Nhất là trong nhịp sống hối hả hiện nay, sự du nhập văn hóa từ bên ngoài, cả mặt tốt và xấu khiến cho cuộc sống của mỗi gia đình cũng ít nhiều bị tác động, mà biểu hiện trước hết là sự sa sút một số giá trị văn hóa trong quan niệm và ứng xử. Ðiều này đòi hỏi mỗi con người, mỗi gia đình cần tỉnh táo xem xét và có những hành động thiết thực nhằm xây dựng, bảo vệ văn hóa gia đình trên cái nền dân tộc và hiện đại.
Văn hóa gia đình là nơi khởi nguồn và gìn giữ nội dung, bản sắc cơ bản của văn hóa dân tộc. Có thể nói trình độ phát triển kinh tế - xã hội quyết định đến quy mô, cách thức tổ chức gia đình. Song xã hội phát triển như thế nào cũng một phần là do văn hóa gia đình quyết định. Bởi gia đình là môi trường có những ảnh hưởng to lớn, quan trọng đến hành vi của con người, đấy là môi trường giáo dục đầu tiên, thiêng liêng đối với mỗi thành viên, mà quan hệ ruột thịt là nhân tố có sức cảm hóa và ảnh hưởng to lớn. Gia đình là môi trường hình thành và phát triển nhân cách vô cùng quan trọng, một gia đình đầm ấm, hạnh phúc là điều kiện tốt cho mỗi thành viên trưởng thành đúng nghĩa con người. Mỗi giai đoạn xã hội, mục tiêu phát triển gia đình tuy có khác nhau nhưng nó không thể tách khỏi mối quan hệ với dòng họ, với quê hương, với đất nước, lịch sử, dân tộc. Giữ gìn được truyền thống văn hóa gia đình là góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam.
Là đơn vị xã hội liên quan trực tiếp tới huyết thống và sự giáo dưỡng, gia đình là môi trường sống đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi con người, là cái nôi sinh thành, ghi dấu ấn dưỡng dục không thể phai mờ trong suốt cuộc đời. Người Việt Nam vốn có một truyền thống văn hóa gia đình phong phú và tinh tế, được thể hiện và tỏa sáng trong những cái rất cụ thể. Từng lời nói, cử chỉ, hành vi, ý nghĩ của mỗi thành viên ở mọi lúc, mọi nơi trong đời sống thường ngày, từ bữa ăn, giấc ngủ, tới lời ru, giọng nói, nụ cười, ánh mắt; từ lời dạy trẻ tập nói bi bô, tới sự dạy bảo của ông bà, cha mẹ với con cháu về chữ hiếu, chữ trung, về lòng chung thủy, nghĩa vợ chồng, anh em đùm bọc chia ngọt sẻ bùi, lúc quây quần thắp nén nhang thơm tưởng nhớ tổ tiên... Nói văn hóa gia đình thì nội dung và ý nghĩa rất rộng lớn.
Xây dựng văn hóa gia đình trước hết và chủ yếu là xây dựng nền nếp gia giáo, vì đó là yếu tố nền tảng. Có thể hiểu gia giáo là quá trình giáo dưỡng con người từ khi còn trong bụng mẹ (thai giáo), cho đến lúc lớn khôn và trong suốt cuộc đời. Nhân cách và bản lĩnh, tư chất và năng khiếu, đạo đức và lối sống đều hình thành, phát triển từ cái nôi gia đình để rồi cùng với nhà trường và xã hội vun đắp, phát huy, dần dần hoàn thiện trong cuộc sống mà trở thành con người ngày càng hoàn thiện, phù hợp yêu cầu của xã hội. Mục tiêu tối thượng của gia giáo chính là giúp mỗi thành viên trong gia đình hình thành nhân cách, trau dồi phẩm hạnh, rèn luyện tài năng ý chí, giáo dục lý tưởng, hướng tới chân - thiện - mỹ. Mỗi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm lấy việc noi gương sáng, sống cho xứng đáng với các bậc tiền nhân, làm bổn phận của mình. Sống nhân nghĩa, thủy chung, công bằng, bác ái và phải ý thức rằng nếu vi phạm sẽ là nỗi xấu hổ của chính mình, gia đình và dòng họ, quê hương, cũng có nghĩa là tự đào thải mình khỏi bước tiến của gia đình và xã hội.
Ngày nay, ảnh hưởng của lối sống thực dụng, chạy theo và thỏa mãn lợi ích vật chất, tác động của sự thiếu chọn lọc trong giao lưu văn hóa, đã khiến không ít gia đình lơi lỏng trong giáo dục con cái, mà mải mê kiếm tiền để thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Lao động để kiếm tiền không có gì là xấu, thậm chí chính đáng, nhưng đáng phê phán là một bộ phận trong đó, do cố gắng kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp mọi ràng buộc để thực hành các thủ đoạn buôn gian bán lận, tham ô, móc ngoặc,... đã đem tới hệ quả tiêu cực, trong nhiều trường hợp là thả nổi để con cái đua đòi ăn chơi. Phải nói thẳng rằng trong hiện tại, một bộ phận lớp trẻ đang chạy theo thú vui tiêu cực, không học hành, buông thả trong lối sống thác loạn, thực hiện nhiều hành vi gây hại cho xã hội. Trong khi đó, một số bậc cha mẹ lại buông lỏng việc rèn cặp, uốn nắn, bảo ban con cái từ nhỏ, hoặc chính họ không gương mẫu trong lối sống, đến khi hối hận thì đã muộn. Thậm chí có bậc cha mẹ phải ngậm đắng nuốt cay vì sự đối xử tệ bạc vô nhân tính của con cái chỉ vì những lý do như: tranh giành quyền thừa kế, cho rằng cha mẹ già "lẩm cẩm, lạc hậu, nghèo hèn"... Theo thống kê của các nhà xã hội học, ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên phạm tội, mà nguyên nhân sâu xa là sự xói mòn gia giáo, bại hoại gia phong. Xét từ ý nghĩa của sự giáo dục và truyền thống văn hóa, những người đó đã xúc phạm tổ tiên, làm ô danh gia tộc, tàn phá gia phong và tương lai của chính họ. Bộ phận ấy tuy không nhiều, nhưng như "con sâu làm rầu nồi canh", họ đã làm vấy bẩn lên những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Tuy nhiên trên thực tế, lại có những dòng họ biết duy trì, củng cố các tập quán, lễ nghi tốt đẹp của cha ông để lại, bổ sung những quy ước lành mạnh, tổ chức những hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ mỗi thành viên hình thành nhân cách, trau dồi đạo đức, rèn luyện tài năng, lý trí, giáo dục lý tưởng cao đẹp cho con em như: lập hương ước, viết gia phả, lập quỹ khuyến học, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo... Ðó là những hành động thiết thực để xây dựng gia đình thành "tế bào" mạnh khỏe của xã hội, theo hướng kế thừa, phát huy có chọn lọc, bổ sung nét đẹp văn hóa trong thời kỳ mở cửa và hội nhập của đất nước. Gia phong là nền nếp truyền thống của một gia đình có gia giáo, kế tiếp nhau phát huy những tinh hoa của đạo đức, tư tưởng, lối sống đã được khẳng định qua nhiều thử thách. Xây dựng gia phong không lệ thuộc vào của cải vật chất và địa vị xã hội, mà chủ yếu dựa vào chuẩn mực văn hóa tinh thần như: đạo đức, tài năng, tâm hồn, chí hướng, phương châm đối nhân xử thế, ý thức bổn phận và ý thức gây dựng cho con cháu. Trong truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, gia giáo có tiêu chí lớn là chính tâm, thành ý, hướng thiện, tu nhân tích đức, trọng lễ nghĩa nhằm trang bị cho con người một cách toàn diện, có đủ đức tài. Khi phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa", "Tìm về cội nguồn", "Lá lành đùm lá rách"... ngày càng trở thành phong trào rộng lớn của đạo lý và thuần phong mỹ tục, sẽ đem lại nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa người với người. Trong thời đại mới, có những giá trị phải thay đổi, điều chỉnh để đáp ứng với yêu cầu của xã hội. Chọn lọc, điều chỉnh, bổ sung, phát triển các giá trị văn hóa gia đình là nhiệm vụ trước hết của mỗi người, mỗi gia đình. Tìm về giá trị văn hóa gia đình truyền thống, khẳng định các giá trị mới của thời đại mới, là hành động thiết thực trong quá trình xây dựng văn hóa Việt Nam, bởi gia đình là nền tảng phát huy giá trị văn hóa truyền thống.