Người ta thường nói, xây dựng hình ảnh đã khó, giữ gìn được hình ảnh càng khó hơn. Hình ảnh du lịch Việt là sự kết tinh giữa giá trị cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa truyền thống và những giá trị nhân văn của người Việt.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Cách đây ít ngày, nữ du khách người Australia phàn nàn về dịch vụ du lịch kém chất lượng sau khi đi tham quan một danh thắng nổi tiếng của nước ta. Thực ra không phải bây giờ mà trước đó, một số du khách nước ngoài khi đến tham quan, du lịch tại Việt Nam cũng bày tỏ sự không hài lòng vì phải trả giá phí quá cao cho dịch vụ taxi, ăn uống, ngủ nghỉ, thậm chí còn bị làm phiền bởi những người bán hàng rong chèo kéo…
“Con sâu làm rầu nồi canh”. Dù những thái độ, hành vi ứng xử thiếu văn minh đối với du khách nước ngoài chỉ là số ít, nhưng đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung, hình ảnh du lịch Việt nói riêng.
Nhìn nhận định một cách khách quan, thời gian qua, ngành du lịch nước ta đã không ngừng nỗ lực đổi mới, cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ và mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Con số 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, nước ta đón hơn 5,5 triệu lượt khách nước ngoài (tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái) phần nào nói lên du lịch Việt luôn có sức hấp dẫn với nhiều du khách quốc tế.
Có được kết quả đó là thời gian qua, nhiều địa phương nỗ lực kiến tạo hình ảnh du lịch tốt đẹp trong mắt du khách. Ví như tỉnh Quảng Ninh xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh thông qua chương trình “Nụ cười Hạ Long” với thông điệp “Nụ cười đến từ trái tim”. TP Đà Nẵng phát động chiến dịch quảng bá du lịch “Nụ cười Đà Nẵng” với thông điệp “Chung tay vì một Đà Nẵng ngày càng văn minh, thân thiện và mến khách”… Tháng 3-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Điều đáng nói là bộ quy tắc ứng xử này không giới hạn ở đối tượng du khách mà bao gồm các thành phần liên quan đến hoạt động du lịch, đó là: Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; doanh nghiệp lữ hành; hướng dẫn viên; cơ sở lưu trú du lịch; đơn vị vận chuyển khách du lịch; nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống; điểm mua sắm phục vụ khách du lịch; điểm tham quan, điểm du lịch; cộng đồng dân cư... Cùng với đó, bộ quy tắc đưa ra các khuyến nghị nhằm thực hiện tốt các thông điệp ứng xử văn minh du lịch bằng các câu khẩu hiệu, như: “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”, “Việt Nam-Điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh”, “Nói lời hay, cử chỉ đẹp”…
Như vậy, các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương đã có những động thái cụ thể, việc làm thiết thực nhằm đưa các hoạt động du lịch nội địa đi vào nền nếp, qua đó không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng hình ảnh du lịch Việt ngày càng thân thiện, văn minh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tuy vậy, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có quan hệ mật thiết với nhiều ngành khác, như: Giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, y tế, công thương, công an... Vì vậy, để hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam trở nên tươi đẹp, ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương các cấp, nhất là chính quyền những nơi có điểm tham quan, điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn đối với du khách nước ngoài.
Người ta thường nói, xây dựng hình ảnh đã khó, giữ gìn được hình ảnh càng khó hơn. Hình ảnh du lịch Việt là sự kết tinh giữa giá trị cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa truyền thống và những giá trị nhân văn của người Việt. Muốn giữ gìn hình ảnh du lịch Việt lâu dài, bền vững phải kết hợp chặt chẽ phương châm “xây đi đôi với chống”, trong đó cần bền bỉ, kiên trì tạo dựng niềm tin tốt đẹp cho du khách quốc tế bằng việc thực hiện thật tốt bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch ở mọi lúc, mọi nơi; đồng thời chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức có những thái độ, hành vi làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của du khách nước ngoài khi tham quan, du lịch ở Việt Nam./.
Thiện Văn (Báo QĐND)