Chuyện nhà văn, nhà báo tài danh nhận lời phụ trách viết chuyên mục cho một ấn phẩm xuất bản định kỳ trong nhiều năm, từ đó lưu lại dấu ấn lên văn đàn không phải là chuyện quá hiếm trên thế giới và cả ở nước ta. Nhưng tình nguyện làm “cây xã luận” cho một tạp chí suốt 17-18 năm, kể cả sau khi đã giã từ tòa soạn đi nhận trọng trách khác như trường hợp nhà báo Nguyễn Hồng Vinh với báo Nhân Dân thật sự là ít có. Kể từ ngày ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng, do sáng kiến của chính ông, ra số đầu vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ năm 1997 cho tới nay, tháng tháng cứ mở tờ tạp chí in đẹp và nội dung thường xuyên cải tiến ra, ta gặp luôn bài viết ngắn gọn Vấn đề tháng này, đề cập một vấn đề trọng tâm của đất nước, một sự kiện lớn diễn ra trong tháng. Tác giả: Hồng Vinh.
Cuộc sống thời nay luôn nhộn nhịp, các vấn đề trọng đại thì nhiều, những mốc lịch sử, những ngày kỷ niệm theo dòng thời gian đến hẹn lại lên, tháng này nên chọn vấn đề nào đây cho phù hợp trọng tâm chỉ đạo của Đảng và sự quan tâm của công chúng? Rồi thể hiện cách sao để trong vòng năm trăm từ thể hiện đúng quan điểm và phân tích có lý có tình, không đơn thuần lặp lại “văn bia”, sao chép chỉ thị nhằm thu hút được người đọc, góp phần tạo đồng thuận xã hội và kín đáo gợi ý cho cán bộ các cấp, các ngành?
Báo Nhân Dân cho dù xuất hiện dưới dạng nào đều làm nhiệm vụ cơ quan Trung ương của Đảng, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, đó là yêu cầu đầu tiên cần quán triệt. Vậy mà người viết chỉ có thể tung hoành trong khuôn viên đã định, trường hợp ngoại lệ vẫn không được vượt quá bờ rào. Các bài viết gọn gàng nhỏ nhẹ thế thôi nhưng theo tâm sự của tác giả, nhiều khi cũng tốn công phu và trăn trở lắm. Có những vấn đề mới đặt ra nóng hổi, lại có những chủ đề theo vòng quay trở lại, phải tìm cho được những nét mới đáp ứng yêu cầu cập nhật của tân văn, nhất thiết không cho phép mình lặp lại mình.
Tôi cố tình mở tập sách ở hai trang bất kỳ nào và gặp luôn “Tiếng ngàn xưa và tiếng của mai sau”. Nghĩ đến Bác Hồ kính yêu đúng vào dịp khởi động phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Vấn đề tháng này cảm nhận: “Có phải chăng vì tình cảm mênh mông cao đẹp của Bác Hồ đã dành trọn cho dân tộc ta, mà chị thanh niên xung phong nơi tuyến lửa vẫn vững vàng mở đường trong mù mịt khói bom; anh bộ đội Cụ Hồ từng băng qua mưa bom bão đạn ở chiến trường Điện Biên năm nào lại tiếp tục cùng thế hệ cháu, con xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...”. Bài tiếp theo “Chữ tầm đi liền với chữ tâm”, thoạt nhìn đầu đề đã hiểu ra ngay tác giả bàn vấn đề tháng sáu, và đúng vậy, đây là dịp kỷ niệm 80 năm ngày xuất bản số đầu báo Thanh Niên (21/6/1925). Hồng Vinh khẳng định báo chí đã có những cống hiến xứng đáng vào quá trình đổi mới đất nước 20 năm qua, và gợi ý các nhà báo học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên “tự tu dưỡng và rèn luyện để cái TÂM luôn trong sáng và cái TẦM trí thức không ngừng được bồi đắp... Mỗi bài viết dù là biểu dương hay phê phán, hãy vì cái chung là vun đắp cái thiện, đẩy lùi cái ác, để xã hội ngày một tốt đẹp hơn lên”.
Hiếu kỳ, tôi thử tìm bí quyết của tác giả, xem đến dịp này năm tới, tháng 5 lại về, rồi ông sẽ khai thác khía cạnh nào trong chủ đề học tập Bác Hồ và sẽ lý giải cách sao. Vấn đề tháng này gợi lại chuyện, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng đúng vào năm Bác Hồ chuẩn bị đi xa, Bác đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Hồi ấy, cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết định, Bác Hồ tiên lượng hệ quả nghiêm trọng của “giặc nội xâm” là chủ nghĩa cá nhân, và nhắc toàn Đảng hãy nhìn thấy trước và tìm cách vượt lên những hiện tượng như cán bộ ngại khó, tham nhũng, lạm quyền, tự cao tự đại, xa rời quần chúng... Trong bối cảnh Đại hội X của Đảng vừa kết thúc, lời Bác Hồ năm ấy vẫn thầm vọng bên tai mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta. Tháng 6, Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Vấn đề tháng này kiến giải lời dạy của Bác Hồ với những người làm báo, nhưng chỉ tập trung phân tích mười từ của Bác: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Rồi những mốc kỷ niệm năm tròn, năm chẵn của nhiều sự kiện lịch sử, ví như 40, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, báo Nhân Dân không thể không đề cập. Song vấn đề quan trọng là, sự kiện lịch sử trọng đại ấy có ý nghĩa gì đối với công cuộc đổi mới, hội nhập hôm nay? Tôi chú ý những dòng tâm huyết của Hồng Vinh viết nhân 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: “Một dân tộc đã từng làm nên chiến thắng lừng lẫy ở Điện Biên Phủ, mở ra thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới, thật sự cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập và tự quyết định số phận của mình…
Mang lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta nhất định sẽ làm nên những “Điện Biên Phủ” mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hôi, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam yêu dấu”. Hoặc nữa, năm cũ khép lại, năm mới lại về theo quy luật đất trời, nhưng mỗi năm Hồng Vinh đều tìm chọn những điểm nhấn in dấu ấn trong tâm khảm mỗi người; từ đó “thổi lửa” tin yêu và hy vọng vào các tầng lớp nhân dân ta vững tin theo Đảng, vượt lên thách đố để xây dựng đất nước mạnh giàu, giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Đón xuân Canh Dần (2010), Hồng Vinh viết: “Mùa Xuân này, tròn 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… Những mốc son lịch sử đó gợi bao điều suy nghĩ trong ta về cuộc hành trình từ ngày lập Đảng qua 80 mùa xuân đầy gian lao, nhưng vô cùng tự hào của nhân dân ta. Đọc lại câu thơ của Bác, lòng mỗi chúng ta bỗng vợi bớt băn khoăn; thấy vui hơn, tin hơn vào chính mình và cuộc sống…Càng tự hào biết bao, khi nhìn lại chặng đường gần 20 năm thực hiện Cương lĩnh đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, được hình thành trong thử thách nghiệt ngã của lịch sử, khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; khi những người cầm quyền ở nước Mỹ thực hiện cấm vận đối với nước ta suốt 20 năm ròng rã…”.
Theo mạch tư duy đó, các chủ đề chính luận không kém phần quan trọng, được tác giả xử lý nhẹ nhàng theo hơi văn tuỳ bút: lấy dân làm gốc, uống nước nhớ nguồn, đưa pháp luật vào cuộc sống, thi đua yêu nước, chăm lo việc trồng người, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nhân lực, chăm sóc nhân tài, bồi đắp sức mạnh đại đoàn kết, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, v.v.. Và tập bài viết tạm kết thúc với việc Quốc hội thông qua “Hiến pháp 2013, ý chí và trí tuệ của toàn dân”.
Tác giả Nguyễn Hồng Vinh là nhà báo chuyên nghiệp, trưởng thành dưới bóng Cây đa 71 Hàng Trống, cạnh Hồ Gươm - Hà Nội. Tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về làm việc tại báo Đảng, khởi đầu bằng công việc của một phóng viên lao vào thực tiễn, chăm chú học tập các bậc đàn anh, cần mẫn cuốc cày với cây bút và trang giấy. Tay nghề Hồng Vinh đã qua đủ thể loại báo chí trước khi được giao điều hành Ban biên tập một tờ báo lớn của nước ta. Nhằm đào tạo cán bộ lâu dài, Đảng cho ông đi bồi dưỡng nâng cao về lý luận chính trị, rồi chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ báo chí, tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô lừng lẫy một thời. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh trở về bên Cây đa Hàng Trống đúng vào lúc đất nước tiến vào đổi mới toàn diện. Ông hăm hở sát cánh cùng các đồng nghiệp ở báo Đảng tỏa đi các vùng, miền đất nước, phản ánh sinh động khí thế các tầng lớp nhân dân ta trong tiến trình đổi mới, phát triển, hội nhập.
Được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, làm Tổng Biên tập báo Nhân Dân (1996), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (2000)..., ông là người đề xuất và được Bộ Chính trị chấp thuận cho thực hiện lộ trình cải tiến báo Nhân Dân: tăng gấp đôi số trang Nhân Dân hằng ngày, đổi mới Nhân Dân cuối tuần, xuất bản Nhân Dân hằng tháng, ra báo điện tử tiếng Việt rồi tiếng Anh, song song với thường xuyên cải tiến nội dung, nâng cao chất lượng mọi xuất bản phẩm của báo. Chuyên mục Vấn đề tháng này ra đời trong bối cảnh đó.
Theo sự phân công của Trung ương Đảng, Nguyễn Hồng Vinh rời báo Nhân Dân nhận nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương… Các vị kế nhiệm ông tại báo Đảng vẫn đề nghị ông tiếp tục “giữ lửa” cho Vấn đề tháng này.
Từ nhiều năm nay, công việc của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh không còn là ngày ngày viết bài, sửa bài, duyệt bài báo Đảng, tổ chức quản lý, quảng bá báo Nhân Dân, chỉ đạo, điều hành Hội Nhà báo Việt Nam. Trách nhiệm chính của ông, theo tôi được hiểu, là làm tư vấn, tham mưu cho Ban Bí thư về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; chỉ rõ hướng đi, phê phán các luận điểm không phù hợp - một mảng công tác cực kỳ nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay. Những ngày nghỉ, ông tranh thủ làm thơ, vậy mà vẫn không thể không cưu mang “giữa lửa” với tất cả cái tâm, cái tầm báo chí, tháng tháng nộp bài cho Nhân Dân hằng tháng; và gần hai năm nay, theo yêu cầu của Hội đồng biên tập Tạp chí Tuyên giáo- Ban Tuyên giáo Trung ương, tháng tháng ông lại đảm nhiệm chuyên mục Vấn đề quan tâm cho Tạp chí. Mỗi bài dài chỉ trên dưới 500 chữ, nhưng trong văn chương, ngắn gọn đâu có đồng nghĩa với dễ dãi, mà thường là ngược lại; thiếu tài năng và tâm huyết sẽ khó thành công.
Cảm ơn anh Hồng Vinh đã cho tôi đọc tập tuyển trước khi đưa in, đọc lại thì đúng hơn, có lẽ tại anh biết tôi vốn là độc giả trung thành của báo Đảng. Qua đôi điều cảm nhận, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Giữ lửa của tác giả Nguyễn Hồng Vinh.
Phan Quang
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam