Thứ Bảy, 19/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 7/2/2018 15:53'(GMT+7)

Giữ gìn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ - hồn phách của dân tộc, góp phần nâng cao tầm vóc quốc gia

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Chỉ đạo công tác Văn thư – Lưu trữ trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh:

“Cần tập trung quan tâm đặc biệt là lưu trữ các tư liệu (tài liệu lưu trữ) chung, giữ gìn bảo quản các tư liệu quý có từ mấy trăm năm nay đang được lưu trữ trong các kho Lưu trữ quốc gia, đó là Châu bản, Mộc bản và các tư liệu khác. Chúng ta phải xem đó là tư liệu vô cùng quy hiếm. Châu bản triều Nguyễn vừa rồi đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Đây là hồn phách của dân tộc, là kinh nghiệm của quá khứ. Nó vừa là kiến thức, vừa có giá trị lịch sử, vừa là những bài học kinh nghiệm mà chúng ta phải tuyên truyền cho tốt, phổ biến cho tốt, giáo dục cho tốt để nâng cao truyền thống và tự hào dân tộc.

Cho nên, công tác lưu trữ cần tiếp tục bảo quản, giữ gìn làm sao cho tốt nhưng đồng thời công tác khai thác, công bố cũng phải cho tốt, phải đảm bảo thẩm định, đánh giá khoa học và phải thận trọng khi công bố để khi công bố rồi sẽ nâng lên giá trị lịch sử, quốc gia”.

Xuyên suốt nội dung chỉ đạo nói trên của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là cả một triết lý và giá trị nhân văn sâu sắc trong hoạt động của Ngành từ việc lưu trữ - bảo quản – công bố phát huy giá trị tài liệu lưu trữ để nâng cao tầm vóc quốc gia.

Suy nghĩ từ giá trị nhân văn

Thông điệp trong ý kiến chỉ đạo nói trên của Phó Thủ tướng rất cô đọng, ngắn gọn nhưng súc tích, hàm chứa nhiều thông tin gắn với chức năng, nhiệm vụ cơ bản của ngành Lưu trữ (bảo quản và phát huy) với yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc; vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi yêu cầu phải có một thái độ ứng xử nhân văn với tài liệu lưu trữ - một loại di sản của dân tộc và của thế giới mà người làm lưu trữ và xã hội phải nhận thức đúng: đó là kiến thức, bài học kinh nghiệm mà cha ông để lại, là hồn phách của dân tộc – những di sản có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học[1]. Đây là một thông điệp có ý nghĩa của một Chính phủ kiến tạo, hành động, ngành Lưu trữ lần đầu được tiếp nhận một “chỉ thị” mang giá trị nhân văn sâu sắc đến như vậy. Thông điệp mà Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ của Ngành là:  

- Cần tập trung bảo quản, giữ gìn an toàn tài liệu lưu trữ nhất là tài liệu quý hiếm mà Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn – những di sản tư liệu được thế giới công nhận;

- Công bố, khai thác một cách thận trọng, khoa học mới phát huy được những kiến thức, kinh nghiệm của quá khứ - cách ứng xử rất nhân văn đối với hoạt động Công bố - Khai thác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ;

- Phải tuyên truyền cho tốt, phổ biến cho tốt, giáo dục cho tốt để nâng cao truyền thống và tự hào dân tộc

Đặc biệt, nét mới trong huấn thị mà thông điệp của Phó Thủ tướng nhấn mạnh là: Tài liệu lưu trữ, đặc biệt là tài liệu quý hiếm như Châu bản triều Nguyễn mới được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, là hồn phách của dân tộc. Ý nghĩa nhân văn trong mệnh lệnh hành chính ấy thể hiện rất rõ trong chính nội dung thông điệp này. Bởi, hồn phách[2] yếu tố sức sống tinh thần của con người và rộng hơn, đó là yếu tố sức sống tinh thần của một dân tộc. Tài liệu lưu trữ nói chung, tài liệu lưu trữ quý hiếm nói riêng - các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam trong đó có Châu bản triều Nguyễn – là hồn phách của dân tộc, là tinh thần và sinh lực của dân tộc.

Ở một góc độ sâu xa khi nghĩ về mối quan hệ của hồn và phách, giữa tài liệu lưu trữ - những trang giấy ố vàng và giá trị của nó với hiện tại và tương lai, người ta nghĩ đến một nhận xét của nhà bác học Đào Duy Anh luận giải theo lý luận Hình và Khí như sau “Hồn là cái linh phụ thuộc vào phần khí của con người”. Do vậy, hồn phách của dân tộc không thể tách rời những giá trị quý báu của tài liệu lưu trữ. Bởi, tài liệu lưu trữ chứa đựng kiến thức, những bài học kinh nghiệm của ông cha được tích góp trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Việc coi tài liệu lưu trữ quý hiếm, nhất là Châu bản triều Nguyễn là hồn phách của dân tộc - di sản tinh thần của cha ông để lại thực sự thể hiện một triết lý nhân văn[3] sâu sắc.

Đến sứ mệnh và trọng trách

Ngay từ những năm 2006, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội X, Khóa IX của Đảng đã xác định: Bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ không chỉ là trọng trách của một ngành mà là một trọng trách của toàn Đảng, toàn dân.

Tiếp theo, Chỉ thị số: 05/2007/CT-TTg, ngày 02/3/2007 của Thủ tướng chính phủ, Về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Đó là tinh thần: “Tổ chức bảo quản và khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ chuyên nghiệp và hiệu quả”.

Và đến hôm nay, những mệnh lệnh hành chính ấy lại được phát đi với tinh thần kiến tạohành động, cô đọng – súc tích – rõ ràng, là một thông điệp với những từ ngữ mang tinh thần và triết lý nhân văn sâu sắc: tài liệu lưu trữ là hồn phách của dân tộc, là kiến thức và bài học kinh nghiệm của cha ông là thấy được giá trị tri thức, giá trị lịch sử từ tài liệu lưu trữ.

Và điều quan trọng là phải đảm bảo thẩm định đánh giá khoa học và phải thận trọng khi công bố nhưng (để) công bố rồi (sẽ) nâng lên giá trị lịch sử, quốc gia.

Đó là sứ mệnh cao cả của những người gìn giữ di sản của dân tộc và thế giới. Đó cũng là biểu hiện của sự kiến tạo, hành động của Chính phủ, bởi: trong hoạt động quản lý, các quyết định… biểu thị trình độ tổ chức và quản lýcó chất lượng cao, lề lối làm việc khoa học…[4].

Quyết tâm chính trị

Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên của ngành Lưu trữ nhằm thực các quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ, cần tập trung triển khai và tổ chức thực hiện hiện hiệu quả Chỉ thị số: 35/CT-TTg, ngày 07/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số: 5709/BNV-VTLTNN, ngày 30/10/2017 của Bộ Nội vụ về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ. Đẩy mạnh hiện đại hóa công tác văn thư, lưu trữ thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý và phục vụ khai thác tài liệu lưu trữ.

Công tác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên của Ngành nhưng phải thực hiện với tinh thần kiến tạo, hành động để “khai thác cho tốt, công bố cho tốt”, “đảm bảo thẩm định đánh giá khoa học và phải thận trọng” nhằm nâng cao giá trị lịch sử của tài liệu lưu trữ và tầm vóc của quốc gia.

Mặt khác, để phát huy nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần từ các Lưu trữ lịch sử địa phương, cần đẩy mạnh hợp tác thực hiện việc công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia và lưu trữ lịch sử của tỉnh tại các trung tâm văn hóa lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh hoặc tại các địa phương. Các hình thức công bố, giới thiệu tài liệu cần đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung để từng bước giới thiệu kiến thức, những bài học kinh nghiệm của ông cha qua tài liệu lưu trữ hiệu quả hơn, tới gần hơn với công chúng.

Bước vào một năm mới, với tinh thần kiến tạo và hành động của Chính phủ, từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, thông điệp của chúng tôi, những người làm Lưu trữ là: Gìn giữ và phát huy các Di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm và tâm huyết của chúng ta để mang những giá trị văn hoá, truyền thống và lịch sử của cha ông phục vụ cho cuộc sống hôm nay và muôn đời con cháu mai sau./.

 

Đặng Thanh Tùng
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

 

 



[1] Công ước về việc bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên của thế giới đã được thông qua tại kỳ họp thứ 17 của Đại hội đồng UNESCO tại Paris ngày 16/11/1972

[2] Nguồn: Từ điển tiếng Việt, tr.462

[3] Từ điển tiếng Việt, triết lý, tr. 1016

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất