Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 26/6/2013 22:35'(GMT+7)

Giữ gìn, phát triển văn hóa trong đời sống của nông dân: Dễ mà khó

Quang cảnh buổi Đối thoại "Tổ quốc và Ý nguyện của nông dân"

Quang cảnh buổi Đối thoại "Tổ quốc và Ý nguyện của nông dân"

Giữ gìn phát triển văn hóa trong đời sống của người dân dễ vì sao?

Việt Nam là đất nước giàu truyền thống văn hóa dân tộc, hiện nay trên dải đất hình chữ S này vẫn còn giữ gìn khá nguyên vẹn cuộc sống làng xã, thôn bản. Mặc dù cuộc sống đang ngày càng phát triển, làng quê Việt Nam cũng đã có những đổi khác song người ta vẫn còn nhận thấy ở đấy những nét văn hóa đậm chất miền quê. Nhưng vì sao lại nói giữ gìn phát triển văn hóa trong đời sống người nông dân hiện nay tưởng dễ mà lại khó? Nói vậy là bởi văn hóa là khái niệm sâu và rộng để nói về các hoạt động biểu diễn, văn hóa nghệ thuật, mỹ thuật, văn học, thơ ca, lễ hội…những hoạt động này nói chung đa phần đều bắt đầu từ người nông dân. Ví dụ như ở lĩnh vực nghệ thuật, Việt Nam có 5 loại hình nghệ thuật biểu diễn được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới thì 3 loại hình gồm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hát Xoan, Quan họ là những loại hình nghệ thuật được hình thành từ dân gian, trong đời sống của người nông dân. Hai loại hình còn lại là Nhã nhạc và Ca trù mặc dù là loại hình nghệ thuật để phục vụ tầng lớp Vua, Chúa và quý tộc xưa nhưng cũng có xuất phát từ trong dân gian, sau đó được tầng lớp tri thức, những người có học chỉnh sửa lại về nhạc lý để phục vụ giới quý tộc. Mới đây trong buổi Đối thoại "Tổ quốc và Ý nguyện của nông dân" do báo Điện tử Tổ quốc, Trung tâm Công nghệ Thông tin tổ chức. Nhà thơ Trần Ninh Hồ đã bộc bạch những suy nghĩ của mình về thơ trong đời sống của người nông dân.

Theo ông thì không cần làm thơ cho nông dân, cũng chẳng cần dạy nông dân làm thơ bởi lịch sử đã chứng minh trong mỗi người nông dân luôn ẩn nấp một nhà thơ. Người nông dân Việt Nam đã đọc và làm thơ từ khi chưa có chữ việt và từ trước khi có thứ văn chương bác học của văn tự. Ví như thơ lục bát hay còn gọi là thơ sáu/ tám, một thể thơ rất gần gũi với người Việt. Thể loại thơ này có từ bao giờ thì cho đến nay vẫn chưa ai có thể khẳng định song đây chính là loại thơ đi sâu nhất với đời sống từ cung đình đến thứ dân, từ nhà quê đến thành thị, từ việc đại sự quốc gia đến ngóc ngách làng xã..Hán học uyên thâm như Đoàn thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát cũng dựng nghiệp “đế vương” trong văn chương từ thể thơ nông dân này. Tây học như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…cũng dùng thơ sáu/tám.

Và đặc biệt vai trò sáu/ tám trong âm nhạc dân gian (dân ca). , sáu/ tám, gần như là ca từ (lời ca) duy nhất đầy biến ảo cho các nhạc sĩ dân gian phổ nhạc (hát lên, đàn lên) thành mấy trăm làn điệu Quan họ, Cò lả, Trống quân, Ả đào, Xẩm, Ví, Đối, Hò... Và đặc biệt là Chèo cũng đến mấy trăm làn điệu. Rồi thoắt cái, thành Kịch - sân - đình, sánh ngang với mọi thể loại Kịch - sân - rồng! Mà lại là Nhạc - vũ - kịch! So với Thơ - trình - diễn đương đại từ Tây sang Đông bây giờ, Chèo đâu có "lép vế”. Thơ nông dân (nhà quê) này có "hiện đại" đến huyền ảo không, hay chỉ thật thà như đếm? Xin thưa: "Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em lấy chồng rồi trả yếm lại anh/ Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em, em mặc, yếm gì anh, anh đòi". Hồi ấy (mấy trăm năm rồi nhỉ), đã làm gì có lai ghép sinh học cho các mầu hoa? Thế rồi chàng trai nông dân khi quyết lấy bằng được người mình yêu thì: "Ví bằng mình quyết lấy ta/ Ta về ta bán cả nhà ta đi/ Bán Tam Đảo, bán Ba Vì/ Bán chùa Thạch Thất Phật đi lầu lầu/ Ta về ta bán ngựa, trâu/ Bán quả thầu dầu, bán trứng gà ung...". Ấy là bán cái cụ thể. Thế còn cái trừu tượng (huyền ảo)? Cũng bán!: "Bán ba mươi sáu Thổ công/ Bán ông Hành khiển (ông giời, tể tướng) vợ chồng Táo quân/ Bán từ giờ Mão, giờ Dần/ Giờ Tý, giờ Sửu, giờ Thân, giờ Mùi...". Chỉ qua vài ví dụ dẫn chứng đó ta có thể thấy rằng người nông dân đã làm thơ từ rất lâu và chính từ cái chất “thơ” đó mà biết bao loại hình nghệ thuật, diễn xướng đã ra đời và trong số đó có không ít loại hình đã trở thành hình ảnh đại diện và là niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng chính từ cuộc sống thường nhật của những người nông dân sau những vụ mùa là các hoạt động lễ hội ra đời. Các trò vui truyền thống, tín ngưỡng dân gian cũng từ đó mà được người nông dân xây dựng, lưu truyền qua hàng nghìn năm đến ngày hôm  nay trở thành những giá trị văn hóa không gì có thể so sánh.

Văn hóa nói chung được đa phần đều được sinh ra từ chính người nông dân vì thế giữ gìn văn hóa trong đời sống nông dân có vẻ như là việc đơn giản bởi họ chính là những chủ thể sinh ra những nét văn hóa này. Song cuộc sống thay đổi việc tưởng như dễ dàng đó lại có nhiều vấn đề khó thực hiện.

Khó vì sao?

Trong buổi Đối thoại "Tổ quốc và Ý nguyện của nông dân", PGS.TS Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL đã chia sẻ: “Chúng ta vẫn nói về việc chảy máu chất xám từ Việt Nam ra nước ngoài mà không biết rằng chính nông thôn đang bị chảy máu chất xám, chảy máu tài năng, chảy máu văn hóa về thành thị” 

Tại sao lại có hiện tượng chảy máu tài năng từ nông thôn ra thành thị như vậy là bởi sức hấp dẫn từ cuộc sống đầy đủ ở các thành phố lớn quá khác biệt so với đời sống vẫn còn nhiều thiếu thốn ở các làng quê. Mặc dù hiện nay ngành văn hóa cũng đã có nhiều chính sách đầu tư cho thiết chế văn hóa nông thôn để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa làng xã. Các hoạt động nghệ thuật được tổ chức ngày càng nhiều hơn ở các vùng quê, bổ sung cơ sở vật chất cho địa phương như xe thông tin tuyên truyền, loa đài, thư viện xã, thư viện thôn để nâng cao kiến thức cho con em ở nông thôn. Bộ VHTTDL cũng đã có quy định bắt buộc đối với các đơn vị nghệ thuật là phải có các chương trình biểu diễn ở nông thôn, nghệ sỹ phải có trách nhiệm mang lời ca tiếng hát đến với những người nông dân. Song không thể không nhận thấy mức thụ hưởng văn hóa giữa thành thị và nông thôn vẫn là một khoảng cách khá dài. Không chỉ có thế, cơ hội việc làm cũng như sự phát triển ngành nghề ở thành phố cũng khác biệt nhiều so với ở nông thôn vì thế khi đã được lên thành phố học tập, làm việc..những người nông dân thường không còn muốn quay trở về quê hương của mình nữa. Và như vậy, những lực lượng nòng cốt để xây dựng nông thôn phát triển cả về kinh tế, xã hội và văn hóa lần lượt, lần lượt rời bỏ vùng quê để lên thành phố.

PGS.TS Đào Mạnh Hùng nhấn mạnh: “gần 90% tài năng ở lĩnh vực văn hóa, thể thao đều sinh ra từ nông thôn. Nông thôn đẻ ra tài năng nhưng các tài năng lại không muốn quay trở về ”. Như vậy cái chúng ta cần làm là có trách nhiệm với nông thôn, làm sao để nông thôn thực sư phát triển có cơ hội việc làm cũng như thụ hưởng văn hóa được như ở thành phố thì những người nông dân dù có lên thành phố học tập, làm việc vẫn muốn quay trở về quê hương mình. Tuy nhiên để làm được việc đó, cần có một lộ trình và thời gian khá dài.

Cũng trong buổi Đối thoại GS.TS Đình Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề văn hóa với người nông dân: “Nhiệm vụ của chúng ta là cần phải lo cho nông thôn để theo kịp thành phố, đứng về phương diện khoa học và quản lý là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với nông thôn”. GS. TS Đình Quang nhấn mạnh: Để làm cho nông thôn có đời sống kinh tế và văn hóa cho bằng thành phố là cả một vấn đề khó khăn và lâu dài nhưng là con đường tất yếu mà chúng ta phải làm. Điều kiện tiên quyết là phải thực hiện được điện, đường, trường, trạm, nếp sống mới… ở nông thôn. Qua điện khí hóa, việc   phủ sóng phát thanh và truyền hình vì đó là những phương tiện thuận lợi nhất cho việc chuyển tải những sản phẩm văn hóa một cách nhanh chóng và dễ dàng, lại thuận lợi cho người hưởng thụ. Đồng thời phải chú ý hơn nữa về nội dung của những kênh và sản phẩm về nông thôn, nông nghiệp. Loại hình thứ hai là sách và tranh ảnh, chiếu bóng, băng đĩa, vi tính… vì đó là những thành phẩm có thể phát tán một cách dễ dàng. Ta mang cả thành phẩm đã hoàn chỉnh đưa về thì về phương diện phát tán dễ dàng hơn, và các sản phẩm nghệ thuật mà sự hưởng thụ và tính sáng tạo đồng thời ví dụ như ca múa nhạc sân khấu.

Nếu ngành văn hóa không quyết định một cách mạnh mẽ về chỉ tiêu phục vụ cho các đơn vị chuyên nghiệp đối với nông thôn và không có những chính sách phù hợp với nó, thì đời sống nông thôn sẽ vẫn rất khổ. Ví dụ diễn ở Nhà hát Lớn, khác ở nông thôn. Ta chưa có biện pháp nào thật hữu hiệu: hữu hiệu không chỉ tinh thần mà cả vật chất, có những tỉnh người ta đặt ra kỷ luật với đoàn nghệ thuật (một năm có bao nhiêu buổi về nông thôn), kỷ luật với vùng nông thôn (một năm tạo điều kiện đón bao nhiêu đoàn về phục vụ nhân dân). Ít nhất, phải để người nông dân được hưởng thụ những sản phẩm văn hóa, vì những sản phẩm văn hóa được hoàn thành từ thuế của dân mà thành phố được nhiều, nông thôn được ít là sự bất công. Sự chênh lệch vẫn rất lớn.

Chính bởi cái sự quá chênh lệch về đời sống về cơ hội việc làm, về hưởng thụ văn hóa đó mà người nông dân luôn muốn đến với thành phố. Nếu như chúng ta có thê xóa đi khoảng cách và sự chệnh lệch đó thì liệu có ai muốn rời bỏ quê hương mình đế đi lưu lạc nơi đất khách quê người? Về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Viện nghiên cứu Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần phải đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở nông thôn vì theo bà: đời sống tinh thần rất quan trọng với mỗi con người đặc biệt là những người nông dân quanh năm vất vả. Nhiều người chỉ trích về các hoạt động lễ hội hiện nay tổ chức làn tràn, nhưng họ không biết rằng những người nông dân thật sự hồ hởi khi được tập luyện văn nghệ, tham gia các hoạt động để chuẩn bị cho lễ hội của làng, xã. Dường như chỉ có những ngày lễ hội của làng xã, người nông dân mới có cơ hội để hưởng thụ văn hóa.

Bên cạnh đó PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến cũng nhận định: các chính sách hỗ trợ về việc làm cũng như chế độ ưu đãi cho những sinh viên ra trường trở vể quê cần phải thay đổi để những sinh viên này có động lực hơn khi quay trở lại làm việc tại quê hương mình, không thể nào đòi hỏi các em sau nhiều năm học hành, tiêu tốn nhiều tiền bạc của gia đình lại phải từ bỏ những cơ hội tốt ở thành phố để về nơi không có cơ hội làm việc..

Tiến sĩ Đình Quang thì thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình: Con người ta khi đầy đủ thì sẽ nghĩ nhiều về văn hóa vì thế nên những người có tiền ở nông thôn đều muốn lên các thành phố lớn và cho con em họ lên thành phố lớn vì ở đây cơ hội để thụ hưởng văn hóa nhiều hơn ở quê. Nếu chúng ta cho họ được cái mà họ mong muốn thì người nông dân sẽ không bỏ làng quê để lên thành phố nữa.

Đó là những lý do giải thích cho việc vì sao văn hóa được bắt đầu từ người nông dân nhưng việc giữ gìn phát triển văn hóa trong đời sống của nông dân lại là điều không hề đơn giản. Cần nhiều hơn sự quan tâm của các cấp ban ngành và những cơ chế chính sách ưu đãi  để người nông có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp nhận và hưởng thụ đời sống văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất nơi mảnh đất quê hương của chính họ.

Nguyễn Hương/ cinet.gov.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất