội lực văn hoá dân tộc ta hiện nay đã và đang có những bước chuyển biến toàn diện và sâu sắc. Đây là thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ cả về quan niệm giá trị, chuẩn mực văn hoá; chuyển đổi về công nghệ, kỹ thuật và cơ sở vật chất của văn hóa; chuyển đổi về đội ngũ nhân sự, bộ máy hoạt động văn hoá; chuyển đổi lối sống, nếp tư duy, tầm nhìn, cách nhìn của cá nhân và cộng đồng với hàng loạt các nhu cầu văn hoá phong phú và đa dạng của nhân dân. Sự chuyển đổi này có cơ sở khách quan từ sự đổi mới toàn diện của đất nước mà cốt lõi cơ bản là phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Sự chuyển đổi này là kết quả của quá trình vận động phát triển trên cơ sở những mâu thuẫn, xung đột vừa mang tính khách quan, vừa mang tính chủ quan trong tiến trình đi lên của đất nước. Vì vậy, sự bình tĩnh và khách quan trong đánh giá các hiện tượng văn hóa - xã hội trước tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một yêu cầu lớn trong giai đoạn hiện nay.

Trong nền kinh tế thị trường, văn hoá là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm; kích thích tính sáng tạo, năng động, nhưng trong môi trường đó, văn hoá cũng có thể nhiễm phải những căn bệnh của kinh tế thị trường: chủ nghĩa cá nhân phát triển, sùng bái đồng tiền, lối sống tiêu thụ, thực dụng... Không ít hoạt động văn hoá bị lôi cuốn vào xu hướng thương mại hoá, xuất hiện những sản phẩm văn hoá kém chất lượng chạy theo thị hiếu thấp kém. Đồng tiền xuất hiện với tư cách là thước đo các giá trị, nhưng cũng trở thành “thế lực” có khả năng “bóp méo” nhân cách con người, làm “biến dạng” nhiều giá trị văn hóa... Để khắc phục tối đa những mặt trái nêu trên, ngoài sự bài bản, căn cơ trong chủ trương, chính sách, sự nghiêm minh trong triển khai, thực hiện, nhất là sự “đủ tâm đủ tầm” của đội ngũ những người có trách nhiệm, thì việc nâng cao ý thức và bản lĩnh văn hóa trong mỗi người, mỗi tổ chức, cộng đồng phải được xác định là giải pháp quan trọng.

Thứ hai, chưa bao giờ sức ép của xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá được sự hỗ trợ của công nghệ 4.0 tác động vào nền văn hóa dân tộc lại mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc như hiện nay. Sự đầu tư trực tiếp, gián tiếp của các công ty đa quốc gia và xuyên lục địa, sự giao lưu thương mại và dịch vụ với khối lượng hàng hóa khổng lồ, sự tăng cường dịch vụ du lịch, giải trí, sự mở rộng hệ thống thông tin trên hệ thống Internet... đã làm “tan băng” ở các quốc gia “đóng” và “sốt” lên ở những quốc gia “mở”. Ranh giới địa lý - biên giới hữu hình không cản nổi sự “xâm thực” của các trào lưu văn hóa xa lạ trên khắp thế giới. Sự phát triển của khoa học công nghệ vừa tạo thời cơ lớn, đồng thời đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam. Theo đó, việc tiếp thu những điều tốt, điểm tương đồng, giá trị tích cực phải đi liền với không ngừng tỉnh táo phòng ngừa, loại trừ những cái xấu, dở, không phù hợp. Chủ động, mạnh dạn tiếp thu, tiếp nhận, tiếp biến, giao thoa phải đi liền với tinh tường, bản lĩnh, cảnh giác tránh “vơ bào vạt tép”, “ham thanh chuộng lạ” một cách mù quáng; không đánh mất mình, “hoà tan” bản sắc của mình. Đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới và tiếp biến văn hóa thế giới vào Việt Nam không chỉ nhằm góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước mà còn là nhằm hiện thực hóa phương châm: văn hoá là động lực, là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước tiến nhanh tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Thứ ba, mối quan hệ giữa quốc gia - dân tộc và quốc tế trở thành một trong những vấn đề trung tâm của thời đại. Các dân tộc trong quá trình phát triển đang tìm cách kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tranh thủ thời cơ, chống lại các nguy cơ để tập trung xây dựng đất nước. Sức mạnh của sự liên kết cộng đồng được đặc trưng ở việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá và bản lĩnh văn hoá của dân tộc trong giao lưu quốc tế. Do đó, cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu thế bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc và bản lĩnh dân tộc, chống lại xu hướng “đồng hoá” hay “nhất thể hoá” về văn hóa.

Bản sắc văn hoá là những dấu hiệu đặc trưng để phân biệt văn hoá của cộng đồng này với cộng đồng khác, dân tộc này với dân tộc khác, quốc gia này với quốc gia khác. Đây là “gen” di truyền văn hoá của từng dân tộc - kết tinh ở truyền thống văn hoá dân tộc, thể hiện trong lối sống, phong tục, tập quán, trong các hoạt động sản xuất vật chất và tinh thần của cộng đồng. Trong giao lưu quốc tế, các dân tộc sẽ đánh mất sự tồn tại của mình nếu mất bộ “gen” di truyền văn hoá. Cần tránh sai lầm đồng nhất bản sắc văn hoá dân tộc với những hình thức thể hiện bên ngoài của nó. Bản sắc văn hoá dân tộc bao chứa cả “cái tĩnh” và “cái động”, “cái cổ truyền” và “cái hiện đại”, cả hình thức và nội dung, cả “cái ngoại sinh” được “nội sinh” hoá. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là quay về “phục cổ”, quay về với cái cũ mà phải căn cứ vào quan điểm phát triển đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Yêu cầu phát triển đất nước là tiêu chí để lựa chọn giữa cái cũ và cái mới, cái bên trong và cái bên ngoài, cái nội sinh và cái ngoại sinh. Tính tự giác của quá trình lựa chọn văn hóa sẽ khắc phục được tính tản mạn, tuỳ thuộc vào tầm nhìn, điểm nhìn, trình độ, nhân cách và bản lĩnh của chủ thể lựa chọn.

Thứ tư, phát huy nội lực của văn hoá dân tộc trước tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế chính là tạo nên một dòng chảy liên tục của truyền thống văn hóa dân tộc nhằm khẳng định bản sắc văn hoá và bản lĩnh văn hoá dân tộc. Truyền thống văn hoá là những giá trị văn hoá do lịch sử để lại được các thế hệ sau làm sống lại trong thời đại của mới. Trong truyền thống văn hóa Việt Nam có hai dòng chủ lưu xuyên suốt là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo. Trong chiến tranh chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc, hai dòng chủ lưu này đã phát huy sức mạnh để đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh của hào khí Việt Nam. Ngày nay, sự thành công của quá trình đổi mới tuỳ thuộc vào việc phát huy sức mạnh tổng hợp của hai dòng chủ lưu, nếu bị xem nhẹ, không được thế hệ sau tiếp nối sẽ dẫn tới khủng hoảng văn hoá nghiêm trọng, đặc biệt là trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.

Như vậy, nội lực văn hoá dân tộc vừa bao trùm bản sắc văn hóa vừa bao hàm bản lĩnh văn hóa dân tộc. Đây là nền tảng chủ yếu để xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là “bộ lọc” các giá trị văn hóa ngoại nhập, chống lại những tác động phi văn hoá, phản văn hoá trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nội lực văn hoá chỉ thực sự phát huy được sức mạnh khi trở thành tinh thần tự giác của mọi thành viên trong xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là sự nghiệp phát triển đất nước một cách bền vững phải được đặt trên nền tảng văn hóa dân tộc, phải khơi dậy và phát huy tới mức cao nhất nội lực của một nền văn hóa đã được khẳng định trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”./.

TS. BÙI VĂN HUẤN
Trường chính trị tỉnh Bắc Giang

_______________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.64-65.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất