Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 16/2/2014 16:26'(GMT+7)

Giữ nét đẹp truyền thống của lễ hội

Tình trạng người dân đốt vàng mã nhiều ở phủ Tây Hồ (Hà Nội).

Tình trạng người dân đốt vàng mã nhiều ở phủ Tây Hồ (Hà Nội).


Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành văn hóa, cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Ðến lễ hội có mặt đông đảo các tầng lớp dân cư, mọi lứa tuổi với tâm nguyện tốt lành và hướng thiện. Sau một năm bận rộn với những lo toan thường nhật, trẩy hội ngày xuân, khách hành hương có dịp giải toả những âu lo phiền muộn hoặc thư giãn tinh thần với những trò chơi lành mạnh của ngày hội, thăm viếng cảnh quan di tích... Các lễ hội truyền thống, hội làng, với sức sống mãnh liệt vốn có đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nhu cầu, khát vọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân ta nhiều thế kỷ qua. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng với tư tưởng uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, các lễ hội diễn ra sôi động bằng những sự tích, công trạng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Thực tế cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực của lễ hội, cũng lại mang tới một số hệ lụy gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ðó là, số lượng du khách tăng nhanh đến mức đột biến quá lớn với các lễ hội, làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý; một số lễ hội dân gian có hiện tượng pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi lễ, lễ hội truyền thống phai mờ bản sắc dân tộc. Tình trạng lập nhiều ban thờ, đặt nhiều hòm công đức... còn phổ biến ở nhiều di tích, làm suy giảm yếu tố tâm linh, coi nặng giá trị vật chất, gây phản cảm trong sinh hoat xã hội. Cùng với đó là một số hành vi ứng xử thiếu văn hóa ở nơi công cộng, nâng giá bắt chẹt khách thập phương, xâm hại các công trình văn hóa, gây ùn tắc giao thông... Có thể kể vài lễ hội như Lễ hội Chùa Hương, Phủ Giày, Yên Tử...

Ðể bảo đảm cho các lễ hội mùa xuân vui tươi và lành mạnh, cơ quan chức năng, các ngành các cấp cần tiếp tục triển khai Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các cấp chính quyền địa phương nơi có di tích cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho nhân dân và các đối tượng tham gia lễ hội về kiến thức pháp luật, các giá trị lịch sử văn hóa của di tích, để từ đó người dân có ý thức trách nhiệm tham gia cùng chính quyền thực hiện bảo vệ và phát huy lễ hội. Cần tăng cường kiểm tra, xử lý, nhằm loại bỏ những hành vi cướp giật, "chặt chém" khách, các tệ nạn xã hội, đồng thời kiên quyết dẹp bỏ những hủ tục hoặc lợi dụng lễ hội làm vẩn đục không gian văn hóa.

HẢI MINH/NhanDan


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất